Trước sự mở rộng của chương trình OCOP trong thời gian gần đây, câu chuyện xây dựng thương hiệu đang là nỗi trăn trở của hầu hết doanh nghiệp. Đâu là giải pháp để sản phẩm OCOP thực sự có chỗ đứng trên thị trường.
Để mở rộng hơn thị phần bán lẻ vẫn là thách thức lớn với sản phẩm OCOP.
Mở rộng các câu lạc bộ OCOP
Chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, của chủ thể về tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời xác định rõ vai trò của liên kết sản xuất và phát huy trí tuệ địa phương để tạo ra sản phẩm phong phú, đảm bảo chất lượng và tạo việc làm ổn định.
Tính đến nay, cả nước đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó gần 74% đạt 3 sao, gần 25% đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao.
Trong thời gian qua, Bộ Công thương và Sở Công thương các tỉnh thành đã nỗ lực đưa các sản phẩm tham gia vào chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng OCOP vào hệ thống phân phối của các siêu thị hiện đại như Central Retail, Aeon, MM Mega Martket, Satra…
Tuy nhiên, để mở rộng hơn thị phần bán lẻ vẫn là thách thức lớn với sản phẩm OCOP. Bởi sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế.
Hơn nữa, bên cạnh yếu tố về quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, sự hiểu biết của một số cán bộ cơ sở và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản. Ngoài ra, khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Hóc Môn, Chủ chủ nhiệm Câu lạc bộ OCOP huyện Hóc Môn nhận định, có một điểm nghẽn cần giải quyết hiện nay là sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, hầu hết các địa phương, doanh nghiệp chưa có nhiều hoạt động mang tính đột phá để mở rộng thị trường.
“Do đó, doanh nghiệp đạt chứng nhận dễ “chết yểu” vì không ghi nhận sự phát triển. Nguyên nhân chính đến từ việc người dân chưa hiểu rõ sản phẩm OCOP là như thế nào, độ phủ thông tin về sản phẩm OCOP còn rất hạn chế”, ông Luận chia sẻ.
Đây cũng là lý do mà mới đây, UBND huyện Hóc Môn (TP.HCM) và các đơn vị liên quan chính thức ra mắt câu lạc bộ OCOP Hóc Môn. Dịp này, Hội quán OCOP Hóc Môn cũng chính thức đi vào hoạt động. Đây sẽ là nơi để các doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm từ marketing, thị trường, chất lượng, đầu tư sản xuất… để hoàn thiện sản phẩm, từ đó hướng đến mở rộng cả thị trường nội địa, lẫn quốc tế.
Tính đến hiện tại, trên địa bàn toàn huyện Hóc Môn đã được công nhận 40 sản phẩm OCOP của 20 chủ thể. Trong đó, 10 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 30 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Tại đợt 2 trong năm 2024 này, huyện Hóc Môn đón nhận thêm 7 sản phẩm của 4 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Ông Nguyễn Ngọc Luận thông tin, câu lạc bộ OCOP Hóc Môn ban đầu quy tụ 16 hội viên. Sau một tháng hoạt động, câu lạc bộ đã kết nạp thêm nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị trình hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP và những doanh nghiệp có sản phẩm tiềm năng để nâng cấp thành sản phẩm OCOP để các thành viên có thể hỗ trợ cho nhau.
“Trong câu lạc bộ, chúng tôi sẽ có các chuyến tham quan đến cơ sở, nhà máy sản xuất của từng đơn vị thành viên. Đồng thời các thành viên có nhiều kinh nghiệm sẽ tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp mới từ việc bố trí, trưng bày sản phẩm; cách thức hoạt động cho đến thực hiện các tiêu chí đặt ra cho một sản phẩm OCOP… Từ đó, mỗi một đơn vị sẽ có bước “tiền OCOP” với kiến thức vững chắc, tích luỹ đủ kinh nghiệm để trình hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP”, ông Luận chia sẻ.
Ngoài ra, nét mới và độc đáo của hoạt động này là Hội quán OCOP Hóc Môn với chương trình “Chợ phiên OCOP” được tổ chức định kỳ vào sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần với sự tham gia của Hội nông dân, Mặt trận tổ quốc và các phòng kinh tế của huyện Hóc Môn để thông báo cho nông dân, bà con ở các xã… có thể đến tìm hiểu, mua sản phẩm OCOP của huyện. Đồng thời, các hội viên mới và doanh nghiệp, đối tác sẽ có thêm cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai chứng nhận OCOP, quảng bá thương hiệu OCOP và mở rộng thị trường.
