Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 17 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 1 năm 2018 | 10:47

Vị Xuyên chuyển mình qua 2 thế kỷ

Ngày 1/1/1833, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) được thành lập, qua gần 2 thế kỷ, trải qua những bước thăng trầm, biến cố của lịch sử, nhưng đồng bào các dân tộc huyện Vị Xuyên vẫn đoàn kết; gắn bó xây dựng quê hương. Đặc biệt, những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, xây dựng quê hương giàu đẹp và văn minh.

Lãnh đạo huyện Vị Xuyên cùng các sở, ngành tham quan các gian hàng và trao đổi với các hộ dân tham gia Hội thi Cam sành huyện Vị Xuyên niên vụ 2017-2018.

Ngược dòng lịch sử

Năm 1802, triều Nguyễn được thiết lập, thống nhất đất nước từ Bắc đến Nam. Năm 1831, tỉnh Tuyên Quang được thành lập, khi đó có 1 phủ là Nguyên Bình, 1 huyện là Phúc Yên và 5 châu, trong đó có châu Vị Xuyên. Năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) chia châu Vị Xuyên ra làm 2 huyện: Huyện Vĩnh Tuy (hữu ngạn sông Lô, nay là huyện Bắc Quang) và huyện Vị Xuyên (tả ngạn sông Lô).

Huyện Vị Xuyên vào nửa cuối thế kỉ XIX có 5 tổng 31 xã. Ngày 20/8/1891, thực dân Pháp chia khu quân sự thứ 2 thành 3 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Trong đó, châu Vị Xuyên nằm trong địa phận của tỉnh Hà Giang. Về sau huyện này lại được chia thành 2 huyện Vị Xuyên và Hoàng Su Phì. Đến tháng 12/1962, lại tách một số xã thuộc phía Bắc của huyện Vị Xuyên (Quyết Tiến, Quản Bạ, Thanh Vân, Cao Tả Trung, Nghĩa Thuận, Thái An, Đông Hà) sáp nhập với một số xã thuộc huyện Đồng Văn để thành lập huyện Quản Bạ. Năm 1983, tách 10 xã phía Đông của huyện Vị Xuyên (Phú Nam, Đường Âm, Yên Phú, Yên Cường, Thượng Tân, Giáp Trung, Lạc Nông, Minh Ngọc, Minh Sơn, Yên Định) để thành lập huyện Bắc Mê. Năm 1976, Hà Giang sáp nhập với Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên, Vị Xuyên trở thành huyện của tỉnh Hà Tuyên, từ 1991 trở lại đây, Vị Xuyên là huyện thuộc tỉnh Hà Giang. 

Trải qua những thăng trầm và biến cố lịch sử, nhân dân các dân tộc huyện Vị Xuyên đã đoàn kết một lòng, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, vững vàng trên con đường xây dựng quê hương đất nước.

Không ngừng đổi mới

Trong những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Vị Xuyên đã phát huy truyền thống anh hùng, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát huy nội lực, khai thác và phát huy thế mạnh tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Lãnh đạo huyện Vị Xuyên tặng hoa và cờ lưu niệm cho các hộ dân tham gia Hội thi Cam sành Vị Xuyên niên vụ 2017 - 2018. 

Nền kinh tế tăng trưởng khá nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.434 tỷ đồng; thương mại - dịch vụ phát triển đa dạng, kinh tế biên mậu được chú trọng; thu nhập bình quân đạt 21,6 triệu đồng/người/năm.

Văn hóa xã hội có những bước chuyển biến tích cực, công tác giáo dục, đào tạo phát triển nhanh và mang tính toàn diện hơn, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên; giá trị văn hóa truyền thống được khơi dậy và phát huy.

Những năm gần đây, huyện Vị Xuyên thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và dạy nghề cho người lao động được chú trọng, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đường biên mốc giới được giữ vững và ổn định.

Năm 2017, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Vị Xuyên đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, góp phần đáng kể vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện như: Kinh tế có tốc độ tăng trưởng ổn định, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo; nhiều dự án đầu tư phát huy hiệu quả thiết thực; cơ sở hạ tầng được tăng cường; lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, các ngày lễ lớn được tổ chức long trọng, chu đáo; tình hình an ninh chính trị luôn được giữ vững, ổn định; công tác giáo dục được đảm bảo, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện…

Trong năm qua, huyện có 35 chỉ tiêu ký kết giao ước thi đua với UBND tỉnh (trong đó có 24 chỉ tiêu tổng quát, 11 chỉ tiêu chi tiết), đến nay có 17 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 17 chỉ tiêu đạt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt.

