Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 12 năm 2021 | 15:46

Nguyên nhân nhiều địa phương ở Phú Yên ngập lụt: Quy trình xả lũ bất cập

Cuối tháng 11 vừa qua, có thể nói đợt lụt này có mức độ gần bằng cơn lũ lịch sử năm 1993 ở Phú Yên, mưa lớn kéo dài cộng với việc các hồ thủy điện trên sông Ba đồng loạt xả lũ dồn dập xuống vùng hạ du, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

hinh-1.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, (vị trí thứ 3 từ trái sang) cùng ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (vị trí thứ 2 từ trái sang) kiểm tra việc xả lũ tại Phú Yên.

 

Xả lũ ồ ạt nhưng không thông báo kịp thời

Từ trưa 30/11 đến tối cùng ngày, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ từ 4.000m3/s lên lớn nhất 9.400m3/s, còn thủy điện Sông Hinh xả với lưu lượng 2.054m3/s. Thời điểm này, lũ sông Ba nhanh chóng vượt báo động cấp 3 từ 1,11 đến 4,22m, gây ngập lụt nghiêm trọng, nhấn chìm nhiều làng mạc, công trình ở hạ du sông, trên diện rộng tại 6 huyện, thị xã, thành phố của Phú Yên làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong đó có 10 người chết; khoảng 58.000 căn nhà bị ngập, 31 ngôi nhà hư hỏng, trong đó có 6 ngôi nhà hư hỏng hoàn toàn.

Ngoài ra, nước lũ còn gây thiệt hại gần 1.000ha lúa vụ mùa, hoa màu và khoảng 1.880ha cây trồng bị ngập nước, ước thiệt hại gần 130 triệu đồng. Hơn 2.230 con gia súc bị chết, 59.300 con gia cầm bị cuốn trôi, thiệt hại hơn 20,7 tỉ đồng. Hơn 110ha thủy sản nuôi bị vỡ hồ, cuốn trôi, ước thiệt hại hơn 9 tỉ đồng. Kênh mương bị sụp đổ, hư hỏng khoảng 45.065m; sạt lở, bồi lấp khoảng 85.325m3, cuốn trôi hơn 3.950m3, ước thiệt hại khoảng 55 tỉ đồng…

Ước tổng thiệt hại đợt mưa lũ vừa qua ở Phú Yên gần 440 tỉ đồng.

Tại Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII vừa qua, theo bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên, nhiều đại biểu tại kỳ họp cho rằng, các hồ thủy điện, thủy lợi trên bậc thang sông Ba đồng loạt xả lũ dồn dập mà chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc vận hành liên hồ chứa khu vực sông Ba thuộc 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai. Người dân cũng không được thông báo đủ thời gian cần thiết để chủ động phòng tránh lũ.

“HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chỉ đạo rà soát đánh giá làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, làm rõ trách nhiệm để chấn chỉnh, khắc phục và sớm quan tâm các giải pháp hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại, ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị với Chính phủ chủ trì, tổ chức cuộc họp liên tỉnh để làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan, khắc phục những bất cập của quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa...”, bà An nói.

Không thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa

Trong chuyến công tác kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra ở Phú Yên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cho rằng, trong quá trình điều tiết, xả lũ liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba có một số vấn đề chưa đồng nhất, các chủ hồ chứa đã không thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Ba, dẫn đến ngập nặng vùng hạ du.

Theo quy định, khi có dự báo, cảnh báo mưa lũ đặc biệt lớn, thì các hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải chủ động xả giảm xuống mực nước có lũ để đón lũ. Tuy nhiên, ngày 27/11, khi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai có công điện gửi các địa phương chỉ đạo phòng chống lũ lớn, một số hồ chứa trên lưu vực sông Ba không thực hiện nghiêm việc ngay lập tức xả nước trước để đưa hồ chứa về mực nước đón lũ, dành dung tích hồ phòng lũ.