"Hiệu ứng rất tốt, người dân phần nào hiểu hơn vào sản phẩm OCOP. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng chợ phiên OCOP, trưng bày sản phẩm tại khu vực trung tâm của chợ huyện Hóc Môn. Ngoài ra, mỗi xã sẽ có một cửa hàng OCOP để tiếp cận nhiều người tiêu dùng", ông Luận cho hay.
Nhờ hiệu quả mang lại, hiện Câu lạc bộ OCOP Hóc Môn đã có một doanh nghiệp mở thêm cửa hàng OCOP cá nhân ở địa điểm khác. Có thể thấy, mô hình Câu lạc bộ OCOP Hóc Môn về cơ bản mang lại nhiều lợi ích cho các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, góp phần nâng giá trị và mở rộng thị trường thông qua nhiều hơn nữa các kênh thương mại, từ truyền thống cho đến hiện đại.
Đây cũng là mô hình được nhiều doanh nghiệp đánh giá đáng học hỏi và nhân rộng ra toàn TP.HCM nói riêng và toàn quốc nói chung để sản phẩm OCOP thực sự có chỗ đứng trên thị trường.
Gia tăng kết nối
Trong những năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã góp phần không nhỏ trong việc kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh trong sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, đóng góp lớn trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội của tỉnh. Hiệp hội đã tổ chức thành công 7 đoàn xúc tiến thương mại tại 3 miền Bắc – Trung – Nam, gồm 7 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vũng Tàu, Cần Thơ và Bình Định, tạo nhiều sân chơi lành mạnh cho các doanh nhân, doanh nghiệp được giao lưu, gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng, điều hành và phát triển.
Đưa sản phẩm OCOP và nông sản đến gần hơn với đông đảo người tiêu dùng
Phát biểu tại hội thảo “Vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh trong thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa" Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan, nhấn mạnh: Hội thảo với mục tiêu hướng đến sự gia tăng kết nối các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm trong và ngoài tỉnh. Qua đó, hình thành liên kết giữa sản xuất - cung ứng và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP. Góp phần nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm của tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa hiện có hơn 38.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có hơn 21.000 doanh nghiệp hoạt động và có phát sinh doanh thu. Doanh nghiệp Thanh Hóa hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, thương mại, du lịch, y tế, giáo dục... Sau 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay tỉnh Thanh Hóa đã có 531 sản phẩm OCOP và vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cho hay, để góp phần xây dựng thương hiệu, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản xứ Thanh, đưa nông sản tỉnh đến nhiều hơn nữa thị trường trong nước và xuất khẩu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn mỗi doanh nghiệp mạnh dạn đề xuất, đưa những giải pháp hiệu quả để Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có định hướng hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNN tỉnh Thanh Hóa, cho biết công tác kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn đã góp phần thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
"Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 600 doanh nghiệp tham gia quảng bá bán hàng trên các sàn thương mại điện tử với trên 1.000 sản phẩm OCOP các loại.
Thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh đã được phát triển sâu rộng, đến nay sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn của Thanh Hóa đã có mặt ở gần 50 tỉnh, thành và đã xuất khẩu sang thị trường 20 nước, khu vực trên thế giới...", ông Cường thông tin.
Theo ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đây sẽ là dịp góp phần giúp ngành nông nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là các địa phương sẽ có định hướng trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; các doanh nghiệp có cơ hội ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng ngành nông nghiệp Thanh Hóa sớm trở thành ngành sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao...
Phát triển nghiệp vụ, kỹ năng tiêu thụ sản phẩm OCOP
Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh tổ chức lớp tập huấn phát triển nguồn nhân lực về nghiệp vụ, kỹ năng tiêu thụ sản phẩm OCOP thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.
Các đại biểu tham dự lớp tập huấn.
Tại lớp tập huấn, các đại biểu được hướng dẫn chu trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các địa phương; cung cấp kiến thức, phương pháp, kỹ năng bán các sản phẩm trên nền tảng số; cách xây dựng gian hàng và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên nền tảng thương mại điện tử; thực hành bán các sản phẩm OCOP của thanh niên nông thôn trên các phương tiện số.
