Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 2 năm 2016 | 2:51

Về miền “xứ lạc” mùa xuân

Thung lũng Mường Lống (Kỳ Sơn - Nghệ An), hay còn gọi là “xứ lạc”, từng được ví là “thủ phủ” cây thuốc phiện một thời… Sau bao năm, xứ lạc dẫu vẫn còn đó nét hoang sơ, bí ẩn nhưng cuộc sống mới đã in màu ở khắp các bản làng, dưới mỗi mái nhà và mỗi con người…

Chơi ném còn trong ngày xuân.

Ký ức “thủ phủ” loài cây thuốc phiện

Những năm 1990, Mường Lống ngập tràn cây thuốc phiện. Chẳng biết loại cây này có mặt ở đất này từ bao giờ, chỉ biết trong ký ức của người già vẫn lưu truyền câu chuyện cổ tích về nó. Thuở ấy, có nàng tiên dung nhan xấu xí, bị tổn thương, uất hận bởi sự xa lánh, cười chê các chàng trai mà gieo lời nguyền “khiến cho những người đàn ông phải mê đắm, đau khổ vì ta”. Nàng đã hóa thân thành loài cây với sức quyến rũ ma quái, sắc hoa sặc sỡ, đẹp lạ lùng và loại quả tiết ra thứ nhựa nâu đặc quánh. Để từ đó, có biết bao người hao mòn, ngày đêm quẩn quanh với khói thuốc mà không thể nào dứt bỏ nổi.

Câu chuyện chỉ là truyền thuyết, nhưng “thủ phủ” của loài cây thuốc phiện lại có thật ở Mường Lống. Bên bếp lửa, chén rượu nồng chống chếnh, già Và Phái Tểnh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống kể lại: Mường Lống là nơi sinh sống của 100% đồng bào Mông. Cách đây hơn 100­ năm, khi núi đồi còn hoang vu, đường đi lại chưa có, bước chân thiên di của những người Mông đã dừng chân khai hoang mở đất ở thung lũng quanh năm sương mù bao phủ, biệt lập với bên ngoài bằng những ngọn núi cao vút, và đặt tên cho nơi đây là xứ lạc - Mường Lống.

Để xoá bỏ được cây thuốc phiện quả là một việc làm không dễ, khi mà bao đời bà con người Mông ở Mường Lống sống dựa vào loài cây này. Ông Xồng Và Súa, Chủ tịch UBND xã Mường Lống nhớ lại: Cuối năm 1995, Nhà nước bắt đầu có chủ trương xoá bỏ cây thuốc phiện, 2 năm sau, toàn bộ diện tích cây thuốc phiện ở thung lũng Mường Lống được phá bỏ hoàn toàn. Nhưng bỏ cây thuốc phiện rồi, người dân biết lấy gì mà sống?

Đó là thời kỳ dân bản gặp rất nhiều khó khăn, cây lúa rẫy khó sống ở những triền núi dốc, với độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển. Giống cây mận Tam Hoa từ Bắc Hà (Lào Cai) được đưa về để thay thế cho cây thuốc phiện, người dân lạ lẫm “mận có ăn được không”? Lúc trồng cây, ra hoa, kết trái, cả một vùng bạt ngàn đào, mận… thu hoạch rồi bà con chẳng biết bán cho ai, vì đường núi xa xôi, gập ghềnh, phải đi mất 2 ngày mới ra được đến thị trấn Mường Xén - trung tâm huyện. Khi có con đường vào đến tận bản, quả mận mới bán được. Ông Súa cho biết, mỗi mùa, 1 cây mận cho khoảng 40-80kg quả, giá bán tận vườn cho thương lái vào mua từ 8.000 -10.000 đồng/kg.

Kể từ ngày ấy  đến giờ, gốc cây mận, cây đào đã cao lớn lắm rồi. Dù cuộc sống khó khăn, vất vả, nhưng bà con dân bản Mường Lống không tái trồng cây thuốc phiện. Thủ phủ của loài cây anh túc chỉ còn trong ký ức, trong dĩ vãng, và trong câu chuyện kể bên bếp lửa của những người già...

