Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 5 năm 2022 | 15:35

Nông dân miền Trung thu hoạch lúa, hoa màu để tránh mưa lớn

Đang ở trong thời điểm thu hoạch lúa vụ Xuân, lại gặp thời tiết bất thường có nguy cơ mưa lớn kéo dài, nông dân các tỉnh miền Trung đang tập trung vào việc thu hoạch lúa để không bị thiệt hại.

Hàng trăm ha lúa, hoa màu ngập trong biển nước

Sau mưa lớn trong đêm 21/5, hiện nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, thiệt hại lớn nhất là sản xuất nông nghiệp khi lúa bị ngập chìm trong nước; hoa màu gãy đổ và thối úng.

 

bna_lua_cs2216280_2252022.jpg
Nhiều diện tích lúa ở xã Cao Sơn (Anh Sơn) chìm trong biển nước. Ảnh: Thanh Phúc

 

Mưa lớn trong hai ngày 20, 21/5 đã khiến nhiều địa phương ở huyện Anh Sơn (Nghệ An), nhất là các xã ven sông Lam bị ngập úng nặng, nhiều diện tích lúa chìm trong biển nước, ao hồ, đập, lồng bè nuôi cá bị thất thoát khá nhiều. Trong đó, xã Cao Sơn bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo thống kê, nhiều  diện tích lúa vào kỳ thu hoạch của người dân (190ha) bị ngập hoàn toàn, bùn đất bồi lấp; 30ha ao hồ bị tràn nước, cá tràn ra ngoài.

“Hiện tại, người dân mới chỉ thu hoạch được 50/240ha lúa, diện tích chưa thu hoạch kịp ngập trong nước. Việc cứu lúa là “bất khả kháng” khi việc tiêu thoát nước khó khăn do hiện nay, mực nước trên sông Lam dâng cao. Chính quyền đang phối hợp cùng người dân theo dõi sát diễn biến thời tiết, nước rút đến đâu huy động người dân dùng thuyền giúp nhau thu hoạch đến đó.

Đặc thù của xã Cao Sơn là chỉ sản xuất được lúa vụ xuân, lương thực cả năm của người dân trông chờ vào đó. Nếu trời tiếp tục mưa, lúa mất thì đời sống người dân sẽ rất khó khăn”, ông Hoàng Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết.

Thanh Mỹ (Thanh Chương) bị ngập úng cục bộ do mưa lớn, theo đó, 245ha lúa bị ngập nước, lút cổ bông; ngô bị gãy đổ khá nhiều. Đặc biệt, nhiều tuyến đường bê tông bị xói lở, bồi lấp, hư hỏng nặng.

 

bna_dua_nghi_long8097646_2252022.jpg
20/30ha dưa hấu, dưa lê ở xã Nghi Long (Nghi Lộc) ngập úng nặng. Ảnh: Thanh Phúc

 

20/30ha dưa lê, dưa hấu của người dân xã Nghi Long (Nghi Lộc) liên tiếp bị các đợt mưa trái mùa làm hư hại. Chị Võ Thị Vân, cán bộ Nông nghiệp xã Nghi Long cho biết: “Vụ xuân năm nay, người dân xuống giống dưa lê, dưa hấu muộn hơn các năm trước.

Hiện, toàn bộ diện tích dưa đang ra quả non, một số diện tích khoảng 10-15 ngày nữa là cho thu hoạch. Tuy nhiên, sau 2 đợt mưa vừa rồi, 20ha dưa ngập nước, bùn nhão đã gây thối rễ, héo cây; nhiều diện tích dưa quả xanh, quả non bị dập nát, thối hỏng. Sắp tới, nếu nắng to kèm nhiệt độ cao, nguy cơ cây dưa chết rũ rất cao; khả năng bà con sẽ mất trắng, thiệt hại ước tính là 6 tỷ đồng”.

Hiện, trên các cánh đồng dưa, người dân đang nỗ lực dùng máy bơm tiêu thoát nước; nạo vét rãnh, khơi thông bờ để cứu cây dưa.

