Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 8 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 11 năm 2024 | 20:28

Thừa Thiên - Huế xây dựng vùng quê thành nơi “đáng sống”

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với cách làm chủ động, sáng tạo, giúp thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê, nâng cao mọi mặt đời sống người dân.

Nâng chất các tiêu chí NTM

Xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đã có những nét chuyển biến đáng ghi nhận, đến nay, toàn tỉnh có 75/94 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 6 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Bằng những chủ trương đúng đắn cùng cách làm sáng tạo, phù hợp, hầu hết các xã NTM ở Thừa Thiên -  Huế đều đạt các tiêu chí đề ra, hệ thống giao thông thôn xóm được bê tông, nhựa hóa; trường học, trạm y tế được công nhận chuẩn quốc gia, đảm bảo tiêu chí “xanh - sạch - đẹp”; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường; thiết chế, hạ tầng nông thôn đạt chuẩn…

Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Thừa  Thiên - Huế luôn ưu tiên đầu tư, xây dựng các vùng quê trở thành nơi có nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, hạ tầng kỹ thuật kết nối thuận lợi, nông dân ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để giảm sức lao động, tăng năng suất, chất lượng nông sản và lợi nhuận.

Nhờ đó, nhiều địa phương đã thực sự “chuyển mình”, “lột xác” trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu như Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), Vinh Hưng (huyện Phú Lộc) với mô hình thí điểm xã NTM thông minh; xã miền núi Hương Xuân (huyện Nam Đông) sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao đang phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu về chuyển đổi số.

Cùng với đó, các thôn, làng như: Thành Trung (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền), La Vân Hạ (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền), thôn 9, thôn 10 (xã Hương Xuân, huyện Nam Đông), đặc biệt là làng Hà Cảng, xã Quảng Phú với những con đường  đôi bên bờ là ruộng đồng xanh ngát, những ruộng mía thẳng tắp làm say đắm lòng người, con đường nội đồng nhỏ, hẹp, với “cây cô đơn” khác xa đường thành phố nhưng cái trầm lặng khiến lòng người nhẹ nhõm mỗi khi dạo bước là cảm giác khó tìm thấy ở những chốn phồn hoa đô thị đã trở nên nổi tiếng sau bộ phim Mắt Biếc của đạo diễn Victor Vũ.

Từ đó, nhiều điểm du lịch nông thôn trở nên nổi tiếng trong lòng du khách như: Làng du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh (huyện Quảng Điền), rừng ngập mặn Rú Chá (TP. Huế), thác Anor (huyện A Lưới), khu du lịch suối Tiên (huyện Phú Lộc)… thu hút hàng ngàn lượt du khách mỗi năm đến trải nghiệm, khám phá.

Hay như 2 xã Phong An,  Điền Lộc (huyện Phong Điền) có những chuyển biến vượt bậc trong xây dựng hạ tầng nông thôn từng bước đồng bộ, phát triển sản xuất, thương mại dịch vụ, đời sống người dân ngày càng nâng cao, đang phấn đấu trở thành phường trong thời gian tới, góp phần đưa huyện Phong Điền trở thành thị xã vào cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Cùng với các phong trào do Trung ương phát động, tại Huế, nhiều phong trào xây dựng NTM  được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và có sức lan tỏa mạnh mẽ như:  “Ngày Chủ nhật xanh”, “Mai vàng trước ngõ”, “Thành phố 4 mùa hoa”, “Điểm xanh văn hoá”, “Sắc hồng Cố đô”, “Khu dân cư văn minh - thân thiện - an toàn - giàu bản sắc”, “đường hoa NTM, “ánh sáng NTM”, “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, “nói không với túi nylon”..., qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong mọi mặt đời sống khu vực nông thôn. Đây là những nét khác biệt của Huế trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu so với các địa phương khác.

Xây dựng vùng quê xanh, đẹp, “thông minh”

Ông Lê Thành Nam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay: Xây dựng NTM là làm cho người dân, chủ yếu là nông dân, cho nông thôn, mà người dân nông thôn là chủ thể, là trung tâm của chương trình. Mục tiêu cao nhất và xuyên suốt khi làm NTM là cuộc sống người dân phải sung túc hơn, xã hội ở nông thôn yên bình hơn và chính quyền ở nông thôn thân thiện hơn. Đây là ba yếu tố cốt lõi phải hướng đến mà địa phương nào cũng cần lưu ý khi xây dựng NTM, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Từ các chính sách, Chương trình xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.

Sau khi các xã hoàn thành chỉ tiêu NTM, không dừng lại mà tiến xa hơn để đời sống người dân ngày một tốt đẹp hơn, xây dựng nên các “miền quê đáng sống”, “miền quê hạnh phúc” hay “xứ sở hạnh phúc”,… Đây là những mục tiêu mà trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu mà Thừa Thiên - Huế đang hướng đến.

Để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở Thừa Thiên - Huế hiệu quả, theo ông Lê Thành Nam, cần đẩy mạnh thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau: Phải coi xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; trong đó cấp ủy, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quá trình thực hiện. Thực tế cho thấy, những kết quả đạt được trong thời gian qua gắn liền với sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trong tổ chức thực hiện, cần có kế hoạch cụ thể, phải thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của cơ sở, từ đó đề ra những biện pháp tháo gỡ kịp thời. Đội ngũ tham mưu thực hiện Chương trình ở các cấp phải đủ mạnh, chuyên nghiệp, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về xây dựng NTM để nâng cao hiệu quả tham mưu chỉ đạo, điều hành.

Phải dựa vào sức dân, khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong công cuộc xây dựng NTM, phải thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ” để làm cơ sở huy động sự vào cuộc của người dân, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để người dân thực sự làm chủ trong xây dựng NTM, Nhà nước chỉ đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ.

Đồng thời, trong triển khai thực hiện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phải có sự linh hoạt vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; mặt khác, coi trọng tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, phát hiện cách làm hay, ý tưởng sáng tạo, các gương điển hình làm cơ sở nhân rộng, tạo sức lan toả trên địa bàn toàn tỉnh... Như việc thực hiện cơ chế đặc thù, hỗ trợ xi măng làm đường thôn, xóm; sáng kiến “Ngày NTM” ở huyện A Lưới, xây dựng mô hình thôn kiểu mẫu, vườn mẫu đặc thù ở huyện Quảng Điền,...

Trong điều kiện nguồn lực có hạn của ngân sách Nhà nước, đa dạng hóa các kênh huy động là điều cần thiết phải làm, đồng thời cần chủ động lồng ghép có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để phục vụ xây dựng NTM. Việc bố trí ngân sách xây dựng cũng cần phải tập trung, tránh dàn trải, đẩy mạnh thực hiện áp dụng các công trình theo cơ chế đặc thù nhằm tăng cường tham gia của người dân với hình thức tự làm… để phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.

Tập trung thực hiện hiệu quả 6 chương trình chuyên đề của Trung ương để Chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu, bền vững, TT - Huế với nền móng vững chắc của nhiều năm xây dựng NTM sẽ đưa giấc mơ về những vùng quê xanh, đẹp, “thông minh” trở thành hiện thực.

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
Top