Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 2 tháng 6 năm 2024  
Thứ năm, ngày 19 tháng 5 năm 2016 | 8:15

Người cựu chiến binh với kỷ niệm gặp Bác Hồ

“Được trực tiếp trò chuyện với Bác là một ký ức đẹp không bao giờ tôi có thể quên. Từng tham gia hai cuộc kháng chiến, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm nhưng cả cuộc đời tôi không gì tự hào bằng lần được gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh...”, ông Nguyễn Văn Lũy (SN 1932, quê gốc Hưng Yên, hiện ngụ tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ.

Cống hiến tuổi thanh xuân đi cứu nước

Ông Lũy say sưa kể cho phóng viên nghe câu  chuyện được gặp  Bác Hồ.

Chứng kiến cảnh nước nhà bị thực dân Pháp xâm lược, người thanh niên Nguyễn Văn Lũy đã sớm giác ngộ tư tưởng cách mạng. Tháng 3/1949, ông Lũy tình nguyện viết đơn nhập ngũ khi chưa đủ 17 tuổi, làm liên lạc cho bộ đội địa phương trong vùng địch hậu. Lúc bấy giờ, mẹ ông Lũy giấu giấy giới thiệu trong nắm cơm, ông mặc áo sờn nâu, cầm roi giả làm người chăn trâu đi đến đơn vị là Đại đội 24, bộ đội địa phương huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Thời gian đầu, trong các đợt đánh du kích, việc mai phục địch gặp nhiều khó khăn do thiếu vũ khí; mỗi đại đội lúc bấy giờ chỉ được trang bị khoảng 20 khẩu súng trường các loại của Đức, Nga, Pháp... Ngay cả viên đạn cũng phải tiết kiệm, chiến sĩ bắn xong phải nhặt lại vỏ để về nhồi lại. Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng đại đội của ông Lũy luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ngày 18/10/1951, trong một chuyến công tác, ông Lũy cùng 14 người lính khác bị bắt tại Thái Bình. 13 người trong số đó bị xử bắn, còn ông và một người bạn là bộ đội chủ lực được giữ lại để tra hỏi. Thời gian này, thực dân Pháp mở nhiều chiến dịch càn quét và bắt nhốt gần 600 người Việt. Những người bị nghi vấn hoạt động cách mạng bị nhốt trong cùm và mang ra cầu Bo (thị xã Thái Bình) xử bắn để khủng bố tinh thần những người trong tù.

Sau nhiều lần bị áp giải qua nhiều trại giam từ Mái Chui (Nam Định) về Đoạn Xá (Hải Phòng), tại đây, ông Lũy cùng với 3 người khác đã đào hầm với ý định chạy trốn. Bị lính canh ngục phát giác, chỉ có 3 người trốn thoát, ông Lũy bị bắt lại, đem nhốt vào phòng biệt giam, bị bỏ đói 3 ngày 3 đêm… Sau đó, ông bị nhốt trong phòng biệt giam suốt 1 tháng, mỗi ngày chỉ được phơi nắng 15 phút. Nhìn ông Lũy có dáng vẻ thư sinh nên tên trưởng trại giam người Pháp hỏi ông bằng tiếng Pháp: “Quân đội liên hiệp Pháp có tàu bay, tàu bò, tàu thủy... sang đây khai phá văn minh cho anh. Tại sao anh lại đánh tôi, không theo tôi? Anh có vẻ thư sinh trí thức, có học, chắc anh hiểu nước Pháp là mẫu quốc sang khai phá văn minh. Vậy tại sao anh không theo chúng tôi để được trọng dụng mà theo Việt Minh?”. Lúc này ông Lũy nhìn thẳng vào tên trưởng trại trả lời: “Tôi học tập người Pháp nên đánh Pháp vì khi người Đức tấn công nước Pháp, tin họ, người Pháp đầu hàng, tướng Đờ-gôn chạy sang Luân Đôn (Anh) rồi nhân dân Pháp chống phát xít Đức và phát xít Đức thất bại, nước Pháp được giải phóng. Ông là người Pháp, ông yêu nước Pháp. Còn tôi là người Việt Nam, tôi yêu nước Việt Nam. Bởi thế tôi kháng chiến”. Câu trả lời của ông Lũy đã làm tên trưởng trại người Pháp cảm thấy kinh ngạc. Sau cuộc nói chuyện đó, ông Lũy bị coi là một trong số tù trí thức nguy hiểm cần được trông chừng cẩn thận.

