Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 3 năm 2022 | 16:2

Tập đoàn Lộc Trời liên kết sản xuất 2 triệu tấn lúa, trao tặng 123 máy nông nghiệp

Lộc Trời tổ chức liên kết sản xuất 2 triệu tấn lúa và tặng 123 máy nông nghiệp cho nông dân trị giá hơn 100 tỷ đồng để triển khai cơ giới hóa đồng bộ quy mô lớn từ năm 2022.

1.jpg
Đại diện các hợp tác xã nhận chìa khoá tượng trưng của 123 máy nông nghiệp.

 

Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời - LTF (thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời - tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam) vừa ký kết tổ chức sản xuất 2 triệu tấn lúa với Liên hiệp Hợp tác xã (LH HTX) Thoại Sơn (An Giang) và trao tặng 123 máy nông nghiệp trị giá hơn 100 tỷ đồng cho nông dân, gồm 63 máy gặt đập liên hợp, 36 máy cày, 14 máy cộ lúa, 10 máy cuộn rơm. Số máy nông nghiệp này là phần đóng góp từ lợi nhuận của các đối tác có cùng định hướng phát triển bền vững với tập đoàn, đồng lòng và hiệp lực đẩy mạnh việc cơ giới hóa đồng bộ các hoạt động canh tác mùa vụ trên quy mô lớn nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mang lại lợi ích lâu dài cho bà con nông dân. 

Là đơn vị tổ chức sản xuất nhằm đảm bảo cung ứng cho hợp đồng 2 triệu tấn lúa mà Công ty Cổ phần Nông sản Lộc Trời (LTA), thành viên trong Hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời, đã ký kết với các đối tác vào ngày 9/02/2022, LTF đã ký kết với LH HTX Thoại Sơn, đại diện cho các hộ nông dân để triển khai canh tác và bao tiêu lúa trên diện tích khoảng hơn 100.000 ha thuộc tỉnh An Giang. Đây là một trong những đơn hàng phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần giải quyết đầu ra cho cây lúa, giảm thiểu việc “được mùa mất giá” cho bà con nông dân. Các đơn hàng dạng này tạo thuận lợi cho việc tổ chức mùa vụ một cách chủ động thông qua mô hình liên kết sản xuất bao lợi nhuận Lộc Trời 123 mà Tập đoàn Lộc Trời, LTF hợp tác LH HTX Thoại Sơn cùng thực hiện tại huyện Thoại Sơn, An Giang. 2.jpg

123 máy nông nghiệp được tặng cho các hợp tác xã.

 

Lô máy nông nghiệp 63 máy gặt đập liên hợp, 36 máy cày, 14 máy cộ lúa, 10 máy cuộn rơm trị giá gần 100 tỷ đồng là phần tài trợ của các đối tác có cùng định hướng phát triển bền vững với Lộc Trời như các tập đoàn nông dược quốc tế Corteva Agriscience, Map Pacific Singapore, UPL, Bayer Việt Nam… và các đối tác mua lúa uy tín như Hiếu Nhân, Hiệp Tài, Đại Tài, Ngọc Tài, Thạnh Hưng, Tâm Lang… Họ đã hiệp lực, đồng hành cùng Lộc Trời để hỗ trợ bà con nông dân liên kết với tập đoàn thông qua hợp tác xã trong việc cơ giới hóa đồng bộ các hoạt động mùa vụ, tăng hiệu quả lao động, tăng năng suất, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế và qua đó tăng sức cạnh tranh của lúa gạo trên thị trường quốc tế.

