Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 4 năm 2019 | 20:59

Thủ tướng: Lo tăng trưởng nhưng không bỏ quên các vấn đề xã hội

Thủ tướng chỉ ra nhiều vấn đề về xã hội phải quan tâm như nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông, phát sinh một số vấn đề xã hội, an ninh trật tự, môi trường ở một số địa phương, trong đó có vấn đề mê tín dị đoan ở Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh),...

Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019, Thủ tướng chỉ ra nhiều vấn đề về xã hội phải quan tâm như nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông, phát sinh một số vấn đề xã hội, an ninh trật tự, môi trường ở một số địa phương, trong đó có vấn đề mê tín dị đoan ở Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), vụ học sinh lớp 9 đánh đập bạn dã man ở Hưng Yên…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
 
Tóm tắt một số nét lớn và gợi ý một số nội dung quan trọng để các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế thế giới dự báo gặp nhiều khó khăn, đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nước ta. Hầu hết các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu. OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 từ 3,5% xuống 3,3%, IMF hạ từ 3,7% xuống 3,5%.

Thương mại toàn cầu chậm lại, sức sản xuất suy yếu. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành chế tạo của nhiều nền kinh tế lớn trong tháng 3/2019 tiếp tục giảm. Chỉ số PMI của Mỹ giảm còn 52,5 điểm so với 53 điểm tháng 2/2019; Khu vực Eurozone giảm còn 47,7 điểm, tháng 2/2019 là 49,4 điểm; chỉ số PMI Nhật Bản vẫn ở mức thấp, 48,9 điểm.

Tính bất trắc, khó lường kinh tế toàn cầu đang tăng lên khi nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Một số yếu tố địa chính trị có dấu hiệu phức tạp trở lại. Về môi trường đầu tư, nhiều nước đang cải thiện mạnh mẽ, đặc biệt Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài cởi mở, thông thoáng hơn, tạo thuận lợi hơn. Theo nhiều chuyên gia, đây là bước đi mới của Trung Quốc nhằm tạo môi trường thông thoáng hơn để thu hút, “giữ chân” các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, việc cạnh tranh thu hút FDI sẽ tăng lên đối với Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình để có đối sách nhằm không bị giảm nguồn lực trong đầu tư phát triển khi mà một trong những điểm sáng nhất về kinh tế-xã hội của Việt Nam trong quý I/2019 là thu hút FDI với nhiều dự án lớn, chất lượng tốt.

Trong bối cảnh tình hình toàn cầu và khu vực như trên, các tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam. ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng 6,8% trong năm 2019. WB dự báo kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2019, cao hơn bình quân khu vực Đông Á-Thái Bình Dương (khoảng 6%).

Trước tình hình thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn như dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu, thời tiết nóng nực, hạn hán..., nhưng nhờ quyết tâm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, kinh tế-xã hội diễn biến tích cực trên các mặt.

GDP quý I/2019 tăng khá, đạt 6,79%. Kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21%, bình quân quý I/2019 tăng 2,63%. Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh, là điểm sáng trong bức tranh tổng thể. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12%. Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 4,5  triệu lượt, tăng 7%. Xuất siêu trong quý I đạt 536 triệu USD. Doanh nghiệp thành lập mới đạt 28.451 doanh nghiệp, tăng 6,2%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt trên 15.000 doanh nghiệp. Điều này cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, sự tin tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Việt Nam.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Đời sống dân cư nhìn chung ổn định. Thủ tướng tuyên dương ngành công an với chiến công triệt phá nhiều vụ án ma túy số lượng lớn, mang lại hạnh phúc, bình yên cho nhiều gia đình, người dân.

“Điều quan trọng nhất, cần tập trung cao nhất, nỗ lực cao nhất là phải bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong cả năm và giải quyết toàn diện các vấn đề xã hội, nhất là lĩnh vực văn hóa, giáo dục”, Thủ tướng nói.

“Chúng ta thấy tăng trưởng quý I tuy đạt khá cao nhưng thấp hơn quý I/2018 do nhiều nguyên nhân”. Tăng trưởng trong năm nay gặp nhiều thách thức khi tăng trưởng toàn cầu có xu hướng giảm. Khu vực nông nghiệp gặp khó khăn như dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng lây lan, thời tiết nắng nóng, giá nông sản bấp bênh…

Theo Thủ tướng, vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước giải ngân đạt thấp, vốn từ ngân sách Nhà nước chỉ đạt 14,7% kế hoạch năm. Vốn Trung ương quản lý giải ngân giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước. “Chúng ta kiên quyết không chấp nhận thực tế này. Tôi yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành giải trình rõ và phải có biện pháp mạnh trong vấn đề thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ngay trong tháng 4 này”. Khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng chậm lại. Tín dụng tăng thấp.

Việc thực thi Luật quy hoạch gặp nhiều khó khăn, tác động đến hoạt động đầu tư, nhất là dự án mới, nhiều quy hoạch hết hiệu lực trong khi quy hoạch tích hợp mới chưa ban hành.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại phiên họp, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phương án triển khai sơ kết Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL, “chúng ta ban hành nghị quyết quan trọng như vậy không theo dõi sao?”. Nhưng, theo Thủ tướng, vấn đề rất quan trọng là vấn đề rác thải nhựa, cần phải quan tâm xử lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương phải có những giải pháp, vận động người dân mạnh mẽ hơn trong vấn đề thay thế những vật liệu nhựa sử dụng một lần.