Huy động lực lượng gặt lúa giúp dân chạy lụt, gặt lúa sớm

Mưa lớn trong các ngày vừa qua đã khiến gần 30 ha lúa của người dân huyện Quế Phong bị ngập úng. Trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là xã Tiền Phong với số diện tích gần 20 ha, tập trung ở bản Đan, bản Phương Tiến 1, Phương Tiến 2.

bna_giup_23862929_2352022.jpg
Huyện Quế Phong huy động các lực lượng tham gia gặt lúa giúp dân chạy lụt. Ảnh: Thanh Phúc

 

Do địa hình thấp trũng, gần sông, suối nên sau mưa, lúa của người dân ngập sâu trong nước, kèm theo đó là đất đá vùi lấp. Đây là vụ sản xuất chính trong năm của người dân, lương thực của cả năm trông chờ vào vụ xuân này.

Do đó, ngay sau khi trời hửng, nước rút, huyện Quế Phong đã bố trí lực lượng gồm Chi nhánh Thủy lợi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cùng phương tiện xuống gặt và vận chuyển lúa giúp dân. Địa phương cũng đã vận động trên 100 người gồm: Dân quân tự vệ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân thu hoạch giúp các hộ có lúa bị ngập úng.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Nam đồng bằng Bắc Bộ và phía Bắc của Bắc Trung Bộ nên từ 22/5 đến ngày 23/5, khu vực Hà Tĩnh tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa lớn chủ yếu tập trung vào chiều và đêm với tổng lượng mưa các khu vực phổ biến 50 – 100 mm.

Diễn biến thời tiết sẽ ảnh hưởng lớn đến thời vụ thu hoạch lúa xuân của các địa phương. Để đảm bảo tiến độ, đưa lúa về nhà trước khi mưa đến, nông dân các địa phương đang khẩn trương thu hoạch.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc Phan Văn Kỳ, trong những ngày qua, toàn huyện có đến gần 220 máy gặt đã được phân bổ đến các xã để đẩy nhanh tiến độ. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 7.400 ha, đạt gần 80% diện tích, dẫn đầu là các xã Thiên Lộc, Thường Nga, Thuần Thiện…

 

142d6202920t85738l0.jpg
Hai máy gặt được huy động đến 1 cánh đồng lớn tại xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) để phục vụ nhu cầu của người dân.

 

Tại huyện Cẩm Xuyên, đến sáng 22/5, toàn huyện đã thu hoạch được trên 7.000 ha (đạt hơn 73% tổng diện tích). Áp lực nhất đối với bà con huyện lúa chính là hiện nay gần như tất cả các trà đều đã chín, nếu gặp mưa lớn có thể bị đổ ngã, gây khó khăn cho công tác thu hoạch.

Ông Trần Trọng Bình (xã Việt Tiến, Thạch Hà) chia sẻ: “Vì dự báo từ sáng nay sẽ có mưa lớn nên máy gặt xong là chúng tôi chở lúa về nhà luôn. Tranh thủ phơi ở sân nhà, mưa thì có thể dọn vào nhanh gọn. Hơn nữa, chúng tôi còn chuẩn bị các loại bạt trải, bạt phủ để che chắn cho lúa khi mưa lớn xảy ra”.

Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Hà Tĩnh cho biết: “Tính đến sáng ngày 22/5, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 37.700 ha lúa xuân (đạt 63% tổng diện tích và tăng hơn 7.700 ha so với ngày 20/5). Từ nay đến ngày 25/5, các địa phương tập trung cao nhất cho công tác thu hoạch lúa xuân, phấn đấu hoàn thành gọn các diện tích. Ngành chuyên môn và các địa phương cần bám sát dự báo thời tiết để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, tiếp tục có điều tiết về máy gặt hợp lý giữa các vùng. Đồng thời, thông báo đến người dân để chủ động khâu giữ nước, làm đất, dọn dẹp và khơi thông dòng chảy để sẵn sàng bước vào sản xuất vụ hè thu”.

Do biến đổi khí hậu gây ra những hình thái thời tiết phức tạp, dẫn đến những trận mưa lớn kéo dài bất thường trong nhiều năm qua. Đây là một trong những khó khăn đối với bà con nông dân đang trong quá trình thu hoạch lúa vụ Xuân. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các cơ quan chức năng cần thông tin diễn biến của thời tiết đến cho bà con nông dân kịp thời, có biện pháp ứng phó kịp thời để giúp nông dân không bị thiệt hại. 

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Cứ đến dịp tháng 5 về, những đầm sen trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đua nhau nở hoa, tỏa hương thơm ngát.

  • Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Tối 19/5, tại sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 với chủ đề “Từ Làng Sen đến thành phố Hồ Chí Minh” kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

Top