Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 27 tháng 8 năm 2022 | 17:11

Phát triển Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ xanh, bền vững và toàn diện

Hôm nay (27/8), tại TP. Lào Cai diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Với chủ đề “Tiềm năng - cơ hội - hợp tác phát triển”, Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; cán bộ lãnh đạo chủ chốt của 14 tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và 4 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, thủ đô Hà Nội; đại diện một số tổ chức quốc tế, đại diện hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp vốn FDI tham dự.

Đây là Hội nghị "3 trong 1" nhằm triển lãm, quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người Vùng; công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị; xúc tiến đầu tư cho Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh với diện tích hơn 95.000 km2 (chiếm 28,74% diện tích cả nước), là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc. Dân số gần 13 triệu người (13% dân số cả nước), đóng góp 8,54% GDP cả nước.

Phát triển Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện

Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, ngày 10 tháng 02 năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW, với mục tiêu phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.

Hội nghị đã công bố Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm thống nhất công tác chỉ đạo của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong việc quán triệt, triển khai quyết liệt thực hiện Nghị quyết. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện; phát huy vai  trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ, gắn với trách nhiệm của từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong vùng.

 

a4.JPG
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị

 

Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định các mục tiêu, 21 chỉ  tiêu và  6 nhóm nhiệm vụgiải pháp cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của vùng đến năm 2030, trong  đó có một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 9%; quy mô kinh tế vùng đến năm 2030 đạt 2,1 triệu tỷ đồng; GRDP bình quân của người dân đạt khoảng 140 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 2 - 3%/năm, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che  phủ rừng khoảng 54 - 55%... Hình thành 5 cực tăng trưởng trong vùng, bao gồm Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn.

Đặc biệt, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị khẳng định nông nghiệp, nông thôn có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, là nơi sinh sống và tạo sinh kế của 81% dân số trong vùng.

Vùng TDMNBB có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp như: Có khí hậu phù hợp để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng về cơ cấu sản phẩm với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới; có đường biên giới dài, nhiều cửa khẩu quốc tế và lối mở thuận lợi cho giao thương, xuất nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp không chỉ cho vùng mà cho cả nước; là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với bản sắc văn hóa riêng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ nên có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, một số lĩnh vực được xác định còn nhiều dư địa cho phát triển như chế biến sản phẩm nông nghiệp, kinh tế lâm nghiệp đa giá trị. Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, Vùng TDMNBB hội đủ những yếu tố cần thiết để phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, hữu cơ và đặc sản của cả nước.

 

a1.JPG
Thủ tướng tham quan Triển lãm ảnh "Trung du, miền núi phía bắc: Tiềm năng và cơ hội".

 

Tuy nhiên, vùng cũng có nhiều khó khăn như: địa hình chia cắt phức tạp; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguy cơ rủi ro thiên tai cao; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường đầu ra còn nhiều hạn chế, thiếu liên kết với các doanh nghiệp; Việc phát triển chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Cả vùng có gần 1,8 triệu ha rừng trồng sản xuất, chiếm 40,7% diện tích rừng trồng cả nước nhưng số doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản chỉ chiếm 12%, giá trị xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 6,6% của cả nước; Nhiều diện tích hồ chưa chưa được khai thác để phục vụ nuôi trồng các loại thủy sản bản địa của vùng nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng.

Lào Cai ưu tiên, chú trọng nâng cao đời sống, thu nhập của người dân khu vực đồng bào thiểu số

Tham luận về "Một số giải pháp tạo động lực phát triển vùng, nhiệm vụ của tỉnh Lào Cai triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị", ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai xác định, những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện nghị quyết, đó là: Ưu tiên, chú trọng nâng cao đời sống, thu nhập của người dân khu vực đồng bào thiểu số gắn với sắp xếp, ổn định, giải quyết việc làm tại chỗ cho dân cư biên giới; tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp để bảo vệ rừng, nước đầu nguồn; thúc đẩy hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; đẩy mạnh hoạt động giao thương kinh tế qua biên giới;

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một trong những trung tâm logistics quan trọng của cả nước; có năng lực tập trung, điều phối thông suốt hàng hoá giữa các nước ASEAN với thị trường Tây Nam Trung Quốc, trong đó "cao tốc Hà Nội - Lào Cai là trục kết nối; Cảng Hàng không Sa Pa là lực đẩy phát triển; tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai là động lực tăng trưởng";

Tăng cường và nâng cao quan hệ đối ngoại, từng bước xây dựng Lào Cai thành đầu mối kết nối tin cậy trên tuyến hành lang kinh tế; tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, với đầy đủ các loại hình giao thông kết nối ngang, kết nối dọc liên tỉnh, liên vùng và với quốc tế;

Xây dựng Lào Cai thành hạt nhân du lịch của vùng và cả nước; trọng tâm là Khu Du lịch quốc gia Sa Pa; bảo đảm là cầu nối quan trọng; liên kết, điều tiết khách quốc tế đến vùng và cả nước;

Phát triển chế biến sâu ngành công nghiệp khai khoáng, duy trì vai trò cung cấp ổn định nguyên liệu cho chuỗi sản xuất công nghiệp trong nước, nhất là các sản phẩm công nghiệp mới, có giá trị gia tăng lớn.

