Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 25 tháng 8 năm 2024 | 10:6

Tâm sự của một Bí thư Đảng ủy xã

Là một trong những xã trên đà về đích NTM đúng tiến độ đề ra, bà Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai) đã trải lòng với phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn về quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tại địa phương với nhiều trăn trở, tâm huyết và thành quả đáng tự hào.

Bà Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Khánh thăm mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn.

Năm 2020, hai xã Long Khánh và Long Phúc được sáp nhập thành xã Phúc Khánh như hiện nay. Với cương vị là Trưởng Ban chỉ đạo XDNTM xã, xin bà chia sẻ về những quyết tâm và nỗ lực của lãnh đạo và Nhân dân trong xã để có được những thành quả như ngày hôm nay.

Sau khi sáp nhập, xã Phúc Khánh chỉ có 6 tiêu chí NTM đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới. Những ngày đầu, Ban chỉ đạo (BCĐ) xã rất vất vả khi tư tưởng của cả cán bộ và người dân đều chưa thống nhất, đồng thuận. Bởi từ 2 xã độc lập, có sự thi đua nhau nên khi sáp nhập chưa có mối liên hệ gắn kết nào, thể hiện từ những việc nhỏ nhất như trong những buổi họp cán bộ của 2 xã ngồi tách riêng, cán bộ các thôn cũng ngồi tách riêng. Để sớm có sự hoà đồng, cùng vì việc chung, chúng tôi phải khéo léo bố trí, sắp xếp trưởng thôn ngồi với trưởng thôn, bí thư chi bộ ngồi với bí thư chi bộ, cán bộ xã này ngồi cạnh cán bộ xã kia... Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trong xã chung tay XDNTM, chúng tôi xác định phải có sự đồng nhất một lòng của đội ngũ lãnh đạo, công chức xã. Đặc biệt, tuyên truyền thế nào để các trưởng thôn, bí thư chi bộ tiếp thu tốt thì mới triển khai hiệu quả đến người dân.

Khó hơn nữa, vì là xã vùng 3 nên thu nhập của người dân rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao khiến  chúng tôi gặp phải không ít khó khăn trong công tác xóa đói giảm nghèo. BCĐ đã có nhiều cuộc họp phân tích, đánh giá từng tiêu chí để có phương án hành động, phân công cho từng ngành, từng tổ chức, từng cán bộ đảng viên có trách nhiệm giúp đỡ đến mỗi hộ dân.

Trong khi đó, xã cũng tranh thủ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành, đơn vị trong tỉnh, huyện xuống giúp đỡ tham gia xây dựng kế hoạch, đồng hành để có thêm động lực phấn đấu.

Từ sự sát sao đó, phong trào XD NTM ở xã đã có những chuyển biến như thế nào, thưa bà?

Thay đổi rõ rệt nhất là thái độ ỷ lại, trông chờ đã được cải thiện, người dân thực sự vào cuộc, chủ động tham gia chung tay xã hội hoá khiến tiêu chí khó như giao thông trở nên dễ dàng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, xã hoàn thành 18,7km đường bê tông. Trong 2 năm 2022 - 2023, người dân đã tự nguyện hiến hơn 2 ha đất, tài sản như hoa màu, tường rào, ao, công trình chuồng trại... trị giá hơn 1 tỷ đồng, trên 400 triệu đồng tiền nhân công.

Nhà Văn hoá thôn Làng Nủ được hoàn thành bằng nguồn xã hội hoá.

Tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hoá cũng được hoàn thành nhờ sự đóng góp của bà con để xây dựng được tiểu  công viên, có khu vui chơi cho người già và trẻ em, với tổng kinh phí 150 triệu đồng và 150 ngày công đổ  bê tông, lắp đặt các trang thiết bị.

Tiêu chí môi trường được tổ chức triển khai thuận lợi, năm 2024, xã phấn đấu lắp đặt 56 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở các cánh đồng, thời điểm này đã hoàn thành 50% kế  hoạch. Xã cũng vận động thành công các hộ gia đình canh tác trên cánh đồng chủ động góp kinh phí mua ống cống, bỏ rác thải vào bể, phối hợp với các ngành chức năng thu gom xử lý.