“Chúng ta đang thực hiện theo một quy trình đã được phê duyệt. Nhưng khi lũ về thì quy trình hiện nay hơi nghiêng nhiều về an toàn hồ chứa, chưa tính toán nhiều hỗ trợ cắt lũ với nhau nên đồng loạt cùng xả, gây áp lực rất lớn cho thủy điện sông Ba Hạ là “chốt chặn” cuối cùng trên bậc thang sông Ba”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Lý giải về quy trình xả lũ này, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết, từ sáng 30/11, các hồ thủy điện, thủy lợi ở thượng nguồn thuộc tỉnh Gia Lai ồ ạt xả lũ tăng dần, nên buộc địa phương phải điều hành thủy điện sông Ba Hạ tăng nhanh lượng xả lũ để tránh thời điểm thủy triều cao nhất tại TP. Tuy Hòa vào tối cùng ngày, sau đó giảm bớt lượng xả để “cứu” hạ du bớt ngập nghiêm trọng hơn.

“Điều chúng tôi hết sức lo lắng là bậc thang bên trên thủy điện sông Ba Hạ có hệ thống  thủy điện Đắk Srông với các đập lũ tự tràn, không có khả năng cắt lũ, lũ lớn đến bao nhiêu thì tràn về hạ du bấy nhiêu, như vậy rất khó kiểm soát”, ông Thế nói.

 

hinh-3.jpg
 Tuy Hoà là một trong những địa phương bị nhấn chìm nặng nề nhất trong việc xả lũ.

 

Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để điều hành xả lũ

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, toàn bộ lưu vực sông Ba rộng 13.000km2, trong đó 280 hồ chứa thủy lợi, thủy điện có dung tích chứa tới 1,6 tỉ mét khối, nhưng chỉ có 6 hồ có thiết kế cắt giảm lũ với tổng dung tích 530 triệu mét khối. Dung tích cắt lũ này là quá nhỏ, hầu như không cắt lũ nổi. Chưa kể, quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Ba hiện nay nghiêng về an toàn hồ đập mà chưa nghiêng về cắt giảm lũ hạ du.

Trước bất cập nói trên, ông Hiệp đưa ra 2 giải pháp xử lý tồn tại trong xả lũ liên hồ gây ngập lụt. Thứ nhất, phải tính toán lại quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa ở toàn bộ lưu vực sông Ba, tính toán chi tiết là hồ nào xả vào lúc nào để cắt lũ bớt cho các hồ bậc thang bên dưới và xả phải xen kẽ nhau... Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu nâng dung tích hồ chứa, giao một số hồ thủy điện xây mới các hồ thủy lợi để tăng dung tích cắt lũ lên tối thiểu phải 1 tỉ mét khối mới có thể cắt lũ lâu dài cho hạ du.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho rằng, cần xây dựng nền tảng số hóa bản đồ ngập lụt để mọi người dân đều biết, và để khi đến mùa mưa lũ, mọi người chủ động phòng tránh. Phú Yên sẽ phối hợp với các địa phương tính toán chuyện này bằng 2 giải pháp.

“Một là, số hóa ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ hiện đại để điều hành hồ tự động. Để làm sao Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ngồi ở Phú Yên vẫn biết các hoạt động của hồ chứa ở Gia Lai như thế nào. Cái này chúng tôi đang ứng dụng để điều hành. Thứ hai là, chúng tôi sẽ tính toán, tham mưu lại để ra một quy trình chuẩn hơn, trong đó ngoài việc xả xen kẽ, lúc nào hồ nào xả, hồ nào đóng, là trách nhiệm của chủ hồ, của lãnh đạo chính quyền địa phương trong thông tin, thông báo và quyết định của mình”, ông Trần Hữu Thế nói.

Theo ông Trần Hữu Thế, để việc phối hợp thông tin vận hành xả lũ liên hồ sắp tới tốt hơn, Phú Yên sẽ sớm có kế hoạch họp với lãnh đạo UBND hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. 

 

 

Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

  • Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Chương trình kỷ niệm diễn ra từ ngày 10-12/5 với nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật đặc sắc, các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống và hiện đại.

  • Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Điểm nhấn của Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2024 là chương trình nghệ thuật "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản". Đêm hội đã để lại ấn tượng đẹp cho hàng vạn người dân, du khách về một thành phố phát triển, trẻ trung, năng động.

Top