Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 26 tháng 8 năm 2018 | 20:3

Thanh tra Tổng cục Môi trường và 74 đơn vị nhập khẩu phế liệu

Bộ TN - MT vừa ra quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với công tác cấp giấy chứng nhận/xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.

Sẽ thanh tra 75 tổ chức và đơn vị, trong đó có Tổng cục Môi trường

Cụ thể, theo Quyết định số 2535/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng TN và MT, Bộ sẽ tiến hành đợt thanh tra lớn nhất từ trước tới nay liên quan đến việc bảo vệ môi trường trong việc nhập và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Theo đó, Bộ sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức được cấp giấy chứng nhận/xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT ngày 15-11-2012 của Bộ Công thương và Bộ TN và MT hướng dẫn về điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT ngày 9-9-2015 của Bộ TN và MT về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; thời kỳ thanh tra từ lúc giấy chứng nhận/xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất có hiệu lực đến nay.

thh1.jpg
Bốc dỡ giấy phế liệu nhập khẩu tại một cảng ở Hải Phòng. Ảnh: Nhandan.vn

 

Bên cạnh đó, sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định tham gia chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; thời kỳ thanh tra từ ngày 27 tháng 10 năm 2015 đến nay.

Thanh tra công tác cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất của Tổng cục Môi trường; thời kỳ thanh tra từ ngày 27 tháng 10 năm 2015 đến nay.

Thanh tra công tác cấp giấy chứng nhận/xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất của các Sở Tài nguyên và Môi trường; thời kỳ thanh tra từ ngày 1-1-2013 đến nay.

Theo Thanh tra Bộ, tổng số đối tượng sẽ thanh tra là 75, trong đó có 64 tổ chức, 10 Sở TN và MT và Tổng cục Môi trường.

Cụ thể, ở miền bắc có 34 đối tượng gồm 30 tổ chức, 3 Sở TN và MT và Tổng cục Môi trường; miền trung có 6 đối tượng gồm 5 tổ chức và 1 Sở TN và MT; miền nam có 35 đối tượng gồm 29 tổ chức và 6 Sở TN và MT.

Trong số 64 tổ chức có 54 tổ chức được Bộ cấp giấy xác nhận, có 10 tổ chức được Sở TN và MT cấp giấy chứng nhận/xác nhận; 54 tổ chức nhập khẩu trực tiếp; 5 tổ chức nhập khẩu ủy thác và 5 tổ chức được Bộ chỉ định tham gia chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Chiều cùng ngày, Bộ TN và MT cũng đã công bố Quyết định thanh tra đối với Tổng cục Môi trường.

Trước đó, ngày 22-8-2018, tại trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh, Bộ TN và MT đã tổ chức công bố Quyết định thanh tra đối với 8 Sở TN và MT các tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Bình Phước, Cần Thơ; và 29 tổ chức trên địa bàn các tỉnh, thành phố này.

Theo kế hoạch, ngày 27-8, tại trụ sở Đà Nẵng, Bộ TN và MT sẽ tổ chức công bố Quyết định thanh tra đối với Sở TN và MT Đà Nẵng và 5 tổ chức trên địa bàn thành phố.

Thành phần tham gia đoàn thanh tra đợt này gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan chức năng, đại diện các địa phương.

Theo kế hoạch, cuối tháng 11, Bộ TN và MT sẽ tổng hợp kết quả thanh tra để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, làm căn cứ quan trọng để đưa ra phương án xử lý các vấn đề liên quan đến phế liệu nhập khẩu.

Hạn chế tình trạng đốt chất thải ngoài trời

Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam mỗi năm có tổng lượng phát sinh chất thải rắn (CTR) sinh hoạt khoảng hơn 24,5 triệu tấn; CTR công nghiệp 8,1 triệu tấn và khoảng 800 nghìn tấn chất thải nguy hại. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt ở khu vực các thành phố mới đạt khoảng từ 70% đến 85%; đối với các thị trấn khu vực nông thôn từ 40% đến 55%. Ngoài ra, hoạt động đốt hở tại các cơ sở tái chế chất thải quy mô nhỏ ở các làng nghề, đốt ngoài trời các phế phẩm nông nghiệp, đốt tại bãi rác ngoài trời, đốt chất thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn… là những thách thức lớn trong quản lý ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay. Ðáng lo ngại, các hoạt động này không chỉ gây hậu quả trước mắt như ô nhiễm không khí, bụi, khói, mà trong quá trình đốt còn phát sinh các chất đi-ô-xin, phu-ran, nhất là các chất POP mới tồn tại bền vững trong môi trường. Cho nên về lâu dài, do tiếp xúc với các chất POP thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, nhất là sức khỏe của phụ nữ và từ đó ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai…

 

thh2.jpg
Hệ thống xử lý chất thải rắn tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội). Ảnh Nhandan.vn

 

Thực tế cho thấy, việc quản lý CTR ở nước ta còn gặp không ít hạn chế như: Việc phân loại chất thải công nghiệp tại nguồn chưa phổ biến (thường áp dụng với các chất thải tái chế); chất thải công nghiệp thường được thu gom cùng với chất thải sinh hoạt, hoặc chất thải nguy hại. CTR ở khu vực nông thôn hầu như chưa được thu gom và xử lý triệt để. Nhiều làng quê vẫn còn tình trạng đổ rác thải bừa bãi ở các khu vực công cộng, dọc sông, ao hồ gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, CTR ở các đô thị lớn thường được lưu giữ tạm thời tại khu vực tập kết, các trạm trung chuyển trước khi vận chuyển đến các cơ sở xử lý cuối cùng là bãi chôn lấp. Việt Nam hiện có khoảng 400 lò đốt rác thải y tế (hầu hết hoạt động từ năm 2000) và nhiều lò đốt rác quy mô nhỏ ở khu vực nông thôn với công suất thấp (dưới 500 kg/giờ), công nghệ lạc hậu, không có hệ thống xử lý bụi, khí thải… cho nên nguy cơ phát thải đi-ô-xin, phu-ran trong môi trường là rất cao…

Theo Ths Nguyễn Như Trung, Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường, Việt Nam đã tham gia Công ước Xtốc-khôm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), trong đó có quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất thải POP do con người tạo ra. Thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm liên tục sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, hoặc xử lý chất thải.

