Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 11 năm 2024 | 16:17

Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

Ngày 5/11/2024, được sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Viện KHKT Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao” tại Phú Thọ - một trong những địa phương sản xuất chè trọng điểm của cả nước.

Diễn đàn được tổ chức với mục đích truyền thông, phổ biến rộng rãi bộ giống chè mới, kinh nghiệm đổi mới bộ giống chè, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và chế biến các sản phẩm chè. Kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ cây trồng khác sang trồng chè chất lượng cao. Các yêu cầu thị trường đối với sản phẩm chè, đồng thời giải đáp những thắc mắc, khó khăn, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong quá trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè an toàn, chất lượng cao.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Lê Quốc Doanh (người mặc áo vest đen) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm chè chất lượng cao tại Diễn đàn.

Nhiều tiềm năng

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, diện tích chè cả nước năm 2023 đạt hơn 122.000 ha, giảm khoảng 12.000 ha so với năm 2015, tốc độ giảm bình quân 0,32%/năm. Nguyên nhân là do Lâm Đồng và một số tỉnh miền núi phía Bắc đã chuyển đổi diện tích chè già cỗi, giống cũ, năng suất và chất lượng thấp sang cây trồng khác, đặc biệt chuyển đổi sang cây ăn quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tuy nhiên, trái ngược với diện tích, trong khoảng thời gian này, năng suất chè tăng từ 85,9 tạ/ha lên 100,3 tạ/ha. Điều này đạt được là do thay đổi cơ cấu giống và kỹ thuật canh tác. Tuy diện tích giảm nhưng do năng suất tăng nên sản lượng chè năm 2022 đạt 1,125 triệu tấn, tăng 125.000 tấn so với năm 2015.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh thông tin, năm 2023, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt khoảng 121.000 tấn, trị giá 211 triệu USD, giảm 17% về lượng và 11% về giá trị so với năm 2022. Giá chè xuất khẩu trung bình trong năm 2023 ước đạt 1.737 USD/tấn, tăng 7,3% so với năm 2022.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Dự báo sản lượng xuất khẩu chè của Việt Nam đến năm 2030 đạt 136,5 nghìn tấn, tăng trung bình 0,82%/năm, chiếm khoảng 80% sản lượng chè sản xuất ra. Các thị trường chính của sản phẩm chè Việt Nam vẫn là Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia,… và chuyển hướng sang xuất khẩu các sản phẩm chè chất lượng cao ở thị trường EU…

Theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, Lai Châu là địa phương có điều kiện tự nhiên và đất đai thuận lợi, trong đó có 7/10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam nên rất thích hợp đề trồng chè.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 10.500ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 8.400ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt trên 70 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi trên 58.000 tấn. Diện tích chè thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 7.000ha, chiếm 67% tổng diện tích.

Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất; đa dạng về mẫu mã, sản phẩm. Lai Châu cũng ban hành các chính sách, hỗ trợ bà con phát triển ngành chè như: hỗ trợ 100% nguồn giống trong 3 năm đầu; chi phí đầu vào và đầu tư 15 tỉ đồng vào nhà máy sản xuất và chế biến.

Hiện nay, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.

Còn nhiều tồn tại

Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam - ông Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, ngành chè Việt Nam với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, từng được ví như “vàng xanh” của đất nước, mang trong mình tiềm năng to lớn và những giá trị truyền thống quý báu. 

Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, với sản phẩm được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta hiện chỉ đạt khoảng 65% so với mức bình quân của thế giới và chỉ bằng 55% giá bình quân của chè xuất khẩu từ Ấn Độ và Sri Lanka.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta còn thấp do phần lớn chè xuất khẩu của Việt Nam là chè thô, chưa qua chế biến sâu, đóng gói đơn giản, thiếu nhãn mác, thương hiệu rõ ràng… Điều này khiến chè Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm chè đến từ các quốc gia khác.

Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch.

Đặc biệt, còn có một vấn đề ngành chè đang đối mặt như giá người dân được hưởng từ bán cây chè rất thấp, bình quân chỉ khoảng 6.000 đồng/kg chè búp. Trong khi đó, giá bán cây ăn quả, cà phê… đang tăng dần và đây là một vấn đề rất đáng để lưu tâm.

 Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho rằng, nhìn ở mức chung, chè Việt Nam xuất khẩu có giá rẻ nhưng vẫn cao hơn giá thế giới. Thế giới nhìn nhận thị trường chè Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Trong khi đó, người làm chè đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không trau chuốt, làm mới mình mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đó là lí do vì sao, chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới.

“Mảng nội tiêu chúng ta làm rất tốt, như tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La. Ở Thái Nguyên có loại chè bán thấp nhất ở giá bình quân 7 USD/kg, nhưng cũng có loại chè bán với giá khoảng hơn 20 USD/kg. Như vậy, hòa chung giá xuất khẩu và giá nội tiêu, giá chè trung bình cả nước ở khoảng 4 USD/kg”, ông Long làm rõ vấn đề.

