Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 10 năm 2024 | 11:13

Câu chuyện XD NTM ở vùng đất khó Mường Lát

Sau năm 1996, huyện Mường Lát được tách khỏi huyện Quan Hóa, đây là một huyện xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, đường xá giao thông cực kỳ khó khăn, quy mô nền kinh tế gần như không có gì. Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Mường Lát đang trên đường xây dựng nông thôn mới (NTM) trong bối cảnh cũng cực kỳ khó khăn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh.

Bài 1: Gian nan huyện nghèo nhất nước xây dựng NTM

Sau 14 năm, kể từ khi huyện Mường Lát bắt tay vào chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng đến nay, vẫn phải nỗ lực để xóa “trắng” xã NTM, yếu tố từ đâu?

Khó khăn từ “nội lực”

Mường Lát là huyện có 7 xã và 1 thị trấn, diện tích 81.500 ha, với 812,41km2, trong đó chủ yếu là đất lâm nghiệp (86,5%); có 6 dân tộc anh em cùng chung sống là Thái, Mông, Mường, Giao, Khơ Mú và Kinh; 100km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn của Lào.

Địa hình chủ yếu đồi núi đá bao phủ; dọc 2 bờ sông Mã, 2 bên sườn núi dựng đứng không có đất canh tác nông nghiệp, khó khăn cho công tác ổn định đời sống của nhân dân.

Bước vào thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM trên địa bàn huyện Mường Lát những năm đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhận thức của người dân về thực hiện xây dựng NTM còn hạn chế, hệ thống các tiêu chí đạt chuẩn theo quy định còn thấp, trung bình 2,5 tiêu chí/xã.

Địa hình chủ yếu là đồi núi, 2 bên sườn núi dựng đứng, đất canh tác nông nghiệp của người dân bị hạn chế, ảnh hưởng đến ổn định đời sống của nhân dân huyện Mường Lát.

Địa hình chủ yếu là đồi núi, 2 bên sườn núi dựng đứng, đất canh tác nông nghiệp của người dân bị hạn chế, ảnh hưởng đến ổn định đời sống của nhân dân huyện Mường Lát.

Đời sống của người dân nghèo nàn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng thấp kém, sản xuất phát triển còn chậm, nhỏ lẻ; cùng với đó, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, thiên tai dịch bệnh nhiều, nhiều hủ tục của một số đồng bào dân tộc thiểu số chưa được xóa bỏ...

Từ những khó khăn đó, năm 2011, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chọn huyện Mường Lát là điểm thăm, kiểm tra thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Cố Tổng Bí thư về thăm, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương Đảng tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa năm 2011(ảnh tư liệu).

Cố Tổng Bí thư về thăm, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương Đảng tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa năm 2011(ảnh tư liệu).

Qua quá trình kiểm tra thực tại, cố Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần xác định và định hướng phát triển cho phù hợp với điều kiện thực tế, làm sao khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; phát huy trí tuệ tập thể, tăng cường đoàn kết gắn bó quân với dân, tích cực, năng động tìm cách vượt khó, thoát nghèo, xây dựng Mường Lát ngày càng giàu đẹp, đáp ứng tiêu chuẩn vùng nông thôn kiểu mới.

Trước thực tại ghi nhận, cố Tổng Bí thư cũng đã chia sẻ những băn khoăn, trăn trở, “việc sử dụng các nguồn lực đầu tư của Nhà nước đã hiệu quả hay chưa? Cần tuyệt đối xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Tại đây, cố Tổng Bí thư đã chọn xã Mường Chanh là xã xa nhất, khó khăn nhất và có đường biên dài nhất của huyện Mường Lát, để trở thành xã điểm thoát nghèo gắn liền với xây dựng nông thôn mới đến năm 2015.

Cố Tổng Bí thư chia sẻ những trăn trở của mình với nhân dân, chính quyền huyện Mường Lát (ảnh tư liệu).

Cố Tổng Bí thư chia sẻ những trăn trở của mình với nhân dân, chính quyền huyện Mường Lát (ảnh tư liệu).

Ngoài ra, việc lựa chọn xây dựng NTM tại xã Mường Chanh tạo ra một dấu ấn rất quan trọng, bởi nơi đây sẽ khơi dậy được phong trào xây dựng NTM ở các xã, các huyện trong tỉnh. Đây còn là xã rất nhiều dân tộc, nhiều bản sắc văn hóa cần giữ gìn và phát huy, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, không ngừng nỗ lực vươn lên để thoát khỏi đói nghèo; chăm lo cho trẻ em được học hành, đào tạo nguồn cán bộ phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Trước những trăn trở đó, sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện Mường Lát đến từng bản để thực hiện chỉ đạo của cố Tổng Bí thư.

