Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 10 năm 2019 | 22:23

TP.Hạ Long: “Xóa sổ” các bến bãi tập kết, kinh doanh than trái phép

Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp đối với quản lý tài nguyên than, khoáng sản và đạt được hiệu quả cao trong công tác quản lý địa bàn.

Theo đó, các ngành chức năng đã cùng chính quyền các cấp tập trung giải tỏa, chấm dứt hoạt động bến, bãi tập kết, kinh doanh cát, đá xây dựng không phù hợp với quy hoạch, mục đích sử dụng đất.
 
Đồng thời, tổ chức quản lý chặt các dự án phát lộ than, như: Khu dân cư đô thị mới Đồi Chè tại phường Cao Xanh; Khu dân cư, chung cư thu nhập thấp phường Hà Khánh; Khu dân cư đô thị phường Cao Thắng, Hà Lầm, Hà Khánh...
 
Ngoài ra, lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng vận chuyển, tập kết than trái phép; hút cát trái phép và đào xúc, vận chuyển đất đá trái phép.
Nhờ đó, hoạt động quản lý tài nguyên khoáng sản tại TP Hạ Long luôn được kiểm soát sát sao, không còn xảy ra tình trạng các bến bãi tập kết, kinh doanh than trái phép.
 
Trước đó, vào ngày 9/5/2019, khi Nghị quyết 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh có hiệu lực, Thành ủy Hạ Long, UBND TP Hạ Long đã nghiêm túc thực hiện.
 
trạm-sàng-than-của-công-ty-tuyển-than-hòn-gai.jpg
Trạm sàng than của Công ty Tuyển Than Hòn Gai, công suất 2,5 triệu tấn/năm tại thành phố Hạ Long. (Nguồn: Nguyễn Quân - Báo Công Luận - Ảnh: Báo Quảng Ninh).
Qua đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long đã phân công, giao trách nhiệm cụ thể đến từng người để chỉ đạo, đôn đốc, giám sát và theo dõi công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản tại từng địa bàn.
 
Về phía UBND TP Hạ Long cũng liên tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ than, đảm bảo các hoạt động sản xuất an toàn, tiết kiệm, quản lý chặt tài nguyên than và các khoáng sản khác, gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
 
Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc quản lý sử dụng đất; Giám sát chặt chẽ việc thu hồi than tại các dự án, kiên quyết không để xảy ra các hành vi khai thác than, tài nguyên trái phép.

Hà Nội: Giải quyết những bất cập trong xử lý các công trình xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp

Cùng với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, hàng loạt dự án đã và đang triển khai tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, đi kèm với đó, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, vi phạm trật tự xây dựng ,đặc biệt là các hành vi xây dựng trên đất nông nghiệp.

Vài năm trở lại đây, tại một số quận nội thành, đặc biệt là huyện ngoại thành, còn có tình trạng xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, đất công, đất hành lang an toàn giao thông, đất đê điều, thủy lợi... trong khi đó quá trình thiết lập hồ sơ để xử lý vi phạm cũng gặp nhiều bất cập.

Điển hình như việc chưa thống nhất về mẫu biểu, điều khoản áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đối với từng hành vi vi phạm, việc áp dụng trích dẫn văn bản quy phạm pháp luật không thống nhất dẫn đến công tác xử lý vi phạm và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quyết định cưỡng chế gặp nhiều vướng mắc. 

công-trình-nhà-xưởng-xây-dựng-trên-đất-nông-lâm-nghiệp-tại-huyện-hoài.jpg

 

một-số-công-trình-vi-phạm-về-xây-dựng-trên-đất-nông-nghiệp-hoài-đức.jpg
Một số công trình vi phạm về xây dựng trên đất nông nghiệp tại địa bàn huyện Hoài Đức (Nguồn: Tuấn Dũng - Lao Động Thủ Đô - ảnh: A.B)

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, thực tế việc xử lý các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp không hoàn toàn thuộc lĩnh vực xử lý của các đội quản lý trật tự xây dựng. “Để có thể xác định rõ hành vi vi phạm, trước tiên phải xác minh nguồn gốc đất, việc này thuộc về lĩnh vực tài nguyên môi trường, bênh cạnh đó, việc phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan để ra quyết định xử phạt cũng khiến quá trình xử lý vi phạm bị kéo dài.

