Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 6 năm 2022 | 14:11

Thế giới ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng bởi ô nhiễm rác thải nhựa

Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương đã và đang trở thành vấn đề cấp bách trên toàn cầu. Ngay cả khi có hành động tích cực để cắt giảm nhu cầu và nâng cao hiệu quả, sản lượng nhựa sẽ gần như tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 40 năm.

Năm 2060, rác thải nhựa sẽ tăng gấp 3 lần

Thông tin từ tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, thế giới bị tàn phá nghiêm trọng bởi ô nhiễm nhựa đang trên đà chứng kiến ​​việc sử dụng nhựa tăng gần gấp ba lần trong vòng chưa đầy bốn thập kỷ.

Theo báo cáo của OECD, sản lượng hàng năm của nhựa làm từ nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt mức cao nhất 1,2 tỷ tấn vào năm 2060 và chất thải vượt quá một tỷ tấn. Ngay cả khi có hành động tích cực để cắt giảm nhu cầu và nâng cao hiệu quả, sản lượng nhựa sẽ gần như tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 40 năm.

 

0606_racthainhua.jpg
Thế giới bị tàn phá nghiêm trọng bởi ô nhiễm nhựa đang trên đà chứng kiến ​​việc sử dụng nhựa tăng gần gấp ba lần trong vòng chưa đầy bốn thập kỷ. (Ảnh minh họa)

 

Tuy nhiên, các chính sách phối hợp toàn cầu có thể thúc đẩy đáng kể tỷ lệ chất thải nhựa được tái chế trong tương lai, từ 12% lên 40%. Ngày càng có nhiều báo động quốc tế về khối lượng và mức độ phổ biến của ô nhiễm nhựa cũng như tác động của nó. Thâm nhập vào những vùng xa xôi và nguyên sơ nhất của hành tinh, các vi hạt nhựa đã được phát hiện bên trong cá ở những vùng sâu nhất của đại dương và tồn tại bên trong băng ở Bắc Cực.

Rác thải ước tính gây ra cái chết của hơn một triệu con chim biển và hơn 100.000 động vật có vú biển mỗi năm. “Ô nhiễm nhựa là một trong những thách thức lớn về môi trường của thế kỷ 21, gây ra thiệt hại trên diện rộng đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người”, người đứng đầu OECD Mathias Cormann cho biết.

Kể từ những năm 1950, khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất với hơn 60% trong số đó thải vào các bãi rác, đốt hoặc đổ trực tiếp ra sông và đại dương. Khoảng 460 triệu tấn nhựa đã được sử dụng vào năm 2019, nhiều gấp đôi so với 20 năm trước đó. Lượng rác thải nhựa cũng tăng gần gấp đôi, vượt 350 triệu tấn, với chưa đến 10% trong số đó được tái chế.

Theo xu hướng hiện nay, việc sử dụng nhựa được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi ở Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á. Ở các nước mới nổi và đang phát triển khác, con số này dự kiến ​​sẽ tăng gấp 3 đến 5 lần và gấp hơn 6 lần ở châu Phi cận Sahara.

Báo cáo mới của OECD so sánh quỹ đạo kinh doanh thông thường với lợi ích của các chính sách toàn cầu đầy tham vọng hơn về giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng nhựa. OECD cảnh báo, được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế và dân số ngày càng mở rộng, sản lượng nhựa có thể sẽ tăng theo cả hai kịch bản.

Hiện tại, gần 100 triệu tấn rác thải nhựa được quản lý không đúng cách hoặc rò rỉ ra môi trường, con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2060.

Báo cáo kết luận, những nỗ lực toàn cầu được phối hợp gần như có thể loại bỏ ô nhiễm nhựa vào năm 2060. Đồng thời, sự nỗ lực này có thể hạn chế lượng khí nhà kính làm ấm hành tinh.

Hiện tại, toàn bộ vòng đời của nhựa nguyên sinh – từ sản xuất đến phân hủy – đóng góp khoảng 2 tỷ tấn CO2 hoặc con số tương đương trong các loại khí khác, chiếm khoảng 3% ô nhiễm carbon do con người gây ra. OECD cảnh báo, nếu không có hành động chính sách, con số đó có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2060.

Đầu năm nay, Liên Hợp Quốc đã khởi động một tiến trình phát triển một hiệp ước mang tính ràng buộc quốc tế nhằm hạn chế ô nhiễm nhựa.

Lộ trình cấm sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần tại Việt Nam

Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã và đang trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Tại Việt Nam, Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Bộ TN&MT công bố năm 2021 đã chỉ ra chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3.8kg/năm/người năm 1990 tăng lên 54kg/năm/người vào năm 2018. Trong đó, 37.43% sản phẩm là bao bì và 29.26% là đồ gia dụng.

Đặc biệt, việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải nhựa từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và hải đảo.

Vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực. Cụ thể, thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó, luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa. Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Đáng chú ý, Quy định dừng sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần được quy định cụ thể tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Cụ thể, lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa được quy định như sau: Từ ngày 01/01/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 μm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học phải thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý theo quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Chính phủ cũng yêu cầu giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Hơn nữa, sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Thực hiện lộ trình này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa, bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học trên địa bàn.