 

a3.jpg

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham luận tại hội nghị (ảnh: báo Lào Cai)

 

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh:Để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW, đưa Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; thành hình mẫu phát triển xanh của cả nước, cần phải có sự đổi mới tư duy, thay đổi về nhận thức. Ngành nông nghiệp cần chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị”.

 

Vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết nhấn mạnh yêu cầu tất cả các ngành, các cấp, các địa phương phải vào cuộc để tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, trong đó có Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về những vấn đề có tính chất nền tảng trong quá trình phát triển của đất nước; những thành tựu, kết quả nổi bật trong kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua; bối cảnh tình hình thế giới và những xu thế phát triển như chuyển đổi năng lượng để thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử… mà các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt, nắm vững và vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

 

Thủ tướng: Tự tin, tự lực, tự cường để phát triển Vùng trung du và miền núi phía bắc xanh, bền vững và toàn diện - Ảnh 6.

Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về những vấn đề có tính chất nền tảng trong quá trình phát triển của đất nước; những thành tựu, kết quả nổi bật trong kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Các ý kiến tại Hội nghị thống nhất đánh giá Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Vùng có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN; giàu tài nguyên, khoáng sản, có thế mạnh phát triển công nghiệp và chế biến khoáng sản; thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản với gần 2,2 triệu ha đất nông nghiệp, diện tích cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước; tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước (53,4%), chiếm gần 40% diện tích rừng cả nước, là "lá phổi" của quốc gia; hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc với thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, có nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, tiềm năng của vùng rất lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, có nơi, có lúc còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại Trung ương, tính tự lực, tự cường chưa cao; cả vùng và các địa phương trong vùng phải có sự tự tin đi lên, tự lực, tự cường phát triển.

Thủ tướng yêu cầu quán triệt, nắm vững và triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.

Huy động mọi nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông

Thủ tướng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp một cách trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau.

Trước hết, tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ. Các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; quyết liệt triển khai chiến lược tiêm vaccine (nhất là trẻ em từ 5 đến dưới 11 tuổi và tiêm mũi thứ 3, thứ 4 cho người dân).

Tập trung, tích cực triển khai xây dựng, hoàn thiện quy hoạch Vùng, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Vùng và từng địa phương trong Vùng trong thời gian tới. Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi; cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện nhưng phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả; chỉ ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

 

Thủ tướng: Tự tin, tự lực, tự cường để phát triển Vùng trung du và miền núi phía bắc xanh, bền vững và toàn diện - Ảnh 9.

Thủ tướng trao đổi cùng các đại biểu - Ảnh: VGP/nhật Bắc

 

Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, gồm vốn đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng xã hội, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên kết Vùng, kết nối cảng biển, sân bay, các cửa khẩu quốc tế chính; hình thành một số cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của Vùng… Các địa phương thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng được giao trên địa bàn, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Huy động hiệu quả các nguồn lực từ bên trong và bên ngoài, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; chú trọng các mô hình: Lãnh đạo công-quản trị tư; đầu tư công-quản lý tư; đầu tư tư-sử dụng công. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; trong đó có hình thức đối tác công tư, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược.

Ưu tiền nguồn lực đầu tư hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tháo gỡ nút thắt về nguồn nhân lực. Xác định đầu tư cho giáo dục và đào tạo và y tế là đầu tư cho phát triển. Chú trọng phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng hào hùng. Triển khai hiệu quả các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, người yếu thế... Chú trọng phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân. Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác và phát triển kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Không ngừng củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh đoàn kết, trước hết là trong các tổ chức Đảng, giữ vững vai trò là "phên dậu" về quốc phòng, an ninh của vùng đối với cả nước.

Thủ tướng ghi nhận kết quả thu hút đầu tư tại Hội nghị, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác phát triển, các cơ quan Trung ương và địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp để thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội các địa phương và Vùng.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư "đã cam kết thì phải làm bằng được",  "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; "chân thành, trách nhiệm", nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền, nhân dân địa phương, tếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương trong phát triển xanh, bền vững và toàn diện Vùng. Điều quan trọng nhất là giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, qua đó, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư làm ăn, bảo toàn và phát triển vốn, mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển nhanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía Bắc sẽ góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top