Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 7 tháng 12 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 11 năm 2024 | 14:0

Chương trình OCOP: Sức bật mới của nông nghiệp Hải Phòng

TP. Hải Phòng đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), với mục tiêu tạo ra sản phẩm OCOP chất lượng, mang đặc trưng, lợi thế của mỗi địa phương.

Thông qua chương trình, các sản phẩm OCOP có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, qua đó tạo sức bật phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Nâng “chất” sản phẩm nông nghiệp

Cơ sở sản xuất rượu Hoàng Quân (xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo) là đơn vị có sản phẩm rượu đầu tiên được TP. Hải Phòng công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, cấp chứng nhận tiêu chuẩn, đăng ký thương hiệu độc quyền.

Chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn, chị Hoàng Thị Gái, chủ cơ sở sản xuất rượu Hoàng Quân, thông tin: Từ nguồn nguyên liệu chính là hạt gạo nếp được trồng trên cánh đồng làng Mân (thôn Kênh Hữu, xã An Hòa), người dân chuyên cấy giống lúa nếp cái hoa vàng cho chất lượng hạt gạo mẩy, dẻo, thơm ngon.

Chị Hoàng Thị Gái, chủ cơ sở sản xuất rượu Hoàng Quân nấu chín gạo nếp Mân đem trộn với men thuốc Bắc, ủ lên men rồi đem chưng cất thành rượu.

Gạo nếp Mân được nấu thành cơm đem ủ với men thuốc Bắc, chưng cất 2 lần. Sau khi chưng cất, đem đi hạ thổ theo phương thức truyền thống. Sau 8 tháng đến 1 năm thì xử lý qua máy khử độc tố và đóng chai thành phẩm.

Một năm, cơ sở sản xuất rượu Hoàng Quân cung cấp ra thị trường 30.000 lít rượu, chủ yếu  phân phối tại Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, TP. HCM, trên các hệ thống siêu thị, nhà hàng và các sàn giao dịch như postmart, tiki, lazada…

Hiện nay, cơ sở có 3 sản phẩm gồm: Nếp cái hoa vàng hạ thổ, Nếp cái ngâm củ đinh lăng, Nếp cái ngâm củ ba kích được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao lần 1 năm 2019, lần 2 năm 2022. Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, thị trường tiêu thụ của cơ sở rộng mở hơn, tiếp cận đến các thị trường khó tính.

Sản phẩm na bở Liên Khê (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) được công nhận OCOP 3 sao năm 2021. Với diện tích hơn 100 ha, giống na bở Liên Khê có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với giống na dai và na nhập ngoại khác, vì cây phát triển nhanh, khỏe, đậu quả nhiều, sinh trưởng tốt, có hương thơm đặc biệt nên trái na bở Liên Khê được người tiêu dùng ưa chuộng,  thương lái săn lùng.

Na bở Liên Khê quả to, ngọt sắc và thơm, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, na bở Liên Khê đã mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm cho người trồng. Cụ thể, nếu trước đây  na chỉ có giá dưới 50.000 đồng/kg, thì sau khi đạt OCOP, na bở Liên Khê có giá bán cao hơn các loại na khác 50-80%, giá trung bình  80.000-130.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Nhờ trồng na bở, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Với các tiêu chí khắt khe trong việc xét công nhận, sản phẩm OCOP Hải Phòng được siết chặt, chuẩn hoá chất lượng. Từ nông dân đến nhà sản xuất, kinh doanh sẵn sàng lắng nghe, thích nghi, thay đổi tập quán sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ.

Mở rộng thị trường

Năm 2018, TP. Hải Phòng bắt đầu thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) theo Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình  tập trung phát triển 6 nhóm sản phẩm gồm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch cộng đồng và phát triển du lịch.

Đến hết tháng 7/2024, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp thành phố đã đánh giá 292 sản phẩm OCOP Hải Phòng.

Với sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự chung sức đồng lòng của các chủ thể, Chương trình OCOP đã khẳng định được hướng đi đúng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất.

Tính đến hết tháng 7/2024, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp thành phố ở Hải Phòng đã đánh giá 292 sản phẩm, cấp giấy chứng nhận cho 287 sản phẩm. Trong đó, có 87 sản phẩm 4 sao, 200 sản phẩm 3 sao và 5 sản phẩm đang gửi Trung ương đánh giá 5 sao. Mục tiêu đến hết năm 2025 (giai đoạn 2021-2025), TP. Hải Phòng có 335 sản phẩm OCOP.

Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích và tạo động lực cho các chủ thể tham gia chương trình tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ. Đây vừa là cơ hội khơi dậy tiềm năng sản phẩm địa phương, vừa là thách thức trong đổi mới tư duy sản xuất đối với người dân và các cơ quan, đơn vị nhằm đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hải Phòng, để thực hóa các mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như: Thực hiện Chương trình OCOP phải trên cơ sở cung - cầu, gắn với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng miền. Dựa vào giá trị đặc sắc bản địa, đồng thời hướng đến thị trường toàn cầu, tuyệt đối không làm theo phong trào hoặc lối mòn. Tăng cường công tác giám sát sau công nhận OCOP để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn và nâng cao uy tín cũng như xây dựng thương hiệu của sản phẩm OCOP đối với người tiêu dùng.

Trong quá trình đưa sản phẩm OCOP ra thị trường, cần tiếp tục kiểm tra, nếu sản phẩm không đảm bảo, kiên quyết loại ra khỏi Chương trình. Chú trọng các loại hình kinh tế tham gia OCOP, trong đó, HTX và doanh nghiệp phải là “đầu tàu” trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá các hoạt động truyền thông, đào tạo, tập huấn, tổ chức hội chợ… nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX, các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm OCOP…

Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ OCOP Hải Phòng, cho biết, Câu lạc bộ được thành lập tháng 10/2023 và duy trì hoạt động với 34 thành viên chủ thể OCOP là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, HTX và doanh nghiệp trên địa bàn 8 quận, huyện. Câu lạc bộ là sân chơi, giúp các thành viên có thêm động lực, môi trường để phát triển các sản phẩm OCOP, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP của thành phố.

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
Top