Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 27 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 24 tháng 10 năm 2017 | 10:14

Tăng cường quản lý kinh doanh trái cây trên địa bàn Thủ đô

Theo điều tra ban đầu, yêu cầu tiêu thụ trái cây tại Hà Nội khoảng 52.000 tấn một tháng, trong đó lượng trái cây sản xuất trên địa bàn TP chỉ đáp ứng được 30 % nhu cầu tương đương khoảng 17.000 tấn. Còn lại, lượng trái cây phục vụ nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô đều phải nhập từ các tỉnh thành trong cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài.

Tại cuộc giao ban báo chí chiều ngày 24/10, bà Trần Thị Phương Lan – phó giám đốc Sở công thương Hà Nội cho biết: Sở Công thương đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành quyết định số 5848/QĐ-UBND ngày 23/8/2017 về việc phê duyêt Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành trực thuộc thành phố Hà Nội” được thực hiện từ tháng 8/2017 đến hết năm 2018. Đề án hướng đến là quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây bao gồm các hộ kinh doanh, HTX, công ty, tập đoàn... trên các tuyến phố, khu dân cư.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương tại cuộc họp báo chiều ngày 24/10

Bà Lan cho biết, mục tiêu của Đề án là tăng cường công tác quản lý trái cây trên địa bàn thành phố theo đúng quy luật pháp luật, góp phần thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong việc kiểm soát ATTP, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ngăn chặn kịp thời tình trạng sử dụng hóa chất bảo quản trái cây và xâm nhập, lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Định hướng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây, thực hiện đúng quy định pháp luật về ATTP từ khâu sản xuất, sơ chế, cung ứng ra thị trường và tới tay người tiêu dùng, đảm bảo ổn định sản lượng và tiêu chuẩn chất lượng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và chống thất thu thuế, góp phần nâng cao năng lực canh tranh, văn minh thương mại và xây dựng hình ảnh.

Phấn đấu 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP và có đủ các điều kiện cần thiết khác theo quy định. Nâng cao trách nhiệm nhận thức pháp luật trong kinh doanh trái cây của các cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh cũng như đội ngũ công chức thực thi nhiệm vụ, phấn đấu năm 2017 đạt 60%, hết năm 2018 đạt 100% cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành có đăng ký kinh doanh, có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo đảm trái cây chất lượng, tiến tới xây dựng hệ thống thu ngân, thanh toán nối mạng, nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động kinh doanh với chuỗi thực phẩm an toàn trên thành phố.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết Đề án có 6 điểm chính, đó là:

Tăng cường tuyên truyền phổ biến vận động thực hiện Đề án đến các cấp, các ngành, các cửa hàng kinh doanh trái cây tại các quận và toàn thể nhân dân thủ đô, tuyên truyền đầy đủ các quy định của Nhà nước và Thành phố về đảm bảo an toàn thực phẩm đến trực tiếp người trồng trọt, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và kinh doanh trái cây, người tiêu dùng dưới nhiều hình thức đa dạng khác nhau, công khai thông tin các cơ sở kinh doanh trái cây, đảm bảo ATTP, chất lượng cũng như các cơ sở vi phạm để người dân Thủ đô biết và lựa chọn.

Tổ chức khảo sát, điều tra cơ bản ( Địa điểm, quy mô, mặt hàng, chủ cơ sở , người lao động, tình hình đáp ứng cac điều kiện quy định và nhu cầu đề xuất hỗ trợ) để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các cửa hàng hoàn thiện điều kiện kinh doanh đáp ứng đúng quy định.

Căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát, tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ của các cửa hàng kinh doanh trái cây thực hiện theo các yêu cầu tại Đề án. Tại Đề án các cửa hàng kinh doanh trái cây phải đảm bảo 4 nhóm điều kiện: Thực hiện quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm; Điều kiện nhân lực; Điều kiện CSVC, trang thiết bị cơ sở kinh doanh; Điều kiện nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa trái cây.