Luật Bảo vệ Môi trường (năm 2014) cũng có những điều, khoản nghiêm cấm hành vi như: thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí… Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và tiêu hủy. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm phát sinh chất thải có trách nhiệm giảm đến mức thấp nhất, từng bước thực hiện việc tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải, hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng…

Tiến sĩ Trần Thế Loãn (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho rằng: Bên cạnh việc tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan về CTR và chất thải có chứa POP do hoạt động đốt ngoài trời, đốt hở, các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ sạch thân thiện với môi trường trong quá trình xử lý CTR. Ðồng thời, cần coi rác thải là nguồn tài nguyên do thành phần CTR ở Việt Nam có tỷ lệ tái chế cao, cũng là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải, nhất là chế biến năng lượng sinh khối, thu hồi năng lượng thông qua quá trình đốt…

Hiện nay việc ứng dụng công nghệ chuyển hóa chất thải rắn thành năng lượng ở Việt Nam đã bước đầu được áp dụng. Cụ thể như, tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (TP Hà Nội) đã xây dựng một nhà máy hiện đại để chuyển hóa chất thải thành năng lượng (công nghệ Nhật Bản). Nhà máy có công suất đốt là 75 tấn CTR mỗi ngày, tạo ra 1,93 MW năng lượng điện, trong đó 1,2 MW được đưa vào lưới điện quốc gia. Một số dự án có công nghệ tương tự đang được triển khai tại Phú Thọ, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh..., bước đầu thu được một số kết quả đáng khích lệ...

Thanh Hóa: Đóng cửa nhiều mỏ khoáng sản để bảo vệ môi trường

Thanh Hóa là tỉnh có khá nhiều mỏ khai thác khoáng sản, nên hoạt động khoáng sản đã gây tiêu cực đến môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và an toàn của người lao động. Chính vì vậy tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định về việc lập, phê duyệt và thực hiện dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 327 giấy phép khai thác khoáng sản đang có hiệu lực; trong đó, có 313 giấy phép được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp và 14 giấy phép được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp. Có 67 khu vực mỏ đã được cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng nhưng chưa cấp phép khai thác.

 

thh3.jpg
Sở TN&MT đi kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên sông. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

 

Có 55 khu vực mỏ đã được UBND tỉnh ban hành quyết định đóng cửa mỏ là: Công ty CP Tập đoàn XD Miền Trung, mỏ đá vôi ở xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân; Công ty CP Sông Mã, mỏ đất sét làm gạch ở xã Đông Vinh, TP.Thanh Hóa; Doanh nghiệp TN Vân Long Anh, mỏ đất san lấp ở xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống; Công ty CP Ngọc Tâm Bình, mỏ cát số 07 xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa; Công ty TNHH Tiến độ, mỏ đá vôi ở huyện Cẩm Thủy; Công ty TNHH Thanh Thanh Tùng, mỏ đá vôi, xã Thanh Xuân, huyện Tĩnh Gia; Công ty TNHH TMVT Giang Linh, mỏ đá vôi, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia; Công ty CP Vĩnh An, mỏ đá vôi, xã Lương Nội, huyện Bá Thước; Doanh nghiệp TN Anh Toanh, mỏ đá vôi, xã Yên Trung, huyện Yên Định…

Khu vực UBND tỉnh Thanh Hóa cấm hoạt động khai thác khoáng sản, có tổng diện tích liên quan đến di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là 11.923, 65ha gồm có 63 khu vực; Diện tích liên quan đến rừng phòng hộ là 163.546,8ha gồm có 143 khu vực; Khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, rừng đặc dụng là 82.124,2ha; Tổng diện tích liên quan đến khu bảo tồn địa chất là 4.972,9ha gồm 4 khu vực; Diện tích liên quan đến tôn giáo 43,88ha gồm 93 khu vực; Diện tích liên quan đến hành lang an toàn xăng dầu, khí: 28,35ha, gồm 27 khu vực khu xăng dầu trên địa bàn tỉnh; Diện tích liên quan đến quy hoạch bãi biển, bờ biển có khả năng khai thác du lịch là 1.670,05ha gồm 6 khu vực. Tổng diện tích liên quan đến quy hoạch, bố trí, sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng: 351,5ha gồm 8 khu vực.

Với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT luôn đôn đốc các đơn vị trong quá trình khai thác khoáng sản phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đến nay các đơn vị dần có ý thức, quan tâm chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, lập báo cáo đánh giá tác động đến môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho chỉ huy nổ mìn, sử dụng vật liệu nổ, thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường.

Để triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản. Sở TN&MT đã hướng dẫn các đơn vị ký quỹ phục hồi môi trường được thực hiện theo cam kết trong các phương án, cải tạo phục hồi môi trường được phê duyệt. Công tác phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ trong hoạt động khoáng sản được thực hiện theo đúng quy định. Công tác quan trắc môi trường được tiến hành theo kế hoạch định kỳ nhằm đánh giá hiện trạng môi trường tại các cơ sở hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

 

 

 

 

 

PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top