Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 5 tháng 10 năm 2023 | 14:13

Để giàu lên từ nghề nuôi chim yến lấy tổ

Nuôi chim yến và khai thác các sản phẩm từ yến mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, nghề nuôi và chế biến các sản phẩm từ yến phát triển nhanh, tuy nhiên, cần có giải pháp quy hoạch nuôi hợp lý và chiến lược xây dựng thương hiệu để nghề nuôi yến phát triển bền vững, sản phẩm cho giá trị cao hơn, người nuôi thực sự giàu lên từ nghề này.

Bài 1: Thực trạng ngành nuôi chim yến

Ngành yến sào có nhiều cơ hội phát triển khi thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, nhất là Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho sản phẩm này của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc nuôi yến chủ yếu là tự phát, thiếu quy hoạch, gây ô nhiễm tiếng ồn và môi trường; chưa xây dựng được thương hiệu, chưa hình thành chuỗi giá trị để nâng cao giá trị yến sào và sản phẩm từ tổ yến, chưa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm...

Giá trị dinh dưỡng của tổ yến

Tổ yến còn gọi là yến sào, yến thái, là nước bọt chim yến và những chất liệu mềm như lá cây, đất đá khác hỗn hợp để chúng làm tổ (tức tổ yến). 

Tổ yến là thực phẩm cao cấp ở vùng Á Đông, là 1 trong 8 món ăn nổi tiếng trong thời xưa và luôn là món ăn có mặt trong các yến tiệc. Đến nay, tổ yến vẫn giữ được vị thế hàng đầu trong những món ăn bồi bổ cơ thể.

Theo các chuyên gia, tổ yến chứa 42,8 - 54,9% protein; nhiều glucose; các acid amin cần thiết khó thay thế: cystein, phenyllamin, tyrosin...; các vitamin B, C, E, PP; các muối natri, sắt, phosphor và các nguyên tố vi lượng.

Một số nghiên cứu mới đây cho thấy: Tổ yến có tác dụng ích khí, cường dương, có lợi cho phổi và thận, rất tốt cho da, tăng hấp thụ các chất dinh dưỡng và kích thích sự phân chia các tế bào của hệ miễn dịch. Do đó, tổ yến được cho là hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa.

Trong Đông y, tổ yến tính bình, vị ngọt, có tác dụng dưỡng âm nhuận táo, ích khí bổ trung, sử dụng lâu ngày, ngoài việc tư bổ cơ thể, tăng cường thể lực, nâng cao khả năng tình dục, còn hỗ trợ giúp dưỡng da đẹp tóc, thân thể khỏe đẹp.

Đồng thời, trong tổ yến còn có chứa kích tố thúc đẩy tế bào phân chia và gen biểu bì tăng trưởng, thúc đẩy các tế bào tái sinh, tăng cường sức miễn dịch, hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cơ thể.

Nghề nuôi yến lấy tổ

Tổ yến là sản phẩm thiên nhiên chỉ có ở một số nước Đông Nam Á do chim yến tạo ra từ nước bọt để làm tổ đẻ trứng duy trì nòi giống. Sản phẩm quý hiếm từ tổ của loài chim yến được nhiều người dân  ở các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ… rất ưa chuộng, có giá trị cao về thương mại và xuất khẩu. Tổ yến được so sánh ngang bằng với “vàng trắng”.

Nuôi chim yến trong nhà.

Việc khai thác yến sào tự nhiên phát triển ở Indonesia từ thế kỷ 14-15, ở Thái Lan từ thế kỷ 17-18 và Malaysia từ thế kỷ 19 (khoảng 100 năm).

Ở Việt Nam, việc khai thác yến có từ thế kỉ 19, đầu tiên là ở các đảo yến Cù Lao Chàm - Hội An (Quảng Nam) và Khánh Hòa.

Hiện nay, sản lượng yến sào không còn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên mà một số lượng lớn sản phẩm là từ  nuôi yến trong nhà.

Nghề nuôi yến trong nhà  phát triển tại một số nước Đông Nam Á, trở thành nguồn lợi kinh tế lớn tại các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… và trở thành ngành công nghiệp khá thành công tại Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh, thành có nuôi chim yến. Số lượng nhà nuôi yến toàn quốc tăng rõ rệt trong những năm qua.

Theo báo cáo của 18 tỉnh, nếu năm 2017, chỉ có hơn 8.300 nhà yến, đến tháng 8/2019 có hơn 11.750 nhà yến, đến năm 2021 đạt 22.363 nhà nuôi yến thì đến năm 2022, tăng lên  23.665.

Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng. Tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất hiện nay là Kiên Giang (2.995 nhà yến), tiếp đến là Bình Định (1.722 nhà yến).

