Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Tiềm năng, cơ hội
Những đặc trưng về độ cao, khí hậu á nhiệt đới, đất đai, rừng phong phú và đa dạng sinh học của 2 xã Na Ngoi và Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) là thế mạnh để bảo tồn và phát triển cây dược liệu mà không phải nơi nào cũng có được.
Năm 2015, Công ty Dược liệu Mường Lống thuộc Công ty Dược liệu TH (Tập đoàn TH) ra đời, thay thế Trại dược liệu Mường Lống có từ năm 1960 do Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An quản lý. Dự án trồng và sản xuất dược liệu của Tập đoàn TH tại huyện Kỳ Sơn đã không chỉ tạo vùng dược liệu với nhiều loại cây thuốc quý, mà còn góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt bản, làng, nâng cao và ổn định đời sống bà con dân tộc thiểu số vùng dự án. Hiện tại, diện tích vùng trồng dược liệu đã lên đến 136 ha, thu hút và tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp cũng đã xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu với các trang thiết bị hiện đại, bao tiêu toàn bộ sản phẩm dược liệu trên địa bàn.
Xã Mường Lống có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để các loài cây dược liệu sinh trưởng và phát triển. Ảnh: Ngọc Lan
Ngoài chăm sóc vườn giảo cổ lam trồng xen dưới tán rừng thì ba năm nay, vợ chồng chị Lý Y Xứ ở bản Mường Lống 2 (xã Mường Lống) được nhận vào làm công nhân chăm sóc vườn dược liệu cho Công ty Dược liệu Mường Lống. “Trước đây, gia đình thu nhập chủ yếu dựa vào làm nương rẫy, cuộc sống rất bấp bênh và thiếu thốn. Sau khi vợ chồng chúng tôi được vào làm công cho công ty, có công việc và thu nhập ổn định. Ngoài ra, công ty tập huấn cho người dân cách thu hoạch, bảo vệ, trồng thêm các loại cây dược liệu trong những cánh rừng và thu mua các loại cây dược liệu của dân bản”, chị Xứ chia sẻ.
Tại khu vườn bảo tồn dược liệu TH trải dài dưới chân núi Mường Lống, chúng tôi tận mắt nhìn thấy những biển hiệu ghi tên từng loại cây thảo dược chưa từng biết đến như: Lan thạch hộc, cây xá xị, xạ đen, tam thất bắc, sâm bảy lá một hoa, lạc tiên, giảo cổ lam, dây thìa canh lá to, đảng sâm, bồ công anh… Mỗi cây mang theo nhiều công dụng khác nhau đối với sức khỏe con người. Tất cả đang được bảo tồn trong từng khu vườn dưới những tấm lưới che màu đen lốm đốm ánh nắng mặt trời dọi qua.
Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng các khu vực mà công ty đang trồng các loại cây dược liệu, anh Nguyễn Đức Khang, kỹ sư nông nghiệp thuộc Công ty Dược liệu TH chia sẻ: "Trước đây, người dân cứ thấy cây dược liệu là thu hoạch, thậm chí thu hoạch theo cách tận diệt. Nhiều loại cây còn non, chưa đủ chất lượng người dân vẫn thu hoạch vì sợ người khác sẽ hái mất. Những loại cây này không bán được vì không đạt chất lượng, nên phải bỏ đi, rất lãng phí. Thì nay, bà con được công ty hỗ trợ về kỹ thuật, cũng như quy trình trồng, chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ, thu hoạch các loại cây dược liệu và cho thu nhập ổn định hơn”.
Chị Lý Y Xứ ở bản Mường Lống 2, xã Mường Lống chăm sóc vườn dược liệu của Công ty Dược liệu Mường Lống (Tập đoàn TH). Ảnh: Ngọc Lan
Ông Và Chá Xà, Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết, xã có hơn 90% dân số là người Mông, với trên 52% thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Cuộc sống của bà con còn rất nhiều khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào chăn nuôi và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Nếu bà con có thể trồng, chăm sóc, nhân rộng diện tích cây dược liệu trên địa bàn thì sẽ có một nguồn thu ổn định. Cây dược liệu sẽ trở thành sinh kế cho bà con nơi đây, vì không nơi nào đất đai, khí hậu lại phù hợp với các loài cây dược liệu như ở xã Mường Lống
Tại xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn), nơi có đỉnh Puxailaileng cao hơn 2.700m so với mực nước biển, là đỉnh núi cao nhất của dãy bắc Trường Sơn - ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào, ngoài trồng gừng, đào đá bán Tết, nhiều hộ gia đình còn đầu tư vào cây đẳng sâm và sâm Puxailaileng. Vài năm trở lại đây, diện tích cây dược liệu tăng lên đáng kể. Ngoài diện tích sản xuất của các doanh nghiệp, người dân trong xã trồng gần 3 ha đẳng sâm và hơn 1 ha sâm Puxailaileng, tam thất.
