Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 11 năm 2024 | 9:0

Bàn giải pháp thích ứng quy định chống phá rừng của EU đối với ngành hàng cà phê

Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông vừa phối hợp với Ban quản lý dự án Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng (dự án iLandscape), Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP), Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và Công ty JDE Peet's tổ chức Hội thảo thúc đẩy diễn đàn ngành hàng cà phê tuân thủ EUDR và kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh này.

Ngày 29/6/2023, quy định của Nghị viện châu Âu và của Hội đồng Liên minh châu Âu về việc quản lý việc nhập khẩu và xuất khẩu các hàng hóa và sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng chính thức được thông qua. Quy định này cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020, bao gồm chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ, cũng như các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu.

EUDR được Liên minh châu Âu gia hạn thời gian có hiệu lực từ tháng 1/2026; riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ sẽ áp dụng bắt đầu từ tháng 6/2026. Thời gian để đáp ứng các quy định của EUDR được kéo dài thêm 1 năm nữa. Đây cũng là cơ hội để ngành cà phê Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng có thêm thời gian để chuẩn bị.

Ngày 1/8/2023, Bộ NN-PTNT đã ban hành văn bản triển khai Khung kế hoạch hành động thích ứng với quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EU) đến các sở, ban ngành nhằm đáp ứng quy định này cho các loại hàng hoá quy định được nhập khẩu vào thị trường châu  Âu.

Cà phê là cây chủ lực của tỉnh Đắk Nông

Đắk Nông là một trong những vùng trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam, với sản lượng cà phê đứng thứ ba Việt Nam và Tây Nguyên. Bên cạnh những thuận lợi về diện tích, sản lượng, hiện tại ngành hàng cà phê cả nước nói chung và Đắk Nông nói riêng đứng trước nhiều thách thức lớn như biến đổi khí hậu, vật tư đầu vào, quy định thị trường quốc tế ngày càng nghiêm ngặt, trong đó có vấn đề về bảo vệ rừng và môi trường. Hiện tại, Đắk Nông có khoảng 142.000ha cà phê, sản lượng trên 360.000 tấn/năm. Thách thức hiện nay của tỉnh này là diện tích cà phê trên địa bàn lớn, trong khi hầu hết nông hộ chỉ sản xuất quy mô nhỏ lẻ. Tỉnh cũng chưa có cơ sở dữ liệu đến từng lô, thửa cũng như hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, các sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp được đưa ra thị trường, xuất khẩu đến các nhà thu mua trên toàn cầu ngày càng đòi hỏi nhiều yêu cầu cần được tuân thủ, trong đó có yêu cầu về quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu.

Nhận thấy được tầm quan trọng đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức triển khai và bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

Cụ thể như tỉnh Đắk Nông đã ban hành khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR và thành lập nhóm công tác công tư cấp tỉnh để triển khai khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR. Đắk Nông chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện quy định EUDR.

Ông Gonzalo Serranno De La Rosa, Phó trưởng Ban hợp tác thuộc Phái đoàn Liên minh Châu Âu chia sẻ tại hội thảo.

Ông Gonzalo Serrano De La Rosa, Phó Trưởng Ban hợp tác Phái đoàn Liên minh châu Âu ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam nói chung, Đắk Nông nói riêng đối với việc triển khai các biện pháp cụ thể để đáp ứng các tiêu chuẩn về nông sản chống phá rừng, suy thoái rừng.

Theo ông Gonzalo, các quy định EUDR là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho ngành cà phê của Đắk Nông trong quá trình phát triển nông sản chất lượng cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ, bền vững. Việc đáp ứng tiêu chuẩn EUDR là cơ sở để tăng cơ hội thương mại cho cà phê của Đắk Nông tại các thị trường trên thế giới trong những năm tới.

Thảo luận tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo, qua đó làm rõ hơn về thực trạng sản xuất cà phê cũng như nắm được các định hướng, giải pháp của ngành nông nghiệp trong thời gian tới để thích ứng với các quy định của EUDR.

Các đơn vị ghi biên bản ghi nhớ hợp tác.

Ông Bùi Đức Hào, đại diện Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững- IDH cho biết, IDH đã triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng cà phê đáp ứng EUDR tại Lâm Đồng. Dự án đã xây dựng được khung cơ sở dữ liệu thích ứng với EUDR. Khung này được tính toán với các yếu tố dữ liệu nền tảng về quy hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp; dữ liệu rừng, địa chính; dữ liệu đất chưa có trích lục địa chính. Từ đây, phân tích, tham chiếu để tạo dữ liệu đầu ra là hệ thống truy xuất. Đây là những kinh nghiệm, cách làm để Đắk Nông có thể học hỏi, tham khảo, định hình trong xây dựng dữ liệu vùng trồng đáp ứng EUDR.

Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu cà phê như Simexco Đắk Lắk, Công ty Intimex Đắk Nông; chuyên gia của các chuỗi cung ứng cà phê chất lượng toàn cầu... đều khẳng định cần sự vào cuộc nhanh chóng, hiệu quả của các bên liên quan để thích ứng EUDR.

Trong đó, vai trò lớn của Bộ NN - PTNT, địa phương, hộ dân trong thực thi các giải pháp. Quan trọng nhất là cụ thể, chính xác được bộ dữ liệu về vùng trồng không gây mất rừng. Bộ dữ liệu bảo đảm tính thống nhất, cập nhật hàng năm để các doanh nghiệp thuận lợi trong xuất khẩu cà phê.

Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các bên được ký kết để thực hiện các hoạt động hỗ trợ trong thời gian tới, như biên bản giữa Công ty Intimex Mỹ Phước, HTX Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ tổng hợp Hưng Phát và Công ty Cổ phần Tavina; biên bản giữa Công ty Intimex Đắk Nông, đại diện HTX Phát triển nông nghiệp công bằng Thanh Thái và đại diện Công ty Cổ phần TMT Consulting. Những cam kết về hoạt động hỗ trợ của các bên trong thời gian tới sẽ giúp cho thành viên các HTX thực hiện tốt các quy định của EUDR.

Dịp này, các đại biểu cũng được tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm cà phê và các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương.

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top