Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 17 tháng 6 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 4 năm 2020 | 8:14

Mối “lương duyên” giữa Tỉnh uỷ Bình Dương và Công ty Tân Phú

Liên quan đến nhiều dấu hiệu sai phạm tại dự án 43ha KDC Tân Phú đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương làm rõ. Điều mà dư luận trông chờ vì sao một khu đất công bằng nhiều “mánh” khác nhau lại đổi chủ, biến “đất công thành đất ông”?

Theo đó, dự án KDC Tân Phú có quy mô 43 ha được Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Địa ốc Kim Oanh (Kim Oanh Group) lần đầu tiên giới thiệu ra thị trường vào đầu năm 2018. Dự án bao gồm 2.000 sản phẩm đất nền và nhà phố xây sẵn cùng hệ thống dịch vụ, tiện ích hiện đại phục vụ nhu cầu cuộc sống cư dân. Vị trí toạ lạc tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Phạm Ngọc Thạch, bao quanh là các tuyến đường lớn huyết mạch như quốc lộ 13, đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Lý Thái Tổ, đường Nguyễn Văn Linh…, 

Theo tìm hiểu, ba đơn vị thành viên Kim Oanh Group cùng hợp tác phát triển dự án gồm Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh (chủ đầu tư – tại thời điểm này công ty chưa được tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm chủ đầu tư dự án. Dự án cũng chưa có giấy phép xây dựng), Công ty Cổ phần Xây dựng An Phước Bình Dương (thi công hạ tầng) và Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Oanh (phân phối độc quyền).

Được biết dự án KDC Tân Phú, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt là Tổng Công ty Bình Dương) tiền thân là Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tỉnh ủy quản lý và được UBND tỉnh Bình Dương giao hơn 43 ha đất để xây dựng Khu Đô thị thương mại và Dịch vụ Tân Phú (KDC Tân Phú). Năm 2012 Tổng Công ty Bình Dương được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất 43 ha và đây là tài sản Nhà nước (đất công – Phóng viên).

Dự án 43ha KDC Tân Phú hiện đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương điều tra làm rõ sai phạm.
Dự án 43ha KDC Tân Phú hiện đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương điều tra làm rõ sai phạm.

Trên cơ sở đề xuất của Tổng Công ty Bình Dương, Tỉnh uỷ Bình Dương chấp thuận cho Tổng Công ty Bình Dương liên kết với Công ty Âu Lạc để thành lập công ty dự án là Công ty Tân Phú, trong đó Tổng Công ty Bình Dương góp vốn 60 tỷ đồng, chỉ chiếm 30% vốn điều lệ doanh nghiệp làm dự án.

Dư luận đặt vấn đề: Tại sao tỷ lệ góp vốn của Tổng Công ty Bình Dương chỉ là 30% mà không phải là con số cao hơn. Với tỷ lệ góp vốn này, nhà nước mất quyền chi phối dự án. Không riêng gì 43ha đất mà các tài sản của Tổng Công ty Bình Dương đều là tài sản của Tỉnh uỷ (Tổng Công ty Bình Dương là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) thì việc Tỉnh uỷ chấp thuận “đứa con” của mình - Tổng Công ty Bình Dương tham gia góp vốn 60 tỷ đồng như đã nêu trên, chẳng khác gì Tỉnh uỷ đang đi “móc hầu bao” liên kết với doanh nghiệp tư nhân làm dự án ngay trên đất là tài sản của chính mình. Có hay không việc doanh nghiệp kinh tế đảng đã dùng tiền đầu tư ra ngoài, vi phạm các quy định của Đảng?

Mặt khác, thay vì câu chuyện góp vốn như đã nêu ở trên để làm dự án, Tỉnh uỷ Bình Dương nên chủ trương bán đấu giá khu đất, thu ngân sách đảm bảo chi tiêu hoạt động kinh tế Đảng cho Tỉnh uỷ.

Tuy nhiên, điều khó hiểu Tỉnh uỷ Bình Dương lại chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng vốn góp 30% của mình tại Công ty Tân Phú sang Công ty Âu Lạc.