Thủ tướng cũng lưu ý, cách đây mấy ngày,VCCI đã cho công bố kết quả điều tra chỉ số PCI 2018, kết quả điều tra cho thấy một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh có thay đổi tích cực hơn so với năm 2017 như chi phí không chính thức giảm, 49% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 56% doanh nghiệp FDI sẽ có nhu cầu mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần tiếp tục lưu ý là cần phải tiếp tục nâng cao tính liêm chính, minh bạch; tăng cường chất lượng đào tạo lao động, cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan…

Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh “nhiều vấn đề về xã hội chúng ta phải quan tâm” như nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông, phát sinh một số vấn đề xã hội, an ninh trật tự, môi trường ở một số địa phương, trong đó có vấn đề mê tín dị đoan ở Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), vụ học sinh lớp 9 đánh đập bạn dã man ở Hưng Yên cũng như nhiều bạo lực học đường, những hành vi thiếu văn hóa đạo đức khác. “Đây có phải vấn đề báo động không? Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm ra làm sao cũng như các địa phương phải có biện pháp như thế nào, các đoàn thể, các cơ quan có chức năng trách nhiệm như thế nào trong vấn đề bạo lực học đường?”, Thủ tướng nói.

“Chúng ta đang nói một câu chuyện là lo tập trung phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế, nhưng chúng ta không thể nào bỏ quên những vấn đề xã hội bức bối như vậy đối với đất nước. Những vấn đề xã hội nổi cộm như vậy khiến chúng ta phải suy nghĩ chứ không chỉ kinh tế, mặc dù tăng trưởng kinh tế là vô cùng quan trọng”, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ cùng bàn, thống nhất quan điểm chỉ đạo, triển khai.

“Các đồng chí, mỗi người một góc độ, mỗi người đóng góp ý kiến khác nhau để làm sao đất nước chúng ta phát triển tốt nhất, chúng ta là cơ quan quản lý kinh tế-xã hội của đất nước, trách nhiệm rất lớn với Đảng, với nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo

Thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo ở một số địa phương như tại Hưng Yên, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng phải được xử lý nghiêm để làm gương, giữ kỷ cương phép nước.

Thủ tướng yêu cầu xử lý theo Nghị định 80/2017/NĐ-CP về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; làm rõ trách nhiệm của các địa phương về quản lý giáo dục - đào tạo đối với các vi phạm này.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí nêu đúng, nêu đủ, không làm phức tạp tình hình.

Phát biểu khai mạc phiên họp sáng nay, Thủ tướng đã nhấn mạnh “nhiều vấn đề về xã hội chúng ta phải quan tâm”, trong đó có vụ việc học sinh lớp 9 hành hung bạn dã man ở Hưng Yên, cũng như nhiều vụ bạo lực học đường, những hành vi thiếu văn hóa đạo đức khác. “Đây có phải vấn đề báo động không. Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm ra làm sao, cũng như các địa phương phải có biện pháp như thế nào, các đoàn thể, các cơ quan có chức năng trách nhiệm như thế nào trong vấn đề bạo lực học đường”, Thủ tướng nói.

“Chúng ta đang nói một câu chuyện là lo tập trung phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế, nhưng chúng ta không thể nào bỏ quên những vấn đề xã hội bức bối như vậy đối với đất nước”. “Những vấn đề xã hội nổi cộm như vậy khiến chúng ta phải suy nghĩ, chứ không chỉ kinh tế, mặc dù tăng trưởng kinh tế là vô cùng quan trọng”.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, cần xử lý ở mức cao nhất có thể đối với giáo viên, những người làm việc trong nhà trường có hành vi xâm hại trẻ em. Người quản lý cơ sở giáo dục, kể cả mầm non, nếu để xảy ra vi phạm, cũng phải chịu trách nhiệm. “Chúng ta cần xử lý nghiêm minh thì mới ngăn chặn được chuyện này”. Tới đây, Bộ trưởng cho biết sẽ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo lập các đoàn kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm trong vấn đề này.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đến nay, có nhiều văn bản được ban hành về vấn đề này như Nghị định 80/2017/NĐ-CP về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, hay Thủ tướng có Quyết định 1299/QĐ-TTg  phê duyệt Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và các bộ, ngành đã ban hành 11 thông tư liên quan về vấn đề này. Theo Bộ trưởng, việc tổ chức thực hiện các văn bản này chưa nghiêm.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhất trí với ý kiến Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về nhận thức, cần xử lý nghiêm để răn đe, lập lại kỷ cương.

Gần đây, Bộ đã ban hành chỉ thị, theo đó nếu giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo thì sẽ đưa ra khỏi ngành.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ, theo đó chính quyền địa phương các cấp cũng cần cụ thể hóa thành các nhiệm vụ chi tiết. Tuy nhiên, một số địa phương chưa sâu sát vấn đề này. Công tác giáo dục văn hóa, phòng chống bạo lực học đường cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội thì mới hiệu quả.

Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với một số bộ, ngành thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra và xây dựng các chương trình về tâm lý học đường cho các em, có các hoạt động để hóa giải các bức xúc, những vấn đề về đạo đức nhà giáo…

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top