Nhận dịên các cửa hàng kinh doan h trái cây đảm bảo an toàn là cửa hàng kinh doanh được cấp biển nhận diện, “ lô gô” khi các cơ sở này có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh’ giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP tại thời điểm kiểm tra phải đáp ứng được 4 nhóm điều kiện đã nêu. Các cửa hàng này được cấp biển nhận diện và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cửa hàng kinh doanh trái cây không thực hiện đúng các quy định nêu tại Đề án, được bắt đầu từ tháng 8/2017 đến tháng 2/2018, kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây kinh doanh không đúng nơi quy định, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo ATTP.

Tăng cường triển khai các giải pháp thông tin truyền thông hỗ trợ thúc đẩy, xây dựng chuỗi sản xuất cung ứng tiêu thụ trái cây an toàn, khuyến khích mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc xuất xứ trái cây. Tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án trái cây vào tháng 12 năm 2018.

Bà Lan cho biết thêm, Đề án thực hiện thí điểm được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 8 đến tháng 9/2017, chủ yếu tập trung vào xây dựng và ban hành kế hoạch các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của thành phố, thành lập các tổ công tác, đoàn kiểm tra liên ngành cấp thành phố, cấp quận để triển khai đề án, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức khảo sát điều tra cơ bản các cửa hàng kinh doanh trái cây để xây dựng kế hoạch hướng dẫn hỗ trợ các chủ cửa hàng hoàn thiện các điều kiện kinh doanh đáp ứng được yêu cầu. Xây dựng biển nhận diện lo gô cửa hàng kinh doanh trái cây đảm bảo ATTP. Hướng dẫn UBND các Quận in cấp cho các cửa hàng đáp ứng điều kiện quy định tại Đề án.

Giai đoạn 2 được thực hiện từ tháng 10/ 2017 đến tháng 2/1018 tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục vận động thực hiện Đề án từ cấp thành phố đến cấp cơ sở. Tổ chức khám sức khỏe, tập huấn nâng cao nhận thức về quy định pháp luật, kiến thức về ATTP. Hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ chủ cơ sở người kinh doanh trái cây bổ sung hoàn thiện các điều kiện để được cấp các giấy tờ về ATTP đáp ứng theo yêu cầu. Triển khai các công tác quản lý kết nối hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất an toàn.

Giai đoạn 3 từ tháng 3/2018 đến hết tháng 12 năm 2018, tập trung kiểm tra kiểm soát xử lý nghiêm khắc các tổ chức cá nhân vi phạm, kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh trái phép không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Hoàn thành công tác cấp biển và công khai danh sách các cửa hàng đảm bảo ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng chuỗi sản xuất cung ứng tiêu thụ trái cây an toàn đẩy mạnh ứng dụng CNTT để truy xuất nguồn gốc và xuất xứ của trái cây. Đề án sẽ được tổng kết và đánh giá vào tháng 12 năm 2018.

Theo bà Lan, Đề án hiện nay đang được triển khai thí điểm trên địa bàn của 6 quận gồm: Long Biên, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Tại các hội nghị triển khai thực hiện thí điểm Đề án, Sở Công thương đã hướng dẫn các thủ tục pháp lý, điều kiện trong quá trình kinh doanh trái cây, giải đáp các thắc mắc của cán bộ quản lý, các cơ sở kinh doanh trong thực hiện triển khai Đề án.

Tại Hội nghị triển khai đề án trên địa bàn Quận Long Biên, phòng Kinh tế Quận đã phối hợp với UBND các phường tổ chức sát hạch ngay đối với các chủ hộ, người trực tiếp kinh doanh trái cây tại các cửa hàng  đến tham gia Đề án và đã cấp ngay giấy xác nhận kiến thức cho các hộ, người kinh doanh trực tiếp các cửa hàng. Đây là một bước cải tiến tạo điều kiện thuận lợi cho những người kinh doanh, các chủ hộ kinh doanh trái cây trên địa bàn quận Long Biên ghi nhận.

Đây là một trong những việc làm hay, mới của UBND Quận Long Biên và lãnh đạo UBND các phường được Thành phố và Sở Công thương đánh giá rất cao và nhân rộng trên địa bàn toàn Thành phố để các quận huyện khi thực hiện triển khai đề án học tập. Bà Lan cho biết.

Sở Công thương rất mong nhận được sự ủng hộ của các cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương và địa phương tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh trái cây thực hiện nghiêm túc đề án thí điểm để đảm bảo ATTP và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Ngọc Thủy

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top