Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 5 tháng 9 năm 2024 | 11:41

Sắp về đích NTM nâng cao nhưng hàng trăm hộ dân ở Hàm Ninh chưa được sử dụng nước sạch

Xã Hàm Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, nhưng đến nay vẫn còn hàng trăm hộ dân chưa được sử dụng nước sạch, người dân địa phương này đang phải sinh hoạt và sản xuất bằng nước giếng nhiễm phèn.

Nguồn nước bị nhiễm phèn 

Sau khi đạt chuẩn xã NTM (năm 2015), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hàm Ninh đang quyết tâm xây dựng và phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM nâng cao vào năm 2025. Tuy nhiên, Hàm Ninh hiện còn hàng trăm hộ dân chưa được sử dụng nước sạch (nước máy) mà đang phải sử dụng nước giếng nhiễm phèn nặng.

Ông Phan Thanh Chưởng (75 tuổi, thôn Hàm Hòa) cho hay, gia đình cũng như các hộ dân nơi đây đang phải dùng nước giếng nhiễm phèn nặng. Nhiều hộ dân phải bỏ ra 40 - 50 triệu đồng để đầu tư giếng khoan và hệ thống bể lọc nước 3 tầng, song vẫn không cải thiện được độ nhiễm phèn của nước.

Hộ anh Nguyễn Trung Trực đứng bên bể nước lọc của gia đình qua nhiều năm sử dụng do nước nhiễm phèn nên bể lọc cũng đã bị hen ố.

Anh Nguyễn Trung Trực đứng bên bể nước lọc bị hoen ố do qua nhiều năm sử dụng do nước nhiễm phèn.

“Mặc dù giếng khoan sâu nhưng nước vẫn bị nhiễm phèn, có mùi hôi. Do đó, nước giếng nơi đây chỉ để tắm giặt chứ không dám nấu ăn, uống. Người dân thường hứng nước mưa hoặc mua nước đóng bình để sử dụng trong ăn uống”, ông Chưởng cho hay.

Cùng hoàn cảnh, ngoài sinh hoạt của  4-5 người trong gia đình, hộ anh Nguyễn Trung Trực (thôn Hàm Hòa) còn có vườn 1.000m2 trồng chuối, ổi, sầu riêng, cải, ngò, khoai lang… Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình anh, việc dùng nước giếng nhiễm phèn để tưới tiêu đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất.

Nhiều hộ dân đã đầu tư bể lọc hàng chục triệu đồng nhưng vẫn không cải thiện được độ nước nhiễm phèn.

Nhiều hộ dân đã đầu tư bể lọc hàng chục triệu đồng nhưng vẫn không cải thiện được nước nhiễm phèn.

“Nước ở đây bị nhiễm phèn nặng, áo trắng giặt vài lần là bị dính màu, cho dù đã qua hệ thống xử lý nhưng sau khi tắm vẫn bị ngứa ngáy khó chịu. Dùng tưới rau phèn bám làm rau hư hại. Nhiều hộ dân chưa có giếng khoan sâu nên nguồn nước tưới tiêu thường bị thiếu, nhiều vụ phải bỏ hoang”, anh Trực cho biết thêm.

Vườn cây ăn quả của anh Trực bị hư hại do thiếu nước tưới và nước nhiễm phèn.

Vườn cây ăn quả của anh Trực bị hư hại do thiếu nước tưới và nước nhiễm phèn.

Theo người dân nơi đây, việc dùng nước giếng nhiễm phèn ảnh hưởng đến sức khỏe đã được bà con nhiều lần phản ánh lên các cuộc tiếp dân nhưng đến nay thôn vẫn chưa có nước sạch để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Người dân dùng hứng nước mưa hoặc mua nước bình để nấu ăn, uống.

Người dân nơi đây phải hứng nước mưa để dùng hoặc mua nước bình để nấu ăn, uống.

Chờ vốn đầu tư

Ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh thông tin, toàn xã có 1.781 hộ dân với 6.719 nhân khẩu; đến nay, 3 thôn đã có 100% dân số sử dụng nước sạch là Trần Xá, Trường Niên và Quyết Tiến. Còn 2 thôn, trong đó thôn Hàm Hòa với hoàn toàn 270 nhân khẩu chưa có nước sạch.

“Đơn vị tư vấn đã khảo sát thiết kế, Hội đồng nhân dân huyện cũng đã ra nghị quyết, nhưng do tình hình bất động sản bị đứng nên việc đầu tư công ở xã mấy năm nay gặp rất nhiều khó khăn. Việc đầu tư hệ thống cấp nước sạch ở thôn Hàm Hòa vượt khả năng của xã. Theo dự toán thì cần khoảng 2 tỷ đồng mới có thể nối được đường ống và đưa nước sạch từ thôn Tà Phan (xã Duy Ninh) về thôn Hàm Hòa để phục người dân”, ông Hưng cho biết.

Cũng theo thông tin từ Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, đến nay, xã Hàm Ninh đã đạt 15/19 tiêu chí NTM nâng cao và địa phương phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng NTM nâng cao. Trước đó,  huyện Quảng Ninh cũng đã đầu tư đường ống nước sạch về 2 xã Hiền Ninh, Hàm Ninh với tổng số vốn hơn 18 tỷ đồng phục vụ gần 20.000 dân.

Người dân thôn Hàm Hòa nói riêng và xã Hàm Ninh nói chung đang nổ lực phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Người dân thôn Hàm Hòa nói riêng và xã Hàm Ninh nói chung đang nổ lực phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, cho hay: Huyện có chủ trương rà soát lại những công trình xây dựng cấp thiết, trong đó có vấn đề nước sạch ở thôn Hàm Hòa, xã Hàm Ninh. Huyện đã yêu cầu báo cáo để huyện xem xét, từ nay đến cuối năm có vốn thì sẽ cho khởi công đường ống cấp nước cho thôn Hàm Hòa.

Ngày 01/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 211/QĐ-TTg sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 - 2025

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi chỉ tiêu 17.1 về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung thuộc tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm.

Chỉ tiêu 17.1 được đánh giá là đạt khi có tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn bằng hoặc cao hơn mức quy định đối với vùng và tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung đạt quy định của UBND cấp tỉnh (nếu có).

Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 quy định các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có tỷ lệ số hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt từ 45% trở lên (trong đó từ 20% trở lên số hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung).

Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có từ 55% trở lên số hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.

 

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top