Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 9 tháng 11 năm 2024 | 9:9

Nghiên cứu và sử dụng thuốc BVTV: Hành trình vì sức khỏe và phát triển nông nghiệp xanh

Thách thức lớn nhất mà ngành BVTV gặp phải hiện nay là làm thế nào để người nông dân hiểu đúng về thuốc BVTV để sử dụng đúng, đảm bảo an toàn sức khoẻ và môi trường cũng như đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Thuốc BVTV vẫn là một loại vật tư quan trọng không thể thiếu trong phòng trừ dịch hại cây trồng, bảo vệ sản xuất trong nông nghiệp.

Đẩy mạnh nghiên cứu

Hiện nay, chúng ta đang có rất nhiều loại thuốc BVTV trên thị trường (có tới hơn 800 tên thương phẩm khác nhau), chính vì vậy, công tác nghiên cứu và sản xuất giới thiệu một sản phẩm thuốc BVTV là điều không hề dễ dàng.

Thông tin này vừa được đưa ra bàn luận tại Tọa đàm "Quy trình nghiên cứu, phát triển và quản lý thuốc bảo vệ thực vật" do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật, Hiệp hội CropLife Việt Nam, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) tổ chức.

Theo Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quang Hiếu, hiện nay do biến đổi khí hậu nên có những loài sinh vật gây hại mới xuất hiện, do đó danh mục thuốc BVTV cũng cần theo kịp sự phát triển của sinh vật gây hại.

Thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện nay đang ngày càng được mở rộng với những con số ấn tượng, tuy nhiên tất cả các thị trường xuất khẩu đều đưa ra các quy định ngặt nghèo về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc BVTV. Về lâu dài, các quy định đó sẽ ngày càng được nâng lên, do đó nhận thức của người sử dụng cũng cần được nâng cao nhằm đảm bảo tuân thủ về quy định không chỉ ở nước ta, mà còn phải đáp ứng yêu cầu ở thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, Cục BVTV có nhiều chương trình đồng hành với doanh nghiệp, nông dân để đáp ứng các yêu cầu nói trên, như tổ chức đào tạo tập huấn, xây dựng quy trình sử dụng; loại bỏ các loại thuốc có hiệu lực thấp, gây hại tới sức khoẻ con người và môi trường; khuyến khích các cơ quan doanh nghiệp nghiên cứu đăng ký các sản phẩm mới có hiệu lực tốt hơn.

Các đại biểu tham gia Tọa đàm

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quảng – đại diện CropLife Việt Nam chia sẻ, để nghiên cứu một hoạt chất mới đưa vào sản xuất thuốc BVTV phục vụ ứng dụng cho sản xuất thì không hề dễ dàng.

Cho đến nay, thuốc BVTV là một trong các loại sản phẩm được đánh giá về an toàn nghiêm ngặt nhất trên thế giới và đòi hỏi nhiều công đoạn tổng hợp với yêu cầu đánh giá vô cùng khắt khe. Quá trình nghiên cứu kéo dài và tốn kém.

Theo một nghiên cứu phát hành đầu năm nay bởi AgBioInvestor, để giới thiệu 1 hoạt chất thuốc BVTV mới ra thị trường, các công ty hiện nay sẽ cần đầu tư trung bình 301 triệu USD và mất 12,3 năm. Đó là chỉ để ra 1 sản phẩm. Người ta cần thời gian dài nghiên cứu để vừa bảo đảm kiểm soát dịch hại, vừa đảm bảo an toàn môi trường và cả các sinh vật xung quanh cũng như môi trường đất, nước… Chi phí đảm bảo nghiên cứu an toàn môi trường chiếm tới 2/3 chi phí để đưa 1 sản phẩm ra thị trường.

"Tôi xin nhấn mạnh là hiệu quả, tính an toàn là 2 vấn đề được ưu tiên trước hết trong sản xuất thuốc BVTV. Có 2 giai đoạn chính: Nghiên cứu các hoạt chất và đưa ra thử nghiệm trên đồng ruộng, áp dụng cho tất cả các loại cây trồng và sinh vật hại liên quan tới hoạt chất đó. Quá trình thử nghiệm trên đồng ruộng thường kéo dài khoảng 4 năm và nghiên cứu tính an toàn thì có thể kéo dài tới 20 năm, nhằm đảm bảo sản phẩm mang lại lợi ích cho nông dân và không gây lãng phí tài nguyên.

