Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  

Để giàu lên từ nghề nuôi chim yến lấy tổ (Bài 2): Đâu là khó khăn?

Thứ hai, ngày 16 tháng 10 năm 2023 | 14:53

Nghề nuôi yến mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường xuất khẩu Trung Quốc đã chính thức mở cửa, tuy nhiên, công tác quy hoạch, quản lý vùng nuôi, chất lượng tổ yến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

>> Bài 1: Thực trạng ngành nuôi chim yến

Không có quy hoạch cho vùng nuôi chim yến

Tổ chim yến hay còn gọi là “lộc trời” đã mang lại cho người nuôi thu nhập khá cao. Tuy nhiên, trên thực tế, đây không phải là nghề “dễ ăn”. Bởi để dụ yến vào nhà, cần phải nắm vững nhiều kỹ thuật, thiết kế nhà phải có gió, ánh sáng, đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Tất cả các yếu tố đó quan trọng, nhưng cái cốt lõi là “lộc trời”, vì nhiều nhà xây dựng đúng các tiêu chuẩn nhưng yến chỉ vào lác đác, thậm chí không vào.

Nhà nuôi chim yến ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa).

Một người dân nuôi yến ở Bình Phước cảnh báo: “Chỉ khoảng 20% nhà nuôi chim yến đạt hiệu quả cao. Nhiều nhà, yến chỉ vào lác đác. Thậm chí, nhiều người mong muốn “đổi đời” nhanh chóng, đã chọn cách mua lại nhà yến nên trở thành “miếng mồi ngon” cho kẻ lừa đảo vì mua nhầm nhà mà yến không vào hoặc vào rất ít.

Do đây là nghề siêu lợi nhuận, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, vì thế, việc xây dựng nhà để nuôi chim yến nở rộ ở nhiều tỉnh, thành, dẫn đến việc nuôi yến tự phát cả ở khu dân cư, trong khi cơ quan chức năng chưa có chế tài quản lý và chiến lược phát triển lâu dài, bền vững.

Bình Phước hiện có khoảng 1.400 cơ sở chuyên dẫn dụ, khai thác chim yến, tập trung ở thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và các huyện Bù Gia Mập, Đồng Phú... Các nhà nuôi yến thường kết hợp với nhà ở và công trình dân dụng khác trong khu dân cư, nên ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh, nhất là tiếng ồn phát ra từ loa dẫn dụ chim yến. Mặt khác, nuôi chim yến trong khu dân cư còn gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh từ phân, lông chim yến rơi vãi…

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Phước, việc các hộ dân tự phát nuôi chim yến gây khó khăn cho công tác quản lý. Mặt khác, do chưa có quy trình, quy chuẩn trong xây dựng nhà yến nên công tác quản lý và cấp giấy phép nhà nuôi yến còn gặp khó khăn.

Còn tại Đồng Tháp Mười, nhiều nhà nuôi yến được xây dựng ở khu dân cư, khu vực đô thị, chưa phù hợp với quy định cũng như quy hoạch dẫn đến mất cân bằng giữa tốc độ tăng nhà yến và tốc độ tăng trưởng đàn chim yến, tác động xấu đến môi trường và quản lý thú y.

“Tình trạng nuôi chim yến tự phát, tồn tại trong khu dân cư gây ra tiếng ồn rất khó chịu, gây mất mĩ quan, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân ở huyện Thạnh Hóa Long An), phản ánh.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Long An, cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.174 nhà yến, tăng 641 nhà so với năm 2020, việc quản lí xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu dân cư hoặc cải tạo, cơi nới từ nhà ở thành nhà nuôi chim yến còn nhiều bất cập.

Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang - Nguyễn Đình Xuyên cho biết, khó khăn trong việc nuôi chim yến là chưa có quy định vùng nuôi cụ thể. Bởi nhiệm vụ quy hoạch vùng nuôi chim yến đặt ra nhiều vấn đề do đây là loài sống tự do, phụ thuộc vào điều kiện sinh thái, nguồn thức ăn, trình độ thiết kế nhà yến, kỹ thuật dẫn dụ…

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, về quy hoạch, cơ sở nuôi chim yến hiện phần lớn nằm xen lẫn trong khu dân cư (hơn 90%); ở một số tỉnh, người dân đầu tư xây dựng nhà yến kiên cố ngay trong khu vực đông dân cư... Từ cuối năm 2019, việc xây mới nhà nuôi yến phát triển tràn lan khiến chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn khó kiểm soát, làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và an ninh, trật tự ở địa phương.

Theo Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, giao cho UBND tỉnh xin ý kiến của HĐND tỉnh quy định vùng nuôi chim yến. Nhưng đến nay, đại đa số các tỉnh chưa có quy định này khiến người nuôi yến khó khăn trong việc xây mới nhà nuôi yến.

