Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 3 tháng 6 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 31 tháng 3 năm 2017 | 3:14

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua làm VAC giỏi

Năm 2016, do khó khăn về ngân sách nên các cấp Hội được giao thực hiện các đề tài, dự án mới rất hạn chế. Tuy nhiên, một số đơn vị Hội đã nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ các ban, ngành, địa phương và cả tổ chức quốc tế để được giao thực hiện đề tài, dự án, mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa TƯ Hội và Bộ NN-PTNT cũng được Trung ương Hội chú trọng và mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ.

Lãnh đạo Trung ương Hội thăm mô hình VAC ở Nam Định.

Tiếp tục các dự án trọng điểm

Điển hình là HLV tỉnh Hải Dương với mô hình trình diễn sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn thịt, sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá, xây dựng mô hình sản xuất giống gà Đông Tảo lai gà chọi tại Tân Kỳ, sản xuất giống gà chọi lai Lương Phượng cung cấp giống cho hội viên để phát triển giống gà này tại Chí Linh…

HLV&TT tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện dự án nghiên cứu khoa học “Mạ khay, máy cấy”, hoàn thành việc lắp đặt 60 hầm biogas composite tại 4 huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung và Như Xuân. HLV& TT tỉnh Hà Tĩnh được tổ chức KOIKA (Hàn Quốc) triển khai dự án tái tạo năng lượng tại 4  địa phương, gồm TP.Hà Tĩnh, các huyện Thạch Hà, Hương Sơn, Kỳ Anh và thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trang trại theo phương pháp hữu cơ tại xã Thạch Xuân- Thạch Hà” với tổng số vốn 470 triệu đồng…

Văn phòng Trung ương Hội tiếp tục thực hiện một số dự án được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao gồm: Dự án “Xây dựng mô hình trồng thanh long ruột đỏ”; “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong các nông hộ tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình”; “Xây dựng mô hình phát triển giống lê mới và lê địa phương tại vùng miền núi phía Bắc” và thực hiện 2 hợp phần của dự án “Xây dựng mô hình VACB gắn với bảo quản, tiêu thụ sản phẩm ở các tỉnh miền núi phía Bắc”. Những dự án do Trung ương Hội triển khai được thực hiện đúng kế hoạch, thời gian và mục tiêu, đã được hội đồng cấp cơ sở nghiệm thu. Tổng số tiền đã giải ngân được 2,865 tỷ đồng.

Chi nhánh miền Nam của Trung ương Hội tiếp tục phối hợp với TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh ĐBSCL xây dựng mô hình áp dụng quy trình VietGAP với một số cây ăn quả của địa phương và phối hợp với các siêu thị, công ty, nhà vườn và các doanh nghiệp giải quyết đầu ra cho sản phẩm VAC an toàn như rau, quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) đã triển khai 5 dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ với vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng (Koica - Hàn Quốc), Sứ quán AiLen, Canada, Thụy Sĩ/Oxfam và Công ty Thanh Đồng (Đồng Tháp).

Năm 2016, Công ty TNHH và Dịch vụ VACVINA đã cung cấp cho các hộ nuôi trồng thủy sản 200.000 con cá giống (cá rô phi đơn tính, cá chim trắng); 4,5 triệu con tôm giống (tôm thẻ chân trắng, tôm sú); tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ thuật VAC với 390 học viên thuộc 6 tỉnh (Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Hải Phòng, Nam Định và Ninh Bình), nộp ngân sách 868,6 triệu đồng. 

Trung tâm Dạy nghề và Chuyển giao kỹ thuật VACVINA thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm chân trắng theo VietGAP tại 3 tỉnh Hải Phòng, Nam Định và Ninh Bình. Kết quả, cả 3 mô hình năng suất đều cao hơn từ 29,7-33,7% và lãi tăng cao hơn từ 34-35% so với hộ ngoài mô hình. Sản phẩm tôm nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các mô hình được đánh giá đạt bình quân 92,8% tiêu chí VietGAP.

