Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 17 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 11 năm 2024 | 8:0

Sông Đốc - Làng biển năng động

Nằm ven biển Tây, cách TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) hơn 50km, thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) 70 năm trước là nơi diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc của những chiến sỹ bộ đội miền Nam. Hôm nay nơi đây trở thành làng biển năng động của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Đội tàu của Sông Đốc gần 2.000 chiếc các loại đang khai thác ngư trường biển trọng điểm của Cà Mau.

Địa danh gắn thuở mang gươm

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết, Sông Ông Đốc hay sông Đốc là tên  con sông tại huyện Trần Văn Thời, gắn liền với thời khẩn hoang mở đất của các bậc tiền nhân nơi đây. Con sông dài 58km, bắt nguồn từ ngã ba sông Cái Tàu – Sông Trẹm chảy về hướng Tây ngang qua nhiều làng xóm đã được định cư lâu đời: Xóm Sở, Cán Dù, Nổng Kè, Ông Tự, Tham Trơi,... và đổ ra cửa Ông Đốc ở phía Vịnh Thái Lan. Hai bên hữu ngạn và tả ngạn có nhiều sông rạch nhỏ: rạch Cái Tàu, Rạch Giếng, Rạch Cui, Rạch Ráng, Rạch Vọp,...

Theo Đại Nam thực lục, Gia Định thành thông chí, Cà Mau xưa... dòng sông này trước kia còn có tên là Khoa Giang. Sau sự kiện năm Quý Mão (1783), khi bị hùng binh Tây Sơn Nguyễn Huệ truy đuổi, Nguyễn Ánh cùng gia tộc chạy về vùng đất phương Nam đến cửa Khoa Giang, nhờ có tướng Đốc Huỳnh liều mình cứu chúa nên Nguyễn Ánh thoát chết. Để tôn vinh vị quan này, người dân đã lấy tên con sông đặt tên là Ông Đốc, đọc trại ra thành sông Đốc. Lâu dần dân gian gọi tắt thành Sông Đốc, trở thành tên gọi đến tận ngày nay của thị trấn miền quê biển này. Địa danh Sông Đốc còn được dùng để đặt cho chợ Sông Đốc, thị trấn Sông Đốc (thị trấn thuộc huyện Trần Văn Thời). Nơi đây tập trung đông dân cư, buôn bán sầm uất với nhiều ngành nghề kinh doanh đặc thù của một thị trấn ven biển. Thời gian đã hình thành những phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian, không gian văn hóa rất riêng của miền biển Tây của đất nước ta.

Viết nên những trang sử hào hùng

Những ngày này, Sông Đốc cùng với Cà Mau đang tưng bừng chào đón sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày tập kết ra Bắc. Trong đó, Sông Đốc là một địa điểm chính để đón những người lính Nam bộ thành đồng lên tàu tập kết.

Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954, sông Ông Ðốc là nơi diễn sự kiện tập kết 200 ngày đêm lịch sử tại Cà Mau. Hàng vạn cán bộ chiến sĩ miền Nam đã lên tàu ra Bắc theo Hiệp định Gieneve với lời hẹn trở về sau 2 năm đình chiến. Thế nhưng, phải hơn 20 năm sau, lời hẹn ấy mới hoàn thành.

“Hồi đưa ba tui lên tàu tập kết ra Bắc ở Sông Đốc, ông hứa với má và chị em tui 2 năm sau quay về. Nhưng chiến tranh ác liệt ông đi đằng đẵng, má tui phải đợi chờ gần 21 năm, tận sau ngày hòa bình 30/04/1975, ba má mới được đoàn tụ, nhưng lúc đó ba tui đã gần đất xa trời. U Minh quê tui là căn cứ địa của Miền và tỉnh trong kháng Pháp, nên đã chứng kiến rất nhiều cuộc chia ly như vậy”, bà Nguyễn Nga Việt 75 tuổi, ở phường 1, TP Bạc Liêu đã khóc khi nhắc về sự kiện tập kết ấy.

Anh hùng LLVTND, Thiếu tá Nguyễn Thị Xuân, nguyên Huyện đội trưởng Trần Văn Thời Cà Mau kể, năm 1965, khi ấy bà đang là Xã đội trưởng Phong Lạc, thì lúc đó Mỹ ngụy đã xây dựng thị trấn Sông Đốc thành một căn cứ quân sự trọng yếu để khống chế cả một vùng rộng lớn ven biển Cà Mau. Cái tên “Cô gái hái bom” của bà cũng đã xuất hiện từ đó, gắn với những trận mưa bom của giặc. Khi ấy, giặc đã dùng loại nhiều loại bom hiện đại như bom nổ chậm, bom napal, bom bi, bom bươm bướm… rải dài 20 km dọc hai bờ sông Ông Đốc để ngăn quân ta áp sát bao vây căn cứ chúng. Đây là những loại bom hiện đại nhất thời đó, trong đó có bom chùm cải tiến tương tự loại đang được sử dụng tại chiến trường Ukraine hiện nay mà thế giới cấm sử dụng. Thậm chí, có lúc chất dộc dioxin được rải dọc hai bờ sông Ông Đốc hòng hủy diệt sự sống của quân dân ta, nên từ bờ rào yếu khu sông Ðốc trở ra, người dân đều bỏ ruộng vườn, nhà cửa di tản vào vùng an toàn sinh sống.