Bên cạnh đó còn có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân đến các tỉnh tư vấn xây dựng nhà yến nhưng mục đích chính là thu tiền tư vấn, bán vật tư làm nhà yến mà không quan tâm đến việc xây nhà yến xong, yến có đến ở hay không? Việc này có thể gây thiệt hại cho người dân và ảnh hưởng đến công tác quản lý ngành.

Việc thống kê nhà yến, sản lượng tổ yến ở nhiều tỉnh chưa cập nhật. Các cơ sở nuôi yến còn chưa kê khai thực về diện tích nhà yến, sản lượng tổ yến, nên khó khăn cho các cơ quan quản lý các cấp.

Săn bắt trái phép

Được coi là “vàng trắng” nên các đối tượng săn bắt trái phép chim yến nở rộ, gây khó khăn cho người nuôi chim và các doanh nghiệp.

Đầu năm 2023, người dân khu đô thị Hà Quang (phường Phước Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) báo tin về các đối tượng dùng lưới sợi rất nhỏ, khó nhìn thấy, quấn vào hai cọc tre căng dựng thẳng đứng để săn bắt chim yến. Những đối tượng này còn dùng máy phát tiếng kêu của chim yến, kèm theo con chim yến mồi đứng giữa lưới… Nghe tiếng kêu và nhìn thấy chim mồi, chim yến ở nhiều phía lao tới, mắc vào lưới. Thời gian các đối tượng bắt chim  từ 5 đến 7 giờ và 15 đến 17 giờ hằng ngày.

Không chỉ ở Phước Hải, tại vùng ven như Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung - những nơi chim yến thường đi kiếm ăn cũng xuất hiện một số cọc tre, lưới giăng. Các đối tượng thường giăng lưới ở những cánh đồng vào sáng sớm hoặc chiều tối. Chị Lê Thị Minh (người dân xã Vĩnh Thạnh) cho biết, cánh đồng khu vực đường Phú Trung thường xuất hiện 2 người đàn ông đến  bẫy chim yến. Chim bẫy xong họ bỏ vào lồng rồi vội vàng mang đi.

Là người kinh doanh yến sào lâu năm tại địa phương, anh Nguyễn Ngọc Trung, chủ cơ sở yến sào Thiên Phú, xã Bình Nguyên (Thăng Bình - Quảng Nam) chia sẻ, thông thường, các đơn vị nuôi chim thường phát loa nóc (loa phóng, loa lục giác, bát giác, tứ giác) dẫn dụ chim về làm tổ. Nhưng thời gian qua, ghi nhận không ít trường hợp bẫy lưới chim để phục vụ cho các mục đích săn bắt, tận diệt.

“Hành vi này gây suy giảm đàn yến tự nhiên khiến chim non không được mẹ chăm sóc, mớm mồi dẫn đến chết vì đói. Đồng thời, số lượng yến nuôi trong nhà giảm mạnh theo thời gian”, anh Trung cho biết.

Các địa phương khác như Long An, Tây Ninh và một số tỉnh lân cận giáp biên giới  Campuchia đã xuất hiện tình trạng bẫy chim yến bằng lưới “tàng hình” thường nở rộ trong thời điểm mùa chim non ra ràng.

Ngoài bắt bằng lưới “tàng hình”, nhiều thợ săn dùng lưới rộng 2m, dài 5m, hai đầu lưới buộc vào cây sào và được cố định với hai sợi dây trên mặt đất để lật qua, lật lại. Dưới đất, thợ săn dùng hai con yến làm mồi nhử, mở loa phát ra âm thanh dụ yến đến. Khi chim bay đến, thợ săn lật lưới chụp bắt. Một người chuyên bẫy chim yến cho biết, bắt chim yến vào 5 - 7 giờ và 17 - 18 giờ hằng ngày vì thời điểm này yến đi ăn nhiều. Chim yến thường đến các ruộng lúa có nhiều côn trùng như kiến cánh, ong, chuồn chuồn kim... để bắt mồi. Do không phát hiện được lưới của thợ săn, chim thường mắc vào và không cách nào thoát ra được.

Nạn săn bắt chim yến không phải chỉ mới xuất hiện gần đây mà nhiều năm trước đã từng rộ lên, khiến nhiều nhà yến ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh lân cận rơi vào tình trạng số lượng đàn chim trong nhà giảm mạnh. Không những thế, tình trạng chim non đói chết cũng xuất hiện nhiều tại các nhà yến do chim bố mẹ bị bẫy bắt.

Trước tình trạng trên, ngày 30/6/2023,  Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 595/CĐ-TTg về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành  chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt chim yến trái phép… Trong đó, tổ chức tuyên truyền người dân không bẫy bắt, tiêu thụ chim yến; kịp thời tố giác hành vi săn bắt chim yến trái phép; thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, tháo dỡ, thu hồi các phương tiện bẫy, bắt; tổ chức triệt phá dứt điểm các tụ điểm buôn bán chim hoang dã, chim yến trái pháp luật...

