Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 11 năm 2024 | 11:6

Thanh Hóa đề ra nhiều giải pháp giúp ngành thủy sản phát triển

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển, nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp IUU”, nhằm đảm bảo khai thác thủy sản bền vững và hiệu quả.

Tiến bộ kỹ thuật tạo bước phát triển

Trong những năm qua, sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ về lĩnh vực khai thác thủy sản, nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng, tạo bước phát triển vượt bậc. Từ đội tàu thủ công lạc hậu, đến nay, cả nước đã có trên 30.300 tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 mét trở lên, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả đánh bắt, cơ giới hóa để giảm sức lao động cho ngư dân và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Hàng nghìn con tàu công xuất lớn có chiều dài từ 15m đã vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Hàng nghìn con tàu công xuất lớn có chiều dài từ 15m đã vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Tính từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đào tạo, tập huấn ToT cho 600 lượt người, triển khai 14 dự án khai thác, bảo quản, chế biến thủy sản. Nhiều dự án đã được chuyển giao cho ngư dân và phát huy hiệu quả thiết thực như: Dự án xây dựng mô hình cơ giới hóa nghề lưới chụp cho các đội tàu khai thác hải sản xa bờ; Dự án xây dựng mô hình ứng dụng vật liệu PU (Polyurethane) cho hầm bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ,…

Theo báo cáo, kết quả 9 tháng năm 2024, tổng sản lượng khai thác lũy kế đạt 3.016.500 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2023. Khai thác thủy sản tiếp tục gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi, thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU, không báo cáo và không theo quy định.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, lĩnh vực khai thác thủy sản cũng có một số thách thức lớn. Cụ thể, quy mô sản xuất còn chưa tương xứng với tiềm năng, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong tổ chức sản xuất và liên kết. Đầu tư cho hạ tầng chưa đồng bộ, giá trị gia tăng thủy sản thấp, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế.

Việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới vào lĩnh vực khai thác thủy sản, nhất là ứng dụng trong bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch đã cải thiện nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Thẻ vàng EC chưa được tháo gỡ, vẫn còn tình trạng vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, lao động khai thác thủy sản thiếu về số lượng, chưa đáp ứng về chất lượng. Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, đến sản lượng khai thác và thu nhập của người dân.

Đẩy mạnh nhiều giải pháp để tháo gỡ “thẻ vàng”

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung bàn giải pháp để đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân, cộng đồng, đơn vị quản lý, doanh nghiệp trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phòng chống khai thác bất hợp pháp vẫn còn diễn ra.

Các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá được xây dựng và đưa vào hoạt động giám sát việc khai thác, chống khai thác bất hợp pháp IUU.

Các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá được xây dựng và đưa vào hoạt động giám sát việc khai thác, chống khai thác bất hợp pháp IUU.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi nghề khai thác sang nuôi trồng thủy sản, giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá như: Xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; lắp đặt hệ thống giám sát hành trình, nhật ký điện tử, chống khai thác bất hợp pháp IUU. 

Tăng cường công tác quản lý đội tàu; theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá, nhất là đối với tàu cá không đủ điều kiện hoạt động, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Cường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh Thanh Hóa có 6.701 tàu thuyền đang khai thác đánh, bắt thủy hải sản trên biển, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 214.000 tấn. Để góp phần cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” EC, Thanh Hóa đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống giám sát tàu cá, tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ với các đại biểu trong Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Với sự quyết tâm của Chính phủ và sự chung tay của các cấp, các ngành, việc gỡ bỏ thẻ vàng là hoàn toàn khả thi. Việc gỡ bỏ thẻ vàng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường biển và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, diễn đàn giúp ngư dân hiểu sâu về chủ trương, quy định về chống khai thác IUU và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển, nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá.

Ông Hồng mong muốn các địa phương hãy tích cực tuyên truyền, phổ biến các kiến thức đã tiếp thu từ diễn đàn này tới ngư dân, đặc biệt là việc kiểm soát chặt chẽ số lượng tàu thuyền hoạt động nhằm khai thác thủy sản bền vững và hiệu quả hơn. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp cùng các địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chống khai thác IUU.

 

 

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
Top