Thực tế, đây là những bất cập khi có đến hai nghị định hướng dẫn cùng trong lĩnh vực này khiến lực lượng chức năng lúng túng khi xử lý. Cùng một hành vi phạm, căn cứ theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP thì ngay sau khi nhận được báo cáo của cán bộ địa chính hoặc thanh tra xây dựng, chủ tịch phường sẽ ra quyết định xử phạt, chỉ đạo thành lập tổ công tác để tiến hành cưỡng chế phá dỡ kịp thời, tránh phát sinh hậu quả nghiêm trọng, kéo dài.

Còn căn cứ theo Nghị định 139/2017, đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng, sau khi lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình, phải chờ hết thời hạn 60 ngày, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình được giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì mới áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Trước những bất cập này, bên cạnh việc góp ý kiến sửa đổi Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ, thành phố Hà Nội cũng đã chủ động quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị liên quan trong việc quản lý, xử lý đối với các vi phạm phát sinh trên các loại đất công, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp.

Theo chỉ đạo của Thành phố, liên ngành Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn chi tiết Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã về quy trình kiểm tra, xử lý đối với các vi phạm phát sinh trên các loại đất công, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp.

Điều này góp phần phân định rõ trách nhiệm quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các loại đất trên, ngăn ngừa và hạn chế phát sinh các trường hợp vi phạm như tại rừng Ba Vì, rừng Sóc Sơn xảy ra trước đây.

 

Trồng lại rừng trên diện tích bị phân lô bán nền

Ngày 15-10, các cơ quan chức năng TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã tiến hành trồng lại diện tích rừng bị lấn chiếm phân lô tại tiểu khu 266b (phường 3, TP Đà Lạt), thuộc đồi RôBin, cửa ngõ Đà Lạt.

Trước đó, vị trí rừng này đã bị đối tượng Mai Văn Bình (quê Thanh Hóa) lấn chiếm, phân thành 17 lô rồi sang nhượng bất hợp pháp cho nhiều người. Các hộ nhận sang nhượng tiến hành đóng cọc sắt, bê tông để chia ranh.

 

vị-trí-rừng-này-trước-đó-đã-bị-các-đối-tượng-phân-lô-bán-nền.jpg
Vị trí rừng này trước đó đã bị các đối tượng phân lô bán nền  (Nguồn: Khắc Lịch - CAND)

 

Trước đó, ngày 10-10, UBND phường 3, TP Đà Lạt đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế, giải tỏa nóng khu vực này. Để trả lại hiện trạng của rừng, khoảng 8.500 cây thông ba lá đã được trồng trên diện tích đất rừng bị lấn chiếm.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Quyền Chủ tịch UBND phường 3, TP Đà Lạt cho biết, cơ quan chức năng sẽ cắt cử lực lượng thường xuyên tuần tra canh gác, kiến quyết không cho kẻ xấu phá nhổ diện tích rừng thông vừa được trồng lại.

Gần đây, rừng thông Đà Lạt liên tục bị các đối tượng đầu độc, lấn chiếm. Khuya ngày 13-10 vừa qua, Công an TP Đà Lạt đã mật phục, phát hiện một nhóm người đang cưa hạ thông tại tiểu khu 151a, phường 12. Cơ quan chức năng đã vây bắt được một thanh niên trong nhóm này. 

vị-trí-rừng-bị-lấn-chiếm-ngay-cửa-ngõ-tp-đà-lạt.jpg
Vị trí rừng bị lấn chiếm ngay cửa ngõ TP Đà Lạt (Nguồn: Khắc Lịch - CAND)

Tại hiện trường, có 8 cây thông đã bị cưa hạ. Thanh niên trên khai nhận, đã được bà Vũ Thị Phước, ngụ tại phường 12, TP. Đà Lạt thuê cưa hạ số thông trên để lấn chiếm đât sản xuất nông nghiệp.

 

 

 

Hữu Thắng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top