Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 10 năm 2016 | 1:58

Trồng ổi không hạt theo quy trình sạch

Về phường 4, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng), hỏi thăm vườn ổi không hạt của anh Nguyễn An Thuận thì ai cũng biết bởi anh là người đầu tiên ở địa phương trồng ổi không hạt theo quy trình sạch trên diện tích lớn…

Chăm sóc vườn ổi không hạt.

Nói về vườn ổi của mình, anh Thuận cho biết: Tôi rất thích trồng cây ăn trái nên quyết định trồng ổi để thỏa mãn niềm đam mê của mình.

Vườn ổi của anh rộng khoảng 12.000m², tọa lạc trên đường Mạc Đĩnh Chi, phường 4, cách trung tâm TP. Sóc Trăng khoảng 4km.

Theo anh Thuận, cách đây  10 năm, anh lên Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Tiền Giang) mua giống ổi không hạt về trồng xen với bưởi da xanh. Không ngờ việc trồng xen giữa bưởi và ổi rất hiệu quả, vì tinh dầu của ổi trị được bệnh vàng lá cho bưởi. Dù anh chăm sóc rất chu đáo nhưng do đất bị phèn nặng nên sau 4 năm, gần 800 gốc bưởi chết sạch, chỉ còn khoảng 100 gốc ổi không hạt chịu “bén duyên”. Anh nhận ra, chỉ có cây ổi không hạt mới trụ lại được với đất này.

Anh đem chuyện trồng ổi trao đổi với một kỹ sư trồng trọt và được người này ủng hộ. Thế là anh lặn lội nhiều nơi tìm mua cây giống nhưng không thể nào tìm ra bởi  thời điểm đó, nhiều nhà vườn đốn bỏ nhãn, sapôchê (hồng xiêm), chanh… để chuyển sang trồng ổi nữ hoàng, ổi lê, ổi Đài Loan, ổi Thái… nên ổi không hạt không có trong danh sách cây giống.

Không chịu bó tay, sau nhiều đêm suy nghĩ và được hướng dẫn, anh Thuận quyết định chiết nhánh từ cây bố mẹ đang có trong vườn. Có hướng đi, anh hì hục cắt rễ lục bình, mua bọc, dây… để chiết nhánh ổi từ cây bố mẹ. Sau 6 tháng, thành quả được đền đáp. Hiện, anh có gần 600 gốc ổi không hạt, cây lớn nhất gần 10 năm tuổi, gốc to bằng bắp đùi người lớn; còn cây nhỏ vừa tròn 3 năm tuổi.

Để có được vườn ổi nhìn bắt mắt như hiện nay, anh Thuận thuê người đào đất xung quanh gốc, rồi mua 80 tấn bùn mía đã hoai mục của nhà máy đường về, đổ vào, sau đó lấp đất lại, cải tạo dần. Khi rảnh, anh nhờ xe tải của bạn bè đến các vùng nông thôn trồng nấm rơm, xin phần rơm mục về rải xung quanh gốc ổi; vớt lục bình ở nhiều nơi, phơi khô rồi để xung quanh gốc,  giữ ẩm cho cây, khi lục bình mục sẽ thành phân hữu cơ. Khi bà con nông dân thu hoạch lúa, anh tranh thủ mua rơm rồi kéo về vườn, rải quanh gốc. Đầu mùa mưa, anh tiếp tục vớt lục bình thả xuống ao nuôi, mùa nắng vớt lên, làm phân cho cây. Không chỉ vậy, anh còn liên hệ với những trại nuôi gà, vịt để tìm nguồn phân hữu cơ đem về ủ rồi bón vào gốc.

Theo anh Thuận, việc sử dụng phân hữu cơ không chỉ tốt cho đất, chất lượng cây trồng, mà còn hạn chế sâu bệnh, ít tốn nước tưới, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, hạn mặn đang hoành hành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cỏ trong vườn, anh thuê người xới để vừa giúp đất tơi xốp, giữ được lớp đất mặt phù sa, vừa có cỏ ủ làm phân chứ không dùng thuốc trừ cỏ như nhiều người khác. Trong vườn có nhiều vắt, anh mua vôi bột rải khắp vườn, vừa hạ phèn, khử độc, vừa diệt vắt.

Khi phát hiện có sâu, anh Thuận cùng người làm công đi từng cây bắt từng con. Đặc biệt, cây ổi dễ bị rệp sáp đeo bám khiến lá dính nhựa, trái bị teo, không phát triển được. Để diệt rệp sáp, anh trang bị hệ thống ống tưới, lắp mô tơ, dùng áp suất nước để “bắn”. Như vậy, vườn ổi của anh không cần sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc đặc trị rệp sáp nên ao trong vườn cá vẫn phát triển, sinh sôi bình thường.

Không sử dụng “mỹ phẩm” là thuốc trừ sâu, phân vô cơ, thuốc kích thích… như các nhà vườn khác nên “da thịt” của ổi không hạt chẳng đẹp bằng ai, nhưng đảm bảo sạch, an toàn và tốt cho sức khỏe.

Anh Thuận tâm sự: “So với các giống ổi có hạt, ổi không hạt trái không nhiều, cành giòn, dễ bị gãy, vỏ lại mỏng nên dễ bị trầy xước. Nếu không sử dụng thuốc kích thích ra hoa, chống rụng trái, thuốc kích thích tăng trưởng thì năng suất không cao, hiệu quả kinh tế thấp. Đây là lý do khiến nhà vườn quay lưng với ổi không hạt. Nhưng tôi vẫn chọn giống ổi này, vẫn kiên trì với phương pháp canh tác truyền thống, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích để tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Tuy lợi nhuận không cao, nhưng tôi tự tin khẳng định, ổi không hạt của tôi rất an toàn”.

Một số người từng sử dụng ổi không hạt của anh Thuận đều nhận xét ổi mềm, thơm ngon, ngọt dịu. Anh Trần Hoàng Thanh (phường 8) cho biết: “Ổi vườn nhà anh Thuận ăn rất ngon, ăn một lần là nhớ mãi. Trái ổi chín da trắng đều, bên trong ruột mềm, thơm chứ không cứng hay có vị chua hoặc chát như các loại ổi khác”.

Chính niềm tin của người tiêu dùng là động lực giúp anh Thuận kiên trì áp dụng mô hình dù còn gặp không ít khó khăn. Anh cho biết, mỗi năm, anh thu được khoảng 70 triệu đồng từ vườn­ ổi.

  Cao Xuân Lương

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top