Bên cạnh đó, còn phải tính tới độ an toàn của hoạt chất đó tới con người, động vật và môi trường đất, nước; sinh vật thuỷ sinh, các loài chim, ong…", ông Nguyễn Hữu Quảng nhấn mạnh.

Đảm bảo năng suất, chất lượng, an ninh lương thực

10 tháng năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt con số 46 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cũng đã tự tin khẳng định năm 2024 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành có thể đạt con số 60 tỷ USD. Để đạt con số này, có sự đóng góp của lúa gạo, rau quả,… Và con số này cũng cho thấy, công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật của chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của thế giới.

Ông Nguyễn Quang Hiếu chia sẻ: "Thuốc BVTV đến nay rõ ràng có vai trò quan trọng trong đảm bảo năng suất, chất lượng, an ninh lương thực.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quang Hiếu phát biểu tại Tọa đàm.

Đóng góp của thuốc bảo vệ thực vật không thể phủ nhận trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản của ta, như lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nói, năm nay chúng ta có thể đạt kim ngạch 60 tỷ USD, con số này là tự tin đạt được, và trong số này thì tăng ấn tượng nhất là xuất khẩu trái cây, riêng nhóm này đạt trên 6 tỷ riêng trái cây, tăng hơn cả năm 2023 là 10%, so với cùng kỳ năm ngoái hơn 30% chứng tỏ trái cây của chúng ta đang ngày càng đáp ứng yêu cầu của thị trường".

Ông Hiếu thông tin thêm, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tích cực đàm phán mở thị trường, qua các nghị định thư, quy định nhập khẩu với các nước. Các sản phẩm của ta đáp ứng được yêu cầu của các nước, có chuyên biến tích cực, đặc biệt trong tập huấn để nông dân sản xuất đạt được yêu cầu của thị trường.

Tôi chỉ nêu trong thuốc BVTV hiện nay chúng ta đã có trên 800 tên thương phẩm khác nhau, đi đầu so các nước về đảm bảo thuốc cho sản xuất nông nghiệp hiện nay. Do số lượng thuốc lớn và đa dạng như vậy nên người nông dân có thêm lựa chọn trong việc sử dụng cho sản xuất nông nghiệp của mình.

Chúng ta đang rà soát đánh giá sản phẩm nào nguy cơ, gây ảnh hưởng thì có đề xuất lộ trình loại bỏ, giúp sản phẩm thuốc BVTV của ta tốt hơn với các quy định quốc tế, phù hợp với yêu cầu của nước nhập khẩu. Chúng ta đảm bảo dược yêu cầu dư lượng. Bộ NN-PTNT vẫn thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo, lựa chọn phân loại sử dụng thuốc 4 đúng các sản phẩm nông sản giá trị cao ta đều tuân thủ tốt với yêu cầu của các nước, đáp ứng được các tiêu chuẩn xuát khẩu.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) cho biết, hiện tại, thuốc BVTV vẫn là một loại vật tư quan trọng không thể thiếu trong phòng trừ dịch hại cây trồng, bảo vệ sản xuất trong nông nghiệp. Thuốc BVTV có tác dụng diệt trừ sinh vật hại nhanh nhất, triệt để và có thể ngăn chặn dịch hại trong thời gian ngắn nhất.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sinh vật gây hại. Khi chúng ta sử dụng thuốc BVTV đúng cách, đúng loại thuốc, đúng nồng độ, liều lượng, đảm bảo thời gian cách ly thì sẽ sản xuất được nông sản an toàn phục vụ trong nước cũng như xuất khẩu. Vì thế, không chỉ nước ta mà trên thế giới, thuốc BVTV vẫn là một trong những biện pháp chính và chủ đạo để bảo vệ an toàn cho sản xuất nông nghiệp.

