Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 27 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 18 tháng 8 năm 2020 | 20:4

Tin miền Trung: Nhiều điểm “nóng”phá rừng phòng hộ ở Quảng Nam

Hiện, tại huyện Trà My đang xuất hiện rất nhiều “điểm nóng” phá rừng ở rất nhiều xã, và lâm phận rừng phòng hộ sông Tranh.

Từ đầu năm đến nay, tại huyện Bắc Trà My đã xuất hiện rất nhiều “điểm nóng” phá rừng, chủ yếu ở các xã: Trà Giác, Trà Tân, Trà Sơn và lâm phận rừng phòng hộ Sông Tranh.

 

qn-991.jpg

 Hiện trường vụ phá rừng ở Bắc Trà My gần đây.

 

Điều đáng nói là, phần lớn vụ việc khi báo chí phản ánh, quần chúng báo tin, thì lực lượng chức năng mới vào cuộc, điều tra xác minh. 

Một vụ phá rừng xảy ra đầu tháng 3.2020 thuộc khoảnh 4, 5 (tiểu khu 809); khoảnh 1, 2 (tiểu khu 810), xã Trà Giác và khoảnh 8 (tiểu khu 756), xã Trà Tân. Ngành kiểm lâm kiểm đếm có 16 cây gỗ bị chặt hạ, số lượng gỗ tại hiện trường còn lại hơn 26m3.

Các khu vực này thuộc rừng tự nhiên, quy hoạch chức năng rừng phòng hộ, nằm trong lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My, đang thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Khu vực rừng bị khai thác gỗ trái phép thuộc rừng phòng hộ lưu vực thủy điện Nước Oa. Song, các đơn vị lại chậm phối hợp, cung cấp thông tin để ngăn chặn kịp thời.

Tại xã Trà Giác, liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng, tuy vậy, kiểm lâm địa bàn và chính quyền sở tại vẫn chậm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Điều này cho thấy: Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My chưa triển khai quyết liệt các giải pháp bảo vệ rừng (BVR), theo chỉ đạo của Tỉnh, Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm.

Trong các vùng trọng điểm phá rừng, thì xã Trà Giác khá phức tạp về tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, cũng như xâm hại diện tích rừng tự nhiên.

Theo kế hoạch kiểm tra, truy quét, xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp trong mùa khô năm 2020 của huyện Bắc Trà My, đến ngày 30.9 mới kết thúc chiến dịch truy quét cao điểm.

Về xâm hại rừng trái phép, địa phương đã khoanh vùng ở tiểu khu 755, xã Trà Tân; các tiểu khu 807, 812, 815 xã Trà Giác; các xã Trà Kót, Trà Nú, Trà Sơn và thị trấn Trà My.

Tọa độ khai thác gỗ trái phép ở xã Trà Giác gồm khu vực giáp ranh với các xã Trà Tân, Trà Sơn và Trà Giang thuộc tiểu khu 808, 809, 810, 811; khu vực tiểu khu 821; khu vực giáp ranh với xã Trà Mai (Nam Trà My).

Còn xã Trà Bui là tiểu khu 742, 744 giáp ranh huyện Phước Sơn và tiểu khu 848, 752. Xã Trà Giáp là tiểu khu 846, 847 giáp ranh với xã Trà Giác; tiểu khu 853 giáp ranh với xã Trà Vân (Nam Trà My); tiểu khu 844 giáp ranh với huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Theo UBND huyện, các cơ quan phối hợp truy quét gồm Hạt Kiểm lâm  Bắc Trà My, Đội kiểm tra kiểm soát liên ngành huyện, Công an huyện, Cơ quan Quân sự huyện, UBND các xã, thị trấn và chủ rừng.

Hiện, địa phương đã lập được bản đồ chi tiết khu vực trọng điểm về từng loại hình vi phạm như: khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái pháp luật. Kế hoạch truy quét được giữ bí mật, tránh việc “bứt dây động rừng”.

Chính quyền huyện Bắc Trà My cho biết, mục đích của kế hoạch là kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp, góp phần BVR tận gốc, quản lý nhà nước về tài nguyên rừng chặt chẽ hơn.

