Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 10 tháng 1 năm 2021 | 22:21

Lực đẩy nào cho thị trường bất động sản 2021?

Theo các chuyên gia bất động sản, để vượt qua khó khăn và bước vào giai đoạn phát triển mới trong năm 2021, thị trường bất động sản nhà ở sẽ cần nhiều lực đẩy giúp phục hồi và tăng tốc trở lại.

Theo báo cáo thị trường của Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam, thị trường bất động sản cả nước gặp phải nhiều khó khăn do nguồn cung và tỷ lệ tiêu thụ đều sụt giảm, thậm chí không ghi nhận giao dịch trong giai đoạn 2013 - 2015. Để vực dậy thị trường, Nhà nước đã thông qua và ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ như gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, hệ thống văn bản pháp luật quan trọng gồm: Luật đất đai năm 2013, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2014,... Đồng thời, việc đẩy mạnh triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn là những đòn bẩy quan trọng giúp thị trường bắt đầu hồi phục vào năm 2016.
Thị trường bất động sản nhà ở TP. Hồ Chí Minh năm 2020 cũng đối mặt nhiều thách thức với ảnh hưởng kép từ đại dịch và đà suy giảm kéo dài từ năm 2019.
Do sự siết chặt quy trình thủ tục cấp phép dự án của các cơ quan Nhà nước, nguồn cung dự án mới tiếp tục sụt giảm đáng kể. Thị trường TP. Hồ Chí Minh gần như vắng bóng loại hình căn hộ hạng C trong khi nhu cầu ở phân khúc này còn rất lớn. Cùng lúc đó, dù nguồn cung mới giảm mạnh, mặt bằng giá vẫn liên tục tăng cao. Đặc biệt, mức giá sơ cấp ở các giai đoạn sau tăng trung bình 10% - 15% so với giá bán ở giai đoạn trước. Điều này làm khả năng sở hữu nhà cho người có nhu cầu ở thực với nguồn tài chính không cao càng trở nên khó khăn.
Bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch trong năm 2020 và sự cố vỡ cam kết lợi nhuận cuối năm 2019. Theo đó, thị trường đã manh nha xuất hiện hình thức đầu tư tài chính bất động sản giống như tín thác đầu tư bất động sản mà luật pháp chưa có quy định cụ thể. Tại khu vực Bảo Lộc - Lâm Đồng, nhiều dự án được quảng cáo với mô hình mới như homestay, farmstay,… Tuy nhiên, Nhà nước chưa có quy định cụ thể để giám sát, quản lý hoạt động của các loại hình này.
anh-4.JPG
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc R&D DKRA Vietnam tổng kết diễn biến toàn cảnh thị trường bất động sản Nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận năm 2020
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc R&D DKRA Việt Nam dự báo, bước sang 2021, để vượt qua khó khăn và bước vào giai đoạn phát triển mới, thị trường bất động sản nhà ở sẽ cần nhiều lực đẩy giúp phục hồi và tăng tốc trở lại. Một trong những yếu tố đáng lạc quan là diễn biến kinh tế vĩ mô và công tác kiểm soát dịch bệnh rất tốt của Việt Nam. “Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng 2.91% so với năm 2019 dù năm qua có nhiều biến động. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6.8% trong năm 2021 - mức tăng trưởng thuộc hàng đầu thế giới. Điều này mang đến triển vọng, cơ hội và nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản chuyển mình”, ông Hoàng cho biết.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, cần có thêm những giải pháp kích hoạt lực đẩy thị trường bất động sản năm 2021.
Cụ thể, hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông sớm đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, quy hoạch TP. Thủ Đức cần được Nhà nước ban hành hướng dẫn cụ thể hơn để doanh nghiệp và người dân chủ động có chiến lược phát triển phù hợp.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên đa dạng hóa kênh tiếp cận nguồn vốn mới từ thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư ngoại,… để nâng cao năng lực tài chính, hạn chế phụ thuộc vào kênh huy động vốn từ khách hàng. Đồng thời, chủ đầu tư phải chú trọng đầu tư cảnh quan, tiện ích dự án, đảm bảo chất lượng công trình và áp dụng linh hoạt các chính sách bán hàng,… nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Tấn Thành
Ý kiến bạn đọc
Top