Các vùng kinh tế có 100% số tỉnh, thành nuôi yến gồm: Vùng ĐBSCL (13 tỉnh, thành phố), Đông Nam Bộ (6 tỉnh), Nam Trung Bộ (8 tỉnh) và Tây Nguyên (5 tỉnh). Trong đó, nhiều nhất là ĐBSCL với 10.572 nhà yến, chiếm 44,67%; tiếp đến là Nam Trung Bộ với 5.965 nhà yến, chiếm 25,21%. Vùng Đông Nam Bộ có 4.958 nhà yến, chiếm 20,95%. Vùng Tây Nguyên có 1.969 nhà yến, chiếm 8,32%. Các tỉnh phía Bắc với 201 nhà yến, chỉ chiếm 0,85% vì khí hậu mùa đông lạnh, không phù hợp cho yến sinh trưởng.

Tiềm năng, triển vọng

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, các nghiên cứu, khảo sát cho thấy, thực tế tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta rất lớn, là ngành cho sản phẩm có giá trị rất cao.

Nhiều tỉnh, thành có lợi thế về tự nhiên để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào, vùng nào cũng có thể phát triển nghề nuôi chim yến.Thêm vào đó, dù cánh cửa xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc (thị trường tiêu thụ 80% sản lượng yến sào thế giới) đã chính thức mở ra nhưng nội tại của chuỗi giá trị yến còn nhiều tồn tại xuất phát từ việc sản xuất tự phát, thiếu giám sát, quản lý bài bản ngay từ đầu.

Thực trạng cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư chiếm hơn 90%, nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân.

Tại một số tỉnh, người dân đầu tư xây dựng nhà yến rất kiên cố ngay trong khu vực đông dân cư với chi phí khá cao, đặc biệt cuối năm 2019, việc xây mới nhà nuôi yến, cơi nới trên nhà ở phát triển tràn lan, tự phát, việc xây nhà ở sau đó chuyển thành nhà nuôi yến khiến chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khó kiểm soát, làm ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội và an ninh, trật tự, dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

Cùng nhận định, ông Vũ Cường, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng ngành yến sào có nhiều cơ hội phát triển khi thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.

Thị trường yến sào thế giới ước trị giá trên 5 tỷ USD với tổng sản lượng khoảng 2.800 tấn. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu yến sào lớn nhất thế giới, mỗi năm nhập khẩu trên 2.000 tấn.

Việt Nam là một trong 4 quốc gia được xuất khẩu chính ngạch yến sào vào Trung Quốc nhưng thị phần còn rất thấp so với nhu cầu.

Nuôi tự phát, thiếu quy hoạch, khó truy xuất

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, địa phương có số lượng nhà nuôi yến nhiều nhất nước, chia sẻ, Kiên Giang có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến. Tuy nhiên, hoạt động này chủ yếu phát triển tự phát, thiếu quy hoạch; từ nuôi, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm chưa hình thành chuỗi giá trị để nâng cao giá trị yến sào và sản phẩm từ tổ yến, chưa được truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay, không ít nhà yến không có chim vào làm tổ hoặc có nhưng sản lượng thu hoạch rất thấp; nhiều nhà yến nằm trong khu vực nội thành, khu dân cư tập trung; gần 1/2 nhà yến sử dụng không đúng công năng, được cải tạo, cơi nới từ nhà ở thành nhà nuôi chim yến.

Bên cạnh lợi ích kinh tế từ việc khai thác sản phẩm từ chim yến, việc phát triển nuôi chim yến một cách ồ ạt cũng phát sinh nhiều vấn đề cần phải xem xét, cân nhắc và điều chỉnh như ô nhiễm tiếng ồn từ việc phát loa dẫn dụ và tiếng kêu của chim yến ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và đời sống của người dân ở khu dân cư; công tác quản lý xây dựng, môi trường, dịch bệnh, cảnh quan đô thị... chưa chặt chẽ.

Ông Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, cho biết, việc quản lý hoạt động nuôi chim yến hiện nay gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do chưa có quy định về xử phạt đối với việc xây dựng nhà yến không thuộc vùng nuôi chim yến.

Cơ quan quản lý chưa có hướng dẫn về đăng ký mã số nhà yến; chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng và vận hành nhà yến nên việc phát triển và hiệu quả kinh tế trong đầu tư nuôi yến chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có.