Thấy không khai thác được gì, chúng chuyển ông ra đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) giam chung với nhiều tù chính trị khác với mức án chung thân. Tại đây, ông Lũy tiếp tục học thêm tiếng Anh và tiếng Pháp. Tháng 3/1954, sau những tháng ngày bị giam bằng cùm, ông Lũy đã giả vờ không thể đi đứng được nữa mà chỉ bò; khi ấy, chúng tiếp tục mang ông về Hải Phòng vào bệnh viện khám. Mặc trên người áo tù có ký hiệu PG (tức chữ viết tắt của tù chung thân bằng tiếng Pháp), nhân lúc không ai để ý, ông Lũy nhanh chóng cởi bỏ áo tù và thay trang phục bỏ trốn. Sau đợt đó ông viết thư cho đơn vị và xin được về tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ nước nhà cùng anh em đến tháng 3/1959 thì xuất ngũ.

Năm 1965, ông Lũy tiếp tục tái ngũ vào Tiểu đoàn 27, bộ đội công binh Quân khu 3 đảm trách nhiệm vụ đảm bảo cho xe pháo vượt sông để chi viện cho chiến trường cùng cả nước tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước… Đơn vị của ông Lũy lập được nhiều chiến công, bắn hạ nhiều máy bay địch, bởi thế sau này vinh dự được Bác Hồ đến thăm.

Cuộc gặp gỡ lịch sử với Bác Hồ

Ông Lũy hưởng tuổi già bên mảnh vườn, ao cá nhỏ.

Cho đến giờ, kỷ niệm được gặp Bác Hồ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông. Ông Lũy bồi hồi xúc động nhớ lại: “Trước đó, chúng tôi được báo tin là sắp đón lãnh đạo cấp cao đến thăm, mọi công tác chuẩn bị cần phải chu đáo và khẩn trương. Rạng sáng 21/1/1966 (tức mùng 1 Tết Bính Ngọ 1966), toàn đơn vị thức dậy vào lúc 3 giờ sáng và được lệnh tập trung tại hội trường, lúc này mọi người vẫn chưa biết là có Bác đến thăm. Gần 4 giờ 30 sáng, một đoàn xe ô tô tới, cả đơn vị hồi hộp, khấp khởi chờ đợi hướng theo đoàn người từ trong xe bước ra. Hôm ấy, trời mưa bay lất phất, trông từ xa thấy dáng người quen quen, ăn mặc giản dị và cách hỏi chuyện ân cần, lúc này vài người trong đơn vị đã nhận ra đó là Bác Hồ”. 

Kể tới đây, ông Lũy xúc động: “Ngay lúc đó, Bác không lên thẳng hội trường mà vòng ra sau đơn vị, vào trong nhà bếp xem cuộc sống sinh hoạt của các chiến sĩ chuẩn bị đón Tết ra sao. Khi ngang qua phòng ngủ, thấy một chiến sĩ đang trùm chăn rên vì bị sốt rét không lên hội trường được, Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe, sờ trán kiểm tra thân nhiệt. Hỏi ra mới biết chiến sĩ này tên Bơ, mới đi Lào về sốt rét. Mở mắt thấy Bác, chiến sĩ này toan ngồi dậy. Bác ra hiệu: “Chú đang mệt, cứ nằm nghỉ đã...”, làm chàng chiến sĩ tên Bơ xúc động không nói nên lời, mắt rưng rưng”.

Không chỉ quan tâm đến đời sống thường ngày của đơn vị, Bác còn hỏi han đến việc dạy chữ cho từng chiến sĩ: “Ở tiểu đoàn có ai còn chưa biết chữ không?”. Lúc này, đồng chí Mai Thạc Mỵ, Chính trị viên phó Tiểu đoàn cho biết: “Dạ thưa Bác, đơn vị còn 2 chiến sĩ chưa biết chữ ạ”. Bác lại hỏi tiếp: “Vì sao 2 chiến sĩ này chưa biết chữ?”. Đồng chí Mai Thạc Mỵ tiếp tục trình bày: “Dạ thưa Bác, hai chiến sĩ này là người đồng bào dân tộc thiểu số mới nhập ngũ, chưa biết đọc, biết viết ạ”. Bác dặn dò: “Mỗi ngày chú cắt cử người kèm cặp hai chiến sĩ mới học con chữ. Mỹ tối tân hiện đại lắm, các chú không biết chữ thì làm sao đánh Mỹ được...”.

Lúc Bác lên hội trường, các chiến sĩ bắt đầu nhốn nháo vì ai cũng muốn được nhìn thấy Bác. Thấy vậy Bác ra hiệu bằng cách vẫy tay cho các chiến sĩ ngồi xuống, rồi ôn tồn nói: “Các chú ngồi xuống, ngồi xuống..., rồi chú nào cũng được thấy Bác cả thôi”. Sau khi hỏi thăm tình hình sinh hoạt, ăn ở của các chiến sĩ trong đơn vị, đặc biệt là việc đón Tết, Bác mới vào vấn đề chính.

