Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 2 năm 2022 | 21:46

Tín hiệu đáng mừng khi du khách đến các tỉnh miền Trung tăng

Nhiều địa phương miền Trung đã có số lượng khách du lịch tăng đột biến dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đây thực sự là tín hiệu đáng phấn khởi cho ngành du lịch miền Trung nói riêng, cả nước nói riêng.

Nghệ An đón gần 190.000 lượt khách du lịch trong dịp Tết Nhâm Dần
 
Theo thống kê của Sở Du lịch Nghệ An, qua 09 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 27 tháng Chạp năm Tân Sửu đến ngày mồng 6 tháng Giêng năm Nhâm Dần), toàn tỉnh đón và phục vụ gần 190.000 lượt khách tham quan du lịch, trong đó khách có lưu trú đạt gần 15.000 lượt. Tổng thu từ khách tham quan du lịch ước đạt hơn 25  tỷ đồng.
19543229_622022.jpgThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi người dân và du khách về thăm Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022. Ảnh: Phạm Bằng
 
Nghệ An có nhiều địa danh du lịch thu hút khách đến tham quan đầu xuân, năm mới, nhất là những địa điểm di lịch tâm linh như Đền Cuông ở Diễn Châu; Núi Quyết ở phường Trung Đô, Thành phố Vinh, Nghệ An, nơi có đặt đền thờ Vua Quang Trung, Người anh hùng áo vải, cờ đào làm nên chiến thắng lẫy lừng vào ngày Mùng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1898 đánh bại 50 vạn quân Minh; Chùa Đại Tuệ ở huyện Nam Đàn; Phượng Hoàng Trung Đô ở Yên Trường, huyện Hưng Nguyên; Đền Ông Hoàng Mười ở Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên; đặc biệt là Làng Sen Quê Bác ở huyện Nam Đàn, nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, daanh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, Người đã đưa dân tộc Việt Nam rạng rỡ như ngày hôm nay.
 
bna_13233791_622022.jpg
Du khách tham quan Đền thờ Hoàng đế Quang Trung (thành phố Vinh) đầu năm mới Nhâm Dần 2022. Ảnh: Công Kiên

 

Thực hiện chỉ đạo cấp trên, Sở Du lịch Nghệ An đã chủ động tham mưu kịp thời các nội dung tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các hoạt động kinh doanh và tham quan du lịch đều được kiểm soát, không có vi phạm gì đáng tiếc xảy ra.
 
 
Gần 112.000 lượt du khách tham quan các khu, điểm du lịch tại Hà Tĩnh
 
Trong 6 ngày đầu năm mới Nhâm Dần (từ mùng 1 đến mùng 6), các khu, điểm du lịch trên địa bàn Hà Tĩnh đã đón 111.781 lượt khách tham quan, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Với tổng số 111.781 lượt khách tham quan Hà Tĩnh dịp tết Nguyên đán có 5.721 lượt khách lưu trú, trong đó 246 lượt khách quốc tế.
154d6110653t26342l0.jpgDu khách tham quan chùa Hương Tích trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Ngọc Thắng
 
Nhiều điểm đến thu hút số lượng khách tham quan, check in đông như: đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) hơn 40.000 lượt; Khu du lịch chùa Hương Tích (Thiên Lộc, Can Lộc) 20.000 lượt; Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc 20.000 lượt...
 
Ngoài ra, một số điểm đến là sản phẩm mới của công ty du lịch và địa phương, như: Khu du lịch Đá Bạc Eco (Thạch Hà), đồi chè Hương Trà (Hương Khê)... cũng thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan trong cả đợt.
 
Ông Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, cho biết: “Kỳ nghỉ Tết khá dài, thời tiết khá thuận lợi cộng với ban quản lý các khu, điểm du lịch thực hiện tốt công tác phòng dịch theo chỉ đạo của các cấp, ngành là những yếu tố giúp các điểm đến thu hút khách trong dịp tết vừa qua”.
 
Bà Trương Thị Nga, Phó Giám đốc Công ty CP Du lịch Hà Tĩnh, cho biết: “Việc nhiều du khách đã được tiêm đủ các mũi vắc-xin phòng Covid-19 và các điểm nghỉ dưỡng thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn phòng dịch là cơ sở giúp du khách yên tâm, mạnh dạn thực hiện các chuyến du lịch dịp tết này”.
 
Hà Tĩnh cũng có nhiều điểm tham quan du lịch thu hút nhiều khách du lịch hàng năm đến đây, trong đó có nhiều điểm du lịch tâm linh thu hút khách thập phương xa gần như Chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc.
 
Ông Ngô Nhật Linh, Phó Trưởng ban quản lý Khu di tích chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, Can Lộc), cho biết: “Số lượng khách về chùa Hương Tích dịp Tết năm nay khá đông so với dự tính ban đầu. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị chu đáo các phương án nên chúng tôi triển khai các công tác an toàn trật tự và phòng dịch đảm bảo”.
 
Quảng Bình đón hơn 33.000 lượt khách tham quan
 
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Quảng Bình đón hơn 33.000 lượt khách tham quan. Số lượt khách trung bình/ngày tăng gần 16% so với dịp Tết Tân Sửu 2021.
images726467_anh_du_l_ch_2.jpgDu khách trải nghiệm sông Chày - hang Tối trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
 
Những điểm đến chính của khách du lịch là động Phong Nha, động Thiên Đường, chùa Hoằng Phúc, đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, chùa Đại Giác, núi Thần Đinh, Quảng trường Hồ Chí Minh, Quảng trường biển Bảo Ninh.
 
