Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 31 tháng 8 năm 2017 | 6:24

TP. Hồ Chí Minh cần phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông

Dân số tại TP. Hồ Chí Minh hơn 13 triệu người, để sắp xếp và tổ chức không gian đồng thời phát triển mạnh mẽ về kinh tế cũng như giải quyết được bài toán về dân số, việc triển khai nhiều hình thức giao thông công cộng, phát triển các đô thị nén đang là những ưu tiên lựa chọn hàng đầu của thành phố.

Theo quy hoạch chung của TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 thành phố chỉ có 10 triệu người, nhưng hiện tại người dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố đã lên tới hơn 13 triệu người. Do đó, việc phát triển các đô thị nén dọc các trục giao thông cần được phát triển mạnh mẽ để đáp ứng được nhu cầu của người dân cũng như việc phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể, theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, với những tác động của việc biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tình trạng ngập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn thành phố. Vì thế, trong quá trình điều chỉnh lại quy hoạch chung xây dựng cũng như các quy hoạch thành phần, Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng các chuyên gia phải hướng đến việc tổ chức không gian theo mô hình định hướng giao thông vận tải công cộng (TOD - viết tắt của cụm từ Transit Oriented Development gọi tắt là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán).

Hạ tầng giao thông của TP. Hồ Chí Minh cần có những bước đột phá nhằm đáp ứng được với nhu cầu của 13 triệu dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố

Trước đó, trong phiên họp của Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 13, ông Nguyễn Thành Phong cũng thông tin hiện trên địa bàn thành phố đã khép kín tuyến đường vành đai 2 và 3, tập trung phát triển giao thông công cộng để tháo gỡ ùn tắc ở một số khu vực như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái... Thành phố cũng thúc đẩy việc xây dựng các tuyến Metro bằng nguồn vốn vay (ODA, PPP…) là chủ yếu. Tuy nhiên, thời gian qua nguồn vốn ODA gặp khó khăn phải ứng vốn ngân sách cho nhà thầu để tiếp tục thi công. Tất cả thể hiện quyết tâm trong việc xây dựng và thúc đẩy loại hình giao thông công cộng.

Hiện nay, hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố đang triển khai tuyến Metro số 1 Bến Thành - depot Long Bình với tổng vốn hơn 47.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 7 tuyến khác là tuyến số 3A, Bến Thành - Tân Kiên, tuyến số 3B, ngã 6 Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước, tuyến số 4 Thạnh Xuân - Hiệp Phước, tuyến số 4B Công viên Gia Định - Lăng Cha Cả, tuyến số 6 Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm và tuyến số 5 bến xe Cần Giuộc, Long An - cầu Sài Gòn. Cùng với đó, theo quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 sẽ có 6 tuyến buýt nhanh (BRT) dọc các tuyến đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh, Vành đai 2, Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong - Nguyễn Văn Linh, Quang Trung. Ngoài ra, để kết nối giao thông ngoại vùng còn có các tuyến BRT nối TP. Hồ Chí Minh với TP Biên Hòa, sân bay Long Thành, tỉnh Long An và Bình Dương. Mới đây vào tháng 8/2017, thành phố đưa vào khai thác, sử dụng 2 tuyến buýt đường sông từ Linh Đông (Thủ Đức) về bến Bạch Đằng (quận 1) và từ bến Bạch Đằng đi Lò Gốm (quận 6).

Trên thực tế, thành phố đã triển khai rất nhiều biện pháp để người dân sử dụng hệ thống giao thông công cộng. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp kết nối ngoại vi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hệ thống giao thông công cộng hoạt động hiệu quả chắc chắn sẽ thu hút được sự tham gia của người dân.

Lại Hùng     

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top