Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 11 năm 2024 | 9:16

Tăng cường liên kết để HLV và kinh tế vườn - VAC nâng tầm cả lượng cùng chất (Bài 1): Đa dạng trong thống nhất

Tại Hội nghị giao ban Hội Làm vườn (HLV) các tỉnh miền núi phía Bắc (MNPB) diễn ra tại Phú Thọ vừa qua, ý kiến phát biểu của lãnh đạo HLV các địa phương trong vùng đều cho rằng: HLV và kinh tế vườn - VAC có vai trò quan trọng trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn, kinh tế gia đình, được người dân hưởng ứng, tạo thành phong trào rộng khắp, có sức lan tỏa, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và có nhiều sự hỗ trợ thiết thực.

Đa dạng mô hình tổ chức

Phát biểu tại Hội nghị Giao ban HLV các tỉnh MNPB, PGS.TS. Lê Quốc Doanh, Chủ tịch HLV Việt Nam đánh giá, vùng miền núi phía Bắc là địa bàn có nghề vườn và liên quan đến kinh tế vườn đồi phát triển, nhiều loại cây ăn quả chủ lực cho năng suất và giá trị kinh tế rất cao, điển hình là hai tỉnh Bắc Giang, Sơn La. Cùng với sự phát triển của kinh tế vườn, kinh tế - VAC, HLV trên địa bàn cũng rất năng động trong hoạt động. Đây là khu vực đa dạng phương thức hoạt động Hội và đa dạng mô hình kinh tế vườn, kinh tế VAC hiệu quả.

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị Giao ban HLV các tỉnh MNPB và Báo cáo của HLV Việt Nam đã nêu được vai trò, tầm quan trọng và sự đa dạng trong tổ chức, cơ chế quản lý, phương thức hoạt động của HLV tại các địa phương đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, kinh tế hộ gia đình và trong xây dựng nông thôn mới, vì thế, các cấp Hội luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Khu trồng cây ăn quả của HTX trồng trọt, chăn nuôi xã Đồng Trung (Thanh Thủy - Phú Thọ). Ảnh: Việt Quân.

Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch HLV tỉnh Lạng Sơn, cho biết, từ rất lâu, HLV Lạng Sơn có sự gắn kết rất đặc biệt đối với Sở NN-PTNT (HLV Lạng Sơn thành lập theo Quyết định số 121-UB/QĐ-TC ngày 8/6/1987 của UBND tỉnh, sau đó, ngày 7/3/1988, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 70-UB/QĐ-TC chuyển giao HLV tỉnh về trực thuộc Sở Nông - Lâm nghiệp tỉnh quản lý). Ở huyện, Trưởng phòng Nông nghiệp là Chủ tịch Hội huyện.

“HLV tỉnh Lạng Sơn là hội đặc thù, được bố trí trụ sở làm việc, bộ máy quản lý với 4 viên chức và được cấp ngân sách cho cho hoạt động thường xuyên. Đây là điều kiện thuận lợi giúp Hội hoạt động hiệu quả hơn”, bà Thu nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Sinh Cung, Chủ tịch HLV tỉnh Cao Bằng, HLV tỉnh được UBND tỉnh công nhận là Hội đặc thù, hàng năm UBND tỉnh cấp kinh phí cho Hội hoạt động chi thường xuyên, được tỉnh bố trí trụ sở làm việc và 3 viên chức. Trụ sở HLV tỉnh còn được gắn với diện tích làm vườn giữ quỹ gen cây trồng bản địa có diện tích gần 1.500m2.

“Mặc dù HLV tỉnh được công nhận là Hội đặc thù, nhưng HLV các huyện không được công nhận là hội đặc thù, nên gặp rất nhiều khó khăn, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ tỉnh sau khi thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm đơn vị hành chính cấp huyện, nên mỗi huyện lại áp dụng một cách đối với Hội”, ông Cung nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Cầu, Chủ tịch HLV tỉnh Hà Giang, HLV Hà Giang cũng được công nhận là Hội đặc thù, UBND cũng bố trí cho Hội văn phòng làm việc và có giao biên chế. Đối với cấp huyện, lãnh đạo Hội Nông dân trực tiếp làm lãnh đạo HLV, đối với cấp xã do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm Chủ tịch Hội, chính vì vậy, việc chỉ đạo đối với cấp huyện vẫn được thực hiện từ cấp tỉnh xuống.

“HLV Hà Giang được quản lý bởi hai cơ quan,Tỉnh ủy phân công Ban Dân vận theo dõi, UBND tỉnh quyết định giao Sở NN-PTNT phụ trách HLV, do đó, mối quan hệ giữa Sở NN-PTNT và HLV đã có sự phối kết hợp với nhau trước khi có Nghị quyết liên tịch số 06, đây cũng là điều kiện thuận lợi trong công tác chỉ đạo từ HLV cấp tỉnh xuống các cấp Hội địa phương”, ông Cầu cho biết.

