Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 8 tháng 10 năm 2017 | 10:0

Tin tức ĐBSCL: Nhân rộng mô hình nuôi cá chim vây vàng, được mùa lúa hè thu

Nhiều năm qua, nghề nuôi tôm biển phát triển nhanh chóng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Bình Đại (Bến Tre). Tuy nhiên, hậu quả của việc phát triển nhanh, tự phát là môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm diễn ra thường xuyên.

Bến Tre: Nhân rộng mô hình nuôi cá chim vây vàng

Trước tình hình trên, việc tìm ra đối tượng nuôi mới, phù hợp để thay thế là vấn đề cấp bách của huyện. Qua nghiên cứu về đặc tính và điều kiện tự nhiên, Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) huyện chọn mô hình nuôi cá chim vây vàng tại vùng cửa sông xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại.

Mô hình được thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp KH&CN năm 2017, do Sở KH&CN hỗ trợ các huyện hàng năm và một phần vốn đối ứng của hộ dân. Mô hình được thực hiện với quy mô 2.000m2, trên nền ao nuôi tôm công nghiệp trước đây, con giống được mua từ Trung tâm Giống hải sản cấp 1 tỉnh Ninh Thuận. Mô hình do Trạm Khuyến nông huyện chủ trì thực hiện và ông Nguyễn Định Duy là cán bộ kỹ thuật của trạm trực tiếp hướng dẫn theo dõi mô hình.

Nông dân Bến Tre đang nhân rộng mô hình nuôi cá chim vây vàng

Đến thời điểm này, cá đã được thả nuôi 3,5 tháng. Qua kết quả kiểm tra cho thấy tỷ lệ sống rất cao, trọng lượng bình quân đạt 150 gram/con. Dự kiến sẽ thu hoạch trong tháng 12/2017, ước trọng lượng bình quân đạt 400 gram/con. Theo các nhà nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế cho thấy, cá càng lớn thì chất lượng thịt càng ngon, có thể để nuôi 1 - 2 năm (700 - 1.400 gram/con).

Kết quả trên cho thấy, mô hình nuôi cá chim vây vàng có thể phát triển được ở các vùng cửa sông của huyện Bình Đại và các huyện ven biển khác trên địa bàn tỉnh có cùng điều kiện. Mô hình này góp phần nâng cao thu thập cho người dân. Hiệu quả nhất là hộ nuôi có thể tận dụng những ao nuôi tôm công nghiệp bị dịch bệnh không thể tiếp tục nuôi tôm. Sự thành công của mô hình này sẽ góp phần đưa thêm đối tượng nuôi mới vào phục vụ phát triển kinh tế biển cho tỉnh nhà.

Long An: Bùng phát dịch lở mồm long móng

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Long An cho biết, dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên heo đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, do thời gian qua giá heo hơi giảm mạnh, có nơi chỉ còn 28.000 - 30.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi thua lỗ bỏ bê công tác phòng ngừa dịch bệnh trên heo.

Nhằm ngăn chặn dịch LMLM bùng phát trên địa bàn, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Long An, cơ quan này đã triển khai kế hoạch và phân bổ vaccine tiêm phòng miễn phí với số lượng hơn 41.500 liều cho các địa phương, ưu tiên cho các huyện có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao, như: Châu Thành, Bến Lức, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa và TP.Tân An. Đối tượng tiêm phòng miễn phí là heo của hộ chăn nuôi có tổng đàn không quá 50 con.

Nhiều đàn heo ở Long An bị dịch lở mồm long móng

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai đến cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường theo dõi, kiểm soát chặt chẽ không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh.

Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Long An Nguyễn Văn Cường cho biết, để bảo vệ đàn heo trước nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra, người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp phòng chống, nhanh chóng tiêm phòng vắcxin cho đàn heo. Khi nghi ngờ heo bệnh phải báo ngay với chính quyền địa phương để được hướng dẫn xử lý.

Tiền Giang: Sản lượng lúa vụ Hè Thu đạt trên 350.000 tấn

Đến đầu tháng 10/2017, Tiền Giang thu hoạch trên 68.000ha, năng suất bình quân 51,5 tạ/ha và sản lượng trên 350.000 tấn lúa hàng hóa, vượt gần 5% chỉ tiêu.

Vụ Hè Thu 2017, nông dân Tiền Giang xuống giống 69.538ha, vượt gần 7% so với kế hoạch. Hiện nông dân khẩn trương thu hoạch toàn bộ diện tích còn lại để cày trục, ngâm lũ, chuẩn bị vụ Đông Xuân 2017 – 2018 tới. Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nam Nguyễn Văn Giang cho biết, nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ nên đã né được lũ vụ Hè Thu 2017.

Sản lượng lúa Hè Thu của Tiền Giang tăng cao 

Nông dân địa phương thu hoạch nhanh gọn toàn bộ diện tích xuống giống 1.400ha ngay trong tháng 9/2017, trước khi nước lũ sông Cửu Long từ thượng nguồn tràn về. Năng suất bình quân gần 60 tạ/ ha. Giá lúa thường, lúa chất lượng cao đều tăng từ 300 - 500 đồng/kg so với đầu vụ thu hoạch, tùy giống và địa bàn nên nông dân phấn khởi. Đến nay, xã Hậu Mỹ Bắc A thu hoạch nhanh gọn 100% diện tích vụ Hè Thu đã gieo sạ.

Vụ Hè Thu 2017, các huyện, thị vùng ngập lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang xuống giống được 41.675ha. Nhờ chủ động phân bố lịch thời vụ né lũ hợp lý nên đến đầu tháng 10/2017, nông dân cơ bản hoàn thành thu hoạch. Hiện còn khoảng 1.500ha gieo sạ trễ đến kỳ thu hoạch trong khi mực nước trên đồng không cao nên khả năng bị thiệt hại do thiên tai ít.

Vĩnh Long: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đô thị

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề “Giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đô thị”.

Theo ông Trần Văn Khởi, nông nghiệp đô thị được xem là chủ đề mới trong phát triển nông nghiệp. Nếu như trước đây chỉ chủ yếu tập trung cho cây, con chủ lực phục vụ tái cơ cấu, thì nay với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị đã hình thành mảng nông nghiệp phục vụ lương thực, thực phẩm cho đô thị, đây là xu hướng tất yếu. 

Vĩnh Long ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đô thị

Với vai trò quan trọng tự cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ cho nội đô, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân và tạo cảnh quan cho đô thị xanh, sạch, đẹp và là tiềm năng cho phát triển du lịch.

Về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì từ nay đến năm 2020, sẽ hình thành khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, chất lượng, an toàn và có sức cạnh tranh, từ đó đưa tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp cả nước.

Giang Nam (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Cứ đến dịp tháng 5 về, những đầm sen trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đua nhau nở hoa, tỏa hương thơm ngát.

  • Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Tối 19/5, tại sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 với chủ đề “Từ Làng Sen đến thành phố Hồ Chí Minh” kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

Top