Thống kê của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) chỉ rõ rằng, nếu chúng ta chi 35 tỷ USD trên toàn thế giới sử dụng các thuốc BVTV để diệt trừ các loại sinh vật gây hại thì thu lại được lợi ích 350 tỷ USD, tức là gấp 10 lần. Nếu không có thuốc BVTV sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực và sản xuất cũng như xuất khẩu.

Theo thống kê và số liệu chính thức mà tổ chức FAO cung cấp, việc gây thiệt hại do các sinh vật gây hại đối với sản xuất nông nghiệp đang ở mức cao nhất khoảng 50%; có những lại cây trồng thấp hơn cũng ở khoảng 30 - 40 %.

Thuốc BVTV đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn, khống chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại và dập tắt các đợt bùng phát dịch hại cây trồng trên diện rộng một cách nhanh chóng và kịp thời, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Siết chặt quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Có thể thấy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đóng vai trò lớn trong phát triển ngành, song việc quản lý thuốc BVTV là một lĩnh vực được đánh giá là khá phức tạp. Bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Phòng Thuốc bảo vệ thực vật, Cục BVTV cho hay: "Trong giai đoạn hiện nay, hệ thống văn bản QPPL được xây dựng đầy đủ, đồng bộ từ Luật, Nghị định đến các Thông tư hướng dẫn đảm bảo hệ thống và tính đồng nhất, hài hòa với tiêu chuẩn khu vực, quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế.

Điều quan trọng là cần đưa các loại thuốc BVTV về tay người nông dân đúng quy định và hướng dẫn bà con sử dụng thuốc theo nguyên tắc "4 đúng"

Từ đó tạo ra khung pháp lý vững chắc, phát huy hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thuốc BVTV theo hướng kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu. Thêm vào đó, việc phân công, phân cấp trong quản lý, giám sát sử dụng thuốc BVTV đã được quy định rõ ràng, chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật nâng cao nhận thức và và trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, môi trường và an toàn thực phẩm".

Với hệ thống văn bản QPPL và phân cấp hướng dẫn và quản lý thuốc BVTV hiện nay, cá nhân tôi đánh giá rất rõ ràng, minh bạch và thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và người sử dụng.

Theo quy định tại Điều 48, Luật bảo vệ và KDTV thì thuốc bảo vệ thực vật là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được quản lý theo danh mục. Hàng năm, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT ban hành Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại VN. Theo Thông tư 09/2023/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2023, hiện có hơn 4500 tên thương phẩm đăng ký được phép sử dụng tại Việt Nam. Đến nay đã 10 năm, chúng tôi đã rà soát thấy rằng luật rất ổn định.

Tổ chức, cá nhân được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Bà Hương cũng thông tin thêm: "Thuốc BVTV thuộc hàng hoá kinh doanh có điều kiện thuộc nhóm 2 theo quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BNNPTNT, do đó sau khi đăng ký vào Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại VIệt Nam các tổ chức cá nhân cần thực hiện chứng nhận hợp quy chất lượng sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường".

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) cho biết, vấn đề ở đây là chúng ta phải sử dụng thuốc BVTV như thế nào để vừa an toàn cho con người, vừa phòng trừ sinh vật gây hại lại an toàn cho môi trường là bài toán khó.
Theo tôi, điều quan trọng là chúng ta cần đưa các loại thuốc BVTV về tay người nông dân đúng quy định và hướng dẫn bà con sử dụng thuốc theo nguyên tắc "4 đúng" sẽ đảm bảo được việc phòng trừ sâu bệnh cao và an toàn cho con người, môi trường.

Hiện nay, xu hướng của các thị trường nhập khẩu liên tục thay đổi mức kiểm soát dư lượng đối với một số hoạt chất. Để nông sản Việt Nam tiếp tục khẳng định được vị thế ở nhiều thị trường, việc quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian tới cần có những thay đổi nhất định. 

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, dư lượng các mặt hàng nông sản nhập khẩu của các nước trên thế giới hiện nay tuân thủ theo các quy định chung và có thể theo yêu cầu của quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu và xu hướng chung là ngày càng nâng cao và siết chặt dư lượng.