Từ tháng 6 đến nay, Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My liên tiếp báo cáo về việc chống người thi hành công vụ. Gần đây, ông Trần Công Lý - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My, gửi công văn đề nghị Công an huyện Bắc Trà My vào cuộc điều tra, truy tìm người gọi điện đe dọa giết ông cùng hai con của mình.

Về vụ việc này, lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, vừa có văn bản yêu cầu Công an tỉnh vào cuộc điều tra, xử lý nghi phạm hăm dọa công chức kiểm lâm.

Trong khi đó, nội dung công văn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bắc Trà My, VKSND tỉnh yêu cầu cơ quan này, có trách nhiệm tiếp nhận, thụ lý giải quyết nguồn tin về tội phạm nêu trên (hành vi của đối tượng gọi điện đe dọa ông Trần Công Lý – PV) theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nhằm đảm bảo an toàn, tránh gây tâm lý hoang mang, cản trở hoạt động thực thi công vụ, của lực lượng kiểm lâm.

Quảng Trị: Lập nghiệp trên đất khó

Những năm qua, quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu của tuổi trẻ huyện Đakrông, được thể hiện từ mô hình kinh tế trang trại mang đậm dấu ấn thanh niên.

 

rung-33.jpg

  Mô hình rừng tràm của Hồ Văn Lâm - Ảnh: LP

 

Tuy kết quả chưa cao so nhiều nơi khác, nhưng với thanh niên Đakrông, đã mang nhiều ý nghĩa. Trong đó, nổi bật nhất là sự đổi mới từ cách nghĩ, cách làm, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Gần đây, phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, gắn XDNTM được các cấp bộ đoàn Đakrông hưởng ứng tích cực. Bằng ý chí, nghị lực, nhiều người đã có mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả cao. Góp phần vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng bộ mặt nông thôn miền núi ở Đakrông ngày càng tươ đẹp.

Đakrông là huyện nghèo của tỉnh Quảng Trị, địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.  Cộng với thiên nhiên khắc nghiệt, có lúc bệnh dịch hoành hành.

Trước đây, vẫn còn tập quán đốt nương làm rẫy; chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ. Trong số hơn 7.000 thanh niên toàn huyện, con em đồng DTTS số Vân Kiều, Pa Kô  gần 80%.

Về cơ bản, thanh niên có ý thức trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, quyết thoát nghèo. Do vạy, Huyện đoàn Đakrông đã khảo sát nhu cầu của thanh niên và tổ chức ký kết các văn bản thỏa thuận với Ngân hàng CSXH huyện, cho đoàn viên, thanh niên vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế.

Ban Thường vụ Huyện đoàn đã phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ đoàn về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của các chương trình vay vốn.

Chỉ đạo các tổ chức cơ sở đoàn, phối hợp với địa phương, hướng dẫn thanh niên lập hồ sơvay vốn; thành lập tổ tiết kiệm - vay vốn, tập huấn nghiệp vụ cho vay; tập huấn, chuyển giao khoa học- kỹ thuật cho thanh niên.

Hiện, đang cho vay vốn Ngân hàng CSXH tại 8 xã, thị trấn trên 25 tỉ đồng/ 625 hộ vay. Nhiều thanh niên khi tiếp cận vốn đã sử dụng hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo tốt.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng rừng của đoàn viên Hồ Văn Lâm, xã Tà Rụt. Trước đây, hơn 7 ha này, anh trồng dứa, hiệu quả thấp công chăm sóc nhiều.

Năm 2012, anh vay vốn chuyển sang trồng rừng tràm. Năm 2018, anh bán 3 ha được 120 triệu đồng, trả bớt nợ ngân hàng, và tái đầu tư trồng tram, nuôi bò. Hiện, anh đang có 7 ha rừng tràm và 6 con bò. Theo anh Lâm, trồng rừng không chỉ mang lại thu nhập cao, mà còn giải quyết việc làm cho thanh niên.

Anh Hồ Văn Ngâu, xã A Bung tốt nghiệp trường trung cấp nông nghiệp, đã bắt tay xây dựng kinh tế. Với số vốn bố mẹ cho, anh khai hoang đất, chăn nuôi lợn bản, gà, trồng sắn, ngô. Lấy ngắn nuôi dài, sau vụ sắn đầu tiên, anh đã dành dụm mua 2 con bò.

