Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 3 tháng 1 năm 2018 | 5:36

Phát huy hiệu quả các mô hình tự quản trong công tác bảo đảm ATGT

Đây là ý kiến của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, sáng 3/1, tại Trụ sở Chính phủ.

Báo cáo của Uỷ ban ATGT quốc gia nhận định: Năm 2017, kinh tế nước ta tăng trưởng cao, hoạt động du lịch tăng cùng với dịp hè, nghỉ lễ Quốc khánh, khai giảng năm học 2017-2018 cùng với chuỗi các sự kiện Năm APEC 2017, thời tiết diễn biến phức tạp (lũ lụt ở miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc), nhưng tình hình trật tự ATGT trên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được duy trì ổn định; so với cùng kỳ năm 2016, tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế, giảm cả số vụ, số người chết và số người bị thương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Xây dựng tiêu chí ATGT với việc hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu

Thống kê cho thấy, toàn quốc xảy ra 20.080 vụ TNGT, làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người, so với năm 2016, TNGT giảm 1.509 vụ (-6,99%), giảm 406 người chết (-4,67%), giảm 2.240 người bị thương (-11,62%).

Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 được xác định, với mục tiêu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-6,7%, đặc biệt là từ 1/1 thuế nhập khẩu ô tô từ các quốc gia ASEAN giảm xuống 0%, nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện sẽ gia tăng nhanh, tạo áp lực lớn về trật tự, ATGT. Uỷ ban ATGT Quốc gia đã đề xuất lựa chọn chủ đề năm 2018 “ATGT cho trẻ em”, lấy trẻ em là mục tiêu và là động lực xây dựng văn hoá giao thông cho toàn xã hội; tiếp tục xác định mục tiêu kéo giảm TNGT từ 5-10% về cả số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT; giảm 10% tỉ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em so với năm 2017; kéo giảm ùn tắc giao thông trên các trục chính và tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM.

Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu trên, Uỷ ban ATGT Quốc gia tập trung kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xác định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu các tổ chức, cá nhân có liên quan; tập trung tháo gỡ những khó khăn, những nút thắt trong quá trình tổ chức thực hiện ở cả các bộ, ngành Trung ương và địa phương; Chủ tịch UBND-Trưởng Ban ATGT các địa phương trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn trên địa bàn.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, đoàn thể, cả hệ thống chính trị và địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp từ công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật; nâng cấp, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, tái cơ cấu vận tải; tuyên truyền giáo dục, xây dựng văn hoá giao thông; tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT… nên tình hình trật tự ATGT trên địa bàn cả nước năm 2017 tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Đối với TP. Hà Nội và TPHCM, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, bên cạnh những kết quả mà hai thành phố lớn nhất cả nước đã đạt được, cần nỗ lực hơn nữa trong việc quyết tâm thực hiện kéo giảm TNGT, góp phần quan trọng vào kết quả chung của cả nước trong công tác này.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành bảo đảm ATGT. Vẫn còn một số nơi, cấp uỷ và người đứng đầu chưa sâu sát, thiếu quyết liệt, còn buông lỏng trong quản lý Nhà nước, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện. “Chúng ta phải khắc phục cho được tình trạng quá tải trọng gây ra TNGT, nhất là với trẻ em, học sinh. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình hình xấu về TNGT. Thời gian vừa qua, chúng ta mới nói chứ chưa làm nghiêm khắc việc này. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về hoàn thành nhiệm vụ với người đứng đầu, trong đó có tiêu chí về ATGT”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề cập đến việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội, tôn giáo để huy động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT, nhất là vai trò của các tổ tự quản tại xã phường, tổ dân phố, khu dân cư. Trong khuôn khổ cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, ATGT” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chương trình Xây dựng văn hoá giao thông cho Thanh thiếu niên của Trung ương Đoàn TNCSHCM, “Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường” trên phạm vi cả nước, nhiều mô hình điểm đã được xây dựng và duy trì như: “Khu dân cư giữ gìn trật tự ATGT” ; Lòng đường an toàn, trên hè gọn gàng”; “Cổng trường ATGT”, “Đoạn đường tự quản” ; “Xóm Đạo bình yên”; “Đồng bào tôn giáo không vi phạm an ninh trật tự và ATGT”... nâng cao ý thức tham gia giao thông của các tầng lớp nhân dân. Tổ chức đội tự quản tại các khu dân hiệu quả hơn nữa trong nhân dân, góp phần kéo giảm TNGT.

Các mô hình này đã từng bước phát huy tác dụng và hiệu quả tốt trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Cần huy động và tổ chức hiệu quả hơn nữa các mô hình hay, điển hình tốt trong công tác bảo đảm ATGT với sự tham gia sâu rộng của nhân dân tại các địa phương, cơ sở.

Về cải tạo đường ngang, xử lý lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, đã xoá bỏ được 227 lối đi tự mở. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa cương quyết xử lý lối đi tự mở qua đường sắt, để người dân phá dỡ cọc thu hẹp lối đi tự mở, dẫn đến tai nạn. Điển hình như vụ tai nạn đường sắt tại địa bàn xã Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội ngày 3/7/2017 và một số vụ tai nạn khác nữa.

