Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 28 tháng 10 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 10 năm 2024 | 10:35

Tại sao HTX nông nghiệp chưa hấp dẫn nông dân? (Bài 3): Cơ chế chính sách, giải pháp để HTX “hút” nông dân

Để kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX) phát triển tương xứng với tiềm năng, thực sự trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới”.

Bài 1 - Tiêu chí cốt lõi: Hài hòa lợi ích

Bài 2: Những mô hình tiêu biểu cần nhân rộng

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến hiến kế các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là thu hút nguồn lực, tăng cường thu hút thành viên, nâng cao hiệu quả hoạt động và nhiều đề xuất về chính sách hỗ trợ được nêu lên.

Thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, khu vực KTTT, HTX có chuyển biến tích cực cả về chất và lượng. 

Tuy nhiên, để KTTT, HTX phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cần có cơ chế, chính sách, giải pháp để tạo sự đột phá, khơi thông điểm nghẽn, phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế. Từ đó, thu hút nông dân tham gia HTX.

Xây dựng thương hiệu cho HTX

Trong 20 năm qua, hành lang pháp lý chung và các cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong đó có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ; hỗ trợ về đầu tư phát triển hạ tầng; chính sách giao đất, cho thuê đất; chính sách về tín dụng; hỗ trợ chế biến sản phẩm…

Có thể khẳng định, KTTT, HTX đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng, KTTT, HTX đang đóng góp tích cực vào phát triển ngành nông nghiệp. Minh chứng rõ nhất là chất lượng, số lượng nông sản hàng hóa của Việt Nam thời gian qua đã được nâng lên, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu của nhiều thị trường quốc tế. Thông qua HTX, doanh nghiệp cũng có những cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và cạnh tranh trên thị trường. Nhiều HTX cũng đã xây dựng được những vùng nguyên liệu đạt chất lượng, với những nông sản có thương hiệu trên thị trường.

Tuy nhiên, khu vực KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, không gian, dư địa và mục tiêu, yêu cầu từ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp của khu vực KTTT vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm; năng lực sản xuất kinh doanh còn hạn chế, chưa có nhiều HTX thật sự hiệu quả, có khả năng lan tỏa; còn một số HTX được thành lập mang tính hình thức, trông chờ hỗ trợ từ Nhà nước.

Mới đây, thăm HTX Phú Mỹ Châu (Châu Thành - Trà Vinh) và một số mô hình HTX khác tại địa phương, như mô hình lúa – tôm, cơ sở thủ công mỹ nghệ, khu du lịch nông thôn… Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần xây dựng thương hiệu cho HTX, làm sao mỗi nhà, mỗi thành viên đều có bảng thông tin về HTX của mình để cùng đồng hành.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng các thành viên trong đoàn công tác thăm mô hình sản xuất măng tre lục trúc của HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu (xã Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang).

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, kinh tế tuần hoàn là con đường đi, nhưng nhiều HTX còn lúng túng và chỉ loay hoay vào mùa vụ. Do đó, cần xây dựng thương hiệu cho HTX, làm sao mỗi nhà, mỗi thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để cùng đồng hành.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý, thời gian tới, Trà Vinh cần quan tâm, hỗ trợ các thành viên HTX thay đổi tư duy, có cách nghĩ và cách làm mới; hợp tác liên kết, tận dụng không gian kinh tế để từng HTX trở thành một cộng đồng; phát triển nhiều loại hình dịch vụ để nâng cao giá trị, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, hợp tác... Từ đó nâng cao mức sống của người nông dân.

Còn trong chuyến thăm và làm việc tại huyên Tân Yên (Bắc Giang) sau khi trao đổi với các chủ thể HTX và chính quyền địa phương về tình hình sản xuất của các mô hình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao tâm huyết của các chủ HTX trong việc đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất các sản phẩm nông sản. Bộ trưởng cho rằng, việc triển khai mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ hiện đại gắn với phát triển tiềm năng thế mạnh của địa phương là rất cần thiết, từ đó tiếp tục nhân rộng để triển khai và để người dân thấy được hiệu quả của canh tác theo hướng hữu cơ.

