Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 7 năm 2022 | 12:13

Sân chơi an toàn cho trẻ em vùng cao: Cần sự chung tay của cộng đồng

Kỳ nghỉ hè được học sinh mong đợi, bởi đây là thời gian các em được vui chơi thỏa thích sau một năm học tập miệt mài.

Tuy nhiên, trẻ em ở thành phố còn có điều kiện tiếp cận nhiều dịch vụ vui chơi giải trí, còn các em ở miền núi không những thiếu dịch vụ vui chơi mà còn thiếu cả điểm vui chơi an toàn.

Nỗi lo khi sông, suối, ao, hồ... là điểm vui chơi

Khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa mặc dù có không gian rất rộng rãi nhưng để có địa điểm cho trẻ em vui chơi trong kỳ nghỉ hè là vô cùng khó.

Sau thời gian học tập căng thẳng, nghỉ hè là dịp để trẻ thư giãn, vui chơi, song nhiều trẻ em sống ở vùng cao không được như thế. Một phần do thiếu sân chơi, một phần vì điều kiện, hoàn cảnh gia đình nên nghỉ hè, các em phải làm những công việc giúp cha mẹ hoặc quanh quẩn trong nhà xem tivi, chơi game... Hơn nữa, nhiều gia đình thường tất bật với việc đồng áng, nương rẫy, không có nhiều thời gian quan tâm đến con, dẫn tới các em phải tự tìm sân chơi trong những ngày hè. Những địa điểm vui chơi không có sự quản lý của người lớn như tắm sông, trèo cây..., tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

 

11062016son19.jpg
Các em nhỏ tự do tắm suối không có người lớn kèm, nếu xảy ra sự cố chắc chắn các em sẽ không tự bảo vệ được mình. Ảnh: Tuấn Huy.

 

Như bao trẻ em vùng cao, nghỉ hè là quãng thời gian Tẩn Tả Mẩy ở thôn Tả Pờ Hồ, xã Mường Hum (Bát Xát - Lào Cai)  phụ giúp gia đình. “Hằng ngày, em cùng mẹ lên nương, lấy cỏ cho trâu, bò, lấy củi đun…”, Mẩy bộc bạch.

Tại các xã Trung Chải, Nậm Ban, Hua Bum của huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), vào kỳ nghỉ hè, trẻ em chơi với nhau ngay trên nương, leo trèo ở chuồng trâu, bò hoặc ngồi nghịch đất gần nhà; nhiều trò chơi tự phát không an toàn được các em lựa chọn bên lề đường, rất nguy hiểm đến tính mạng và mất an toàn giao thông. Vào ngày nắng nóng, không khó để bắt gặp các em nhỏ ra tắm suối, trong khi đa số các bậc phụ huynh phải lo lao động, làm việc đồng áng...

Theo lãnh đạo Đoàn Thanh niên xã Đồng Sơn (Hoành Bồ - Quảng Ninh), xóm Khe Cháy có khoảng 20 học sinh không biết đến sinh hoạt hè. “Chúng tôi cũng muốn tổ chức sinh hoạt hè cho các em, nhưng đường sá trong khu đi lại khó khăn. Mùa hè thường xuyên xảy ra mưa bão, chỉ cần một cơn mưa thôi, cả khu này gần như bị cô lập. Tổ chức sinh hoạt hè mà không đảm bảo an toàn cho các em, nếu có tình huống xấu xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?”, lãnh đạo Đoàn xã này cho biết.

Tạo sân chơi thiết thực cho trẻ

Nhiều địa phương ở các tỉnh miền núi đã khắc phục  khó khăn, hạn chế về địa hình, phong tục tập quán để xây dựng và tạo dựng các sân chơi tập trung cho trẻ em  thông qua các khu vui chơi tập trung, trẻ em được tìm hiểu thêm về quê hương, đất nước, quan trọng hơn là tạo cho các em có một kỳ nghỉ hè bổ ích và lý thú.

Chị Hoàng Thị Thắm, Phó Bí thư Huyện đoàn Pác Nặm  (Bắc Kạn), cho biết: Toàn huyện có hơn 6.000 thiếu niên, nhi đồng được bàn giao về sinh hoạt hè tại các chi đoàn cơ sở. Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện đoàn chủ động tổ chức các hoạt động hè cho trẻ em, chỉ đạo cơ sở thực hiện với nhiều nội dung phong phú như: Tổ chức hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn; Hướng dẫn thực hành phương pháp, kỹ năng xử lý các tình huống tai nạn thương tích và phòng, chống tai nạn đuối nước cho thiếu nhi; Kỹ năng tổ chức trò chơi cho thiếu nhi, thực hành các bài dân vũ; Xây dựng các mô hình như Trại hè “Ngày hè yêu thương”, “Những bông hoa nghìn việc tốt”, “Măng non hội nhập” - Lớp học tiếng Anh trực tuyến qua zoom..

Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, Pác Nặm tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ và trẻ em về bảo vệ trẻ em; kỹ năng phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại. Phối hợp tốt giữa nhà trường, gia đình, chính quyền và đoàn thể trong quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích và phòng, chống tai nạn thương tích trong dịp hè, nhất là tai nạn đuối nước. Thành lập các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; trao học bổng cho thiếu nhi nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao an toàn, lành mạnh tại địa bàn dân cư.

Ngoài ra, huyện tiếp tục duy trì các lớp học chữ Nôm, hát Then - đàn Tính, hát Sli, lượn Cọi, thể dục thể thao nhằm nâng cao chất lượng các mô hình hoạt động, câu lạc bộ đội nhóm; tổ chức hoạt động ngoại khóa thu hút đông đảo thanh, thiếu nhi tham gia; nâng cao chất lượng công tác Đội, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thiếu nhi ở cơ sở.

Để các em có sân chơi lành mạnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) phối hợp với Huyện Đoàn xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động quản lý, giáo dục thanh, thiếu nhi, học sinh trong dịp hè. Bên cạnh đó, Phòng Văn hóa huyện cũng đã tổ chức các lớp học bơi cho các em. Các địa phương cũng dành một phần kinh phí để tổ chức các hoạt động hè cho thiếu nhi, tuy nhiên, những hoạt động này mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu thực tế. Do khu vực miền núi cư dân sống thưa thớt, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông khó khăn, việc tập trung các em tổ chức các hoạt động gặp nhiều trở ngại. Nhiều năm nay, ở một số xã vùng cao trong huyện chỉ tập trung tổ chức được số ít hoạt động trong những ngày hè, tập trung vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi hay Trung thu và một vài hoạt động khác, thời gian còn lại các em tự tìm sân chơi và các trò chơi phù hợp với hoàn cảnh.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Trước thực trạng không có các điểm vui chơi tập trung cho học sinh miền núi trong những kỳ nghỉ hè, nhiều tổ chức, đơn vị đã vận động, quyên góp để xây dựng các khu vui chơi cho trẻ em.

Sau thời gian phát động và thi công, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an tỉnh Nghệ An vừa tổ chức bàn giao khu vui chơi cho trẻ em tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông.

Sân chơi tại buôn Krũe là công trình thứ 3 thuộc dự án “Sân chơi cho em” do nhóm thiện nguyện Kết nối yêu thương BMT vận động nguồn lực xã hội hóa xây dựng, với kinh phí khoảng 30 triệu đồng.

Chị Lê Như Huyền Trâm, trưởng nhóm thiện nguyện Kết nối yêu thương BMT chia sẻ, trong quá trình đi khảo sát thực tế tại các địa bàn khó khăn, các buôn làng vùng sâu, chị nhận thấy các em thiếu nhi ở đây đều rất khó khăn, sinh sống ở vùng xa trung tâm, không có điều kiện tiếp cận các khu vui chơi. Ngoài giờ học, các em thường rủ nhau đi bắn chim, ra ao, hồ, sông, suối để chơi nên dễ dẫn đến nguy cơ đuối nước. Trước thực tế này, nhóm đã phối hợp với địa phương, huy động các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng sân chơi cho các em.

 

4sss.jpg
Vui chơi tại điểm Trường Tiểu học Phan Bội Châu (Krông Pắk - Đắk Lắk). Ảnh: VOV

 

Trong xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em ngày càng cao, để mỗi dịp nghỉ hè trẻ có đầy đủ chỗ vui chơi an toàn và lành mạnh thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, nhà trường cũng như của mỗi người dân.

Bên cạnh đó, việc vận động các nguồn lực để xây dựng, cải tạo các điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí cho trẻ em; quan tâm hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... cũng là giải pháp cần được hết sức coi trọng, nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội được học tập, vui chơi và phát triển toàn diện.

Việc tạo sân chơi cho trẻ em từ nguồn xã hội hóa thể hiện sự quan tâm của cả xã hội với thế hệ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, đa phần sân chơi cho trẻ chỉ mới có ở trung tâm huyện lỵ, còn ở vùng sâu, vùng xa vẫn tương đối thiếu. Vì vậy, cần tiếp tục có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong thực hiện công tác này, góp phần tạo ra môi trường lành mạnh, bổ ích cho trẻ.

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

  • Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Chương trình kỷ niệm diễn ra từ ngày 10-12/5 với nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật đặc sắc, các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống và hiện đại.

  • Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Điểm nhấn của Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2024 là chương trình nghệ thuật "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản". Đêm hội đã để lại ấn tượng đẹp cho hàng vạn người dân, du khách về một thành phố phát triển, trẻ trung, năng động.

Top