Nhìn chung, năm 2016, trong bối cảnh khó khăn chung, các đơn vị trực thuộc TƯ Hội đều đã nỗ lực chủ động tìm kiếm đề tài, dự án để triển khai mọi mặt hoạt động của Hội.

Nghị quyết liên tịch được triển khai rộng khắp

Thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam giai đoạn 2013-2020, đã có khoảng 80% số tỉnh, thành phố ký nghị quyết liên tịch giữa Hội Làm vườn tỉnh/thành phố với các Sở Nông nghiệp và PTNT. Căn cứ vào nghị quyết liên tịch, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các tỉnh/thành Hội thực hiện một số chương trình, dự án, tổ chức tập huấn, đào tạo nghề làm kinh tế VAC. Một số tổ chức Hội còn phối hợp với ngành nông nghiệp xây dựng mô hình kinh tế tập thể kiểu mới (hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ trang trại VAC), hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện sản xuất theo VietGAP, Global GAP, áp dụng công nghệ cao nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phát triển bền vững như: Sơn La, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Tháp... 

Văn phòng Trung ương Hội đã chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Ban chủ nhiệm Chương trình ứng dụng khoa học xây dựng NTM, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường…) với các nội dung cụ thể và được giao thực hiện một số  chương trình, dự án.

Những tồn tại cần tháo gỡ

Tồn tại hiện nay là, ở một số đia phương sau khi tổ chức ký kết nghị quyết liên tịch nhưng chưa phát huy được tác dụng do năng lực hạn chế và thiếu tính chủ động trong việc phối hợp. Hoạt động của tổ chức Hội ở một số địa phương chưa đồng đều, nguyên nhân do năng lực yếu và chậm đổi mới để có thể đủ năng lực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, tổ chức các hoạt động dịch vụ để có nguồn lực hoạt động trong bối cảnh Nhà nước đang có những chính sách thay đổi về quản lý đối với tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Việc phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương còn thiếu chặt chẽ, nhất là chủ động làm việc với ngành Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch hàng năm.

Sang năm 2017, Trung ương Hội sẽ tích cực vận động hội viên tham gia phong trào thi đua làm VAC giỏi đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phối hợp với các ban ngành, các cấp tổ chức đào tạo, tập huấn cho hội viên tập trung vào chủ đề thực hiện quy trình sản xuất VAC theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng công nghệ cao.

Tích cực nghiên cứu đề xuất và triển khai tốt các dự án, đề tài, các chương trình huấn luyện, đào tạo dạy nghề. Mở mang thêm phạm vi hoạt động của Hội và phát triển các dịch vụ có thu.

Phối hợp với ngành nông nghiệp và PTNT kiểm điểm và đánh giá lại việc thực hiện nghị quyết liên tịch và xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Đôn đốc các cấp Hội hết nhiệm kỳ xúc tiến Đại hội và chuẩn bị tốt nhân sự đáp ứng yêu cầu phát triển Hội trong tình hình mới khi Nhà nước thực hiện đề án đổi mới về công tác Hội.                                      

P.V

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Trồng hồng chậu, nông dân thu tiền tỉ

    Trồng hồng chậu, nông dân thu tiền tỉ

    Thay vì trồng hồng cắt cành truyền thống, một nông dân đã chọn trồng những chậu hồng cảnh. Với doanh thu hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, vườn hồng ấy đã mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân.

  • Người trẻ thành công với sản xuất nông nghiệp hữu cơ

    Người trẻ thành công với sản xuất nông nghiệp hữu cơ

    Nhờ ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều nông dân trẻ tuổi ở miền Trung đã thành công ở những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không những thu về lợi nhuận cao mà còn góp phần cung cấp sản phẩm nông sản sạch cho người tiêu dùng.

  • Anh Ngô Quang thu quả ngọt từ cây sầu riêng

    Anh Ngô Quang thu quả ngọt từ cây sầu riêng

    Đắk Nông được đánh giá có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp để trồng cây ăn trái, trong đó có cây sầu riêng. Những năm qua, cây sầu riêng đã mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình, trong đó có gia đình anh Ngô Quang, ở phường Nghĩa Đức, TP.Gia Nghĩa.

Top