Chặng đường sóng gió

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Thông báo số 1546-CV/VPTW, ngày 19/9/2011 của Văn phòng Trung ương Đảng, về việc xây dựng xã điểm thoát nghèo ở xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có chủ trương và tiến hành nhiều công việc lớn để ưu tiên sự quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế xã hội Mường Lát. Một Ban chỉ đạo được thành lập và cử cán bộ chuyên môn về các lĩnh vực, trong đó lực lượng cán bộ ngành nông nghiệp là nòng cốt để thường xuyên bám bản, bám dân hướng dẫn nhân dân cùng phát triển.

Trận lũ quét năm 2018 cuốn đi tài sản của người dân.

Trận lũ quét năm 2018 phá hủy tài sản của người dân.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ các cấp, đến cơ sở bám sát vào thôn bản, sự chung sức hỗ trợ trực tiếp từ nhiều đơn vị doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình cho xã Mường Chanh.

Tuy nhiên, xuất phát từ nội lực trong nhân dân còn yếu kém, một số bộ phận cán bộ và nhân dân vẫn chưa nhận thức sâu sắc về mục tiêu XDNTM, công tác chỉ đạo chưa quyết liệt. Năng lực lãnh đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ của một bộ phận, cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Các công trình giao thông bị phá hủy.

Các công trình giao thông bị phá hủy.

Lũ quét đã hủy hoại các công trình giao thông.

Bên cạnh đó, sự đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài huyện cho xây dựng NTM còn khiêm tốn. Việc lồng ghép các chương trình, dự án khác với chương trình NTM còn bất cập, chưa có sự điều tiết tổng thể, hợp lý giữa các chương trình, dự án. Nguồn vốn đầu tư của nhà nước chưa đáp ứng với yêu cầu, việc phân bổ vốn kinh phí từ Trung ương đến địa phương còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình.

Với nỗ lực của các cấp ủy Đảng, Nhà nước và nhân dân xã Mường Chanh nói riêng và huyện Mường Lát nói chung chưa được như mục tiêu đề ra, nhưng đã khẳng định được hướng đi đúng, sự kỳ vọng của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân để từng bước hoàn thiện.

Năm 2018, mọi thành quả xây dựng NTM coi như trở về con số 0, bởi trận lũ kinh hoàng, cuốn trôi nhiều tài sản, công trình, để lại là cảnh hoang tàn và nước mắt cho người dân và chính quyền.

Ông Lương Minh Thông, Nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: Sau chỉ đạo của cố Tổng Bí thư, huyện Mường Lát đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng xã Mường Chanh chuẩn xã nông thôn mới.

Thời điểm đó, không những trăn trở của lãnh đạo huyện Mường Lát, mà đó cũng là trăn trở của tỉnh Thanh Hóa, vì xây dựng nông thôn mới nguồn lực chủ yếu là từ dân, nhưng người dân nơi đây rất nghèo, cái ăn còn chưa đủ, nên sức huy động của nhân dân là số 0.

Cảnh hoang tàn sau lũ quét tại huyện Mường Lát năm 2018.

v

Cảnh hoang tàn sau lũ quét tại huyện Mường Lát năm 2018.

Do vậy, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Ban chỉ đạo, nằm bản để hỗ trợ bà con phát triển sinh kế rừng. Tuy nhiên, dự án đã thất bại sau 3 năm.

Theo ông Thông, giai đoạn 2011-2016, huyện Mường Lát đã phải điều chuyển qua nhiều cán bộ xã Mường Chanh bao gồm: 2 Bí thư xã và 4 Chủ tịch, để thực hiện chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cho địa phương như mong muốn và kỳ vọng của cố Tổng Bí thư.

Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, thường xảy ra lũ ống, lũ quét, nên nhiều cơ sở hạ tầng ở xã Mường Chanh nói riêng và Mường Lát nói chung đầu tư xong đưa vào sử dụng chưa lâu đã bị thiên tai “xóa sổ”; sản xuất nông nghiệp của bà con mất trắng, phải đi xin hỗ trợ từng bữa ăn, hỗ trợ từng hạt giống sinh kế cho bà con.

“Lúc ấy chúng tôi cảm thấy rất buồn và bất lực, chỉ biết nhìn bà con, nhìn cảnh hoang tàn của sạt trượt, lũ lụt và nghĩ càng làm càng thấy khó. Huyện đã khó khăn về nội lực, lại thường xuyên ảnh hưởng của thiên tai, không biết bao giờ mới có thể hoàn thành mục tiêu đón xã nông thôn mới đầu tiên của huyện.

Nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương, đến thôn bản, đến nay, Mường Lát sắp xóa trắng huyện nông thôn mới”, ông Thông chia sẻ.

Bài 2: Những tư duy lạc hậu của đồng bào Mông đã dần thay đổi

 

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top