Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 17 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 30 tháng 8 năm 2022 | 11:17

Sơn La xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu

Sơn La đang phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, hoa quả vùng Tây Bắc. Những năm qua, bên cạnh việc tập trung chuyển đổi cây trồng, thu hút các nhà máy chế biến, Sơn La đã chủ động phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến XK nông sản.

Chủ động xây dựng vùng nguyên liệu

Sơn La là vựa trái cây lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích cây ăn quả các loại 82.805 ha, sản lượng trên 450.000 tấn/năm. Hiện, Sơn La có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; xây dựng, duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Có 241 mã số vùng trồng với diện tích 3.865,45 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; hơn 5.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương.

Những năm qua, Sơn La đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chú trọng xây dựng vùng chuyên canh trồng chanh leo, mận Hậu và bơ đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô cơ; thực hiện tỉa cành tạo tán, tỉa quả, thực hiện trồng rải vụ, giảm áp lực thời vụ, nâng cao mẫu mã, chất lượng, giá trị cho sản phẩm.

 

 Bà con nong dân bản Cát, xã Co Mạ thu hoạch dứa để cung cấp cho Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

 

Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xác nhận cấp mã vùng để xuất khẩu, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến... Hiện, toàn tỉnh có 220 mã số vùng trồng với diện tích trên 4.847 ha; 33 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La đã tham mưu, thực hiện, phối hợp ban hành 170 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố đẩy công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia phát triển vùng nguyên liệu rau, quả phục vụ cho các nhà máy chế biến. Trong năm 2021-2022, Sơn La có 10/12 huyện, thành phố đã triển khai việc xây dựng mô hình sản xuất vùng nguyên liệu với diện tích 242,92 ha, từ đó nhân ra diện rộng.

Lũy kế từ năm 2021 đến nay, diện tích vùng nguyên liệu trồng cho Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đạt 2.976 ha; Công ty TNHH IC Food đã ký hợp đồng với 05 hợp tác xã tham gia liên kết, sản xuất, cung ứng rau thu mua năm 2021 đạt 1.060 tấn, dự kiến năm 2022 thu mua 3.090 tấn nguyên liệu; Công ty Cổ phần Nafood Tây Bắc, 7 tháng đầu năm 2022 thu mua khoảng 500 tấn chanh leo.

Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục nghiên cứu, rà soát quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, lựa chọn các loại cây trồng chủ lực phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện canh tác của từng địa phương, trong đó tập trung phát triển tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.

 

 Thủ tướng Chính phủ: Sơn La phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, hoa quả, cây dược liệu vùng Tây Bắc.

 

Tiếp tục duy trì các diện tích vùng nguyên liệu đã trồng trong năm 2022, đồng thời phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, nhà máy chế biến xây dựng nhu cầu số lượng, chủng loại nguyên liệu chế biến, trên cơ sở đó để xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu năm 2023. Tham mưu UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh xem xét ban hành chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến rau quả trên địa bàn tỉnh Sơn La để khuyến khích các hộ tham gia phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.

Giá trị công nghiệp chế biến tăng cao

Liên quan tới công tác chế biến, bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương Sơn La cho biết, lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến tiếp tục được tỉnh quan tâm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, đến nay trên địa bàn tỉnh đã thành lập 01 Khu công nghiệp Mai Sơn có quy mô 150 ha và quy hoạch 8 cụm công nghiệp. Trong đó, có 02 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động (Mộc Châu (20 ha), Gia Phù (20ha)). Hiện nay, tỉnh đang xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để đưa vào quy hoạch chung của tỉnh.

Bà Châu thông tin thêm, toàn tỉnh hiện có trên 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Cụ thể, sản xuất chè 35 cơ sở; đường 1 nhà máy; tinh bột sắn 2 nhà máy; tơ tằm 1 nhà máy; sơ chế, chế biến chanh leo 1 nhà máy; chế biến mủ cao su 1 nhà máy; chế biến rau, quả 2 nhà máy.

Đáng chú ý, có 1 nhà máy sữa công suất 500 tấn sữa/ngày; 1 nhà máy đường công suất 5.000 tấn mía/ngày; 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, công suất 300 tấn tinh bột/ngày/nhà máy; có 7 nhà máy sản xuất chè công suất lớn 25.000 - 50.000 tấn chè búp tươi/ngày, 4 cơ sở chế biến chè chất lượng cao và nhiều cơ sở quy mô tiểu thủ công nghiệp với sản lượng năm 2021 đạt trên 15.000 tấn, trong đó có trên 10.000 tấn xuất khẩu; có 5 nhà máy sơ chế, chế biến cà phê nhân quy mô công nghiệp với công suất 100-200 tấn quả tươi/ngày...

 

 Dây chuyền chế biến quả nhãn của Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.

 

Hiện, một số tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông sản trong và ngoài nước đã quan tâm đầu tư các nhà máy chế chế biến nông sản trên địa bàn Sơn La như: Vinamilk (nhà máy chế biến sữa tại Mộc Châu); Tập đoàn TH (Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ); Công ty CP Thực phẩm Đồng Giao (Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La); Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea)...

Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh hàng năm tăng với tốc độ khá cao (trên 9%/năm trong giai đoạn 2015-2020) và trở thành điểm sáng trong các ngành công nghiệp của tỉnh, chiếm trên 60% cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, một số sản phẩm chế biến tăng cao qua các năm: Tinh bột sắn trên 41%; chè trên 16%; sữa tươi, sữa chua tăng trên 10%; đường trên 7%; cà phê trên 6%...

Đặc biệt, năm 2022, dự kiến có thêm sản phẩm rau quả chế biến, sản lượng đạt khoảng 20.000 tấn. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cơ bản được đưa vào chế biến 100% sản lượng, như: sữa, cà phê, mía đường, chè, sắn; riêng sản phẩm quả hiện nay tỷ lệ đưa vào chế biến mới đạt gần 30% sản lượng quả tươi. 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Khởi công xây dựng Trường Tiểu học Bình Đông do Hòa Phát tài trợ

    Khởi công xây dựng Trường Tiểu học Bình Đông do Hòa Phát tài trợ

    Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất và các nhà thầu vừa tổ chức Lễ khởi công xây dựng Trường Tiểu học Bình Đông tại Khu dân cư hạ lưu sông Trà Bồng - Đập Cà Ninh thuộc xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tổng kinh phí đầu tư dự kiến cho công trình là hơn 40 tỷ đồng.

  • Những dấu ấn nổi bật kiến tạo nên điểm đến hấp dẫn bậc nhất miền Bắc

    Những dấu ấn nổi bật kiến tạo nên điểm đến hấp dẫn bậc nhất miền Bắc

    3 triệu lượt du khách đã tới Ocean City chỉ riêng trong quý I năm nay và con số dự báo sẽ tăng đột biến khi tổ hợp gồm Nhà hát 10.000 chỗ ngồi và Trung tâm thương mại kết hợp Trung tâm Hội nghị - Tiệc cưới lớn nhất Việt Nam tại Vinhomes Ocean Park 2 mở cửa trong thời gian tới.

  • VPBank sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2024 nhờ đâu?

    VPBank sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2024 nhờ đâu?

    VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 gấp đôi so với năm 2023, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của ngành và dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết. Vậy đâu là cơ sở cho ngân hàng này đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng như vậy?

Top