Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 10 tháng 7 năm 2017 | 3:59

Sau 10 năm tạm yên, dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa có nguy cơ bùng phát

Dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) đang gây hại trên các trà lúa hè thu ở nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa.

Theo đánh giá của Cục Bảo vệ Thực vật, rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) có thể gây hại lớn đến năng suất lúa, thậm chí phải phá bỏ. Rầy nâu, VL - LXL đã từng xảy ra thành dịch, gây thiệt hại lớn cho sản xuất lúa ĐBSCL. Trong giai đoạn từ 2006 - 2008 đối tượng rầy nâu đã gây hại nghiêm trọng và phát tán thành dịch tại các tỉnh phía Nam. Thực tế, diện tích lúa giai đoạn này bị nhiễm rầy nâu lên tới 1,5 triệu hecta và bị bệnh LXL trên 300.000 ha. Chỉ tính riêng 5 năm, từ 2006 - 2010 ước có khoảng 37.800 ha lúa phải tiêu hủy do bệnh VL-LXL, gây tổn thất trên 2 triệu tấn lúa.

Cán bộ khuyến nông Long An kiểm tra mức độ nhiễm bệnh.

Bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá do siêu vi khuẩn gây nên, môi giới truyền bệnh là rầy nâu. Việc khống chế mật độ rầy nâu trên đồng ruộng sẽ làm giảm, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh VL - LXL. 


Vụ hè thu 2017, diện tích lúa ở ĐBSCL bị rầy trên 300.000ha, bệnh VL - LXL trên 8.000ha. Dự báo vụ lúa thu đông bệnh rầy nâu di trú với số lượng lớn gây nguy cơ bùng phát dịch VL - LXL  nếu chúng ta không có các giải pháp kịp thời từ vụ hè thu năm nay.


Tại Hậu Giang vụ lúa ĐX 2016 - 2017, chỉ có hơn 1.600ha lúa bị rầy nâu gây hại và chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ. Tuy nhiên, vụ Hè Thu 2017, diện tích bị rầy nâu hoành hành tăng đột biến lên hơn 5.100 ha. Đặc biệt, vụ Thu đông 2017, tính đến thời điểm này, mặc dù chỉ mới xuống giống khoảng 23.900 ha, nhưng đã có gần 6.300 ha nhiễm rầy nâu, trong đó có 2.100ha mật số tập trung rất cao từ 3.000 - 14.000 con/m2.
Tại Bạc Liêu, trong 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã ghi nhận khoảng 27.700 ha lúa nhiễm rầy nâu (chiếm 26,4% diện tích gieo trồng). TP.Cần Thơ cũng có ít nhất 3.300ha lúa bị nhiễm dịch hại, cao hơn 2.700 ha so với cùng kỳ vụ HT 2016.

Đồng Tháp là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với hàng chục ngàn hecat bị nhiễm, trong đó hơn 1.500 ha nhiễm nặng. Cã Phú Đức, huyện Tam Nông là nơi bị bệnh VL - LXL gây hại nặng nhất huyện ở vụ lúa hè thu vừa qua. Nguyên nhân chính là do nông dân ở đây tranh thủ sạ sớm trong khi hầu hết các diện tích xung quanh đang làm đòng hoặc trỗ chín. Còn tại thị trấn Tràm Chim, mặc dù lúa đang trỗ chín nhưng nông dân trong HTX dịch vụ nông nghiệp số 2 thị trấn Tràm Chim vẫn phải tập trung phòng trị bệnh.

Toàn huyện Tam Nông đã có hơn 1.600ha lúa hè thu giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ bị nhiễm rầy nâu, trong đó khoảng 10ha nhiễm nặng. Đặc biệt khi lúa Thu Đông ở đây cũng đang được tập trung xuống giống thì việc rầy di trú từ lúa hè thu sẽ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Còn tại huyện Tân Hồng, nhiều diện tích lúa hè thu cũng đã bùng phát dịch bệnh VL - LXL. Nguyên nhân được xác định là do có quá nhiều trà lúa trên cùng cánh đồng. 

Năm nay, Đồng Tháp khuyến cáo nông dân thực hiện xả lũ triệt để, điều này mang lại hy vọng hạn chế rầy nâu và bệnh vàn lùn, lùn xoắn lá lây lan một cách tự nhiên. Tất nhiên là với điều kiện là nông dân phải thực hiện theo chủ trương xả lũ.  

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), dịch rầy nâu và bệnh VL - LXLlúa tái bộc phát từ giữa vụ hè thu 2017 sau hơn 10 năm khống chế tốt dịch hại. Nguyên nhân tái phát là do mất cân đối về cơ cấu giống lúa nhiễm rầy, nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa, điển hình là giống OM5451 đã gia tăng nhanh diện tích gieo trồng ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân khác là chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ lịch mùa vụ gieo sạ, nhất là ở cấp xã, vùng giáp ranh giữa các xã, huyện hoặc vùng không chủ động nguồn nước tưới. Tập quán canh tác truyền thống của nông dân như sạ dày, bón nhiều phân đạm, phun thuốc trừ sâu không theo khuyến cáo

Dự báo năm nay sẽ có lũ, thậm chí lũ đến sớm nên cần chủ động sản xuất tại vùng có đê bao. Khuyến cáo các địa phương không sản xuất tại nơi không có đê bao.

Tại Hội nghị tổng kết vụ lúa hè thu 2017 vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh khuyến cáo các địa phương một số biện pháp phòng trừ dịch bệnh như sau: Phải xác định thời vụ xuống giống lúa thích hợp cho từng vùng trên cơ sở kết quả bẫy đèn xác định rầy nâu trên đồng và điều kiện thực tế tại địa phương; bố trí cơ cấu giống lúa theo hướng ưu tiên giống chống chịu khá với rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy, đảm bảo cách ly giữa hai vụ lúa 20 - 30 ngày. Giảm lượng giống lúa gieo sạ còn 80-100 kg/ha/vụ. Bảo vệ lúa trong giai đoạn 40 ngày sau sạ bằng các biện pháp điều tiết nước, công nghệ sinh thái đồng ruộng (ruộng lúa bờ hoa). Hạn chế bón đạm, điều tiết nước hợp lý. Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, khoanh vùng rầy và bệnh; mật độ rầy trên 2.000 con/m2 cần phun thuốc bảo vệ thực vật kịp thời, đồng loạt và tập trung cả vùng. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nông dân hiểu biết rõ hơn dịch bệnh, biện pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Cứ đến dịp tháng 5 về, những đầm sen trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đua nhau nở hoa, tỏa hương thơm ngát.

  • Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Tối 19/5, tại sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 với chủ đề “Từ Làng Sen đến thành phố Hồ Chí Minh” kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

Top