Nhân viên nhặt lông yến tại phòng tinh chế của cơ sở yến sào Du Long, đường Phạm Hùng, TP. Rạch Giá (Kiên Giang).

Sản phẩm chưa đa dạng, chủ yếu chế biến thô

Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020, sản lượng yến của Việt Nam dự kiến đạt 350-400 tấn, với giá trị khoảng 1 tỷ USD. Nhà nước cũng quan tâm đến “nghề bạc tỷ” khi có nhiều chính sách cũng như đầu tư theo hướng phát triển vùng nuôi tập trung, đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ yến nhằm quảng bá thương hiệu Yến Việt.

Thế nhưng, những người nuôi yến cho biết, nỗi lo của họ là giá thành bấp bênh do thị trường quá hẹp. Ở trong nước, đa phần người sử dụng yến phải có mức thu nhập khá, nên số lượng không nhiều. Muốn vươn ra thị trường thế giới, việc quảng bá thương hiệu Yến Việt gặp rào cản về chất lượng khi hàm lượng dinh dưỡng từ các tổ yến nuôi trong nhà chưa đạt tối đa, sản phẩm từ yến chưa đa dạng, chủ yếu chế biến thô.

Cách chế biến, bảo quản yến còn mang tính thủ công. Nghề nuôi yến phát triển chủ yếu mang tính tự phát, thiếu quy hoạch nên gặp khó khăn trong việc quản lý, thu gom phục vụ quá trình chế biến, sản xuất… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, chim yến không phải vật nuôi mà chỉ loài tự nhiên hoang dã. Việc quy hoạch vùng nuôi khó khả thi vì sau thời gian nguồn thức ăn ngoài thiên nhiên cạn thì chim yến sẽ di chuyển sang nơi khác. Bài toán đặt ra cho yến Việt  không dễ chút nào.

Tại Hội thảo Bảo vệ và phát triển quần thể chim yến đảo Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ được tổ chức ở Nha Trang (Khánh Hòa) đầu tháng 7 vừa qua, ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 200-300 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, sản phẩm từ yến chưa có giá trị cao đúng với giá trị thực vì chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch. “Việc mua bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, đầu tư vào khâu chế biến sâu còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao”, ông Phương nói.

Phải cạnh tranh với yến “ngoại”

Nghề nuôi chim yến theo nghiên cứu khoa học kinh tế là ngành có tiềm năng phát triển phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng hình thành đặc sản quý hiếm và giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam. Nhưng các sản phẩm từ yến của Việt Nam lại phải cạnh tranh với yến “ngoại” ngay ở thị trường trong nước.

Chị Đoàn Thị Kim Anh, đại diện Công ty TNHH MTV Kim Hiền Kim Anh (khu đô thị lấn biển Tây Bắc, TP. Rạch Giá, Kiên Giang), cho biết, chị có 2 nhà nuôi yến tại huyện Hòn Đất. Chị vừa thu hoạch yến đợt đầu, sản lượng yến giảm, tổ yến mỏng, nhẹ. Ngoài tổ yến của gia đình, chị Kim Anh còn thu mua tổ yến từ các nhà yến khác trong tỉnh. “Năm nay giá yến thấp, tôi không bán yến thô mà giữ lại chờ giá tăng và làm yến tinh chế bán lẻ. Giá bán lẻ yến tinh chế 3-3,2 triệu đồng/100g”, chị Kim Anh nói.

Chị Kim Anh cho biết: “Tôi không thu mua yến xô từ các nhà yến khác  do đầu ra hiện khó khăn. Một phần do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế. Mặt khác, một số cơ sở kinh doanh tổ yến đã nhập khẩu yến xô từ  Malaysia, Indonesia…, chưa biết chất lượng như thế nào, nhưng giá nhập rất thấp. Giá tổ yến tại Kiên Giang hiện không cạnh tranh được”.

Theo anh Trần Quốc Phương,Chi hội phó Chi hội Yến sào Kiên Giang, chủ cơ sở yến sào Du Long (TP. Rạch Giá), trước đây, số đàn chim còn nhiều so với số lượng nhà yến và so với lượng thức ăn tự nhiên. Hiện nay, nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, thiếu thức ăn, nạn săn bắt chim… đã ảnh hưởng đến bầy, đàn chim yến. Nhiều người đầu tư nhà yến hàng tỷ đồng vẫn chưa kịp thu hồi vốn, lãi ngân hàng đang ở mức cao.