Với đội ngũ 3 Cùng hùng hậu gồm hơn 1.200 kỹ thuật viên nông nghiệp có khả năng xử lý các hoạt động mùa vụ khoa học và linh hoạt, am hiểu tập quán trồng trọt và khí hậu thổ nhưỡng địa phương cũng như sự gắn bó chặt chẽ, sát cánh cùng hơn 200.000 hộ nông dân đang liên kết sản xuất cùng tập đoàn, LTF đóng vai trò rất lớn trong việc triển khai sản xuất cung ứng các đơn hàng, cũng là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức sản xuất quy mô lớn thông qua các mô hình, quy trình sản xuất lúa gạo bền vững (SRP), mô hình liên kết xuống giống rải vụ Lộc Trời 123, mô hình quản lý sản xuất trên diện tích tối thiểu 1.000 ha (LT1000), và đặc biệt là mô hình sản xuất “mặt ruộng không dấu chân” với việc cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng các loại máy nông nghiệp và drone để thực hiện các công đoạn làm đất, sạ giống, rải phân, phun thuốc, theo dõi sức khoẻ cây trồng bằng ứng dụng Bệnh viện cây lúa, hướng đến giảm 30% lượng giống gieo sạ, 30% lượng thuốc hóa học bảo vệ thực vật, 40% lượng phân bón vô cơ trên đồng ruộng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và xây dựng vùng nông thôn xanh, sạch, đáng sống.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tâp đoàn Lộc Trời, phát biểu: “Thay mặt Tập đoàn, tôi trân trọng cảm ơn các đối tác đã tin tưởng và ủng hộ, đồng hành cùng chúng tôi trong việc thực hiện cam kết “Cùng nông dân phát triển bền vững” và lần này là cùng chúng tôi triển khai quá trình cơ giới hóa đồng bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất, giúp bà con nông dân đỡ cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà năng suất không cao, đời sống chật vật, khó khăn. Lộc Trời và các thành viên trong hệ sinh thái nông nghiệp của mình sẽ không ngừng nỗ lực liên kết với các hộ nông dân thông qua các hợp tác xã, nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất lúa gạo quy mô lớn bằng cơ giới hóa đồng bộ. Trên cơ sở đó, Lộc Trời sẽ áp dụng các biện pháp nhằm giảm chi phí sản xuất như giống, phân, thuốc, công lao động… để giảm giá thành, nâng chất lượng lúa gạo, đồng thời quy hoạch vùng trồng giúp lúa gạo Việt Nam đáp ứng yêu cầu truy xuất được nguồn gốc, canh tác khoa học, tăng năng suất, có chất lượng phù hợp với các thị trường khác nhau, tăng giá bán và nâng cao lợi thế cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam. Qua đó, chúng tôi tin rằng, bằng việc trồng lúa, bà con nông dân vẫn có được cuộc sống sung túc trên đồng ruộng của chính mình, ngay ở mảnh đất quê hương mình.”

Với gần 30 năm phát triển kể từ khi được thành lập năm 1993 với tên gọi Công ty Dịch vụ Bảo vệ Thực vật An Giang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã trở thành tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, với đội ngũ nhân viên 3.600 người, bao gồm lực lượng kỹ sư nông nghiệp “3 Cùng” trên 1.200 người và hàng trăm chuyên gia nghiên cứu giống cây trồng, sản phẩm và giải pháp xử lý mùa vụ, cùng với các quy trình canh tác đáp ứng được tiêu chí chất lượng của các thị trường cao cấp như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc... Lộc Trời là đơn vị duy nhất trên thế giới triển khai canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform) đạt kết quả 100 điểm hoàn hảo trong 2 năm liên tục 2020 và 2021, cùng với hệ thống sản xuất lúa gạo đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới như BRC, SMETA, HACCP, HALAL…Với cam kết “Cùng nông dân phát triển bền vững”, Lộc Trời phát triển năng lực tổ chức sản xuất nông sản trên quy mô lớn, liên kết với các hợp tác xã và hơn 200.000 hộ nông dân, xây dựng và hướng dẫn thực hiện các quy trình canh tác nhằm tối ưu hoá, cơ giới hóa các hoạt động mùa vụ, tổ chức thu hoạch và vận chuyển … giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết giảm chi phí, đảm bảo lợi nhuận ổn định và góp phần nâng cao chất lượng đời sống tại khu vực nông thôn.

Sản phẩm gạo mang thương hiệu Hạt Ngọc Trời cùng với nhiều giống lúa tự lai tạo của Lộc Trời đã đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi gạo uy tín quốc tế. Năm 2015, sản phẩm gạo Lộc Trời 1 đã vinh dự đạt danh hiệu “Top 3 Gạo ngon nhất Thế giới” do The Rice Trader tổ chức. Năm 2018, tại Hội nghị Thương mại Gạo đại lục lần thứ 5 được tổ chức tại Trung Quốc năm 2018, gạo Lộc Trời 28 đạt giải nhất phân khúc gạo thơm. Hai sản phẩm gạo Hạt Ngọc Trời Thiên Vương và Hạt Ngọc Trời Tiên Nữ của Lộc Trời đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia năm 2020. Giống lúa OM5451 Lộc Trời sở hữu hiện là Top 10 Tin dùng Việt Nam 2021. Giống lúa OM18 được vinh danh là gạo thơm xuất khẩu nhiều nhất Việt Nam tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần 5, tổ chức tại Vĩnh Long.

Bên cạnh đó, Lộc Trời vinh dự là Thương hiệu Quốc gia (2016, 2018, 2020), là “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” 3 năm liên tục (2018 – 2020) theo chứng nhận của Bộ Công Thương. 

 

 

 

 

Như Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top