Hiện nay, có nhiều nhà máy nhỏ chắp vá đang rơi vào bẫy giá rẻ do thời gian dài chưa có đổi mới: nông nghiệp phá vỡ sản xuất tập trung, nông công nghiệp còn ít. Và họ lại tiếp tục tìm mua búp rẻ. 

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để phát triển ngành chè Việt Nam trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, để phát triển vùng sản xuất và nâng cao chất lượng chè, cần chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến nhằm gia tăng giá trị. Liên kết các vùng chè đặc sản với chương trình OCOP và phát triển du lịch.

Về khoa học kỹ thuật, cần đầu tư công nghệ hiện đại. Trong lĩnh vực thị trường và xúc tiến thương mại, ông Mạnh đề xuất đẩy mạnh thương mại điện tử và ứng dụng các công cụ kinh tế số như ngân hàng xanh, tín dụng xanh là cần thiết.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, người sản xuất, chế biến và thương mại chè cần thay đổi về cách tư duy. Người lao động tham gia trong chuỗi giá trị chè có nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập.

Bên cạnh việc sản xuất chè theo cách truyền thống, doanh nghiệp tin rằng, một số sản phẩm phụ trợ như làm bột matcha… ngày càng được thị trường đón nhận. Điều này đặt ra những vấn đề về tư duy sản xuất gắn với nhu cầu thị trường. Song hành với đầu tư công nghệ, ông Tuân dự kiến sẽ phát triển các sản phẩm như du lịch sinh thái tại các vùng trồng chè.

Ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn.

Về khâu giống, PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, nguyên Viện trưởng Viện KHKT Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Trưởng  Văn phòng Đại diện Hội Làm vườn Việt Nam tại vùng miền núi phía Bắc, chia sẻ, một sản phẩm chè cao cấp luôn được gắn với giống.

Đi sâu sát tới từng đại phương cụ thể ông Toàn đưa ra kiến nghị, đối với tỉnh Lai Châu cần tập trung vào nhóm giống có năng suất cao và chất lượng tốt để có thể sản xuất cả chè xanh và chè đen, đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Nghệ An cần phát triển giống chè phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ canh tác người dân...

“Vì vậy, nếu có chủ trương thay đổi giống cũ thì cần xem xét về quy mô bởi các giống chè chất lượng cao hiện nay cần điều kiện canh tác lớn”, ông Toàn nhấn mạnh.

Phát biểu bế mạc diễn đàn, PGS.TS. Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, cây chè là cây trồng có vị trí đặc biệt trong cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp, là cây công nghiệp dài ngày trọng điểm và có phát tích ở Việt Nam, gắn bó với người dân Việt Nam. Trong khi đó, cây chè chiếm diện tích lớn ở khu vực trung du, miền núi, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, môi trường và xã hội.

“Diện tích chè năm 2000 chỉ đạt khoảng 70.000ha nhưng đến nay tăng lên đến 125.000 ha, trong khi năng suất chè năm 2005 đạt 4,9 tấn/ha, hiện tăng lên đến 10 tấn/ha, tăng gấp hơn 2 lần. Giá bán tăng (nội tiêu và xuất khẩu) từ 1 USD/kg lên 1,74 USD -1,8 USD/kg. Từ kết quả này  cho thấy sự cố gắng và nỗ lực của các tầng lớp nhân dân cũng như các viện chuyên ngành với lực lượng khoa học mạnh mẽ”. Ông Doanh khẳng định.

Theo Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, chè trồng một lần nhưng có thể thu hoạch 30 - 40 năm hoặc lâu hơn nữa. Ngày nay trên thế giới có khoảng 40 nước trồng chè, nhưng được trồng tập trung nhiều nhất ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

Về hướng phát triển cây chè trong thời gian tới, ông Doanh cho rằng, cần quan tâm hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm xuất khẩu, và tiến tới là các sản phẩm nội tiêu.

Bên cạnh đó, phải mở rộng thị trường, bên cạnh những thị trường truyền thống như Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam đề nghị dành thêm thời gian nghiên cứu về những thị trường mới nổi, chẳng hạn như Hoa Kỳ.

Đồng thời, ông Doanh cũng đề nghị Cục Trồng trọt nghiên cứu ra các giải pháp cụ thể, sản phẩm cụ thể cho cây chè, tìm ra những bộ giống không những năng suất, chất lượng, mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, cần đa dạng sản phẩm theo đúng xu hướng thế giới, bao gồm các sản phẩm sau chè matcha, theo đúng tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Bộ NN-PTNT là "sản xuất theo tín hiệu thị trường".

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top