Thông qua lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của chương trình OCOP; hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất tham gia hiệu quả vào chương trình, góp phần nâng cao năng lực về sản xuất, gia tăng giá trị và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với nhu cầu của thị trường cho các chủ thể vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, nâng cao kỹ năng, kiến thức và năng lực cần thiết để tham gia vào các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và tăng khả năng cạnh tranh trong môi trường kinh doanh hiện đại.
Hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm OCOP
Nhằm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã tổ chức hội thảo để thảo luận về thực trạng, giải pháp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP; đề xuất các giải pháp xây dựng chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm; quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Cùng với các cấp, các ngành, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như phối hợp với Bưu điện tỉnh đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart; đưa sản phẩm tham gia trưng bày tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Hội Nông dân tỉnh giao Hội Nông dân thành phố Thái Bình xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản xanh để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chất lượng của nông dân, trong đó chủ yếu là các sản phẩm OCOP.
Cửa hàng liên kết nông sản xanh (thành phố Thái Bình) điểm giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chất lượng của nông dân, trong đó chủ yếu là các sản phẩm OCOP.
Với mục tiêu phát triển cửa hàng liên kết nông sản xanh trở thành nơi hội tụ của các sản phẩm OCOP, Hội Nông dân thành phố cùng Công ty TNHH MTV Nông sản xanh tích cực liên kết với các chủ thể OCOP để quảng bá sản phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh, chúng tôi đã phối hợp triển khai xây dựng thành công cửa hàng liên kết nông sản xanh để giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền. Đến nay, cửa hàng đã được hơn 20 chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đón nhận với hơn 50 sản phẩm trưng bày trên kệ hàng. Qua đó không chỉ góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản mà còn giúp cho người tiêu dùng có đa dạng sự lựa chọn khi đến cửa hàng.
Ông Phạm Quốc Anh, trưởng phòng kinh doanh, cửa hàng liên kết nông sản xanh chia sẻ: Qua một thời gian mở bán, cửa hàng đón nhận rất nhiều sự ủng hộ của khách hàng. Chúng tôi mong muốn có thể hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm và cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh những sản phẩm chất lượng cao mang đặc trưng Thái Bình. Thời gian tới, cửa hàng sẽ tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp, cửa hàng để đưa các sản phẩm của Thái Bình đến với các tỉnh, thành phố khác để tiêu thụ, góp phần nâng giá trị của các sản phẩm OCOP lên tầm cao mới.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, những hội viên nông dân của huyện Tiền Hải đã chủ động kết nối và thành lập Hội OCOP huyện Tiền Hải. Tuy mới thành lập nhưng Hội OCOP huyện Tiền Hải đã tăng cường kết nối, hỗ trợ hội viên tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Ông Ngô Văn Duẩn, Chủ tịch Hội OCOP huyện Tiền Hải cho biết: Đến nay chúng tôi có 36 sản phẩm OCOP của 26 chủ thể, ở 18 xã được nhận diện thương hiệu “Nông sản 14/10”, trong đó 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Với đa dạng hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, những sản phẩm này ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng. Việc bảo đảm đầu ra thuận lợi là tiền đề quan trọng để các thành viên Hội OCOP huyện tiếp tục đầu tư, phát triển nông sản thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, Hội OCOP huyện đã tham gia 8 hội chợ, phát triển sàn thương mại điện tử mang tên “Hội OCOP Tiền Hải”.
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết thêm: Thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn hội viên xây dựng các sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền hội viên liên kết sản xuất, chuyển đổi số. Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh dự kiến sẽ phối hợp với Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông tập huấn, trang bị phần mềm quản lý mã vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP cho hội viên Câu lạc bộ nông dân xuất sắc để thử nghiệm. Đối với hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tỉnh sẽ tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia hội chợ và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP, thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu, qua đó từng bước mở rộng sản xuất, kinh doanh để giúp sản phẩm OCOP có điều kiện vươn xa. /.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt Quyết định số 503/QĐ-UBND về việc phát triển Đề án kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong năm 2024 – 2025 đặt ra bốn nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện đề án.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.