Đến nay, trang trại của anh có 5 ha rừng tràm, 12 con bò, 30 con dê, hàng chục con gà, ngan ngỗng. Mô hình của Bí thư Xã đoàn Hồ Văn Ngâu không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, mà còn để thanh niên trong xã học tập, làm theo.

Nguồn vốn vay ưu đãi thật sự trở thành động lực, điều kiện quan trọng để thanh niên huyện Đakrông làm giàu trên quê hương của mình. Đồng thời, tạo nên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, lập thân, lập nghiệp trong toàn huyện.

Hiện, Đakrông đang có hàng chục mô hình làm kinh tế nổi bật do thanh niên làm chủ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm/mô hình. Đây là cơ sở quan trọng để nhân rộng điển hình tiên tiến, nhất là phong trào thanh niên thi đua phát triển kinh tế, xóa nghèo, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Nghệ An: Nông dân săn tìm cây mọc hoang dã làm vị thuốc Bắc

Dưới cánh đồng muối, một loại cây mọc hoang dã, có tác dụng chữa bệnh, đang được nhiều người dân ở Diễn Châu (Nghệ An) săn lùng về bán cho cơ sở làm vị thuốc Bắc.

 

cay-99.jpg

Người dân sơ chế sài hồ, lấy cành nhập cho đầu mối thu gom. Ảnh: Việt Hùng

 

Tại cánh đồng muối huyện Quỳnh Lưu, từ 5 giờ sáng, một nhóm phụ nữ quê huyện Diễn Châu đang hì hục bốc từng bó cây hoang dã lên xe máy, để ra về.

Ai cũng nghĩ, họ mang về làm chất đốt, song, đây lại là loại cây có tác dụng chữa bệnh. Người dân gọi là cây sài hồ, hay còn gọi là bắc sài hồ, sà diệp sài hồ, trúc diệp sài hồ.

Bà Nguyễn Thị Hương ở xã Diễn Hải (Diễn Châu) cho biết, nhìn qua ai cũng tưởng chúng tôi nhổ về làm củi đun nấu, nhưng đây là cây được sơ chế thành vị thuốc Bắc, chữa bệnh.

Mỗi ngày bà con đi đến các đồng muối Diễn Châu, Quỳnh Lưu để săn tìm cây sài hồ, sau đó làm sạch, sơ chế nhập cho đầu mối thu gom. Có ngày tìm được nhiều, thu nhập 150.000 - 170.000 đồng/người.

Chị Hồ Thị Hoa cho biết, để tìm được cây sài hồ không khó, chúng mọc rất nhiều ở đồng muối. Cây bụi cao 0,5 - 3m, thân cây non có màu xanh, có một ít lông mịn; thân già màu xanh nâu hoặc hơi tía, nhẵn. Lá mọc so le, hình thìa, mép có răng cưa; phiến lá dày, láng ở mặt trên, nhạt màu ở mặt dưới, có mùi thơm hắc.

Sau khi nhổ cây về, bà con chặt bỏ bớt rễ, hoa và lá chỉ lấy cành. Trước đây thương lái thu mua 13.000 đồng/kg nhưng hiện nay do ảnh hưởng dịch Covid -19, giá hiện còn 9.000 đồng/kg.

Hiện, đang vào mùa nên mỗi ngày có hàng chục người dân xã Diễn Hải, Diễn Hoàng (Diễn Châu) đi đến các vùng ven biển để săn tìm loại cây dược liệu này.

Nếu gặp may, có người nhổ được khoảng hàng chục kg cây sài hồ/buổi. Đặc biệt, nếu tìm được cây sài hồ lâu năm, thân to thì giá thu mua càng cao.

Theo Trung tâm nghiên cứu và nuôi trồng dược liệu Quốc gia, sài hồ (bắc sài hồ) là vị thuốc quý trong Đông y, có tác dụng thoái nhiệt, sơ can, chỉ thống và điều kinh.

Dược liệu này không chỉ được dùng trong bài thuốc dân gian, mà còn được ứng dụng trong y học hiện đại, để chữa chứng lupus ban đỏ, viêm gan do virus, nhiễm khuẩn đường mật, viêm đường mật cấp tính.

Ngoài ra, sài hồ còn giúp giải nhiệt, an thần, bảo vệ gan và lợi mật, hạ mỡ trong máu... 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top