Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024 | 16:4

Khai thác tiềm năng “dược liệu núi” ở Sơn La

Khai thác, chế biến các sản phẩm dược liệu từ thiên nhiên đang là một trong những hướng đi mới của nông dân và HTX ở Sơn La. Những sản phẩm dược liệu mang hương vị đặc trưng của núi rừng vùng cao đã, đang được tạo nên bởi những bàn tay cần cù, sáng tạo của người dân nơi đây.

"Ở Sơn La nói chung, Mường La nói riêng có nguồn nguyên liệu thiên nhiên sẵn rồi, tôi muốn đưa sản phẩm từ thiên nhiên đến với người tiêu dùng... Vào năm 2022, tôi có ý tưởng thành lập HTX để sản xuất các loại trà dược liệu để đáp ứng nhu cầu sử dụng dòng dược liệu nâng cao sức khỏe của người dân", bà Lường Thị Chuông, Giám đốc HTX Dược liệu núi, huyện Mường La, Sơn La chia sẻ.

Bằng ý tưởng, niềm đam mê và tâm huyết ấy, bà Lường Thị Chuông đã tạo nên những sản phẩm mới từ chính nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của địa phương, trong đó có “trà táo mèo”...

Theo bà Chuông: "Tôi có ý tưởng làm trà táo mèo vì thấy vùng nguyên liệu có sẵn và những quả táo mèo rất thân thiện với người dân. Sau đó thấy người dân thì được mùa mất giá, được giá mất mùa... tôi cũng nghiên cứu làm sao để khi táo mèo trưởng thành, mỗi năm cũng muốn giúp người dân có nguồn tiêu thụ có thu nhập ổn định".

Các sản phẩm được HTX chế biến từ các loại thảo dược, nguyên liệu thiên nhiên sẵn có tại địa phương

Từ những quả táo mèo tươi ngon được trồng và thu hái trên rẻo cao Mường La, các thành viên HTX đã cắt lát và phơi khô để giữ lại hương vị cũng như dưỡng chất; chế biến qua các công đoạn sấy khô, nghiền mịn và đóng gói...

Chị Tòng Thị Tích, thành viên HTX Dược liệu núi, huyện Mường La chia sẻ: "Chọn những quả táo mèo chín là tốt nhất, sẽ có vị thơm, chua ngọt... Nguyên liệu như thế sẽ đạt tiêu chuẩn để làm trà, phơi được nắng thì sẽ có màu vàng đỏ".

Ngoài Trà táo mèo đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023, HTX Dược liệu núi, huyện Mường La còn nghiên cứu công thức, quy trình chế biến các loại trà thảo dược khác, cùng các sản phẩm dầu gội, dầu tắm từ cây dược liệu....

Chị Quàng Thị Phương, thành viên HTX cho biết, để sản xuất dầu gội thảo dược, HTX đã sử dụng 20 loại thảo dược khác nhau, như bồ kết, bồ hòn, chanh, gừng, sả, hà thủ ô... để ngăn rụng tóc, trị gàu, trị ngứa, có mùi thơm tự nhiên, an toàn. 

"Sau khi rửa sạch các nguyên liệu tôi sẽ cho vào nồi để chưng cất, khoảng thời gian một ngày tôi sẽ chắt hết nước ra; sau 1 ngày tôi sẽ chưng lại nước để khi nước cạn sẽ được sản phẩm dầu gội cô đặc..." - chị Phương nói.

Cùng với việc đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị, HTX Dược liệu núi, huyện Mường La còn liên kết với 100 hộ trồng dược liệu trên địa bàn để thu mua nguyên liệu, đảm bảo sản xuất theo mùa. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua từ bà con 5-10 tấn sơn tra, mướp đắng, hoa đu đủ, thìa canh, sâm, linh chi...

Ông Trần Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ít Ong, huyện Mường La cho biết: "Các HTX như thế này đã thu mua sản phẩm về nông nghiệp để thành sản phẩm dược liệu cung cấp cho người tiêu dùng, mang lại hiệu quả cho người dân. Bước đầu hiện HTX đã tạo việc làm cho công nhân, với thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/tháng, doanh thu khá cao, ổn định...".

Để hơn 30 sản phẩm hiện có đến gần hơn với người tiêu dùng, HTX Dược liệu núi đã tích cực quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội; tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ thương mại; xây dựng cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại thành phố Sơn La; ký gửi sản phẩm tại các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh như: Mộc Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Hà Nội, Ninh Bình...

Tuy nhiên, Giám đốc HTX cũng bày tỏ những trăn trở, khó khăn; mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn vay để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị chế biến chuyên sâu để cung cấp ra thị trường sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, mẫu mã.

"Chính quyền địa phương ủng hộ, giúp đỡ HTX rất nhiều như thẩm định giấy tờ để sản xuất các sản phẩm OCOP, các chương trình quảng bá, tư vấn... HTX mong muốn xây dựng, nhân rộng lên và sản xuất theo 1 chiều, cần nguồn vốn lãi suất thấp và duy trì được lâu dài" - bà Lường Thị Chuông cho biết.

Việc đầu tư khai thác, chế biến dược liệu không chỉ tạo nên những sản phẩm mới, tạo thêm việc làm cho người dân, mà còn giúp phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên sẵn có, cũng như giải quyết phần nào bài toán "đuợc mùa, mất giá" của nông dân Sơn La. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương miền núi còn nhiều khó khăn này.

 

Theo vov.vn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top