Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 1 năm 2016 | 1:11

Nhà ở xã hội: Điểm sáng

Mặc dù được sự đón nhận của thị trường nhưng sản phẩm nhà ở xã hội vẫn còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu. Trong khi đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Đòn bẩy từ chính sách

Ngày 30/11/2011, lần đầu tiên Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chiến lược đưa ra một trong những quan điểm có tính đột phá, đó là: “Phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân”. Trong đó xác định phải phát triển đồng thời hai loại nhà: Thứ nhất là nhà ở thương mại là nhà ở thị trường hàng hóa, giành cho các nhóm đối tượng có đủ khả năng chi trả theo cơ chế thị trường; thứ hai là nhà ở xã hội là nhà ở thị trường phi hàng hóa có sự hỗ trợ của Nhà nước để giảm giá thành, giúp cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên... vốn dĩ không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường có cơ hội được cải thiện chỗ ở.

Nhà ở xã hội, điểm sáng của thị trường bất động sản giai đoạn 2011- 2015.

Các quan điểm, tư tưởng, giải pháp nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia sau đó đã được cụ thể hóa tại Nghị định 188/NĐ-CP năm 2013 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, sau đó là Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/NĐ-CP năm 2015 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở. Các văn bản này đã quy định rõ các chính sách cụ thể để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nhà ở xã hội như: miễn tiền sử dụng đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế VAT đầu ra; hỗ trợ tín dụng ưu đãi... Đồng thời quy định các dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích từ 10ha trở lên phải giành 20% quỹ đất đã đầu tư hạ tầng để xây dựng nhà ở xã hội, đây chính là giải pháp giúp người nghèo có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ đô thị, tiện ích xã hội có chất lượng một cách bình đẳng như người giàu.

Từ ngày 1/1/2016, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2016 đối với dư nợ các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 5%/năm.

Đây là thông tin được khẳng định tại Quyết định số 2645/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2016 đối với dư nợ các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15-5-2013 và Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18-11-2014 do Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành.

Quyết định này thay thế Quyết định số 2788/QĐ-NHNN ngày 29-12-2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2015 đối với dư nợ các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15-5-2013 và Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18-11-2014.

Thực hiện điều này, nhiều địa phương đã triển khai hàng loạt chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm phù hợp với từng khu vực, từng nhóm đối tượng cụ thể. Theo báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII chương trình nhà ở xã hội khu vực đô thị đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 135 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 51 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, quy mô xây dựng 25.850 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 9.560 tỷ đồng; 84 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô xây dựng 28.550 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.730 tỷ đồng. Trên cả nước đang tiếp tục triển khai 171 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 108 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 61.290 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 31.760 tỷ đồng; 63 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.800 tỷ đồng. Chương trình phát triển nhà ở sinh viên đã có 85 dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 330.000 sinh viên.

Tính quy đổi, thông qua các chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm, đến nay đã có khoảng 780.000 hộ gia đình, tương đương khoảng 3 triệu người nghèo, người thu nhập thấp được cải thiện chỗ ở.

Đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 62 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 41.769 căn hộ; 88 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (giảm diện tích) cho phù hợp hơn với nhu cầu thị trường với số lượng ban đầu là 36.113 căn hộ đề nghị điều chỉnh thành 49.199 căn hộ

Điểm sáng của thị trường bất động sản

Về phía các doanh nghiệp bất động sản, nhiều công ty đã lựa chọn nhà ở xã hội là giải pháp để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển. Hàng loạt dự án nhà ở xã hội quy mô lớn được nhiều doanh nghiệp triển khai, điển hình như: Tổng công ty Becamex IDC thực hiện Đề án nhà ở xã hội tại Bình Dương với quy mô 64.000 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 2,7 triệu mét vuông sàn, đã hoàn thành gần 5.000 căn; Tổng công ty IDICO (Bộ Xây dựng) triển khai dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai quy mô 3.500 căn, hiện đã hoàn thành đợt 1 với 510 căn, đang triển khai tiếp đợt 2 với gần 1.000 căn; Tổng công ty Viglacera (Bộ Xây dựng) triển khai dự án khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, đã hoàn thành giai đoạn 1, 2 và 3 với quy mô 3.500 căn hộ, diện tích sàn xây dựng khoảng 175.000m2, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 14.000 người; Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô triển khai dự án nhà ở xã hội Bắc Cổ Nhuế - Chèm đã hoàn thành giai đoạn 1 với 930 căn, đang triển khai giai đoạn 2 với 980 căn...