Không khuất phục, quân dân huyện Trần Văn Thời và Sông Đốc đã đứng lên viết nên những trang sử hào hùng. Ta đã tổ chức tháo gỡ bom mìn, khai thông hành lang, đưa lực lượng vũ trang và quần chúng mở các mũi tiến sát đường hào để tổ chức vây lấn, bức hàng yếu khu Sông Ðốc. Mặt trận Sông Ðốc diễn ra ác liệt cả ngày lẫn đêm, giành nhau từng tấc đất giữa ta và địch. Nhiều trận phục kích tiêu diệt tàu chiến giặc của bộ đội ta đã diễn ở dòng sông Ông Đốc, góp phần phá tan chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ ngụy ngay trên mảnh đất Sông Đốc, Trần Văn Thời, Cà Mau anh hùng.

Hơn 1000 tàu đánh bắt xa bờ được quản lý chặt theo quy định chống khai thác IUU

Tiềm năng kinh tế biển

Bà Phan Kim Bía, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, thị trấn Sông Đốc có diện tích tự nhiên hơn 2.900 ha, với khoảng 40.000 dân. Trong đó, có phần diện tích tự nhiên khoảng 61 ha là đảo Hòn Chuối và 12 ha các đảo nhỏ nằm trên biển. Đây cũng là thị trấn đảo có một vị thế khá đặc biệt khi nằm cuối cùng ở cực Nam của dải đất hình chữ S.

Chương trình nghệ thuật tại Sông Đốc đêm 15/11/2024 chào mừng sự kiện 200 ngày đêm tập kết ra Bắc tại Cà Mau

Các phương tiện đánh bắt của Sông Đốc được quản lý chặt theo quy định, đã góp phần quan trọng đưa Sông Đốc trở thành làng nghề biển quan trọng của Cà Mau và ĐBSCL. Kinh tế biển phát triển mạnh, Sông Đốc trở thành điểm đến của đông đảo lao động thập phương và cả những doanh nghiệp trong ngoài tỉnh với ngành nghề liên quan đến khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần nghề biển. Sông Đốc hiện có đội tàu hùng hậu với gần 2.000 phương tiện đánh bắt các loại, trong đó có hơn 1.000 chiếc khai thác xa bờ, hàng trăm phương tiện thu mua hải sản, hoạt động dịch vụ hậu cần trên. Nơi đây quy tụ hơn 1.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, tập trung nhiều là các mặt hàng xăng dầu, nước đá, ngư cụ…, nhờ đó mỗi năm Sông Đốc tạo ra hơn 100.000 tấn hải sản. Năm 2023, sau hàng trăm năm mơ ước của người dân, cây cầu trị giá hơn 500 tỷ đồng đã nối hai bờ sông Ông Đốc. Hoàn thành trục giao thông nối liền đến tận bờ biển Đông của Cà Mau, tạo thành tuyến giao thông huyết mạch kết nối với quốc lộ phục vụ tốt việc đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa.

Anh Lê Văn Sữa, người dân ở Sông Đốc, quê Vĩnh Long kể, Sông Đốc bây giờ đã khác xa những năm trước, đã trở thành điểm đáng sống cho những người xa quê như chúng tôi. Với nghề tự do, mỗi ngày kiếm cũng được vài trăm ngàn từ việc lựa cá, chuyển hàng… đủ nuôi sống gia đình 3 người. Nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của tôi và gia đình.

Với truyền thống trăm năm nghề biển, cuộc sống người dân Sông Đốc ngày càng được nâng cao. Những ngày tháng Covid-19 khó khăn, nhưng người dân vẫn tự tin với nghề biển của mình bao năm găn bó. “Ngư dân địa phương có truyền thống gắn bó lâu đời với biển với tay nghề cùng nhiều kinh nghiệm trong khai thác. Trong khi đó ngư trường rộng lớn, đánh bắt quanh năm, công tác phòng chống khai thác IUU được tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm nên địa phương hội tụ đủ các điều kiện, tiềm năng, thế mạnh để phát triển về kinh tế biển. Vì vậy, đến 30/10/2024, nuôi trồng khai thác thủy sản của huyện đạt 122.600 tấn (tôm 19.775 tấn), bằng 76,15% kế hoạch, tăng 104,02% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là những chỉ số tăng đều từ những năm trước, và chắc chắn còn tăng trong những năm tới”, bà Phan Kim Bía cho biết thêm.

 

Biểu Quân
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top