Đồng thời, chấn chỉnh các dự án nạo vét luồng đường thuỷ nội địa kết hợp tận thu cát sỏi và quản lý Nhà nước về khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông đã có những chuyển biến nhưng một số địa phương vẫn còn buông lỏng quản lý, để diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép, ngoài phạm vi được cấp, vi phạm luồng đường thuỷ nội địa và khu vực gần bờ, làm biến đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, gây mất ATGT, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện bảo vệ an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, tại một số địa phương tái diễn tình trạng ô tô cơi nới thành thùng chở hàng quá tải, đặc biệt là tại các địa bàn có mỏ vật liệu, nhà máy xi măng, khu vực có các công trường đang thi công và tại các khu vực có cảng, khu công nghiệp.

Việc hướng dẫn, kiểm tra và yêu cầu chủ phương tiện thực hiện quy định pháp luật về quản lý kinh doanh vận tải hiệu quả còn thấp, tình trạng chủ doanh nghiệp vận tải, chủ xe khoán trắng toàn bộ hoạt động khai thác phương tiện cho lái xe, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép còn nhiều vấn đề, cần kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các cơ sở có vi phạm.

Về công tác chống ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, thủ đô Hà Nội và TPHCM, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lập lại trật tự giao thông đô thị, trong đó chú trọng xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng, lề đường hành lang ATGT, góp phần bảo đảm trật tự, ATGT; đổi mới phương tiện và ứng dụng công nghệ trong quản lý, nâng cao chất lượng vận tải công cộng bằng xe buýt; tổ chức sắp xếp, điều chuyển hợp lý hoá luồng tuyến vận tải hành khách công cộng liên tỉnh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ đề ATGT năm 2018: ATGT cho trẻ em

Hình ảnh tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt một số nội dung lớn.

Đó là, hoàn thiện thể chế về ATGT với việc tổng kết, xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thống kê, các nghị định khác. Chú trọng sửa đổi các quy định nhằm nâng cao khả năng tạo lập môi trường giao thông an toàn cho trẻ em. Dứt khoát lái xe mà vi phạm nồng độ cồn phải bị xử phạt thật nặng, không cho phép xin xỏ, nhờ vả.

Tiếp tục xây dựng văn hoá giao thông cho toàn xã hội, trọng tâm là bảo vệ ATGT cho trẻ em và người lớn, nêu gương về văn hóa giao thông với việc đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT phù hợp với chủ đề năm ATGT, tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và những môi trường thanh thiếu nhi; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị-xã hội, tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp. Đặc biệt là cần đổi mới chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng và  đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe khách, xe tải, xe chở container.

Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự ATGT như chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường đầu tư, mua sắm hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách; tiếp tục đầu tư, nâng cấp gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và chất lượng bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, hoàn thiện quy hoạch không gian và sử dụng đất nhằm nâng cao năng lực kết nối, tạo sức hấp dẫn đầu tư, gia tăng việc làm cho các đô thị trung bình. Đặc biệt là giao thông kết nối đến trường học và trung tâm vui chơi của trẻ em. Chọn nhà đầu tư có năng lực, nguồn lực để thực hiện. Không chọn nhà đầu tư kém năng lực, làm ảnh hưởng niềm tin của người dân đối với các công trình giao thông, nhất là hình thức BOT, xử lý nghiêm nếu liên quan đến tiêu cực, lợi ích nhóm.

Tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải với việc nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thành vận tải hành khách bằng đường hàng không; nâng cao năng lực và chất lượng đường thuỷ nội địa, hàng hải, đường sắt.

Phát triển hệ thống vận tải công cộng, khối lượng lớn trong đô thị và kết nối vùng gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội và TPHCM kết nối thuận tiện và gắn với tiến độ đầu tư phát triển các khu đô thị, các trung tâm thương mại và khu dân cư lớn,bảo đảm điều kiện đi bộ và sang đường an toàn trẻ em.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT. Đầu tư xây dựng trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh và các thiết bị ngoại vi với năng lực giám sát, điều hành trực tuyến hoạt động giao thông, điều khiển hệ thống tín hiệu, phát hiện hành vi vi phạm hỗ trợ xử lý vi phạm, trước hết tại Hà Nội, TPHCM sau đó là mở rộng áp dụng cho các đô thị khác.

Nhiệm vụ cụ thể của các bộ ngành, đoàn thể và địa phương đã được quy định cụ thể trong Kế hoạch năm 2018 của Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ ngành, đoàn thể và địa phương có kế hoạch triển khai hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ.

Lê Sơn/Chinhphu.vn

 

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

  • Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Chương trình kỷ niệm diễn ra từ ngày 10-12/5 với nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật đặc sắc, các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống và hiện đại.

  • Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Điểm nhấn của Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2024 là chương trình nghệ thuật "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản". Đêm hội đã để lại ấn tượng đẹp cho hàng vạn người dân, du khách về một thành phố phát triển, trẻ trung, năng động.

Top