Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 12 tháng 10 năm 2024  
Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024 | 9:25

Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

Vay vốn phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả

Như nhiều hộ dân khác ở thôn Đang, xã Bhalêê (Tây Giang - Quảng Nam), cuộc sống gia đình chị Avô Thị Bé  từ lâu chủ yếu dựa vào nương nẫy. Hai vợ chồng dù rất siêng năng trồng trọt nhưng không thể thoát cảnh chật vật chạy từng bữa cơm.

Quyết tâm không để cái nghèo đeo bám, chị Bé mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện Tây Giang để bán tạp hóa tại nhà.

Chị Avô Thị Bé nuôi heo đen bản địa để thoát nghèo.

Trang trại của gia đình chị Avô Thị Bé.

Dù có đồng ra, đồng vào, cuộc sống khá hơn trước kia nhưng chuyện thoát nghèo bền vững vẫn đang bỏ lửng. Trong lúc tính toán bước đi kế tiếp thì nghe thông tin có lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do huyện tổ chức, chị Bé đăng ký tham gia để tích lũy kinh nghiệm. Qua quá trình tập huấn, chị nhận thấy tiềm năng trong phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Năm 2021, chị bàn với chồng tiếp tục đăng ký vay vốn ưu đãi tín dụng chính sách, cộng thêm ít vốn dành dụm từ hàng tạp hóa để đầu tư nuôi heo (lợn) bản địa và nuôi dê, nuôi bò sinh sản.

Sau nhiều năm nỗ lực chăm sóc, nhân đàn, trang trại nhỏ của chị Bé có gần 40 heo nái và heo đen bản địa, 15 con bò, hàng chục con dê cùng gà, vịt thả vườn... Ngoài ra, chị còn trồng 5ha cây keo phủ xanh đồi trọc, phát triển kinh tế rừng. Mỗi năm, gia đình chị có thu 100-150 triệu đồng. Đây là con số đáng mơ ước đối với một hộ dân ở vùng cao.

“Chủ trương xóa đói giảm nghèo nếu chỉ chính quyền phát động thôi là chưa đủ, người dân phải có ý chí vươn lên, chịu khó lao động, phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương. Với suy nghĩ này, tôi đi trước làm gương để bà con cùng nhau làm kinh tế, cùng nhau giảm nghèo bền vững”, chị Bé tâm sự.

Bên cạnh làm kinh tế giỏi, chị Avô Thị Bé còn là Chi hội trưởng phụ nữ thôn Đang năng động, nhiệt huyết. Chị luôn là đầu tàu trong mọi phong trào, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng gia đình hạnh phúc… cho hội viên.

Noi gương chị Bé, nhiều chị em ở bản làng vùng cao này không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà đã siêng năng lao động và mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh tế hiệu quả.

Nỗ lực xóa đói giảm nghèo

Chị Bnướch Thị Blắc, ở thôn R’cung, xã Bhalêê (Tây Giang), lập gia đình năm 2004 và có 2 con. Hai vợ chồng dù chịu khó bám rẫy, làm thuê nhưng mãi vẫn không thể thoát nghèo. Tương tự câu chuyện chị Avô Thị Bé, quá trình vươn lên, lập nghiệp của chị Blắc cũng bắt đầu từ hàng tạp hóa nhỏ tại nhà.

Chị Bnướch Thị Blắc chăm sóc cây ăn quả trong vườn.

Tiền tích lũy từ bán hàng, chị dành dụm đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ chính quyền, ngành chức năng tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và cách chọn con - cây giống phù hợp điều kiện địa phương, chị trồng keo, quế, cam theo từng khu vực vườn đồi của gia đình.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, chị trồng xen thêm sắn, bắp (ngô) và chăn nuôi gà, vịt thả vườn cung cấp cho thị trường. Hiện kinh tế vườn cho gia đình chị thu hơn 100 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho bà con địa phương.

Tiếp nối thành công từ làm vườn, chị Blắc đầu tư thêm phương tiện vận tải, chuyên nhận chở vật liệu xây dựng, san ủi đất vườn, đất đồi cho bà con làm kinh tế.

