Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 2 tháng 6 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 10 năm 2016 | 3:42

Nên xem xét lại quy định hội không được nhận tài trợ từ nguồn lực nước ngoài

Hôm nay (25/10), Thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật về hội, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội nên xem xét lại quy định hội không được nhận tài trợ từ nguồn lực nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) phát biểu ý kiến tại hội trường.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội): “Các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội ở Điều 8 Khoản 5, hội không liên kết ra nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Chúng tôi thấy ở Khoản 5 nằm trong Điều 8 hơi bị khiên cưỡng. Vì ở đây là liên kết nhận tài trợ chứ không phải lập hội. Bởi vậy cần xem xét đưa ra thành một điều riêng hoặc chuyển về Điều 5.

Về nội dung cần làm rõ ý trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Như thế nào là đặc biệt, Chính phủ quy định như thế nào và quy định những gì và điều quan trọng là phải quy định luôn, quy định ngay nếu không rất khó thực hiện. Nhất là những hoạt động tài trợ liên quan đến thuốc men hoặc những cứu trợ tức khắc sẽ rất khó thực hiện, vì còn đi xin cơ chế đặc biệt. Quy định như vậy cản trở sự hội nhập, điều đó không thực sự phù hợp với quan điểm của Đảng”.

Đại biểu Trí phân tích, ở Nghị quyết số 22 nghị quyết trung ương năm 2013 về hội nhập quốc tế, trong đó có nêu "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng". Quy định như vậy làm chúng ta không có điều kiện để thể hiện vai trò của hội, của cá nhân, của đất nước Việt Nam đối với quốc tế. Quy định như vậy làm mất cơ hội để tiếp cận nguồn lực to lớn của quốc tế viện trợ cho các đối tượng yếu thế, các bệnh nhân, nạn nhân, hỗ trợ cho các nhà khoa học, cho các cơ sở nghiên cứu, cho các bệnh viện... Quy định cứng như vậy sẽ có mâu thuẫn với những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam, cụ thể như Hội chữ thập đỏ vẫn thường xuyên nhận các hàng cứu trợ, các viện trợ của nước ngoài, cũng đôi khi gửi cứu trợ của chúng ta cho nạn nhân ở nước ngoài.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) nhất trí với ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí. “Tôi nhận thấy dự thảo này sau một tháng so với dự thảo ngày 9/9 thì hoàn toàn loại bỏ yếu tố nước ngoài. Kể cả Khoản 5, Điều 8 quy định hội không được liên kết, không ra nhập hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.

Những khoản khác, như Khoản 3, Điều 16 thì chủ tịch danh dự, hội viên danh dự phải là công dân Việt Nam. Khoản 6, Điều 22 cũng như Điều 26 cũng nói về nguồn tài trợ cũng như tài sản, tài chính chỉ giới hạn trong nước. Tôi nhận thấy đây là một vấn đề, một quy định, một quan điểm không phù hợp với xu thế hội nhập phát triển hiện nay và cũng không phù hợp với chủ trương đối đẳng trong quan hệ ngoại giao, đặc biệt là nó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với những hội nghề nghiệp chuyên môn nhất là trong lĩnh vực y tế và nhân đạo của chúng tôi và liệu Chính phủ có bao quát hết tất cả các trường hợp đặc biệt để quy định đầy đủ, kịp thời và tại sao hội và các pháp nhân thuộc hội lại bị hạn chế quyền hoạt động hội nhập hợp tác quốc tế, trong khi những cơ quan, tổ chức khác không bị giới hạn”, đại biểu Lan lý giải.

Còn đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng đồng tình với phân tích của đại biểu Nguyễn Anh Trí. Đại biểu Cương cho rằng: “Tài trợ và cứu trợ là khác nhau. Sau luật này nếu hội không cho phép nhận tài trợ thì nhiều hội sẽ nhận cứu trợ. Như vậy, quy định của chúng ta đặt ra không đạt được mục đích.

Thực tế một số hội được lập ra chủ yếu để nhận tài trợ quốc tế để hoạt động và mang lại hiệu quả thiết thực. Tôi nhất trí với báo cáo giải trình về việc phòng ngừa việc liên kết ra nhập nhận tài trợ để hoạt động trái pháp luật chống phá Nhà nước và chế độ. Nhưng cũng không nên phủ nhận trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay việc các hội liên kết gia nhập các tổ chức quốc tế là xu hướng tự nhiên và tất yếu, mang lại nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi và nguồn hỗ trợ hoạt động hiệu quả.

Dương Thanh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”

    “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”

    Chủ đề “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”, trong tháng 5 này, các cấp hội Chữ thập đỏ trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng dễ bị tổn thương, giúp họ vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, yêu thương.

  • Những “Giọt nước nghĩa tình” cùng người dân miền Tây đi qua mùa hạn, mặn

    Những “Giọt nước nghĩa tình” cùng người dân miền Tây đi qua mùa hạn, mặn

    Tiếp sức người dân miền Tây vượt qua khó khăn mùa hạn mặn, Cty Tân Hiệp Phát phối hợp cùng Báo Công An TPHCM trao 200.000 sản phẩm nước tinh khiết Number 1 cùng 620 khối nước ngọt đến người dâncác vùng hạn mặn Bến Tre, Tiền Giang.

  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

Top