Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024 | 10:35

Các hợp tác xã ở Hà Tĩnh nỗ lực “nâng chất” và đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là ở khu vực nông thôn của Hà Tĩnh.

Đặc biệt là, khu vực kinh tế tập thể với nòng cốt là tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đã tiên phong khẳng định mình trên “sân chơi” này.

Hạt nhân trên “sân chơi” OCOP

Với sự năng động, táo bạo, hàng trăm HTX, THT trên địa bàn Hà Tĩnh đã tiếp cận chính sách hỗ trợ từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để “chạm” danh hiệu sản phẩm OCOP.

Nhìn chung, khu vực kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX, THT đã trở thành nhân tố chủ đạo, tạo hiệu ứng lan toả tích cực, đưa chương trình OCOP phát triển theo chiều sâu.

Các HTX, THT trên địa bàn đã tiếp cận chính sách hỗ trợ, nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

HTX Thu mua và chế biến thuỷ hải sản Chiến Thắng, xã Kỳ Ninh (TX. Kỳ Anh) được thành lập năm 2016. Qua hơn 8 năm hoạt động, HTX có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao.

Bà Đặng Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Thu mua và chế biến thuỷ hải sản Chiến Thắng, chia sẻ: “Xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang trên diện tích 1,2 ha, chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại... là những tiền đề để 4 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào năm 2019 ( nước mắm Luận Nghiệp, cá mờm Luận Nghiệp, sứa ăn liền Luận Nghiệp và mắm ruốc Luận Nghiệp). Chưa dừng lại ở đó, năm 2020, HTX tiếp tục nâng hạng sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao đối với nước mắm Luận Nghiệp. Nhờ vậy, sản lượng tiêu thụ tăng lên gấp đôi so với trước đây. Đặc biệt, sản phẩm nước mắm Luận Nghiệp đang kết nối để đưa vào hệ thống siêu thị BigC, xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Nga và Australia.

Đầu ra sản phẩm không ngừng tăng đồng nghĩa quy mô sản xuất của HTX cũng được mở rộng. Theo đó, HTX đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức thù lao 5-8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, đơn vị còn đóng góp tích cực vào việc bao tiêu sản phẩm thuỷ - hải sản cho ngư dân bằng việc liên kết thu mua nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất cho hơn 300 tàu, thuyền đánh bắt tại xã Kỳ Ninh.

Hà Tĩnh hiện có 287 sản phẩm OCOP, trong đó có 110 sản phẩm của 89 THT, HTX sản xuất. Các sản phẩm tập trung vào đặc trưng truyền thống của từng địa phương trên các lĩnh vực. Điều phấn khởi là, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, doanh số bán hàng của các cơ sở đều tăng lên, bình quân tăng 40% so với trước khi tham gia chương trình. Đặc biệt, có một số sản phẩm OCOP của khu vực kinh tế tập thể đã được xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản…

Nhiều HTX, THT đã “chịu đầu tư” tạo nên nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao, mẫu mã đẹp mắt được thị trường đón nhận.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh, khẳng định: “Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã tạo “sân chơi” lớn cho khu vực kinh tế tập thể. Nhờ tham gia sản xuất sản phẩm OCOP mà HTX, THT được tập huấn nâng cao năng lực về quản trị kinh doanh; thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; được “cầm tay chỉ việc” trong xúc tiến thương mại, phát triển thị trường... Đặc biệt, trong hành trình tham gia OCOP, các HTX, THT được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đồng hành, giúp đỡ. Theo đó, từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, manh mún, hiện nay, nhiều HTX, THT đã “chịu đầu tư” tạo nên nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao, được thị trường đón nhận. Nhờ vậy, doanh thu của các cơ sở không ngừng gia tăng, đảm bảo việc làm cho lượng lớn lao động tại địa phương”.

Cầu nối đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Xác định hoạt động xúc tiến thương mại là yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, là cầu nối thúc đẩy cơ hội liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng... những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT, Liên minh HTX Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp tích cực tham mưu về chính sách, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của các HTX, THT.

Hà Tĩnh hiện có hơn 1.000 HTX hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực.

Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, đã tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa tiêu biểu đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước. Từ đó  tạo cơ hội giao thương, liên kết hợp tác kinh doanh, tìm hiểu nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và thiết lập kênh phân phối đưa các sản phẩm nông sản và thủ công nghiệp vào hệ thống phân phối trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực.

Hàng năm, Hà Tĩnh đã tổ chức cho các doanh nghiệp và đơn vị thành viên tham gia các Hội chợ thương mại trong tỉnh cũng như ở các tỉnh bạn; Tham gia các Hội nghị kết nối cung cầu tại Bắc Giang, Hưng Yên, thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm cũng như tìm thị trường, đối tác tiêu thụ của các HTX, doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành trong nước, qua đó, giúp các HTX tiếp cận thị trường, mở rộng vùng nguyên liệu, kết nối doanh nghiệp; hướng dẫn các HTX chuyên ngành, HTX phi nông nghiệp xây dựng, phát triển và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm.

Ông Lê Đăng Phúc, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh, phấn khởi: “Kinh tế tập thể, HTX đã khẳng định được vai trò hỗ trợ các thành viên trong khâu sản xuất, đồng nhất quy trình kỹ thuật chăm sóc để cho ra sản phẩm đồng đều về chất lương và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Việc các HTX, tổ hợp tác tham gia vào “sân chơi” OCOP vừa giúp nâng tầm giá trị sản phẩm, vừa phát huy được lợi thế  của từng địa phương”.

Liên minh HTX Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều Hội nghị kết nối cung cầu giới thiệu sản phẩm cho các HTX.

Hà Tĩnh hiện có hơn 1.000 HTX hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Để tạo sức bật cho khu vực kinh tế tập thể, tính riêng từ năm 2017 đến nay, Hà Tĩnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các hạng mục: hỗ trợ phát triển công nghệ sinh học, hỗ trợ thiết kế và đăng ký xác lập quyền bảo hộ công nghiệp…

Nắm bắt cơ hội, hiện nay đã có trên 30% HTX ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh. Qua kiểm tra, đánh giá, các đơn vị này đã từng bước làm chủ công nghệ, chủ động phương án sản xuất kinh doanh, giảm tải sức lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và gia tăng hiệu quả kinh tế.

“Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho các HTX về nội dung ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng chuyển đổi số vào quá trình sản xuất cũng như quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm ra thị trường, kết nối và hội nhập”, ông Phúc cho biết thêm.

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top