Nông nghiệp vẫn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Vị Xuyên. Ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện cho biết, nét mới trong sản xuất nông nghiệp của huyện những năm qua là xây dựng được nhiều mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp như mô hình liên kết trồng dứa với Công ty CP Xuất khẩu Đồng Giao, mô hình liên kết trồng mía với Công ty Mía đường Tuyên Quang, liên kết sản xuất nông nghiệp sạch trong nhà lưới, trồng gừng, làm mạ khay,.. Đó là chưa kể, Vị Xuyên đã hình thành được vùng cam sành hàng hóa với diện tích 650ha, trong đó có gần 100ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nên sản phẩm cam sành của Vị Xuyên ngày càng được nhiều người biết đến.

Đặc biệt, sự đầu tư của Tập đoàn TH tại địa phương đang mở ra triển vọng lớn cho Vị Xuyên phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, được coi là điểm nhấn chính của tỉnh Hà Giang và huyện Vị Xuyên về thu hút đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Tập đoàn này thuê tới trên 600 ha đất tại xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên để đầu tư mô hình khép kín: Vùng nguyên liệu - trại bò sữa - nhà máy chế biến sản phẩm sữa, quy mô chăn nuôi 10.000 con bò sữa.

Dự kiến năm 2020, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần đáng kể tăng thu ngân sách địa phương, tạo công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo. 

Riêng về chương trình XDNTM, với phương châm “việc dễ làm trước, việc khó làm từng bước”, huyện Vị Xuyên đã triển khai đồng bộ các kế hoạch, giải pháp, huy động các nguồn lực tham gia chương trình. Năm 2017, có thêm 2 xã về đích NTM là xã Đạo Đức và Phú Linh, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện lên  4 xã gồm 2 xã đã về đích trước đó là Việt Lâm và Trung Thành, diện mạo nông thôn của những địa phương này thay đổi đáng kể sau khi hoàn thành chương trình XDNTM.

Đồng chí Vi Hữu Cầu, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban chỉ đạo XDNTM huyện Vị Xuyên (thứ 2 từ phải sang) trong buổi lễ trao Bằng công nhận xã Phú Linh đạt chuẩn NTM năm 2017.

Phú Linh là 1 trong 5 xã điểm của huyện Vị Xuyên được chọn để thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020. Đến nay, xã Phú Linh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM và đã công bố xã đạt chuẩn NTM vào ngày 28/12/2017 vừa qua.

Còn tại xã Đạo Đức, thực hiện chương trình xây dựng NTM, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã vận động trên 100 hộ dân hiến hơn 9.500m2 đất; hàng chục nghìn ngày công lao động và tiền đóng góp của nhân dân, tổng trị giá ước tính gần 5 tỷ đồng. Tổng kinh phí xây dựng NTM tại xã là hơn 27,9 tỷ đồng. Từ xuất phát điểm chỉ đạt 5/19 tiêu chí NTM, đến nay xã Đạo Đức đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Diện mạo nông thôn, đời sống của người dân địa phương được nâng lên rõ rệt: 100% đường trục xã, liên xã và 63% đường liên thôn được nhựa hoá và bê tông hoá; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% thôn, bản có nhà văn hoá đạt tiêu chuẩn; thu nhập bình quân tăng từ 15 triệu đồng/người/năm 2011 lên 25,5 triệu đồng/người/năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo còn 11%…

Bước sang năm 2018, ông Đoàn cho biết, huyện Vị Xuyên tiếp tục tổ chức phát động phong trào thi đua với chủ đề “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, thi đua vì một Vị Xuyên phát triển nhanh, bền vững”; đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án thực hiện “3 đột phá, 6 chương trình trọng tâm”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế biên mậu, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 22,51%, thu nhập bình quân đạt 22,7 triệu đồng/người trong năm 2018”, ông Đoàn cho biết thêm.

Trọng Nghĩa-Kiều Thủy

 

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nhiều điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hải Phòng

    Nhiều điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hải Phòng

    Chiều 16/5, ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã thông tin một số điểm mới trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 tại Hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí tuần 20 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo thành phố tổ chức.

  • Quảng Nam hỗ trợ nghiên cứu và phát triển ngành Dược liệu

    Quảng Nam hỗ trợ nghiên cứu và phát triển ngành Dược liệu

    Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mong muốn các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam cho ý kiến sâu về các giải pháp để phát triển ngành Dược liệu và Mỹ phẩm một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

  • Năm 2025, Hải Phòng hoàn thành sắp xếp 41 đơn vị hành chính

    Năm 2025, Hải Phòng hoàn thành sắp xếp 41 đơn vị hành chính

    Thành ủy Hải Phòng vừa triệu tập Hội nghị để cho ý kiến đối với các Đề án về sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 và chủ trương lựa chọn biểu tượng thành phố.

  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top