Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 18 tháng 9 năm 2021 | 20:6

"4 xu thế lớn của kinh tế thế giới tác động tới nông sản toàn cầu"

Theo trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, có 4 xu thế phát triển kinh tế trên thế giới trong bối cảnh đại dịch tác động tới nông sản toàn cầu.

Bà Nguyễn Minh Hằng - Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trình bày tham luận "Xu thế lớn của kinh tế thế giới trong bối cảnh đại dịch, tác động đối với nông sản toàn cầu và kiến nghị" tại Diễn đàn Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam mới đây. Trong bài tham luận, bà Minh Hằng đề cập tới những vấn đề chính liên quan trực tiếp tới chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam.

 

Bà Nguyễn Minh Hằng - Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Bà Nguyễn Minh Hằng - Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam.

 

Xu thế phát triển kinh tế trên thế giới

Theo bà Nguyễn Minh Hằng, có 4 xu thế phát triển kinh tế trên thế giới trong bối cảnh đại dịch. Thứ nhất, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi trong điều kiện thích ứng với Covid-19 và bình thường mới. Thứ hai là xu thế tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm. Đây là giai đoạn các nước thúc đẩy cam kết, đi vào triển khai mạnh mẽ về tăng trưởng xanh, như Mỹ áp dụng thuế carbon với hàng nhập khẩu có phát thải từ một số nước, EU yêu cầu cắt giảm 40% lượng khí thải đến năm 2030... Thứ ba là ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển chuyển đổi số. Thứ tư - xu thế mới nổi là sự phát triển kinh tế tuần hoàn, ưu tiên phát triển bền vững.

"Trong các xu thế tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, thì sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và những thách thức an ninh phi truyền thống như khí hậu, covid-19... đã tạo bước ngoặt sâu sắc đối với kinh tế thế giới. Trong đó chuyển đổi số được đánh giá là xu thế tri phối, tác động đến nhiều ngành nghề khác", bà Minh Hằng nhấn mạnh.

Chiều hướng của đại dịch và 4 mô hình lớn được áp dụng trên thế giới

Trong bối cảnh đại dịch, bà Minh Hằng chia sẻ, hiện nay hầu hết đánh giá đều cho rằng Covid-19 sẽ tồn tại lâu dài và khó để đánh giá, thậm chí có thể thành dịch cúm mùa. Từ các mô hình ứng phó với Covid-19 vừa qua, có thể thấy bốn mô hình lớn được áp dụng trên thế giới. Đó là mô hình không có Covid-19; mô hình đi từ đóng cửa đến sống chung với Covid-19; mô hình kết hợp linh hoạt giãn cách - phong tỏa - giãn cách - phong tỏa; mô hình miễn dịch cộng đồng. Hiện nay, thế giới đang ở giai đoạn thích ứng, sống chung với đại dịch trong điều kiện bình thường mới.

"Với chiều hướng đó, chúng tôi cho rằng ngành Nông nghiệp sẽ chịu tác động rất lớn, đứng trước nhiều thách thức và cơ hội, giúp phát triển bứt phá hơn", bà Hằng nhận định.

Triển vọng ngành nông nghiệp và thị trường nông sản toàn cầu

Qua nghiên cứu, bà Minh Hằng chỉ ra 6 chiều hướng của ngành nông nghiệp tương lai. Thứ nhất là giá cả nông sản, lương thực thời gian tới sẽ bất ổn do nhiều nguyên nhân như đại dịch, chính sách các nước có nhiều khác biệt, cung ứng đứt gãy, giá cả bất ổn.

Thứ hai, nguồn cung sẽ mang tính thiếu bền vững cao. Nhìn lại lịch sử các kỳ đại dịch, từ khủng hoảng dầu mỏ, tài chính toàn cầu... nguồn cung thực phẩm là yếu tố rất dễ bị tổn thương, nhất là trong tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Thứ ba, xu thế tiêu dùng có sự thay đổi, chẳng hạn nhận thức dinh dưỡng, các sản phẩm mang tính hữu hình hội tụ nhiều yếu tố. Tiếp đó là tính cấp bách của vấn đề phát triển nông nghiệp xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ năm là chuyển đổi số trong nông nghiệp. Do tác động của khoa học công nghệ, chuyển đổi số sẽ được triển khai trong các khâu từ sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ, thanh toán, giao dịch... Cuối cùng là ngành Nông nghiệp trong thời gian tới áp dụng kinh tế tuần hoàn - Nông nghiệp là một trong 10 lĩnh vực có cơ hội lớn để đầu tư, dịch chuyển sang kinh tế tuần hoàn.

Đề xuất kiến nghị để chuyển đổi số thành công

Từ xu thế chung của thế giới đến tác động đến ngành Nông nghiệp, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao đưa ra bốn kiến nghị quyết định có chuyển đổi số nông nghiệp thành công hay không.

Kiến nghị thứ nhất là về tư duy và nhận thức, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhận thức, tư duy áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, đẩy mạnh đào tạo và đào tạo lại các kỹ năng, nhất là kỹ năng số.

Thứ hai là các vấn đề liên quan đến chính sách, tiếp tục hoàn thiện chính sách kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, định hướng hoạt động trong xây dựng thương mại điện tử toàn cầu, ban hành nghị định thanh toán không tiền mặt, lộ trình cho phép thanh toán điện tử...

Thứ ba là các biện pháp cần triển khai. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp, hình thành mạng lưới về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, tham gia khởi tạo tổ chức các diễn đàn, thúc đẩy cam kết sản xuất, thu hút đầu tư trong hạ tầng nông thôn mới công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Cuối cùng là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mở rộng hợp tác về nông nghiệp với đối tác và các tổ chức quốc tế.

Kết thúc phần phát biểu, bà Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, với vai trò của ngành ngoại giao, cùng phương châm phục vụ phát triển đất nước, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vài trò hỗ trợ định hướng tạo nên những đột phá; tranh thủ nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp để đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top