Anh Nguyễn Đức Khang, kỹ sư nông nghiệp Công ty Dược liệu Mường Lống (đóng tại xã Mường Lống) chia sẻ về kinh nghiệm trồng sâm 7 lá 1 hoa mà công ty đang trồng thử nghiệm. Ảnh: Ngọc Lan
Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, có nội dung 2 về đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Tiểu dự án 2 Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của mình, huyện Kỳ Sơn được tỉnh Nghệ An quy hoạch, lựa chọn là 1 trong 5 địa phương gồm Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu để triển khai nội dung 2 về đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Đây là cơ hội để Kỳ Sơn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Một số khó khăn, vướng mắc
Hiện nay, Kỳ Sơn đã hoàn thành kế hoạch phát triển cây dược liệu và đang chờ lấy ý kiến. Theo đó, huyện đã quy hoạch vùng trồng dược liệu với 210ha, đất sản xuất lâm nghiệp tại các xã Na Ngoi, Nậm Cắn, Mường lống, Huồi tụ, Tây sơn, Phà Đánh, Tà Cạ với 20 loài dược liệu (14 loài ưu tiên và 6 loài tiềm năng), tiêu biểu: Đảng sâm, Giảo cổ lam, Hà thủ ô, Sa nhân tím, Ba kích, Thiên niên kiện, Lan kim tuyến, Bảy lá một hoa, Gừng, Nghệ, Sâm Phuaxailaileng, Sâm Ngọc linh…
Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, nội dung thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý theo Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719 đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Việc hình thành liên kết sản xuất đối với dược liệu ở vùng đồng bào DTTS&MN còn nhiều hạn chế, không thu hút được các chủ thể tiếp cận Chương trình. Do đó, việc lựa chọn đơn vị chủ trì liên kết trong triển khai thực hiện Dự án gặp khó khăn, các doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực, không mặn mà với lĩnh vực đầu tư này.
Cán bộ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các kỹ sư Công ty Dược liệu Mường Lống. Ảnh: Ngọc Lan
Chia sẻ kinh nghiệm, nói về định hướng đầu tư phát triển dược liệu của Tập đoàn TH trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Anh hùng Lao động, bà Thái Hương - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á Thái Hương cho biết: Doanh nghiệp sẽ cung cấp, hỗ trợ về quy trình kỹ thuật, đồng hành cùng nông dân trong cả quá trình sản xuất và bao tiêu, chế biến sản phẩm nâng cao giá trị. Đất đai vẫn là của nông dân và nông dân sẽ trồng cây dược liệu trên chính đất đai của mình, đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị.
Trước hết, để có thể phát triển lâu dài và bền vững, chúng tôi sẽ tư vấn phương cách giúp bà con lấy ngắn nuôi dài, trồng những loại cây phù hợp tạo sinh kế trước mắt, nuôi rừng.
Đồng thời, từ sự phát triển bền vững cây dược liệu, có thể tính đến hướng đi phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tạo những điểm đến hấp dẫn vùng miền Tây tỉnh Nghệ An.
"Chúng tôi rất mong muốn có được sự đồng lòng của tỉnh Nghệ An, các ban, ngành, địa phương liên quan và đặc biệt là của những người nông dân vùng miền núi. Chúng ta sẽ cùng nhau làm một cuộc cách mạng, phát triển kinh tế rừng, phát triển bền vững cây dược liệu, mang lại giá trị bền vững, tạo sinh kế lâu dài cho người dân vùng miền núi”, Anh hùng Lao động Thái Hương cho biết.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết: Tiềm năng, thế mạnh về cây dược liệu của huyện là rất lớn. Với điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, lao động, Kỳ Sơn có thể trồng được nhiều loại cây nhưng vấn đề quan trọng là tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây là vấn đề khó, cần phải xây dựng được mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân. Cây dược liệu đang là giống cây hoàn toàn mới, có đặc thù riêng hoàn toàn khác với các giống cây lương thực, thực phẩm, nhất là trong khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ.
Nhiều doanh nghiệp đã đến Kỳ Sơn tìm hiểu, khảo sát đầu tư và cam kết đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có Tập đoàn TH đầu tư, cung cấp giống, kỹ thuật và phân bón cho người dân địa phương liên kết sản xuất cây dược liệu. Sau khi người dân thu hoạch, doanh nghiệp sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm với giá thỏa thuận. Hiện 18ha cây dược liệu được trồng dưới tán rừng đã cho thu hoạch sản phẩm.
Ngoài ra, quá trình triển khai liên quan đến nhiều luật, nghị định, thông tư trên nhiều lĩnh vực như đất đai, trồng trọt, dược, lâm nghiệp, tín dụng… Việc xác định quy trình, định mức hỗ trợ, cơ chế hỗ trợ, hướng dẫn lập dự toán và mua sắm trang thiết bị, vật tư, quyết toán nguồn vốn... hiện chưa rõ.
Thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý theo Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719 kỳ vọng sẽ là cơ hội để Kỳ Sơn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS. Ảnh: Ngọc Lan
Quy trình trồng một số loài dược liệu hiện chưa có và chưa ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật cụ thể, chi tiết cho từng đối tượng dược liệu quý, gây khó khăn cho việc hướng dẫn, triển khai thực hiện vùng trồng đảm bảo chất lượng và dự toán kinh phí thực hiện Dự án cũng như định mức hỗ trợ, đóng góp của các bên tham gia.
Vì vậy, huyện Kỳ Sơn rất mong được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Nghệ An và sự phối kết hợp các ban ngành liên quan trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển cây dược liệu theo Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719. Hy vọng, cây dược liệu sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thu nhập; góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS ở địa phương.