Chính quyền địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con nông dân để nâng cao nhận thức, không chỉ dừng ở việc phát triển sản xuất nông nghiệp mà phải là phát triển kinh tế nông nghiệp. Có như vậy, mới thu hút nông dân tham gia vào HTX.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục hướng dẫn người dân xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; triển khai đồng bộ các giải pháp quảng bá sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, liên kết đưa vào hệ thống phân phối của siêu thị; tiếp tục phát triển mô hình kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa địa phương…, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Tạo động lực phát triển

Luật HTX năm 2023 thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW tại một chương riêng để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức KTTT phát triển, gồm: Phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; đất đai; thuế, phí và lệ phí; tiếp cận vốn, bảo hiểm; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp cận và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro.

Cùng với sự ra đời của Luật HTX mới, ngày 18/7/2023, Chính phủ  ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết số 106/NQ-CP đặt ra nhiệm vụ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp (gọi tắt là CGI) và Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện. CGI được kỳ vọng giúp tạo ra nhiều “động lực” để thúc đẩy ngành chức năng tại các địa phương tăng cường các cơ chế chính sách và triển khai các hoạt động hỗ trợ một cách thiết thực để tạo môi trường thuận lợi cho HTX nông nghiệp phát triển. Bởi CGI được xây dựng hướng đến việc cung cấp thông tin hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố thực hiện cải cách môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho sự phát triển bền vững và hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể và HTX nông nghiệp. Hiện, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn xây dựng CGI.

Theo ông Lê Đức Thịnh, việc xây dựng CGI rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Từ đó tạo ra bức tranh tổng thể về sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ hoạt động của HTX. Mặt khác, tạo cơ sở để địa phương sửa đổi hoặc tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX nông nghiệp.

Định hướng phát triển HTX nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, nhằm thúc đẩy phát triển HTX nông nghiệp đã được định hướng xuyên suốt trong các Nghị quyết, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước qua từng thời kỳ, gần nhất là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương và Luật HTX năm 2023, thời gian qua Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang tập trung chỉ đạo, triển khai phát triển KTTT, HTX nông nghiệp thông qua các Chương trình, Đề án trọng điểm như:

Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ về phát triển HTXNN phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Nội dung tập trung vào: Xây dựng mô hình HTXNN điển hình; nghiên cứu xây dựng chỉ tiêu, chỉ số, phương pháp, hình thức đánh giá, xếp hạng “Môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Triển khai Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Đề án nâng cao năng lực thích ứng BĐKH của HTX NN vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 854/QĐ-TTg. Nội dung tập trung vào các hoạt động: Tập huấn, bồi dưỡng tăng cường năng lực quản lý HTX; củng cố quy mô, năng lực hoạt động của HTX; xây dựng mô hình HTX điển hình.

Đề án Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Để phát triển các HTX tham gia Đề án, Bộ ban hành Quyết định số 1146/QĐ-BNN- KTHT ngày 22/4/2024 phê duyệt Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, hợp tác xã nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Đề án.

Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn là cần thiết, để nông sản xuất khẩu có giá trị và giúp HTX NN phát triển bền vững. Ảnh: TL

Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn theo Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/03/2022. Sau 02 năm triển khai, 05 vùng nguyên liệu đạt chuẩn do Bộ thí điểm xây dựng đã hình thành ngày càng rõ nét và phát triển về diện tích và chất lượng. Nhiều HTX đã được thành lập mới và củng cố lại (hiện có 383 HTX tham gia Đề án trong các vùng nguyên liệu); cán bộ thành viên HTX được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ phần mềm kế toán HTX, phần mềm nhật ký sản xuất.

Chương trình đào tạo nghề Giám đốc HTX nông nghiệp: Đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng chuẩn hóa được hệ thống tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo như: Chuẩn đầu ra, chương trình, giáo trình, học liệu điện tử tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác đào tạo; đã tổ chức đào tạo nghề Giám đốc HTX nông nghiệp cho 805 học viên tham gia.

Triển khai Dự án khu vực “Các Trung tâm đổi mới Sáng tạo Xanh” sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức; phối hợp các tổ chức quốc tế như: GIZ, DRGV,... để tổ chức các hội thảo, diễn đàn HTX NN; phát triển tài liệu, giáo trình; thí điểm xây dựng mô hình HTX, liên kết điển hình.