Số lượng nhà yến quá nhiều tại các khu vực có điều kiện phát triển, dẫn đến nguồn thức ăn của chim yến bị khan hiếm, quần đàn tăng chậm, sản lượng giảm. Sản phẩm tổ yến có giá trị rất cao nhưng chưa quản lý được chất lượng và chưa truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Phát triển gắn với sứ mệnh bảo tồn và phát triển quần thể chim yến

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, nghề nuôi chim yến trên địa bàn phát triển khá nhanh  trong những năm vừa qua. Tỉnh hiện có khoảng 400 nhà nuôi yến, với số lượng đàn và chim yến nuôi rất lớn. Hơn 50% số nhà yến nằm trong các khu dân cư đô thị tại các phường của các thành phố, thị xã, thị trấn. Trong đó, TP Nha Trang là địa bàn có số lượng nhà yến nhiều nhất.

Đại diện Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết: Thực hiện sứ mệnh bảo tồn và phát triển quần thể chim yến, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã nghiên cứu chuyên sâu về ấp nở và nuôi nhân tạo chim yến, chủ động nguồn chim yến giống. Kết quả, tỉ lệ nở trên 90%, nuôi chim con trưởng thành đạt tỉ lệ trên 95%. Điều này góp phần tăng nhanh quần thể chim yến tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã thực hiện tư vấn chuyển giao kỹ thuật công nghệ nuôi chim yến cho hàng trăm nhà yến toàn quốc và trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Phần lớn các nhà yến do công ty thực hiện đã cho thu hoạch và đem lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư. “Tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến của tỉnh Khánh Hòa là rất lớn. Lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật, cần khai thác tốt nhất để phát triển nghề nuôi chim yến, mang lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh nhà”, đại diện Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết.

Ngày càng có nhiều mô hình nuôi chim yến xuất hiện trên địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

Nghề nuôi chim yến được phát triển ở Phú Yên từ năm 2005 cho tới nay; tập trung chủ yếu ở TP. Tuy Hòa, huyện Phú Hòa, huyện Tây Hòa và TX. Đông Hòa. Ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên, cho biết: Phú Yên có nền nhiệt trung bình cao, độ ẩm không khí khoảng 80%..., là những yếu tố thuận lợi đầu tiên để phát triển nghề nuôi chim yến. Bên cạnh đó, Phú Yên còn có bờ biển dài gần 200km, nhiều vùng đồng bằng rộng lớn với nguồn côn trùng bay dồi dào, là một trong những địa phương nằm trên đường chim bay… Đồng thời, địa phương cũng đã nghiên cứu, lập quy hoạch cụ thể các vùng, làng nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh; thành lập Hội Yến sào tỉnh để hỗ trợ cho người nuôi chim yến về các quy định của Nhà nước, kỹ thuật dẫn dụ, nuôi và quản lý đàn chim yến hiệu quả… Đây là những điều kiện để phát triển nghề nuôi chim yến tại địa phương.

Theo ông Khiêm, thời gian qua, cùng với chính sách của nhà nước, nghề nuôi chim yến ở Phú Yên được hỗ trợ nhiều. Trong đó, vấn đề bảo vệ và phát triển đàn, giữ nguồn gen và tạo vùng thức ăn lâu dài cho chim yến được chú trọng triển khai. Ngoài ra, việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ như quy trình kỹ thuật ấp nở chim yến nhân tạo, dẫn dụ chim yến, kỹ thuật xây nhà nuôi yến… ngày càng hoàn thiện đã hỗ trợ tốt cho người nuôi.

Nhờ có nhiều điều kiện thuận lợi, tốc độ xây dựng nhà yến trên địa bàn tỉnh Phú Yên tăng mạnh, nhất là từ các năm 2017-2019. Hiện Phú Yên có trên 900 nhà yến với tổng sản lượng gần 3 tấn/năm, mang lại thu nhập cho nghề yến toàn tỉnh, kể cả chế biến sâu khoảng 200 tỷ đồng/năm.

Gia Lai là tỉnh tiềm năng để phát triển nghề nuôi chim yến. Toàn tỉnh hiện có 1.303 nhà nuôi chim yến với sản lượng khoảng 6.500 kg/năm.

Để phát triển nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, trong đó các doanh nghiệp chế biến, phát triển thị trường, bao tiêu sản phẩm giữ vai trò quan trọng.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ mới cũng được quan tâm như bộ điều khiển âm thanh sử dụng sóng siêu âm theo thời gian trong ngày, theo mùa sinh sản, bên trong nhà yến sử dụng hệ thống âm thanh hỗn hợp như là âm thanh thực của gia đình nhà yến, lựa chọn hệ thống âm thanh để tạo tiếng kêu phù hợp với tiếng chim yến tại địa phương.

Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm từ yến đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với việc thường xuyên tổ chức, giới thiệu, quảng bá thương hiệu qua các hội chợ, triển lãm thương mại, triển khai thương mại điện tử… liên kết các nhà nuôi chim yến cùng xây dựng thương hiệu, tham gia sản phẩm OCOP, phát triển thị trường cho sản phẩm yến để cùng nhau lớn mạnh.

Ông Thái Văn Dũng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai, cho biết: “Các tổ chức, cá nhân nuôi yến cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, mã số định danh nhà yến (phục vụ truy xuất nguồn gốc)… Hơn nữa, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong quy trình sản xuất để khai thác và chế biến hiệu quả sản phẩm yến, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với sản phẩm từ các quốc gia khác. Khi khảo sát, đầu tư xây dựng nhà yến phải nằm trong vùng được phép nuôi chim yến được quy định tại Nghị quyết 127/2020/NQ-HĐND ngày 9/7/2020 của HĐND tỉnh Gia Lai”.

Mang lại giá trị kinh tế cao nhưng còn nhiều bất cập

Theo ông Đỗ Hữu Phương, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) với điều kiện khí hậu, thời tiết thích hợp, nghề nuôi chim yến lấy tổ đã và đang phát triển mạnh.

Cũng theo ông Phương, nếu không tính tiêu dùng nội địa, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu  hơn 100 tấn yến sào, thu về khoảng 200 - 300 triệu USD/năm, đây thực sự là một nghề quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao trong ngành chăn nuôi. Hiện một số địa phương đã thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến. Cùng với đó, một số công ty đã xây dựng phần mềm để quản lý chủ nhà yến, liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu tổ yến, sản phẩm từ yến đi Trung Quốc.

“Trước đây, sản phẩm yến sào Việt Nam chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch nên giá trị kinh tế chưa cao. Việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định; việc đầu tư vào khâu chế biến sâu còn hạn chế, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị thấp”, ông Phương đánh giá.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nay việc nuôi còn nhiều bất cập cần sớm khắc phục. Về quy hoạch, điều đáng lưu ý là từ cuối năm 2019, việc xây mới nhà nuôi yến phát triển tràn lan khiến chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn khó kiểm soát nên làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và an ninh, trật tự ở địa phương.

Hiện nay, Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật giao cho UBND cấp tỉnh xin ý kiến của HĐND tỉnh quy định vùng nuôi chim yến. Nhưng đến nay, đại đa số các tỉnh chưa có quy định này khiến người nuôi yến khó khăn trong việc xây mới nhà nuôi yến.

Còn có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân đến các tỉnh tư vấn xây dựng nhà yến nhưng mục đích chính là thu tiền tư vấn, bán vật tư làm nhà yến mà không quan tâm đến việc xây nhà yến xong, yến có đến ở hay không. Việc này có thể gây thiệt hại rất lớn cho người dân và ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý ngành.

Việc thống kê nhà yến, sản lượng tổ yến ở nhiều tỉnh chưa cập nhật. Các cơ sở nuôi yến còn chưa kê khai thực về diện tích nhà yến, sản lượng tổ yến, nên khó khăn cho các cơ quan quản lý các cấp.

Kỹ thuật nuôi chim yến cũng còn hạn chế ở trình độ, nghiệp vụ quản lý, cán bộ quản lý vì chưa được tập huấn, đào tạo chuyên môn quản lý chim yến, nhà yến. Rất nhiều trường hợp đầu tư xây nhà hàng tỷ đồng mà không dẫn dụ được đàn chim yến hoặc dẫn dụ được chim yến vào rồi nhưng chúng lại bỏ đi nên rất lãng phí.

Chim yến với đặc thù là chim hoang dã, sống thành đàn lớn, bay lượn trên cao nên rất khó kiểm soát dịch bệnh hơn các loại gia cầm khác khi dịch cúm gia cầm xảy ra.

Hiện cũng chưa có các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động của chim yến và sản phẩm từ yến. Đặc biệt, thời gian qua xuất hiện các hiện tượng rất tiêu cực như dẫn dụ săn bắt chim yến theo kiểu tận diệt ở nhiều địa phương, trong thời gian dài, làm giảm đàn chim yến. Điều này vừa vi phạm pháp luật, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn gen quý hiếm và hệ sinh thái phát triển chim yến, gây bức xúc cho xã hội.

Ông Vũ Cường, Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, năng lực sản xuất yến sào của Việt Nam không thua các quốc gia trong khu vực, yến sào Việt Nam được đánh giá cao tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, do nghề nuôi, chế biến yến sào tại Việt Nam chưa được tổ chức sản xuất theo chuỗi, sản phẩm còn đơn điệu chủ yếu là xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến, chưa có thương hiệu nên giá trị rất thấp.

Bai 2: Đâu là khó khăn?

 

Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top