Như vậy, sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Thanh Hóa: Biến rác thải thành quà hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khó khăn

"Rác”- thay vì là đồ phế thải đang gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, thì nay tại Thanh Hóa “rác” đang dần trở thành quà tặng, giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, góp phần hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

Theo đó, năm 2021, Hội LHPN xã Thiệu Giang (Thiệu Hóa) đã thực hiện điểm “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, hạt giống rau các loại” ở thôn 1 và thôn Đa Lộc. Chương trình thu hút nhiều hội viên, phụ nữ tham gia vì đã góp phần thay đổi nhận thức, ý thức hành động của hội viên trong việc phân loại và xử lý rác thải đầu nguồn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần cải tạo vườn tạp, trồng hoa, cây xanh tô đẹp cảnh quan môi trường, xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” trong xây dựng NTM ở địa phương. Chủ tịch Hội LHPN xã Hoàng Thị Hằng cho biết: “Năm 2022, Hội LHPN xã đã nhân rộng cách làm đổi rác thải nhựa lấy quà ở các chi hội, rác sẽ được chị em phân loại đổi lấy quà hoặc bán gây quỹ mua quà tặng hội viên và con em hội viên khó khăn, trẻ mồ côi. Đầu năm 2022 đến nay, các chi hội phụ nữ trong xã đã gây quỹ được gần 10 triệu đồng từ nguồn rác tái chế và đã mua quà tặng cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, trị giá từ 400 - 500 nghìn đồng/suất”.

 

9_jun_2022_015152_gmt7_jun_2022_034016_gmt3_th.jpg
Những giỏ hoa xinh xắn được làm nên bằng đôi bàn tay khéo léo của hội viên, phụ nữ xã Hưng Lộc (Hậu Lộc)

 

Về với xã Hưng Lộc (Hậu Lộc), chứng kiến những đôi bàn tay khéo léo của cán bộ, hội viên phụ nữ tự chế những phế liệu thành vật dụng hữu ích như: chậu hoa, cây cảnh, giá thể trồng các loại rau gia vị hoặc tái chế thành những thùng đựng rác bắt mắt... hẳn ai cũng phải tấm tắc khen sự sáng tạo và linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm của các chị. Biến rác thải thành tiền đã tạo cho chị em nơi đây sự đoàn kết, gắn bó, từ đó thực hiện tốt các phong trào do cấp trên đề ra.

Cứ vào dịp cuối tuần, bà Mai Thị Thanh, chi hội phụ nữ phố Nam Đội Cung, phường Trường Thi, TP. Thanh Hóa ra nhà văn hóa để tiếp nhận nguồn phế liệu của chị em tặng chi hội. Bà Thanh cho biết: "Việc làm này, chi hội duy trì nhiều tháng nay. Nhiều chị em hào hứng mang đến những túi, bì đựng đồ phế liệu của gia đình gom trong tuần và sẵn sàng ở lại cùng nhau phân loại, bán, ghi chép đầy đủ để vào dịp lễ, tết hoặc đột xuất sẽ thăm, tặng quà hội viên khó khăn. Gần như 100% chị em trong chi hội đều tham gia, ủng hộ. Dù số tiền không lớn nhưng là nguồn động viên giúp chị em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, tăng cường tình đoàn kết trong chi hội”.

Đã có rất nhiều phần quà từ rác thải mà các hội viên, phụ nữ, con em của hội viên nhận được, có thể là những gói gia vị, hạt giống rau, cây hoa, hộp bút, chậu trồng hoa... giá trị không nhiều nhưng lại mang đến cả “triệu phần quà” cho các đối tượng. Các cấp Hội đã linh hoạt cách làm và xây dựng được nguồn quỹ tương đối để tặng hàng chục nghìn suất quà, hỗ trợ mô hình sinh kế cho hội viên, con em hội viên, đồng thời hạn chế sử dụng rác thải nhựa, giảm áp lực lên môi trường sống, chống biến đổi khí hậu, đảm bảo sức khỏe của gia đình và cộng đồng.

Cứ vào dịp cuối tuần hoặc mỗi tháng một lần tùy từng địa phương, đơn vị, rất nhiều hình ảnh hội viên, phụ nữ, người dân mang rác tái chế đến đổi quà theo ý muốn, các suất quà nhanh chóng vơi đi, song bù lại số lượng rác tái chế thu được mỗi lúc một nhiều; đặc biệt, những nơi chị em mang rác tái chế gom được đến tặng cho chi hội bán gây quỹ... đã, đang tạo được sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Tiêu biểu là Hội LHPN thị xã Nghi Sơn với mô hình “Thu gom rác thải nhựa gây quỹ giúp phụ nữ nghèo”; Hội LHPN huyện Thiệu Hóa đồng loạt thực hiện ở các xã đổi rác thải lấy cây xanh, phân loại và xử lý rác thải đầu nguồn; Hội LHPN huyện Nông Cống, Quảng Xương, Hà Trung, Nga Sơn, Thạch Thành, TP. Thanh Hóa, với mô hình “Biến rác thải thành tiền”... đã trở thành điểm sáng trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, đô thị văn minh theo hướng thân thiện với môi trường.

 

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

  • Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Đặc sắc chương trình kỷ niệm 15 năm “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới”

    Chương trình kỷ niệm diễn ra từ ngày 10-12/5 với nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật đặc sắc, các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống và hiện đại.

  • Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Ấn tượng Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng năm 2024

    Điểm nhấn của Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2024 là chương trình nghệ thuật "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản". Đêm hội đã để lại ấn tượng đẹp cho hàng vạn người dân, du khách về một thành phố phát triển, trẻ trung, năng động.

Top