Ngoài ra, các điểm du lịch cộng đồng tại Phong Nha - Kẻ Bàng cũng thu hút một số lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm, như: Khu du lịch Đồi Dẻ, Ồ Ồ Lake, East Hill...
 
Khách du lịch chủ yếu là khách nội tỉnh, ngoài ra còn có một lượng lớn khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận, như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị...
 
Theo ông Đặng Đông Hà, trong dịp Tết Nguyên đán, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở lưu trú, khu, điểm tham quan du lịch và chất lượng dịch vụ, vấn đề niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đều được bảo đảm. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 và du lịch an toàn được các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.
 
Được biết, để phục hồi ngành du lịch trong năm mới, du lịch Quảng Bình đã duy trì được sự kết nối thường xuyên, liên tục với các thị trường khách du lịch trọng điểm trong nước và quốc tế. Trước đó, ngày 3/2, đoàn làm phim của BBC đã bắt đầu vào hang Sơn Đoòng để quay phim cho dự án quảng bá du lịch Quảng Bình. 
 
 
Trên 21.000 lượt khách đến tham quan các điểm du lịch ở Quảng Trị
 
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các điểm di tích, du lịch trên địa bàn tỉnh có 21.388 lượt người khách đến tham quan, số lượng gấp đôi so với Tết năm trước. Trong đó, khách lưu trú chuyên ngành 450 lượt, khách tham quan 20.938 lượt. Các điểm di tích bảo tàng đón tiếp và phục vụ khoảng 1.458 lượt khách.
 
Trưởng Ban Quản lý Di tích đặc biệt quốc gia Thành Cổ Quảng Trị cho hay, những ngày Tết có khoảng 300 – 350 lượt khách/ngày đến dâng hương, tham quan tại di tích, ngoài khách nội tỉnh còn có rất nhiều đoàn khách đến từ Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... Riêng ngày 7/2 có gần 600 lượt khách đến Thành Cổ Quảng Trị do có nhiều đoàn cán bộ, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới.
 
Sau một thời gian dài hoạt động của di tích bị ngưng trệ do ảnh hưởng COVID-19, số lượng khách đến di tích tăng mạnh trong kỳ nghỉ Tết mang đến sinh khí mới trong những ngày đầu xuân. Mọi người đều phấn khởi, tự tin trong đi lại và chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Ban quản lý đã phân công lịch trực, bố trí cán bộ cụ thể và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo đón tiếp, phục vụ chu đáo khách du lịch và Nhân dân trong, ngoài tỉnh đến dâng hương, tham quan di tích đặc biệt ý nghĩa vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
 
Gần 50.000 du khách đên tham quan các điểm du lịch tại Huế
 
Gần 50.000 lượt khách đến tham quan các di tích, thắng cảnh Huế trong 3 ngày Tết Nhâm Dần; trong đó, có hơn 500 lượt khách quốc tế. Đây là tín hiệu vui cho sự phục hồi đón khách du lịch trong năm 2022 này.
 
Cuối năm ngoái, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 402/KH-UBND triển khai Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022, nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung xây dựng các thương hiệu du lịch chủ đạo song song với nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của loại hình du lịch văn hóa - di sản, trong đó  chú trọng các sản phẩm gắn với “Huế - Thành phố của lễ hội”, “Huế - Kinh đô ẩm thực” và “Huế - Kinh đô áo dài”…
 
Đây không chỉ là một tin vui cho riêng ngành du lịch của tỉnh Thừa Thiê Huế mà còn là tin rất đáng mừng của ngành du lịch, bởi sau một thời gian dài phải đóng cửa không đón khách, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đến nay thị trường du lịch trong nước đã có những chuyển biển và khởi sắc.
 
Trước đó, ngày 29/1 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Bộ Y tế quyết định việc mở lại các hoạt động đón khách, chậm nhất vào dịp 30/4 tới. Đây cũng là thời điểm Việt Nam hoàn tất chiến dịch tiêm chủng vắc-xin thần tốc mùa Xuân 2022, với mục tiêu: Hết tháng 1, hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12-17 tuổi; trong quý I, hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trừ các đối tượng chống chỉ định. Cùng với đó, nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, thận trọng trong việc tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
 
Từ nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc-xin cao nhất trên thế giới. Đến cuối tháng 1/2022, tỷ lệ bao phủ vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi gần 100%, 2 mũi 95%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi 92%, 2 mũi 76%. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt. Đây là cơ sở để ngành du lịch tự tin để mở cửa trở lại.
 
Không chỉ ngành du lịch, các lĩnh vực kinh tế – xã hội nói chung cũng có cơ hội để phục hồi phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt, ngay từ ngày giáp Tết Nhâm Dần, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; với tinh thần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm...
 
Đến nay có thể khẳng định, phương châm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã thực sự phát huy hiệu quả. Nhìn lại năm qua, khi đại dịch cơ bản được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế trong quý IV đã phục hồi khá nhanh, với mức tăng trưởng GDP ước đạt 5,22% (cao hơn tốc độ tăng 4,61% của quý IV/2020). Đây cũng là tiền đề quan trọng để ngành du lịch các địa phương nói riêng và kinh tế - xã hội cả nước nói chung trong năm nay tiếp tục phát triển.
 
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Cứ đến dịp tháng 5 về, những đầm sen trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đua nhau nở hoa, tỏa hương thơm ngát.

  • Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Tối 19/5, tại sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 với chủ đề “Từ Làng Sen đến thành phố Hồ Chí Minh” kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

Top