Như vậy, chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT tập trung phát triển KTTT, HTX nông nghiệp nhằm: Thực hiện việc chuyển đổi nền nông ngiệp theo hướng bền vững theo Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; mở rộng quy mô của HTX thông qua việc tăng quy mô thành viên/HTX và thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các HTX với nhau; gắn phát triển KTTT, HTX nông nghiệp với việc phát triển liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra; tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ và thành viên thông qua các Chương trình đào tạo nghề Giám đốc HTX nông nghiệp.

Thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn của HTX nông nghiệp

Trong báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về tầm quan trọng của hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung nghiên cứu, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 20-NQ/TW, Luật Hợp tác xã năm 2023, Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ: Về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng tầm tư duy và tạo quyết tâm cao trong toàn ngành nông nghiệp về nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX NN trong giai đoạn mới. 

Tiếp tục củng cố hoạt động của HTX NN theo hướng minh bạch, hiệu quả đáp ứng các điều kiện vay của ngân hàng, tổ chức tín dụng. Ở mỗi ngành, mỗi cấp khi đào tạo nâng cao năng lực của HTX NN cần tập trung đào tạo nâng cao năng lực quản trị, quản lý HTX NN các nghiệp vụ như: kế toán, kiểm toán nội bộ HTX NN, báo cáo tài chính; kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh (chú trọng kế hoạch vốn) phù hợp với các hồ sơ, điều kiện vay của ngân hàng, các tổ chức tín dụng theo các quy định hiện hành đảm bảo HTX NN có thể tiếp cận tốt hơn các gói vay có thế chấp, gói vay tín chấp, ngắn hạn, trung và dài hạn.

Từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chính sách của Nhà nước đối với HTX NN theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2023 và Nghị định số 113/2024/NĐ-CP ngày 12/9/2024 hướng dẫn một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2023. Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ HTX NN cần phát hiện, tổng kết những tồn tại, hạn chế, bất cập của các chính sách, định kỳ báo cáo Quốc hội, Chính phủ để sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX NN.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển KTTT, HTX nông nghiệp. Các Bộ, ngành và UBND các cấp xây dựng và triển khai các Đề án, chương trình, ưu tiên bố trí nguồn lực: có bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX đến cấp xã (xã, phường, thị trấn), bố trí ngân sách để thực hiện phát triển KTTT, HTX. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các ngành hàng chủ lực như cà phê, lúa gạo, tôm…tập trung chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc về vốn (tín dụng ngân hàng), đất đai để KTTT, HTX nông nghiệp có môi trường thuận lợi liên kết với doanh nghiệp, các tổ chức khác dẫn dắt ngành hàng phát triển bền vững.

Không ngừng đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Mỗi HTX, THT, trang trại và danh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cần chuyên môn hóa các khâu trong sản xuất kinh doanh, dựa vào các nền tảng của công nghệ 4.0 (cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4) áp dụng vào lĩnh vực nông nghiệp để tối ưu hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phát huy vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Chính trị, tổ chức chính trị xã hội như: Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các đoàn thể, hội, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Luôn phát hiện, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình HTX, THT, trang trại, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp để tạo sức lan tỏa trong cán bộ quản lý nhà nước và người dân làm chuyển biến mạnh về nhận thức về phát triển mô hình KTTT, HTX trong giai đoạn mới. Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của thành niên nông thôn thông qua tuyên truyền, giới thiệu các cách làm hay, người tốt, việc tốt ở các mô hình HTX, THT, trang trại nông nghiệp.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Tranh thủ các nguồn lực của các tổ chức Quốc tế, không ngừng trao đổi kinh nghiệm phát triển HTX NN ở các nước có phong trào HTX phát triển. Đặc biệt là các nước có mô hình HTX NN tương đồng như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…Đẩy mạnh việc đưa cán bộ, thành viên HTX NN đi học tập lao động ở trong các HTX của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan để về phục vụ trong các HTX Việt Nam.

Tiếp tục triển khai một số chương trình, đề án điển hình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng các mô hình HTX trong chương trình 1 triệu ha lúa, mô hình HTX hữu cơ, trong nuôi trồng thủy sản, mô hình HTX gắn với bảo vệ và phát triển bền vững lâm nghiệp. HTX nghề muối, HTX khai thác và dịch vụ hậu cần thủy sản. Mỗi cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần bám sát các ngành hàng để có hướng dẫn, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX theo ngành hàng, theo sản phẩm chủ lực của địa phương. Hoàn thiện và nhân rộng mô hình HTX trong Đề án thí điểm vùng nguyên liệu theo Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT.

Thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn của HTX để tỷ lệ HTX nông nghiệp được vay vốn 2% tăng lên ít nhất 20% năm 2025 và 50 % trong năm 2030. Trong đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần trình Chính phủ có chính sách cho vay riêng đối với HTX NN theo quy định tại Điều 23 của Luật HTX năm 2023, trước hết thí điểm các gói tín dụng cho vay đối với một số HTX ngành hàng nông nghiệp như: Cà phê, gỗ rừng trồng, trái cây, lúa gạo; song song với việc cho vay thì điểm là các gói thí điểm bảo hiểm tiền vay đối với HTX NN theo quy định tại Điều 23 và Điều 28 của Luật HTX năm 2023. Có văn bản chỉ đạo một số ngân hàng thương mại thiết kế các gói vay ngắn hạn, trung hạn (trong mùa thu hoạch) cho HTX NN vay thế chấp bằng hàng hóa, bằng hợp đồng kinh tế, thương mại ở các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, sầu riêng.

Đổi mới không có điểm dừng

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII để “Phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng...; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lúa và làm việc với HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (ấp 5, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Phát triển KTTT, HTX là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc; do đó, chúng ta phải đổi mới tư duy, bắt đầu từ nhận thức; có tầm nhìn xa, tổng thể; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vươn lên với các khu vực, thành phần kinh tế khác.

Phát triển KTTT, HTX trong giai đoạn mới là  quá trình diễn ra không ngừng nghỉ, không có điểm dừng, đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tránh tư tưởng hình thức, nói không đi đôi với làm; làm phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp để đem lại những kết quả thiết thực.

Chuyển đổi mô hình KTTT, HTX một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực đòi hỏi sự tham gia, chung sức của cả hệ thống chính trị, HTX và người dân.

Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đối với những vấn đề “đã chín, đã rõ”, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, tiếp tục phát huy; những vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau, chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn đổi mới, làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược để thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, trong đó có KTTT, HTX. Thủ tướng cho rằng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ chính trị và thường xuyên của các cấp, các ngành, các địa phương. Do đó, phải dành sự lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện phù hợp. Mặt khác, HTX có thể thành lập công ty, HTX có thể hình thành trên tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ trong nông nghiệp hay vận tải.

Chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn chế độ kế toán HTX, liên hiệp HTX phù hợp; hoàn thiện các quy định về thuế phí, trong đó ưu tiên hỗ trợ phù hợp cho đối tượng HTX.

Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã liên kết với các hộ dân hình thành vùng sản xuất rau an toàn, khoai tây giống, khoai tây thương phẩm, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm.

“Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Vì vậy, khu vực KTTT, HTX cũng phải phát triển theo hướng tự lực, tự cường gắn với tăng cường liên kết giữa các thành viên, giữa khu vực KTTT với các khu vực kinh tế khác và mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Chính phủ luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để khu vực KTTT, HTX phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, đóng góp ngày càng tích cực vào thành tựu phát triển KTXH chung của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • “Cây kinh tế” của bản làng Xa Phó

    “Cây kinh tế” của bản làng Xa Phó

    Từ cây chuối, đồng bào Xa Phó ở thôn 2 Nhai Thổ, xã Kim Sơn (Bảo Yên - Lào Cai) đã đa dạng hóa sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Để sản phẩm OCOP thực sự có chỗ đứng trên thị trường

    Để sản phẩm OCOP thực sự có chỗ đứng trên thị trường

    Trước sự mở rộng của chương trình OCOP trong thời gian gần đây, câu chuyện xây dựng thương hiệu đang là nỗi trăn trở của hầu hết doanh nghiệp. Đâu là giải pháp để sản phẩm OCOP thực sự có chỗ đứng trên thị trường.

  • Thu trái ngọt từ núi đá Nậm Dù

    Thu trái ngọt từ núi đá Nậm Dù

    Sau nhiều năm gắn bó với vườn đồi, ông Trần Hữu Quân ở thôn Nậm Dù, xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai) đã tích lũy cho mình kinh nghiệm quý trong trồng cây ăn quả.

Top