Theo bà, bài học rút ra từ việc thực hiện thành công công tác xã hội hóa là gì?

Tôi cho rằng, bài học kinh nghiệm đầu tiên và xuyên suốt là, Phúc Khánh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Khi triển khai kế hoạch hành động chương trình nào, chúng tôi cũng họp dân đưa ra nội dung, ví dụ như đường sá thôn hiện đi lại khó khăn như thế này nếu mỗi người hy sinh đi một tý, góp vào một tý thì sau đó sẽ có con đường to, đẹp đi lại thuận tiện và xin ý kiến đồng thuận, đầu tư tuyến đường này thì cụ thể là nhà nước hỗ trợ những gì, người dân phải thực hiện những gì. Tất cả cán bộ, đảng viên đứng ra góp của, góp công trước để bà con học tập theo và làm sao để người dân được biết, được bàn, được tham gia, giám sát thi công đối với tuyến đường. Đó là bài học thứ hai.

Quá trình thực hiện cũng gặp phải một số người dân chưa đồng thuận, từ chối tham gia, BCĐ không ngừng kiên trì, bền bỉ, lấy sự vào cuộc của người dân để đấu tranh với người chưa vào cuộc, là bài học thứ ba.

Đến nay, người dân trong xã đã thấy rõ lợi ích khi được thụ hưởng những tiêu chí NTM đã hoàn thành thành, diện mạo quê hương thay đổi từng ngày.

Xin bà cho biết một số kết quả mà xã đạt được trong XDNTM thời gian qua?

Hiện, toàn thể cán bộ, công chức, các ban ngành đoàn thể, các đơn vị đóng trên địa bàn xã tích cực hưởng ứng tham gia phong trào thi đua bằng nhiều sáng kiến mới trong lao động sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động, hiện vật, đóng góp tiền, hiến đất để mở đường giao thông nông thôn, đường ngõ xóm, mở rộng khuôn viên trường học, xây dựng nhà văn hóa thôn bản, cụ thể: Hiến đất mở rộng tuyến đường liên xã, làm đường GTNT  trên 4.000m2 đất ruộng, 3.000m2 đất trồng màu, trên 20.000m2 đất lâm nghiệp, hoa màu trên đất, như: ngô, sắn, cây lấy gỗ... Nhân dân các thôn bản giúp nhau chỉnh trang nhà cửa, xóa nhà chưa đạt chuẩn.

Bà con các dân tộc trong xã đã chủ động hiến đất, tài sản và ngày công lao động để XDNTM.

Các hộ dân tự chủ trong việc xây dựng các công trình nhà tắm, nhà tiêu, bể nước, xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà cửa xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Xã cũng nỗ lực triển khai thực hiện công tác giảm nghèo với nhiều nội dung và hình thức khác nhau, có nhiều mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân như: Nuôi lợn đen bản địa, nuôi trâu sinh sản, nuôi cá tầm, trồng cây có gióng, dự án sim, khoai môn tím, trồng cây công nghiệp, góp phần đáng kể trong cải thiện đời sống người dân.

Hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất là 460 hộ, tổng dư nợ  24.500 triệu đồng. Công tác giảm nghèo đang được triển khai tích cực, dự kiến số hộ giảm nghèo trong năm là 81 hộ (đạt 100% kế hoạch).

Xã đã hoàn thành được 11 tiêu chí NTM gồm: Giao thông, thủy lợi, điện nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, lao động và việc làm, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, văn hoá, an ninh trật tự. Năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành 8 tiêu chí: Quy hoạch, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, hộ nghèo, y tế, môi trường, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, hầu hết các tiêu chí này đang gần được hoàn thiện.

Xin cảm ơn bà. Chúc Phúc Khánh sớm hoàn thành mục tiêu XDNTM đề ra!

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

  • Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý 2/2024 đạt 6,93%, tính chung nửa đầu năm nay GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.

  • Nhân lên Niềm tin

    Nhân lên Niềm tin

    Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XV đã bế mạc chiều 29 tháng 6 sau hai đợt họp với 27,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao.

Top