Sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cùng với đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân là nguồn nội lực quan trọng giúp Thọ Xuân (Thanh Hóa) hoàn thành việc nâng cao các tiêu chí và đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Ý Đảng hợp lòng Dân
Năm 2011, huyện Thọ Xuân bước vào triển khai xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, chỉ đạt bình quân 5,6 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao... Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, năm 2019, Thọ Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Cũng từ đó, diện mạo nông thôn Thọ Xuân thay đổi từng ngày, ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp, văn minh, đời sống người dân được nâng lên rõ dệt. Không dừng lại ở đó, để xây dựng NTM nâng cao, qua 4 năm triển khai thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả cùng với tinh thần đoàn kết, đồng thuận, chung sức của người dân, Chương trình xây dựng NTM nâng cao của huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Người dân xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) phấn khởi khi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao sau khi đạt NTM kiểu mẫu.
Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Thọ Xuân, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 63,86 triệu đồng, gấp 1,2 lần so với bình quân chung của tỉnh. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm nhanh và bền vững; năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 2,56%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân, y tế, giáo dục được chăm lo; diện mạo nông thôn đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Duy trì đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện NTM, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao, 100% số xã thực hiện duy trì đạt chuẩn NTM, trong đó có 53,85% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 7,69% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Ông Đỗ Hùng Sơn, người dân thôn Tỉnh Thôn 2, xã Xuân Hòa phấn khởi cho biết: Sau 13 năm triển khai xây dựng NTM, người dân cảm thấy đây là chương trình đúng đắn, rất thiết thực và ý nghĩa. Từ nhà văn hóa thôn rộng chừng 10m2 đến nay đã được xây mới, mở rộng, cùng với sân chơi thể thao tạo không gian thoáng đãng để người dân sinh hoạt mỗi tối. Đường, làng, ngõ xóm được thảm bê tông, trồng hoa cây cảnh đồng bộ, môi trường sống ngày càng được nâng cao.
Theo ông Sơn, thành quả này chính là sự kết hợp giữa ý Đảng và lòng Dân, người dân chúng tôi xin được cảm ơn Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền đã có chương trình thiết thực, vì sự phát triển của địa phương, đất nước. Người dân sẵn sàng chung tay, góp sức cùng Đảng, Nhà nước, chính quyền xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nói về đồng hành của người dân với Đảng ủy và chính quyền địa phương, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho rằng, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn không chỉ có sự quyết tâm của các cấp chính quyền mà cần sự tham gia vào cuộc của người dân, đây là yếu tố đóng vai trò then chốt để địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Để làm được điều đó, ngay từ khi bắt đầu triển khai, xã đã chú trọng đến công tác tuyên truyền về ý nghĩa của chương trình, xây dựng kế hoạch và định hướng triển khai đến cán bộ cấp thôn, cấp ủy thôn bàn bạc, vận động người dân thực hiện.
Xuân Hòa là xã thuần nông, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Xã có 7 thôn thì có tới 5 thôn nằm ngoài đê sông Chu, không thể quy hoạch mặt bằng phát triển hạ tầng nhà ở nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực thực hiện xây dựng NTM. Tuy nhiên, ngay sau khi triển khai, lại nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ phía người dân. Đến nay, với kết quả xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, càng khẳng định hơn nữa lòng tin của người dân về những định hướng, kế hoạch mà chính quyền các cấp đề ra.
Cảnh quan làng quê huyện Thọ Xuân sáng, xanh, sạch, đẹp.
Tạo sự đồng thuận
Theo UBND huyện Thọ Xuân, tổng huy động nguồn lực từ năm 2011-2023 toàn huyện đạt 18.308 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 238,780 tỷ đồng (chiếm 1,3%); ngân sách tỉnh 956,933 tỷ đồng (5,23%); ngân sách huyện 1.654 tỷ đồng (9,04%); ngân sách xã 1.827 tỷ đồng (9,98%); vốn tín dụng 2.278 tỷ đồng (12,44%); vốn doanh nghiệp, HTX đầu tư 337,576 tỷ đồng (1,84%); vốn lồng ghép 146,771 tỷ đồng (0,8%); nguồn huy động từ nhân dân 10.868 tỷ đồng (59,36%); Nhân dân đóng góp xây dựng công trình phúc lợi 351.506 triệu đồng, chiếm 1,92% (bằng tiền mặt 209.626 triệu đồng; ngày công lao động 141.880 triệu đồng). Nhân dân hiến đất trị giá 140.700 triệu đồng, chiếm 0,77%; Nhân dân xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở, chỉnh trang vườn tạp trị giá 10.376.284 triệu đồng,.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi giúp người dân huyện Thọ Xuân nâng cao giá trị kinh tế từ nông nghiệp.
Có thể thấy việc huy động sức dân vào quá trình xây dựng NTM ở huyện Thọ Xuân là rất lớn, điều này cũng chứng tỏ việc tạo được đồng thuận trong phong trào xây dựng NTM ở huyện này.
Ông Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết, sau khi được công nhận huyện NTM (năm 2019), năm 2020, HĐND huyện đã ban hành nghị quyết tiếp tục thực hiện xây dựng NTM nâng cao. Với quan điểm xây dựng NTM có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc, huyện tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Theo ông Đồng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, không chỉ quyết tâm cao của toàn thể Đảng bộ, chính quyền huyện mà phải dựa vào sự đồng thuận nhất trí cao của các tầng lớp Nhân dân trong huyện. Để có sự đồng thuận, huyện chú trọng phát triển kinh tế hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần. Không những vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến, đề cao vai trò làm chủ của người dân và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Cùng với đó, việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM là khâu mấu chốt khẳng định kết quả, tác động của chương trình trong sự phát triển chung của địa phương cũng như trong đời sống Nhân dân. Bởi lẽ, người dân là lực lượng trực tiếp tham gia và thụ hưởng, ý kiến của người dân luôn khách quan khi đánh giá thành quả này. Do đó, việc quan tâm tới mức độ hài lòng của người dân được huyện Thọ Xuân chú trọng, luôn đặt lên hàng đầu trong suốt quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao.
Ngày 25/9/2024, Hội đồng thẩm định Trung ương tổ chức Hội nghị xét công nhận huyện Thọ Xuân đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023, với 100% thành viên bỏ phiếu nhất trí đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận. Với kết quả này, Thọ Xuân là huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.