Các thông tin về thay đổi mức kiểm soát dư lượng thuốc BVTV được thông báo rộng rãi bởi Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam thuộc Bộ NNPTNT (Văn phòng SPS Việt Nam), Văn phòng có nhiệm vụ Thông báo và hỏi đáp các nội dung và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; yêu cầu các nước thành viên của WTO cung cấp thông tin về các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, về thanh tra, kiểm tra và các vấn đề liên quan khác về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Hiện nay chúng ta đang hướng đến nền nông nghiệp bền vững là tránh sử dụng không đúng về thuốc BVTV, gần đây, chúng ta nhắc đến Bigdata, AI... chúng ta có thể tìm hiểu các quy định của thị trường để đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu.

"Cuối cùng, tôi khuyến cáo bà con hãy là người tiêu dùng thông thái để mua và sử dụng thuốc BVTV hiệu quả vừa đảm bảo phòng trừ được sâu bệnh, vừa an toàn cho môi trường, con người và đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu", Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quang Hiếu cho hay .

Phát triển nền nông nghiệp xanh

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang triển khai 3 Đề án thúc đẩy sản xuất xanh và bền vững, đó là: "Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050"; "Đề án phát triển Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030 và Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Trao đổi về vấn đề này, bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Phòng Thuốc BVTV (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết: Chúng tôi đã xây dựng được 4 đề án liên quan nhằm phục vụ mục tiêu sản xuất xanh của ngành nông nghiệp, trong đó có Đề án "Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" đã được phê duyệt cuối tháng 11/2023.

Đề án này đặc ra nhiều nhiệm vụ, mục tiêu, trong đó có mục tiêu tăng tỷ lệ sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học. Bên cạnh đó là xây dựng các mô hình liên quan đến phương pháp thử, bởi thực tế vấn đề này rất khó khăn đối với bất cứ loại thuốc nào chứ không riêng gì thuốc BVTV sinh học.

Để nông sản Việt Nam tiếp tục khẳng định được vị thế ở nhiều thị trường, việc quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian tới cần có những thay đổi nhất định. 

Theo đó, đề án cũng yêu cầu phải xây dựng mô hình cho 9 loại cây trồng khác nhau, tăng công suất sản xuất thuốc BVTV sinh học ở Việt Nam. Thực tế hiện nay trong số hơn 100 nhà máy sản xuất thuốc BVTV thì có khoảng 80% số nhà máy sản xuất thuốc BVTV sinh học, song sản lượng còn thấp.

Đề án này cũng nêu rõ những khó khăn trong quá trình sản xuất, đặc biệt là thuốc BVTV sinh học phải nhằm đáp ứng yêu cầu hướng tới xuất khẩu nông sản. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra một số giải pháp thực hiện.

Một là chính sách pháp lý, phải rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đảm bảo việc đăng ký, lưu hành sản phẩm phải tuân thủ quy định.

Ông Nguyễn Hữu Quảng, đại diện CropLife chia sẻ: Về phía doanh nghiệp, chắc chắn CropLife cũng như các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực thuốc BVTV đều sẽ ủng hộ Đề án này của Bộ, bởi đây không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp trong bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ thế hệ sau này.

Các nước tiên tiến trên thế giới đã bắt đầu hành động bằng cách đầu tư nghiên cứu các loại thuốc BVTV sinh học. Ở một số nước châu Âu, họ đã bỏ ra 10 tỷ euro, các nước châu Mỹ cũng có hành động tương tự. Họ đầu tư đẩy mạnh nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm thuốc BVTV có chiết xuất nguồn gốc từ sinh học, nếu ở Việt Nam chúng ta có quy định tỷ lệ chiết xuất phải chiếm 30% thì bên họ cũng thế. Bên cạnh việc đầu tư, họ còn nhanh chóng mua các nghiên cứu của các nhà khoa học và tăng cường thử nghiệm, khảo nghiệm thuốc… bằng cách đó nhiều doanh nghiệp đã sớm về đích trong "cuộc đua" tạo ra những sản phẩm thuốc BVTV sinh học thế hệ mới./.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top