Khác với những địa phương khác, Sơn La lại có đặc thù riêng. Năm 2020, UBND tỉnh Sơn La thành lập Hội Ngành nghề nông thôn, trên cơ sở của HLV, Hội Sinh Vật cảnh và Hội Nuôi ong. Ông Võ Văn An, Chủ tịch Hội Ngành nghề nông thôn tỉnh Sơn La, cho biết, Hội được UBND tỉnh phân bổ biên chế, cấp kinh phí, phương tiện và trụ sở.  “Tất cả mọi hoạt động liên quan đến ngành nông nghiệp thuộc lĩnh vực của Hội, UBND tỉnh đều giao cho Hội trực tiếp thực hiện, đây là những điều kiện rất thuận lợi đối với Hội Ngành nghề nông thôn Sơn La”, ông An nhấn mạnh.

Trao đổi tại Hội nghị, ông Võ Duy Sang, Chủ tịch HLV - Trang trại Thanh Hóa, đại biểu khách mời cho biết, HLV - Trang trại Thanh Hóa là hội đặc thù, được tỉnh giao nhiệm vụ. Hiện có 27/27 Hội huyện, thị xã, thành phố; 495/559 hội xã, phường, thị trấn với trên 28.000 hội viên. Hội có CLB chủ Trang trại - Doanh nghiệp với 85 hội viên. Hội được UBND tỉnh giao thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM  giai đoạn 2021-2025...

Nhiều hoạt động thiết thực 

Theo Báo cáo của HLV Việt Nam, hoạt động được các cấp Hội tổ chức tập trung vào tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tập trung vào công tác tổ chức tập huấn, hội thảo, tham quan khảo sát các mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại hiệu quả, chuyển giao việc nghiên cứu đề tài khoa học và công tác thi đua khen thưởng.

Chủ tịch HLV-SVC tỉnh Hòa Bình Đỗ Quốc Hương cho biết, để nâng cao nhận thức; bồi dưỡng phương pháp kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; kỹ năng hoạt động cho cán bộ hội viên, HLV-SVC đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng và tham quan các mô hình làm kinh tế vườn, kinh tế trang trại giỏi.

“Thông qua các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ này, hội viên được cập nhật nhiều kiến thức bổ ích, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn đối với hội viên”, ông Hương nói.

Là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, hệ thống giao thông không được thuận lợi, nhưng HLV Cao Bằng đã phối hợp với  HLV Việt Nam tổ chức 01 lớp tập huấn và tham quan mô hình, thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số và mã số cây trồng, vùng trồng; một số vấn đề về nông nghiệp tuần hoàn.

Chủ tịch HLV Cao Bằng Nguyên Sinh Cung nói: “Ngoài  tổ chức hội thảo, tập huấn, tham quan, HLV Cao Bằng còn cung ứng các loại vật tư kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế VAC kịp thời, đồng thời đôn đốc, củng cố, duy trì các vườn ươm hộ về sản xuất giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu cây giống cho sản xuất.”

Trong hoạt động chuyên môn của mình, HLV tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng mô hình chăn nuôi sinh học tại xã Tân Cương (TP.Thái Nguyên), ngoài cung cấp thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng, còn cung cấp lượng phân bón đáng kể cho cây trồng…

Chủ tịch HLV Thái Nguyên Đào Thị Dung cho biết, chăn nuôi gà sinh học là việc thực hiện các biện pháp tổng hợp, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm và phát tán mầm bệnh cho gia cầm nuôi. Để thực hiện mô hình, người chăn nuôi phải chấp nhận hàng loạt sự thay đổi về thái độ, hành vi để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Trong các hoạt động của HLV các địa phương, không thể thiếu công tác thi đua khen thưởng, bởi công tác này là động lực để thúc đẩy và nhân rộng những cá nhân, tập thể điển hình, tiên tiến trong phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Ông Nguyễn Sinh Cung cho biết, HLV Cao Bằng đã tham gia tích cực vào các hoạt động thi đua do UBND tỉnh và các ngành phát động, như phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn; phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 hay phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa nơi công sở”; phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số” giai đoạn 2021-2025.

“Qua các phong trào thi đua này đã tác động tích cực đến kết quả sản xuất, kinh doanh của hội viên, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Năm 2023, Hội đã được UBND tỉnh Cao Bằng tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023”, ông Cung nói.

Bài 2: Nở rộ mô hình sản xuất giỏi

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top