Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 11 năm 2024 | 8:42

Dự án di dân vùng ảnh hưởng thiên tai thôn Yên Nẫm: Ách tắc được gỡ

Sau 13 năm triển khai, với đủ bề khó khăn, cuối cùng dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng ảnh hưởng thiên tai thôn Yên Nẫm (xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đã hoàn thành, giúp người dân “an cư lạc nghiệp”.

Hành trình chính sách di dân

Khu Đồng Cốc thuộc thôn Yên Nẫm, xã Công Bình (cũ), nay là xã Yên Mỹ (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) nằm trong vùng ngập, hạ lưu xả lũ trực tiếp của hệ thống thủy lợi liên hoàn hồ Bòng Bòng và hồ Yên Mỹ. Trước kia, khu này là nơi đào lấy đất đắp đập Bòng Bòng, hàng năm cứ đến mùa mưa lũ, đặc biệt là khi xả nước hồ thì khu này đều bị ngập.

Trước tình hình trên, ngày 27/10/2011, tại Quyết định số 3549/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Dự án sắp xếp ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai và di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lũ tại thôn Yên Nẫm, gồm 2 hợp phần: Hợp phần sắp xếp ổn định, di dời dân cư, với tổng số 290 hộ, trong đó, di dời khẩn cấp 21 hộ dân khu Đồng Cốc đến khu tái định cư tập trung (TĐC) tại thôn Yên Lai; và hợp phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đường vào Khu Đồng Cốc.

Điều rất đáng phấn khởi là, đến năm 2016, các hạng mục đầu tư xây dựng hạ tầng và ổn định cho số hộ tại chỗ, hoặc di dời xen ghép đã hoàn thành. Tuy nhiên, việc di dời khẩn cấp số hộ dân Khu Đồng Cốc đến khu TĐC lại phải thực hiện kéo dài.

Làm việc với phóng viên, ông Phan Đình Lộc, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ, cho biết: “Dự án di dân thôn Yên Nẫm được tỉnh giao cho UBND huyện Nông Cống chủ trì, triển khai từ năm 2012. Phải nói rằng, đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với địa phương, được Nhân dân trong thôn rất đồng tình ủng hộ. Đến nay cho thấy dự án thực sự phát huy tốt hiệu quả.

Tuy nhiên, riêng phần di dời 21 hộ dân khu Đồng Cốc thực hiện kéo dài, mặc dù mặt bằng và hạ tầng khu TĐC đã được xây dựng, và Ban dự án cùng cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, rốt ráo vận động, cùng các biện pháp quyết liệt đôn đốc người dân vùng ngập di dời đến nơi ở mới cho an toàn. Song bà con lại lừng khừng, “bám trụ”, trong nhiều năm chưa sẵn sàng thực hiện. Do đó, thực sự rất khó khăn cho chủ dự án và chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện,

Điều đáng nói là, thường hàng năm cứ đến mùa lũ thì nguy cơ mất an toàn về người và thiệt hại về hoa màu, tài sản lại xảy ra. Cùng với đó, việc đến trường của học sinh cũng bị cách trở, gián đoạn. Vậy nên, địa phương lại phải huy động lực lượng dân quân để hỗ trợ bà con phòng tránh, khắc phục”.

Ông Lộc nói tiếp: “Đến năm 2018, Ban dự án mới tiến hành thực hiện được việc tổ chức cho bà con bốc thăm nhận đất. Sau đó địa phương lại phải một bước tiếp tục đôn đốc, rồi lần lượt mới có một số hộ tiến hành làm nhà nơi mới.

Ngày 29/9/2023, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống có Thông báo số 158, trong đó giao cho  xã Yên Mỹ “có trách nhiệm vận động các hộ thực hiện di dời, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/12/2023”. Song, do thủ tục giấy tờ giao quyền sử dụng đất cho các hộ vẫn chưa hoàn thành, nên làm chúng tôi rất lúng túng”.

Ngôi nhà khang trang của hộ bà Lê Thị Hạnh tại nơi ở mới.

Chúng tôi gặp bà Lê Thị Đức, 62 tuổi, đang xáo cỏ mía trong vườn. Bỏ cuốc, bà đon đả mời khách vào nhà. Khi được hỏi về việc ngụ cư cùng tình trạng ngập lụt hàng năm ở đây, và tại sao có khu TĐC tập trung an toàn rồi mà đến nay hầu hết bà con mới di chuyển, bà Đức cho biết: “Nhà tôi trước ở xã Phú Sơn (huyện Tĩnh Gia), tự chuyển đến đây từ năm 1988. Sau khi có dự án di dân, cũng đã có một số lần cấp trên về họp, động viên di dời đến nơi ở mới. Biết lên đó sẽ không bị ngập lụt, nhưng thực tình là khi đó, kinh tế của các hộ chúng tôi rất khó khăn, không có tiền làm nhà mới, nên đành ở liều. Khi có lũ thì chèo thuyền sơ tán lên điếm canh đê để tránh, đến khi nước rút thì lại trở về.