Chị nói, trong quá trình bà con làm vườn, chị vừa nhận san ủi, vừa tư vấn cách trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Ai cần chia sẻ kinh nghiệm thì đến nhà, chị Blắc đều nhiệt tình tiếp đón, trao đổi kiến thức mà chị biết với phương châm “trao cho bà con cái cần câu”. Với chị, có thêm nhiều hộ kinh doanh, làm ăn phát đạt thì đời sống càng nâng cao, góp phần xây dựng đời sống mới trên bản làng vùng cao.

Sinh thời, Bác coi đói nghèo là giặc. Nỗ lực xóa đói giảm nghèo là quyết tâm “đánh đuổi” đói nghèo ra khỏi xã hội. Hai chị Avô Thị Bé và Bnướch Thị Blắc  là những “chiến sĩ” tiên phong trên mặt trận giảm nghèo bền vững ấy. Mỗi người có điều kiện riêng song điểm chung là khát vọng vươn lên, xóa bỏ định kiến về giới và làm giàu chính đáng.

Chị Lê Kim Vị, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Giang, cho biết, noi gương Bác, Avô Thị Bé và Bnướch Thị Blắc là những tấm gương sáng để cộng đồng noi theo, thúc đẩy phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trên địa bàn huyện Tây Giang.

Đẩy mạnh rà soát nhu cầu vốn vay

Không chỉ ở Tây Giang, thời gian qua, nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH tỉnh Đắk Nông, hàng nghìn hộ dân, đặc biệt là hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện đầu tư vào sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Noi gương Bác, không ngừng tăng gia sản xuất, từng bước thoát nghèo, đầu năm 2024, gia đình chị Lê Thị Minh (thôn 11, xã Nam Dong, huyện Cư Jút)  vay NHCSXH huyện  50 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo. Có vốn, gia đình chị đầu tư mua 50 con dê giống về chăn nuôi.

Theo tính toán của chị Minh, nếu thuận lợi, đến cuối năm 2024, gia đình sẽ xuất bán 1 - 2 lứa dê. Nguồn lợi nhuận từ nuôi dê, gia đình chị sẽ tái đầu tư vào chăm sóc vườn rẫy, cây ngắn ngày và nuôi thêm heo thịt. “Từ nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ kịp thời nên gia đình khá thuận lợi trong quá trình đầu tư chăn nuôi. Điều này góp phần rất lớn để gia đình hạn chế tình trạng phải đi vay ngoài lãi suất cao để đầu tư vào sản xuất như những năm trước”, chị Minh chia sẻ.

Nhiều hộ gia đình khó khăn có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn chính sách.

Hay như ở huyện Đắk Song, đầu năm 2024, nhiều gia đình cũng đã vay được vốn ưu đãi từ NHCSXH. Gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng ở thị trấn Đức An đã vay vốn ưu đãi để chăn nuôi heo thịt và bước đầu mang lại hiệu quả cao. Anh Hoàng chia sẻ: “Đời sống người dân hiện nay chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nay, giá nông sản cao, người dân phấn khởi. Đặc biệt, có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH nên chúng tôi mạnh dạn đầu tư thêm chăn nuôi”.

Theo anh Hoàng, nguồn vốn vay từ NHCSXH vừa ưu đãi lãi suất, vừa có thời gian vay dài nên nông dân đỡ gánh nặng trả gốc, lãi. Hồ sơ vay vốn đơn giản, thuận tiện nên hỗ trợ rất lớn cho bà con nghèo.

Theo báo cáo của  NHCSXH tỉnh Đắk Nông, đầu năm là thời điểm người dân rất cần vốn tái đầu tư cây trồng. Với phương châm không để người dân lỡ thời điểm đầu tư, đơn vị tham mưu cho ban đại diện, chính quyền các địa phương đẩy mạnh rà soát nhu cầu vay vốn tại cơ sở. Trong đó, chi nhánh sẽ ưu tiên các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ gặp khó khăn tại  địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top