Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 9 năm 2017 | 2:37

Quốc tế thúc đẩy Hiệp định khí hậu Paris, kỳ vọng Mỹ trở lại cuộc chơi

Cuộc họp Bộ trưởng Môi trường 30 nước nhóm họp tại Canada đã bị phủ bóng đen bởi tuyên bố của Mỹ khẳng định vẫn sẽ rút khỏi thỏa thuận Paris.

Bộ trưởng Môi trường đến từ 30 nước nhóm họp tại thành phố Montréal, Canada hôm 16/9 nhất trí thông qua những quy tắc giúp đạt mục tiêu cắt giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính được nêu trong Hiệp định Paris về khí hậu.

Tuy nhiên, kết quả cuộc họp đã phần nào bị phủ bóng đen bởi tuyên bố của chính phủ Mỹ khẳng định lập trường vẫn sẽ rút khỏi văn kiện được gần 200 nước ký hồi năm 2015 này.

quoc te thuc day hiep dinh khi hau paris, ky vong my tro lai cuoc choi hinh 1
Thỏa thuận khí hậu Paris được ký kết năm 2016. Nguồn: LHQ.

Việc tổ chức Hội nghị Montréal mới chỉ được Canada, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đạt được cách đây ít tháng. Đây được xem là một cách phản ứng trước việc Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, với quyết định rút ra khỏi Hiệp định Paris. Chính tại Montréal, cách đây đúng 30 năm, nghị định thư Montréal đã được ký kết, thỏa thuận quốc tế dầu tiên về môi trường cấm các chất gây hại cho tầng khí quyển.

Ba mươi năm trôi qua biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề thời sự, nhưng bối cảnh đã thay đổi, khi cuộc chiến bảo vệ khí hậu đã huy động được sự tham gia của nhiều nước hơn. Như tại Hội nghị Montréal lần này, ngoài các quốc gia tổ chức, còn có Nga, Ấn Độ, Mexico, Brazil, những nước phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính hay những nước dễ bị tổn thương do biến đổi khi hậu như các các quốc đảo Marshall, Fiji hay Maldives, đến những nước nghèo như Ethiopia.

Cùng với Trung Quốc, Liên minh châu Âu muốn đi tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với hi vọng thực thi toàn bộ và nhanh chóng Hiệp định Paris đạt được năm 2015 tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21. Chính vì thế, cuộc gặp tại Montréal được kỳ vọng sẽ thúc đẩy những bước tiến lớn trong việc thực thi văn kiện này.

Tuy nhiên, sự kiện đã bị phủ bóng bởi tuyên bố của chính phủ Mỹ một lần nữa khẳng đính sẽ không thay đổi lập trường về việc rút khỏi Hiện định Pari.

Tuyên bố của Nhà Trắng nhấn mạnh "Tổng thống Donald Trump đã khẳng định rõ ràng rằng nước Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định này, trừ khi chúng tôi có thể tái tham gia với những điều khoản có lợi hơn cho đất nước".

Cần phải nhấn mạnh là Hội nghị Montréal diễn ra ngay trước một cuộc họp dự kiến vào ngày mai do Mỹ đăng cai tổ chức, với sự tham dự của Bộ trưởng Môi trường của hơn 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới để trao đổi về vấn đề khí hậu. Bộ trưởng Môi trường Canada vẫn tin tưởng là có thể thuyết phục được chính quyền Mỹ từ bỏ quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris.

Ông Erik Solheim, giám đốc Chương trình Môi trường Liên bang cho biết: “Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, tức là Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris, thì hậu quả cũng không quá tồi tệ như những gì mọi người nghĩ. Liên minh châu Âu, Trung Quốc và các nước khác sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo. Và ngay chính tại nước Mỹ, không phải chính phủ, mà là lĩnh vực tư nhận sẽ dẫn đầu cuộc cách mạng xanh. Các công ty biểu tượng lớn của chủ nghĩa tư bản Mỹ hiện đại, như Microsoft, Apple, Teslas hay Facebook đều đang thúc đẩy rất nhanh các chương trình của mình. Ngay cả các công ty than đá ở Kentucky cũng đang đầu tư vào năng lượng mặt trời.”

Trước thềm Hội nghị Montréal, nhiều cường quốc đã có một số quyết định được đánh giá là mang tính đột phá trong nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế không sử dụng năng lượng hóa thạch. Cũng giống như Anh và Pháp, chính phủ Trung Quốc cũng thông báo ý định cấm bán ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, một mục tiêu được đánh giá là khá tham vọng đối với thị trường ô tô hàng đầu thế giới này.

Trong khi đó Canada cũng quyết định thực hiện đầy đủ các cam kết của mình thông qua một chiến lược kinh tế tăng trưởng sạch, tăng cường đầu tư vào các công nghệ năng lượng xanh. Ủy ban châu Âu cũng tuyên bố đang thúc đẩy những biện pháp nhằm giảm thiểu lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ít nhất 40% từ nay đến năm 2030.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini nói: “Biến đổi khí hậu là có thật và đang tác động đến môi trường và sự an toàn của chúng ta. Vẫn có một cuộc tranh luận đang diễn ra và chúng tôi tôn trọng điều này. Song 195 quốc gia đã ký thỏa thuận về biến đổi khí hậu và sẽ có 195 con đường khác nhau để đạt được các mục tiêu của thỏa thuận Paris, cũng như để tôn trọng thỏa thuận này. Và tôi chắc chắn rằng, chính quyền Mỹ cũng sẽ có con đường riêng của mình để thực hiện các mục tiêu khí hậu đề ra.”

Có thể thấy, dù sự lựa chọn của Mỹ là như thế nào đi chăng nữa thì hiệp định Paris vẫn duy trì hiệu lực của mình và quyết định của Mỹ cũng sẽ không ngăn được cuộc chiến chống nóng lên toàn cầu vì hầu hết các nước khác vẫn giữ cam kết của mình. Nhưng, nó sẽ gây ra những trì hoãn, mà bất cứ trì hoãn nào cũng đều là bất lợi bởi cuộc chiến để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu trước khi vượt qua ngưỡng bùng phát thực sự là một cuộc chạy đua với thời gian./.

Thu Hoài/VOV
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top