Ông Đỗ Đức Đạt, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô, cho biết, chính nhờ có chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội kịp thời của Chính phủ đã giúp cho doanh nghiệp của ông vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất khi thị trường bất động sản đóng băng và từng bước phát triển ổn định.

Tuy vậy, trên thực tế, sản phẩm nhà ở xã hội vẫn còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu, trong khi vẫn còn đó nhiều lực cản như: Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; quy định giành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để đầu tư phát triển nhà ở xã hội ở một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc; nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu; nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa mặn mà với nhà ở xã hội; mới chỉ có nhà ở xã hội để bán, còn thiếu nhà ở cho thuê... Đây chính là những nhiệm vụ đặt ra với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và nỗ lực giải quyết trong thời gian tới.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, số lượng nhà ở xã hội tuy chưa nhiều, nhưng là những thành quả bước đầu rất quan trọng, nhất là khi thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ cho chuyển dự án nhà ở thương mại thành dự án nhà ở xã hội vừa qua đã góp phần giải quyết hàng tồn kho trên thị trường bất động sản và tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Chuyên gia Đặng Hùng Võ cho rằng, tháo gỡ khó khăn gắn với chiến lược nhà ở quốc gia là sự chèo lái bằng chính sách rất khôn ngoan của Chính phủ, mà khởi nguồn từ các đề xuất của lãnh đạo Bộ Xây dựng. Giải pháp này trúng ở chỗ đã nhìn thấy rất rõ nguyên nhân làm thị trường bất động sản đóng băng. Chúng ta không đi “phá băng” tại chỗ băng bị đóng (phân khúc giá cao) mà lại đi nhen lửa tại một nơi dễ bắt lửa hơn (phân khúc giá thấp) để ngọn lửa mới nhen sẽ toả được hơi ấm làm tan băng ở chỗ đang đóng. Đây là một giải pháp mang tính binh pháp chiến lược, không dễ chấp nhận trong cơn lúng túng khi nhìn vào thị trường chỉ toàn vốn đã nằm chết trong băng. Binh pháp ở đây chính là chính sách đã được đưa ra, lực lượng ở đây chính là vốn tài chính cần để giải toả các bất động sản tồn đọng gắn với nợ xấu. Chúng ta đã không cần sử dụng một lượng vốn tài chính đáng kể nào, chính việc sử dụng chính sách cũng đã đạt được những thành công bước đầu quan trọng, tạo đà để tiếp tục giải quyết các vấn đề tiếp theo. Chính phủ, Bộ Xây dựng đã làm được một bước đi rút ngắn rất nhiều quãng đường cần thiết để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn nhất.

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến hết 30/11/ 2015, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội đã cam kết cho vay được 80%.

Cụ thể, các ngân hàng đã cam kết cho vay 24.110 tỷ đồng( đạt 80%); giải ngân được 15.465 tỷ đồng, đạt 52%. Trong đó đối với hộ gia đình cá nhân đã ký hợp đồng cam kết cho vay 35.558 hộ với số tiền 16.736 tỷ đồng; giải ngân cho 35.554 hộ với số tiền 10.072 tỷ đồng. Đối với tổ chức, doanh nghiệp: đã cam kết cho vay 58 dự án với số tiền 7.374 tỷ đồng, trong đó 53 dự án đã được giải ngân với dư nợ là 3.837 tỷ đồng.

Đến nay trên địa bàn cả nước đã có 62 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 41.769 căn hộ; 88 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (giảm diện tích) cho phù hợp hơn với nhu cầu thị trường với số lượng ban đầu là 36.113 căn hộ đề nghị điều chỉnh thành 49.199 căn hộ.

Minh Tuấn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top