Sau khi nghe báo cáo, Bác động viên các chiến sĩ của đơn vị cố gắng giữ vững tinh thần, Tết này như thế là tạm ổn, chờ khi giải phóng sẽ được đón cái Tết trọn vẹn - Tết độc lập. Tiếp đó, Bác nói sơ qua về tình hình quốc tế, cụ thể là nội bộ Mỹ đang rối ren, nhân dân nước Mỹ đang phản đối chiến tranh tại Việt Nam, đồng thời không quên căn dặn đơn vị phải dũng cảm chiến đấu giành độc lập cho nước nhà.

Lúc ra về, đi ngang qua hội trường, quan sát thấy tờ báo tường của đơn vị mang tên “Chiến đấu”, Bác hỏi: “Tờ báo tường của đơn vị do ai phụ trách?”. Lúc này, ông Nguyễn Văn Lũy, cũng chính là người được phân công làm tờ báo tường mới lên tiếng trả lời: “Dạ thưa Bác, là cháu ạ!”. Bác nhẹ nhàng căn dặn: “Cháu sửa tờ báo tường từ “Chiến đấu” thành “Chiến thắng” nhé, chúng ta chỉ có chiến thắng”. Ông Lũy xúc động trả lời: “Dạ, cháu nhớ rồi Bác ạ. Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng”. Sau đó, Bác vẫy cán bộ, chiến sĩ ra sân chụp ảnh, quay phim kỷ niệm. Cả đại đội ùa ra, đứng thành hình vòng cung quanh Bác, như đàn con quây quần bên cha già kính yêu. Bác vui vẻ nói: “Bây giờ, Bác bắt nhịp các chú hát bài “Vì nhân dân quên mình”. Các chú có đồng ý không?”. Cả tiểu đoàn đồng thanh reo lên: “Thưa Bác, đồng ý ạ!”. Bác giơ tay bắt nhịp và hát. Cán bộ, chiến sĩ vừa hát vừa vỗ tay rồi Bác cùng đoàn xe đi khuất lúc nào không hay.

“Bác đã dạy cho chúng tôi một bài học lớn, đó chính là việc quan tâm đến đời sống của chiến sĩ và người dân từ những cử chỉ và việc làm nhỏ nhất... Có như vậy mới gần gũi, sâu sát tới quần chúng, nhân dân. Có nhân dân bên cạnh thì nhiệm vụ nào, khó khăn nào cũng hoàn thành. Được gặp Bác Hồ là niềm vinh dự lớn nhất của người lính cụ Hồ”, ông Lũy xúc động cho hay.

Hòa bình lập lại, ông Lũy cùng con trai chuyển vào TP. Buôn Ma Thuột sinh sống, an dưỡng tuổi già và nhận công tác tại địa phương, lần lượt giữ các chức vụ như: Bí thư Chi bộ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Hội tù yêu nước... Nhiệm vụ nào, ông Lũy cũng hoàn thành xuất sắc, được nhân dân và cán bộ nơi công tác tin tưởng và trao đổi kinh nghiệm để học tập. Đến nay, mặc dù đã nghỉ hưu, ông vẫn thường đạp xe từ nhà lên UBND phường để gặp gỡ bạn bè và trao đổi chuyện trò với những người bạn ở hội cựu chiến binh và các thế hệ trẻ. Đặc biệt, ông được bà con xóm làng và bạn bè quý mến, những lúc rảnh rỗi ông lại kể cho các thế hệ sau nghe về những năm tháng chiến đấu gian khổ ở chiến trường và câu chuyện từng gặp Bác Hồ.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Bí thư Đảng ủy phường Khánh Xuân, cho hay: “Trong quá trình công tác tại địa phương, bác Lũy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, bác còn có nhiều đóng góp về những bài học, kinh nghiệm trong công tác dân vận, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Quốc Hùng - Song Gia - Thu Sa

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”

    “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”

    Chủ đề “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”, trong tháng 5 này, các cấp hội Chữ thập đỏ trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng dễ bị tổn thương, giúp họ vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, yêu thương.

  • Những “Giọt nước nghĩa tình” cùng người dân miền Tây đi qua mùa hạn, mặn

    Những “Giọt nước nghĩa tình” cùng người dân miền Tây đi qua mùa hạn, mặn

    Tiếp sức người dân miền Tây vượt qua khó khăn mùa hạn mặn, Cty Tân Hiệp Phát phối hợp cùng Báo Công An TPHCM trao 200.000 sản phẩm nước tinh khiết Number 1 cùng 620 khối nước ngọt đến người dâncác vùng hạn mặn Bến Tre, Tiền Giang.

  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

Top