Câu hỏi đặt ra, vậy Tổng Công ty Bình Dương sẽ thu được cái gì? Sau này Tỉnh ủy đã yêu cầu Tổng Công ty Bình Dương phải thuê đơn vị tư vấn để xác định giá trị tăng thêm của phần góp vốn 30%. Nếu vậy, bản chất 30% vốn góp của Tổng Công ty Bình Dương vào dự án không khác gì việc gửi tiền ngân hàng, chuyển nhượng có tính thêm giá trị tăng thêm như là tiền lãi suất !

Dự án KDC Tân Phú nơi Tổng Công ty Bình Dương dùng giá trị quyền sử dụng đất chứ không phải tiền mặt để tham gia góp vốn vào dự án.
Dự án KDC Tân Phú nơi Tổng Công ty Bình Dương dùng giá trị quyền sử dụng đất chứ không phải tiền mặt để tham gia góp vốn vào dự án.

Về sau do phát hiện Tổng Công ty Bình Dương dùng giá trị quyền sử dụng đất chứ không phải tiền mặt để tham gia góp vốn nên Thường trực Tỉnh uỷ ra thông báo thu hồi chủ trương này.

Trong trường hợp Tổng Công ty Bình Dương dùng tiền chứ không phải quyền sử dụng đất 43ha thì việc đồng ý cho chuyển nhượng của Tỉnh uỷ cũng không thể xem là bình thường. Nguyên nhân, khi Tổng Công ty Bình Dương đã chuyển nhượng hết vốn góp dù tiền hay quyền sử dụng đất thì lúc này nhà nước không còn tư cách gì tại dự án Khu đô thị Tân Phú và từ đây để mặc doanh nghiệp tư nhân “định đoạt” số phận dự án.

Sai phạm tại Tổng Công ty Bình Dương, thiệt hại tài sản nhà nước khi giao đất công cho doanh nghiệp tư nhân làm dự án không qua đấu giá, áp dụng giá đất sai thời điểm…. đã rõ.

Điều mà dư luận quan tâm, bức xúc việc vì sao Văn phòng Tỉnh uỷ lại để Tổng Công ty Bình Dương báo cáo gian dối và chỉ khi ra cuộc họp nghe đại diện Tổng Công ty Bình Dương báo cáo trực tiếp việc xin chuyển đổi phương án sử dụng đất thì Thường trực Tỉnh uỷ mới phát hiện việc Tổng Công ty Bình Dương làm trái chủ trương của Tỉnh uỷ trong việc góp vốn, rồi từ đó mới có thông báo thu hồi chủ trương? Liệu rằng, trước khi chấp thuận cho Tổng Công ty Bình Dương liên kết với công ty tư nhân thành lập công ty dự án, Tỉnh uỷ Bình Dương đã được các sở ngành chuyên môn báo cáo năng lực tài chính của đối tác tham gia dự án hay chưa?

Cùng liên quan vấn đề trên, trả lời trên báo Bình Dương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương ông Ngô Quang Sự khẳng định, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh (Công ty Kim Oanh) chưa có tài sản đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và giao dịch chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất là chưa ngay tình. Vào năm 2016 Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Phú nhưng vẫn giữ nguyên giá trị thỏa thuận năm 2010 là 250,11 tỷ đồng, không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất sát với giá thị trường, gây thất thoát vốn doanh nghiệp kinh tế Đảng.

Tiếp đến, tháng 8/2017, Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng toàn bộ vốn góp trong Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá trị chuyển nhượng là 161,11 tỷ đồng. Đến tháng 3/2018, Công ty Âu Lạc tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp còn lại cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh (gọi tắt là Công ty Kim Oanh - chủ sở hữu 100%). Việc mua phần vốn góp của Công ty Kim Oanh là chưa phù hợp với quy định pháp luật đất đai.

Liên quan đến những sai phạm trên, vừa qua Cơ quan CSĐT Công an Tỉnh Bình Dương đã thực hiện lệnh khám xét, bắt khẩn cấp đối với lãnh đạo Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương. Đồng thời, Cơ quan này đã tiến hành thu giữ vật chứng là “sổ đỏ” và quyền sử dụng khu đất 43ha KDC Tân Phú để phục vụ việc điều tra vụ án hình sự về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại đây.

Lại Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top