Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 27 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 1 năm 2020 | 14:11

Ngựa đất vào mùa giáp Tết

Hằng năm, khi mùa mưa lũ đi qua, gia đình ông Huỳnh Trâm (thôn Câu Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) lại “khởi động” quy trình “đúc” ngựa đất để phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân xứ Quảng dịp Tết đến Xuân về.

tr8.JPG
Ông Trâm giới thiệu ngựa đất trước sân.

 

Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan nhà ông Trâm vào một ngày cuối năm dương lịch. Khi nhìn ánh nắng vàng rực chiếu xuống khu vườn nhỏ, nơi có hàng ngàn con “ngựa đất” đang phơi lớp lang, la liệt trong sân, vườn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trâm vui vẻ cho hay, gần  40 năm  qua,  gia đình ông vẫn nhồi đất sét vào khuôn để cho ra hàng triệu triệu con ngựa đất. Sản phẩm được đặt lên trang trọng ở bàn thờ của nhiều gia đình, tộc họ. Người dân xứ Quảng quan niệm rằng, ở bên kia thế giới, người thân của họ cần có con ngựa để làm phương tiện đi lại. Và khi ngựa đã bị vỡ, cũ…, họ lại thay “ngựa mới”, nhất là trong dịp Tết đến Xuân về.

 

tr8a.JPG
Sơn màu cho ngựa đất sau khi nung.

 

Trước mắt chúng tôi, từ trong nhà cho đến ngoài sân nhộn nhịp với các khâu in ngựa, phơi ngựa, nung ngựa, vẽ ngựa… Vừa giới thiệu con ngựa đất đang phơi, ông Trâm vừa tiết lộ bí mật nhà nghề: “Đầu tiên là khâu mua đất sét loại tốt, họ chở về đến đây, mỗi khối là 1 triệu đồng. Từ đất sét, chúng tôi nhào với nước vừa đủ độ dẻo, sau đó cán ra một lớp mỏng khoảng 1cm, có diện tích lớn hơn thân con ngựa, mang đặt trên khuôn con ngựa, dùng tay ấn  nhẹ lớp đất sét vào khuôn, sau đó đổ ra, được một nửa con ngựa. Một con ngựa đất phải trải qua 13 lần in như: 2 mảnh của thân con ngựa; 8 mảnh của 4 chân ngựa; 2  mảnh của 1 cái đuôi; 1 mảnh của cái đế. Ông Trâm và các con dùng đất sét nhào ướt, dẻo để gắn 13 mảnh lại và mang phơi nắng khoảng 1 ngày. Sau đó mang vào “bệ nung” bằng thùng phuy, bên dưới đốt bằng củi trong 24 giờ. Mỗi mẻ nung khoảng 200 con ngựa. Nung xong, mang ngựa nhúng 2 lớp sơn, lớp lót bên ngoài có màu đỏ (xích mã) hoặc trắng (bạch mã). Sau khi lớp sơn bên ngoài khô thì mang ra trang điểm các hoa văn hoạ tiết như bờm, yên cương, tai, mắt…

 

tr8b.JPG
“Bạch mã” đã hoàn thành.

 

Trung bình mỗi ngày, lúc bình thường, gia đình ông Trâm  xuất xưởng khoảng 50 con. Những ngày cuối năm, nhu cầu về ngựa đất cao hơn, gia đình ông đúc nhiều gấp đôi. Tùy theo kích thước của ngựa đất mà có giá cả phù hợp. Hiện nay, ông “đúc” 2 loại ngựa, bán với giá 25 ngàn đồng và 35 ngàn đồng. Nhờ nghề này, gia đình ông mỗi người, mỗi ngày thu nhập khoảng khoảng 150.000 đồng.

 

tr8c.JPG
Cháu ông Trâm đang đùa với ngựa đất.

 

Hiện nay, nghề đúc ngựa đất khu vực Quảng Nam chỉ còn duy nhất gia đình ông Trâm gắn bó với nghề. Ông tâm sự: Mấy năm gần đây, nghề đúc ngựa ở đây chưa theo kịp kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng của “ngựa đất” ở nhiều nơi khác. Song ở chúng tôi, nghề đúc ngựa cứ thế tồn tại, không phát triển hơn, cũng không lụi tàn bởi hàng triệu gia đình người Việt vẫn giữ tục thờ cúng ông bà, tổ tiên... và nhất là dịp Tết Canh Tý 2020 này, người dân sẽ thay ngựa mới rất nhiều và muốn chưng “cặp ngựa” bằng chính loại đất ở nơi đồng đất quê hương xứ Quảng. Họ tin rằng, có như vậy, người nhận ngựa sẽ phù hộ cho họ làm ăn phát tài, phát lợi, bình yên, may mắn trong năm mới như câu “mã đáo thành công”.

 

 


 

Tiên Sa
Ý kiến bạn đọc
Top