Mùa xuân đến sớm

Bây giờ là thời điểm của những ngày giáp Tết, đứng trên cổng trời nhìn xuống thung lũng Mường Lống, thấy vườn mận, vườn đào mơn mởn chồi xanh biếc, xen lẫn những vạt cải mèo trổ hoa vàng ươm trước ngôi nhà gỗ đặc trưng của người Mông. Theo con đường độc đạo xuống bản làng, chúng tôi thấy rất đông người tập trung ở bản Mường Lống 2. Thì ra, hôm nay, nhà ông Lầu Lìa Linh (48 tuổi) làm vía cho người con trai mới khỏi bệnh, để cầu sức khỏe, may mắn cho gia đình. Ông thịt một con bò để mời những người quen trong bản và ngoài bản đến ăn, và tổ chức hội chọi bò.

Chọi bò - “trò chơi” đã có từ rất lâu đời của đồng bào Mông nơi đây, thường được tổ chức vào dịp Tết, đám cưới, ngày làm vía cho trẻ con mới sinh, làm vía cho người lớn mạnh khỏe, sống lâu… Hội chọi bò có thể do bản tổ chức, cũng có thể do một gia đình đứng ra mời mọi người đem bò đến chọi. Và một năm có thể diễn ra nhiều lần. Tuy nhiên, đầu xuân năm mới vẫn là dịp đông vui nhất.

Bãi đất trống nằm ở trung tâm bản Mường Lống 2 đã đông nghịt người đến đứng vây quanh. Từ sáng sớm, những chú bò mạnh khỏe, sừng nhọn, tai to đã được đưa đến buộc dây dưới gốc cây đào.

Đôi bò đầu tiên được dắt vào “sới”, một người đàn ông xách xô nước đến lau rửa sạch sẽ hai đôi sừng. “Đề phòng chủ bò bôi thuốc độc, thuốc ngứa vào sừng, như thế thì là gian lận, không công bằng”, người đàn ông giải thích.

Con bò bản tính vốn hiền lành chứ không hung dữ như trâu nên trước khi tham gia thi đấu không được cho chúng làm quen với nhau. Lúc vào trận, có đôi bò chỉ đi loanh quanh, ngửi nhau âu yếm, chủ bò phải nhử cho chúng nổi giận mới chịu đấu. Khi hai con bò bắt đầu lao vào nhau phân thắng bại, xung quanh tiếng reo hò nổi lên không ngớt.

Ông Và Gà Lầu,  62 tuổi, ngoảnh sang nhìn vị khách lạ hỏi: “Có vui không? Chụp được nhiều ảnh không?”. Rồi ông chậm rãi nói: “Người Mông coi trọng và yêu quý con bò, bởi nó là tài sản lớn nhất trong nhà, là thước đo cho sự phồn vinh hay thịnh vượng của mỗi gia đình. Nhà nào nhiều bò, ấy là giàu có và no đủ. Trong bất kỳ dịp lễ hội nào cũng có sự góp mặt của bò. Vì thế, hội chọi bò đã trở nên quen thuộc với bà con người Mông nơi đây. Sau trận đấu bò, con nào thắng thì đem lại niềm vui và may mắn cho chủ, nhưng nếu thua cũng không sao hết, bởi mục đích của cuộc thi đấu là “để cho vui thôi mà”. Tất cả đều không bị giết thịt cúng tế thần linh như các lễ hội chọi trâu, mà trả lại cho chủ đưa về chăm sóc, để tiếp tục kéo cày, hoặc đem bán”.

Con bò của ông Lầu Lìa Linh hôm nay không giành được chức vô địch, nhưng không sao cả, quan trọng là được vui. Mọi người đều bắt tay ông Linh nói những câu động viên, chúc ông và gia đình mạnh khỏe…

Hội chọi bò, ngày hội có ý nghĩa rất lớn trong đời sống bà con dân bản Mường Lống.