“Trước tình hình hiện nay, người nào đã đầu tư nhà yến nhưng chưa có hiệu quả thì nên tìm hiểu thêm về kỹ thuật để khắc phục hoặc chuyển đổi công năng sử dụng. Đối với những nhà yến đang khai thác hiệu quả thì giữ ổn định, không nên đầu tư thêm nhà yến mới vì sẽ rất khó thu hồi vốn”, anh Phương nói.

Anh Phương cho rằng, vấn đề cấp thiết hiện nay là bảo vệ đàn yến, tuyên truyền cho người dân hạn chế săn bắt chim yến, củng cố bầy đàn. Các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ hơn nữa nhằm đảm bảo vệ sinh nhà nuôi chim yến, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra về chất lượng tổ yến và các sản phẩm yến tinh chế; có chế tài khi phát hiện những trường hợp kinh doanh các sản phẩm tổ yến trôi nổi, pha trộn tạp chất vào yến tinh chế nhằm hạ giá thành sản phẩm, giảm giá trị của tổ yến Kiên Giang.

“Cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng để nâng cao giá trị thương hiệu, tăng giá trị cho nguồn “vàng trắng” tại Kiên Giang và giữ vững niềm tin của người tiêu dùng”, anh Phương nhấn mạnh.

Khó khăn trong xuất khẩu 

Các sản phẩm yến có giá trị của Việt Nam được xuất sang các thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... 

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới khi mỗi năm nhập khẩu trên 2.000 tấn, chiếm 80% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, hai nguồn chính cung cấp tổ yến chính ngạch cho thị trường Trung Quốc là Indonesia và Malaysia. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch 451,6 tấn tổ yến, trong đó 291,8 tấn đến từ Indonesia và 159,8 tấn đến từ Malaysia.

Tổ yến Việt Nam có chất lượng, được đánh giá cao hơn, song chủ yếu vẫn len lỏi vào thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và chiếm thị phần rất khiêm tốn. Vì thế, việc cơ quan chức năng hai nước ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc (có hiệu lực từ ngày 09/11/2022 và kéo dài 5 năm và tự động gia hạn mỗi 5 năm tiếp theo nếu không có vi phạm và đề nghị chấm dứt của một trong hai bên) sẽ giúp ngành yến sào Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Tại Hội nghị đánh giá tình hình chăn nuôi chim yến và xây dựng dữ liệu nhà nuôi chim yến phục vụ xuất khẩu do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đầu năm 2023, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: Dù cánh cửa xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc đã chính thức mở ra, nhưng nội tại của chuỗi giá trị yến Việt Nam hiện còn rất nhiều tồn tại xuất phát từ việc sản xuất tự phát, thiếu giám sát, quản lý bài bản ngay từ đầu.

 Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở cần chủ động tìm hiểu, tuân thủ đúng các yêu cầu, điều kiện của nước này nêu trong Nghị định thư về quản lý cơ sở nuôi chim yến, chế biến tổ yến, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu sang thị trường này theo đúng quy định.

Vấn đề đặt ra, để xuất khẩu được tổ yến sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, cần phải hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu, mà trước hết là cấp mã số cho nhà nuôi chim yến.

Trong Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc, yêu cầu sản phẩm tổ yến xuất khẩu phải có sự giám sát theo chuỗi sản phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc từ gây nuôi, khai thác, sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói, ghi nhãn đến sản phẩm cuối cùng, đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Cục Chăn nuôi đang lấy ý kiến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia... để hoàn thiện và sớm ban hành hướng dẫn về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến.

Bà Trần Thị Thu Phương, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết: Nghị định thư xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc bao gồm 16 điều về các quy định đối với nhà nuôi chim yến, doanh nghiệp chế biến tổ yến, doanh nghiệp xuất khẩu, yêu cầu đối với bao bì, ghi nhãn, yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra, giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Về yêu cầu đối với sản phẩm tổ yến, phải là sản phẩm được hình thành/làm từ nước bọt của chim yến, đã được loại bỏ bụi bẩn, lông chim và an toàn cho người tiêu dùng. Sản phẩm phải qua xử lý nhiệt đảm bảo nhiệt độ tâm sản phẩm đạt 70 độ C trong tối thiểu 3,5 giây. Đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn tại Phụ lục VII, Nghị định 13/2020/NĐ-CP và tiêu chuẩn của Trung Quốc. Sản phẩm tổ yến phải có nguồn gốc từ nhà yến được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được cơ quan thú y giám sát dịch bệnh; không thuộc các tỉnh có bệnh cúm gia cầm trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm xuất khẩu. Sản phẩm từ các doanh nghiệp chế biến đã đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận. Ngoài ra phải đáp ứng các yêu cầu về bao bì và ghi nhãn sản phẩm của Trung Quốc...

Bài 3: Để ngành nuôi chim yến “sống khỏe” và bền vững

 

Ngọc thủy

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top