Còn những năm gần đây, các nhà có con đi làm ăn xa cũng có được chút của ăn của để, vả lại cũng thấy việc bám trụ nơi đây gần như năm nào cũng bị lũ lụt đe dọa, rình rập, rồi dân quân lại phải đến hỗ trợ, nên năm 2018, chúng tôi đăng ký di dời và được Ban dự án về tổ chức bắt thăm chia đất. Tuy thế, cũng có hộ sau đó làm nhà ngay, có hộ mãi đến nay cũng mới tiến hành làm”.

Bà Nguyễn Thị Quế, 53 tuổi, nhà bên cạnh cũng cho hay: Mặc dù chúng tôi đang làm nhà nơi mới, vị trí theo bốc thăm, nhưng đến nay vẫn chưa có giấy tờ giao đất. Đề nghị nhà báo trao đổi với cấp trên sớm có giấy tờ giao đất cho bà con yên tâm an cư lạc nghiệp”.

Bài toán khó đang được giải quyết

Rời khu Đồng Cốc, chúng tôi đến khu TĐC ở thôn Yên Lai, thấy cảnh vật liệu gạch cát ngổn ngang, nhiều căn hộ xây dựng dở dang đang được các tốp thợ tất bật xây trát. Vào một ngôi nhà đã hoàn thành, có người ở ổn định, tiếp chúng tôi, ông Lê Ngọc Bích, chủ hộ, cho biết: “Nhà tôi trước ở khu Khe Tre chuyển đến khu Đồng Cốc năm 1988, đến năm 2018 được bốc thăm chia đất, làm nhà ở đây đã hơn 3 năm. Còn cả khu thì cũng có 20 hộ đã lên đây làm nhà. Vất vả mãi nhưng từ khi chuyển lên đây, việc sinh hoạt, đi lại của bà con đã tốt hơn, nhất là khỏi phải chịu cảnh lụt lội mỗi khi mùa lũ đến”.

Các ngôi nhà Khu Tái định cư đang được hoàn thiện.

Trao đổi vấn đề này, ông Lê Bá Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thanh Hóa, cho biết: “Dự án di dân khỏi vùng ảnh hưởng thiên tai tại thôn Yên Nẫm do UBND huyện Nông Cống thực hiện. Qua  theo dõi, chúng tôi cũng thấy cái khó là, dự án đã được phê duyệt quyết toán rồi, song phần di dời TĐC cho 21 hộ khu Đồng Cốc lại chưa được thực hiện kịp thời. Bây giờ mới thực hiện di dời thì khó có thể “hồi tố” để giải quyết chế độ chính sách cho bà con theo thời kỳ của dự án. Còn áp dụng chế độ theo hiện tại, thì phải có dự án mới, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nên cũng rất nan giải trong một sớm một chiều”.

Chánh Văn phòng UBND huyện Nông Cống - Hà Thanh cho biết: Công việc triển khai di dời 21 hộ dân Khu Đồng Cốc (thôn Yên Nẫm) ra khỏi vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai đến nơi ở mới, thực tế đã phải diễn ra trong nhiều năm, huyện  rất tích cực đôn đốc, song bà con mãi lừng khừng, nhưng nay cũng đã có giải pháp và kết quả tiến triển tốt.

Việc hoàn thiện thủ tục giấy tờ giao đất cho các hộ chưa được kịp thời, dẫn đến có những khó khăn, lúng túng trong cách áp dụng chính sách về giao đất, huyện đã có văn bản báo cáo, xin hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường. Hiện công việc thu hồi đất nơi ở cũ của bà con đã hoàn thành, còn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nơi TĐC đang gấp rút triển khai, dự kiến xong trong quý 4 này.

Công việc còn lại trong thời gian tới đang đặt ra cho Ban quản lý dự án, các đơn vị liên quan ở huyện Nông Cống và xã Yên Mỹ cần tập trung tổ chức thực hiện, để ổn định cuộc sống cho bà con theo mục tiêu đã định. Đồng thời, rốt ráo giải quyết dứt điểm giấy tờ giao đất để bà con yên tâm gắn bó với nơi ở mới.

Trần Đức
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top