Mường Lống bây giờ đã được biết đến là “thủ phủ” của trâu, bò, vịt bầu và đặc sản gà đen. Năm 2015, toàn xã có khoảng 3.600 con trâu, bò; 3.000 con lợn và hàng nghìn đàn gà, vịt… Bà con dân bản đã tự biết nỗ lực bằng ý chí, bàn tay. “Thật ra, mấy năm gần đây, thu nhập từ đào, mận không đáng kể, người dân vẫn duy trì những vườn mận Tam Hoa cũ, nhưng không trồng mới nữa, thay vào đó là chăn nuôi gà đen, trâu, bò, lợn… cho thu nhập cao hơn. Đặc biệt, người dân còn biết mua trâu, bò gày, nhỏ từ các nơi khác về chăm sóc, vỗ béo bán kiếm lời. Nhiều gia đình trồng cỏ sữa làm thức ăn cho trâu, bò thay cho trồng lúa, vì trồng lúa năng suất thấp, rồi lấy tiền bán trâu, bò mua gạo ăn”, ông Xồng Và Súa cho biết.

Tết của mường trăm tuổi

Tết của người Mông ở Mường Lống kéo dài đến hàng tháng. Người Mông chăm chỉ, siêng năng, cuộc sống hằng ngày họ cứ cần mẫn trên rẻo núi cao chót vót, lặng im như đá,  như những ngôi nhà gỗ đóng cửa im ỉm. Nhưng mùa xuân đến, là ngày hội tưng bừng, say sưa trong men rượu, tiếng khèn… Trước kia, Tết của người Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán 1 tháng, nhưng mấy năm trở lại đây, xã đã quyết định nhập 2 cái Tết lại làm một cho tiết kiệm.

Mùa xuân là mùa của tình yêu, của hẹn hò, tâm sự. Khắp các bản làng, người già, thanh niên, trẻ con đều đi chơi hội. Những bộ quần áo, váy mới cất kỹ trong rương được đưa ra mặc, các cô gái xinh đẹp khoác tay nhau đi trên đường, tiếng vòng bạc va vào nhau kêu leng keng, leng keng…

Vui nhất là chơi ném còn. Từng đôi nam nữ đứng ném còn với nhau, mỗi lần quả còn được ném qua ném lại là kèm theo những câu hỏi, trò chuyện tâm tình: Em bao nhiêu tuổi? Em ở bản nào? Nhà có mấy anh chị em… Câu chuyện cứ tiếp tục như thế cho đến chiều tối, rồi lại hẹn nhau đến ngày hôm sau. Nếu ưng nhau rồi, cô gái sẽ thuận tình để chàng trai tổ chức “bắt” về làm vợ.

Già làng Và Bá Chá (bản Long Kèo, xã Mường Lống) cho biết: “Theo quan niệm của người Mông ta, con gái phải được bắt về, cướp về nhà con trai thì mới có giá, còn tự tìm đến nhà con trai thì không có giá trị gì cả. Nếu ưng rồi mà không “bắt” là cũng không đi mô”…  Nhưng tục lệ đó cũng bắt nguồn cho bao ấm ức, cay đắng và tủi nhục của không ít cô gái Mông, khi bị “bắt” về làm vợ một người mình không hề yêu thương, không thể phản kháng, chỉ có thể im lặng như con trâu, con ngựa trong nhà chồng.

“Ngày xưa, nhiều người con gái không ưng người con trai mà vẫn bị bắt làm vợ là hay ăn lá ngón tự tử lắm. Bây giờ thì khác rồi, con trai con gái gặp nhau, biết nhau từ trước, có thương nhau thì xin phép hai bên gia đình để tổ chức “bắt vợ””, già Chá cho biết.

Những cô gái mới 13 - 14 tuổi đã ném còn rất thạo, nụ cười tươi rói trong bộ váy Mông sặc sỡ. “Em đang đi học, em chưa lấy chồng mô, thương nhau, nhớ nhau thì Tết đến cứ lên đây ném còn cùng em…”, tiếng cô sơn nữ Và Y Rê trong veo như giọt nước đầu nguồn như mời gọi, níu giữ bước chân bao du khách.

Đình Lam

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Tháng 5, hương sen thơm ngát trên quê Bác

    Cứ đến dịp tháng 5 về, những đầm sen trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đua nhau nở hoa, tỏa hương thơm ngát.

  • Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024

    Tối 19/5, tại sân vận động Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt bế mạc Lễ hội Làng Sen năm 2024 với chủ đề “Từ Làng Sen đến thành phố Hồ Chí Minh” kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Quảng Nam giới thiệu Nhà bảo tàng đa dạng sinh học

    Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam – nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

Top